Không có gì mà ầm ĩ cả

"Dạy dỗ" ngược

Thứ Năm, 17/09/2020, 08:15
Xưa chỉ có các bậc sinh thành dạy dỗ con cái, thậm chí phạt quỳ hay cho "ăn" roi là cũng chỉ để mong con nên người. Vì thế các con cứ răm rắp. Thời nay xuất hiện nhiều gia đình mà con cái "dạy dỗ" ngược cha mẹ. Mà "dạy dỗ" ngược bằng bạo hành, nhục hình mới khó hiểu.


Mùa Vu lan báo hiếu, xuất hiện clip 7 phút người đàn bà ngũ tuần đánh mẹ đẻ dã man, thậm chí đổ cả phân lên đầu  người mẹ 79 tuổi. Hung thủ là bà Hoa, tại Cần Đước, Long An. Bà mẹ ruột là cụ Đ, đã qua đời ngày 2-9. Mong rằng ở thế giới bên kia, cụ Đ được yên ổn không bị quỷ dữ nào hành hạ nữa.

Tại Chương Mỹ, Hà Nội, ông T bị con trai ruột trói cả tay lẫn chân, rồi cầm dép đánh vào mặt. Theo người đăng tải clip thì ông T thường mượn rượu chửi vợ, gây sự với gia đình. Nghịch tử mới 16 tuổi dùng dép đánh vào mặt để "dạy dỗ" bố cái đạo làm cha, làm chồng… Giáo viên của môn "giáo dục công dân" trong vụ này lại là con trai ruột.

Lạng Sơn đã xử lý nghiêm nghịch tử D vì hành vi đánh cả cha lẫn mẹ đẻ. Đã nhiều lần, bố mẹ của D phải bỏ trốn khỏi ngôi nhà của chính mình. Thế mới thấm câu "Nhà đang yên vui, con đừng về".

Tại Phú Yên, ông Tám bị con trai và cháu nội hành hung. 17 vết rách trên đầu ông Tám được cho là vết chém do con trai và cháu nội gây ra.

Đúng là chuyện khó tin nhưng có thật.

Quan niệm truyền thống, hiếu thảo với cha mẹ là đứng đầu trăm hạnh nên bất hiếu là trọng tội.

Minh họa Lê Tâm.

Chuyện xưa kể gia đình nọ có cụ ông sống cùng con trai, con dâu và thằng cháu tuổi mẫu giáo. Cụ già chân tay yếu thường đánh đổ thức ăn và lại còn hay làm rơi vỡ bát đĩa sứ nữa. Con trai, con dâu không muốn bẩn ra khắp nơi nên cho cụ vào ăn tại xó nhà. Để khỏi vỡ bát đĩa thì họ chế cái bát gỗ cho cụ.

Một hôm, vợ chồng đi làm về thấy cậu bé con đang ngồi chế tạo một đồ vật hình tròn bằng gỗ, vụn gỗ vương vãi khắp nhà. Nghe bố mẹ hỏi con làm gì vậy thì cậu bé ngẩng lên nói: "Con đang làm cái bát gỗ để bố mẹ ăn cơm khi về già".

Hai vợ chồng giật mình tỉnh ngộ sám hối. Từ hôm ấy, họ thay tính đổi nết, đối xử với cha mình tình cảm đầy đủ tôn kính. Đây là một kết thúc có hậu từ một câu chuyện luân lý có nhân quả.

Chữ "hiếu" trọng đạo Phật cũng được chỉ rõ: "… Vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, cắt da đến xương, nghiền xương thấu tuỷ, máu đổ thịt rơi cũng không đáp được công ơn cha mẹ.

Được tận hưởng tình cha nghĩa mẹ, thường thấy như một việc hiển nhiên. Khi trưởng thành, tự kiếm sống mới thấy trân trọng thời được cha mẹ nuôi nấng chăm bẵm. "Cơm cha cơm mẹ đã từng/ Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/ Cơm người khổ lắm, mẹ ơi!/ Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn".

Cho tới khi trưởng thành, lập gia đình, sinh con, được bế ẵm giọt máu của mình mới cảm thấy tình thương cha mẹ dành cho con ngày xưa lớn thế nào. Lúc ấy mới thấm câu "Mẹ nằm chỗ ướt, con nằm chỗ khô", mới hiểu câu "khóc như vượn nhớ con", mới hiểu "Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".

Có những gia đình chẳng mấy quan tâm đến cha mẹ khi còn sống nhưng khi cha mẹ qua đời thì làm đám ma linh đình khắp làng trên xóm dưới, trong tỉnh ngoài huyện đều biết. Nghĩ đến cha mẹ chả bao nhiêu, chỉ nghĩ đến việc hối lộ cõi âm để công việc tiền tài quyền chức của mình được hanh thông.

Riêng phần cúng bái, bày vẽ không chỉ dịp 49, 100 ngày mà mời thầy cúng suốt 7 tuần. Chi phí cho mỗi lần cúng tới hàng trăm triệu, vàng mã sắm nhiều ngựa võng lọng, ôtô, iphone, đô la âm phủ đốt ngùn ngụt như cháy rừng.

Không phải tội bất hiếu nào cũng có thể được nhìn thấy qua clip và xử lý được bằng pháp luật. Chỉ có tòa án lương tâm mới đủ sức mạnh làm tỉnh ngộ con người. Hiện trạng đầu tư cho con học nặng các môn công nghệ Tây Tàu, coi nhẹ môn đạo đức, khoán trắng việc giáo dục cho nhà trường là thất bại đầu tiên của cha mẹ. 

Không phải lúc nào cha mẹ phạt con cũng đúng, nhưng con cái "dạy dỗ" ngược cha mẹ bằng đấm đá thì chắc chắn sai. Vậy mà môn học đạo đức công dân trong nhà nhà trường chưa thấy dạy.

Theo bạn, trong trường phổ thông, môn giáo dục công dân có phải là môn phụ không?

Lê Tâm
.
.
.