Đặt dấu hỏi

Thứ Tư, 25/10/2017, 21:23
Lại chuyện bằng cấp. Một nghệ sĩ được coi là Diva đặt dấu hỏi về các ca sĩ không học hành mà vẫn thành công. Thoạt nghe thì có vẻ có lý nhưng hãy từ từ pha ấm trà mà nghĩ. Cái sự có lý này biến mất khi chưa kịp uống hết chén trà.


Ừ thì đồng ý với chị đi. Vậy từ nay giở đi, Nhà hát chỉ cho phép những ca sĩ từng được đào tạo bài bản. Xếp mức cát xê theo văn bằng chứng chỉ. Phần này lại phải chia ra các học viện nghệ thuật trung ương, các cơ sở đào tạo địa phương và các mô hình đào tạo tự phát. Cát xê cho tiến sĩ  nghệ thuật đứng cao nhất. Sau đó đến thạc sĩ, cử nhân và những ca sĩ bỏ học giữa chừng. Các ca sĩ chưa qua đào tạo sẽ chỉ còn cách hát ở đám cưới hoặc ra góc phố đi bộ mà thể hiện.

Sự công nhận ở mức nào đó thì không có gì dễ dàng hơn là đi học để có một tấm bằng. Nhưng sự công nhận rộng khắp thì bất kỳ nghệ sĩ nào cũng phải trả giá cả cuộc đời mới có được công nhận.

Người ta bình luận như sau: Sự thành công của ca sỹ không bằng cấp cũng đủ để cho ca sỹ nhiều bằng cấp ngồi suy ngẫm!

Trường đại học hay trường đời lớn hơn?

Khi hiểu chữ “có học” là học ở trong trường có nghĩa là hiểu lệch. Nạn chữ thầy giả thầy hiện nay khá phổ biến cho thấy sự thực học vẫn là điều còn thiếu.

Bằng cấp hiện nay gắn chặt với sự cất nhắc, đề bạt nên việc học để làm đẹp hồ sơ đã sinh ra nạn học  hộ, thi thuê và tấm bằng chỉ còn giá trị công nhận học “giả”.

Với đặc thù nghệ thuật thì việc làm chủ kỹ thuật chuyên môn là đương nhiên. Việc này có thể học qua nhiều con đường. Trong đó rất nhiều người tự học mà thành công.

Nghệ sĩ có trước hay trường đào tạo nghệ sĩ có trước? Đó mới là câu hỏi dành cho những người so đo bằng cấp.

Vừa rồi người ta xôn xao chuyện Thủ tướng Áo đẹp trai và không hề có trình độ đại học. Nếu xét theo tiêu chí bằng cấp kiểu như trên thì ông này không có cơ hội nào. Thế mà chẳng ai đặt dấu hỏi ở đây.

Trong khi ở xứ ta, mỗi khi nhắc đến bằng cấp của ai đó thì người ta rất hay đặt dấu hỏi về chuyện thực chất hay không thực chất.

Người văn minh chỉ quan tâm đến thực tài không quan tâm bằng cấp.

Lại nhớ chuyện võ sư huyền thoại dặn các học trò rằng không được lộ tên thầy. Không hẳn vì ông ấy khiêm tốn mà ông ấy biết rằng việc dạy không hẳn quyết định sự thành công. Sự rèn luyện, sáng tạo của bản thân mới làm nên thành công, tên tuổi của học trò. Học một cách máy móc chỉ có thể trở thành kẻ giáo điều mà thôi.

Không nên cực đoan phủ nhận người dạy, nhưng cũng đừng tuyệt đối hóa vai trò của dạy mà quên mất vai trò của tự đào tạo. Tự đào tạo chỉ thực hiện được với sự say mê vô bờ bến. Vì vậy, tự đào tạo gắn với nghệ thuật như một đặc thù.

Một trong những đặc trưng của nghệ thuật là học hằng ngày, học bạn nghề, học cuộc đời. Học không giáo trình bởi cuộc sống thay đổi liên tục. Nghệ thuật là thứ học không bao giờ tốt nghiệp. Sự công nhận chỉ là tiếng vỗ tay.

Còn bạn. Trước khi nghe một ca sĩ, bạn có hỏi xem cô ấy có bằng cấp nào không?

Lê Tâm
.
.
.