Dân nghèo đào ngọc bích, dính HIV

Thứ Năm, 23/02/2017, 12:32
Vì người Trung Quốc thích đeo ngọc bích, người nghèo ở Myanmar phải bán sức lao động giá rẻ bèo, “bán” cả xác cho thần chết vì dính ma túy, bệnh nhiễm trùng và bị chủ bóc lột sức lao động đến cùng cực.


Theo báo New York Times, kỹ nghệ mỏ Myanmar cất cánh từ những năm 1980, khi Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường. Từ sau lần Mao Trạch Đông cấm lĩnh vực tư nhân năm 1949, lần đầu tiên các nhà thầu Trung Quốc đánh cược rằng đá quý sẽ giúp họ “phất to”.  Họ lao vào kỹ nghệ này. Tài lực của họ giúp tạo nên một kỹ nghệ đục tạc những tượng Phật, vòng ngọc vốn trở thành biểu tượng “có của ăn của để” của giai cấp trung lưu Trung Quốc. Từ hàng ngàn năm nay, người Trung Quốc rất quý ngọc, cho rằng nó có thể giúp chữa nhiều bệnh và xua đuổi được mọi xui rủi.

Sang Aung Bau Hkum từng là cậu con trai 16 tuổi của một nhà buôn đá quý Myanmar, đã tìm đến những mỏ ngọc để đào tìm thứ đá quý mà dân Trung Quốc đang rất chuộng. Chỉ sau một tháng, Sang đã nghiện ma túy, thú giải trí duy nhất của những “nô lệ” bản xứ phải đào ngọc cho các “chủ nô” trong những cánh rừng bắc Myanmar. 

3 năm sau, Sang đào được một viên ngọc  và được một nhà buôn Trung Quốc trả công 6.000 USD. Sang mua một xe gắn máy, một điện thoại di động rồi lao vào cờ bạc, phê ma túy. Hiện Sang. 24 tuổi, cai ma túy ở một trung tâm tại thủ phủ Myitkyina của bang Kachin (bắc Myanmar), nói: “Bọn chủ biết chúng tôi nghiện, nhưng chúng nào quan tâm. Chúng chỉ quan tâm tới ngọc”.

Nhà buôn TQ xem xét một khối ngọc nặng hàng trăm ký.

Sang chỉ là một trong số những nạn nhân từ cơn khát ngọc của tầng lớp trung lưu Trung Quốc, khi kỹ nghệ ngọc Myanmar bùng nổ, vốn lẽ ra sẽ giúp đất nước nghèo này trở nên thịnh vượng. Các thợ mỏ, công ty mỏ cùng các nhà hoạt động xã hội nói những nhà buôn Trung Quốc cấu kết với các sĩ quan quân đội Myanmar và nhóm quân ly khai Kachin đòi tự trịđể buôn lậu số đá quý trị giá hàng tỉ USD vào Trung Quốc.

Vùng núi bang Kachin giàu tài nguyên tự nhiên là nơi có nhiều ngọc nhất. Bang miền nắc này chung biên giới dài với Trung Quốc  và là “nhà” của cộng đồng thiểu số Kachin. Chính quyền đóng cửa khu vực thường xảy ra chuyện đánh nhau lẻ tẻ với quân ly khai Kachin. Chỉ có các chủ mỏ người Trung Quốc mới được phép đi qua các chốt kiểm soát quân sự, hoặc các nhà buôn Trung Quốc vào để mua ngọc.

Một chốt kiểm soát quân sự ở vùng mỏ bắc Myanmar.

Thủ phủ Myitkyina là “cổng vào” vùng mỏ ngọc Hpakant lớn nhất thế giới, nhưng rất nghèo. Dưới những mỏ sâu hun hút, hàng trăm thanh niên dùng cuốc xẻng đào đá dưới sức nóng hầm hập để tìm ngọc. Có lúc họ phải phun nước để đục tường đá, một biện pháp nguy hiểm vì có thể gây ra trượt đất, bít hầm mỏ. Trên miệng mỏ là bãi để thợ mỏ dùng chung kim tiêm để phê ma túy.

Tệ hơn, nhà nào cũng có người nghiện ma túy. Hầu hết thợ mỏ Kachin đào ngọc đều dính HIV vì dùng chung kim tiêm khi chơi ma túy, hoặc vì quan hệ tình dục không an toàn với gái bán dâm do “chủ nô” dẫn vào mỏ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói 30% người nghiện ma túy dùng kim tiêm chung ở Myitkyina đều “dính” virus HIV gây bệnh AIDS. Nghiện ma túy đang tàn phá sức khỏe, tính mạng người Kachin. 

Suốt hàng chục năm, người nghiện ma túy là chuyện hiếm ở bang Kachin. Nhưng kỹ nghệ ngọc bùng nổ đã tạo ra một chợ ma túy trong hàng ngàn thợ mỏ Kachin muốn thoát nghèo. Ze Hkaung Lazum, 27 tuổi, nói ma túy được “bán như rau ở chợ”, thợ mỏ tốn từ 4-8 USD cho một lần “phê”. Thợ mỏ cũng vung số tiền ít ỏi kiếm được để “chơi gái”: một “dù” 20 phút mất 6 USD.Chỉ trong vài tháng, He là “mối” của cả hai “máy rút tiền” này.

Một thợ mỏ - nạn nhân của ma túy.

Bum Hkrang, 24 tuổi đang cai ma túy, nói thợ mỏ cần ma túy để chịu đựng công việc gãy lưng và nguy hiểm cho các “chủ nô”. Bum nói anh từng bỏ học đại học vì được các “ông chủ” này hứa giúp giàu to. Anh phát hiện ma túy giúp anh dư sức đào ngọc suốt 24 giờ. Nhưng các thợ mỏ khác nói họ nghiện vì ma túy rẻ, vài tay buôn ma túy chịu thu ngọc thay tiền. Họ nói cứ 5 thợ thì ít nhất 4 người nghiện, và người chết vì phê quá liều được chôn gần các mỏ.

Một nhà buôn ngọc TQ đang lựa hàng.

Thị trường ngọc bích bùng nổ khiến  quân ly khai Kachin (KIA, đòi tách khỏi Myanmar  từ năm 1961) lao vào tranh nguồn đá quý. Dau Hka, một thành viên KIA mô tả với tờ New York Times về một hệ thống “thu thuế” tân kỳ: các công ty mỏ muốn làm ăn trong vùng mỏ do KIA kiểm soát thì phải “tặng” tiền cho KIA. Số tiền “chung chi” này chiếm một nửa kinh phí hoạt động của KIA. Dau thừa nhận: “Nguồn tiền tặng ấy không hợp pháp”.

KIA cũng kiếm tiền từ các công ty mỏ Trung Quốc nhập lậu ngọc xuyên rừng già vào Trung Quốc, theo một nhà nhập khẩu ngọc bích chỉ cho biết tên họ là Chun: “Họ sẽ gọi chúng tôi trước và chúng tôi đưa xe tới nhận hàng”. Chun nói KIA đòi chung tiền mặt, nhưng phần KIA hưởng rất “bèo” so với nguồn thu nhập của các quan chức quân sự Myanmar: công ty của họ được chính quyền cho quyền chọn lô khai thác “ngon thơm” nhất, theo các thợ mỏ cho biết. Như KIA, vài sĩ quan quân đội cũng tham gia buôn lậu, nhận hối lộ.

+ Theo người tìm hiểu kỹ nghệ ngọc, có lẽ một nửa số ngọc đào được “biến” vào chợ đen. Bộ Mỏ Myanmar phủ nhận rằng buôn lậu không là một vấn đề lớn. Dù doanh số buôn ngọc đem lại nguồn thu thuế lớn, các chuyên gia ước tính chính phủ Myanmar mất hàng tỉ USD/năm vì nạn buôn lậu đá quý.

+ Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar, ông Yang Houlan xác nhận một vài người Trung Quốc vi phạm luật pháp Myanmar. Bắc Kinh đã nỗ lực ngăn chặn. Ông viết e-mail gởi tờ New York Times: “Vài doanh nhân tham gia hoạt động phi pháp vì hám lợi, qua biên giới để làm mỏ hoặc buôn lậu ngọc” và nêu thêm, rằng Trung Quốc - Myanmar đã tăng cường hợp tác tuần tra biên giới, mở những cuộc điều tra rửa tiền. Nhưng như ma túy, có vài phần trong hoạt động kinh doanh phi pháp này không thể ngăn chặn”. 

+ Hiệp hội đá quý - đồ trang sức Trung Quốc ước tính doanh số bán ngọc hàng năm đạt 5 tỉ USD, hơn một nửa từ ngọc Myanmar.

+Phó tổng thư ký Shi Hongyue của Hiệp hội từ chối nói về những điều đáng sợ trong kỹ nghệ mua bán ngọc Myanmar. Khi báo New York Times nhấn mạnh chuyện phê ma túy ở các mỏ, Shi cho biết: “Nói thật ra, số ma túy thợ mỏ ngọc sử dụng thật sự đâu có nhiều” !

Trung Trực (theo NewYork Time)
.
.
.