Day dứt muộn mằn

Thứ Năm, 06/06/2013, 16:11

Cuối cùng thì đại diện chính quyền tỉnh Cà Mau cũng đã lên tiếng, bày tỏ sự "ray rứt" và đau xót trước việc, có người dân trú quán tại quê hương mình tự tìm đến cái chết vì nghèo.

Ấy là chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, đang yên bình sống cùng chồng con ở thành phổ biển nhỏ bé, nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc, bất ngờ căn bệnh cũ tái phát. Cái nghèo đeo bám, không có tiền đóng học cho con, không có tiền đắp đổi qua ngày chứ nói chi tới viện phí, chị trong cơn cùng quẫn bế tắc, đã treo cổ quyên sinh.

Khi lặng thầm kết liễu cuộc đời, có thể chị cũng chỉ đơn thuần nghĩ rằng, thôi thế là bớt một miệng ăn, đỡ đi tiền thuốc men thăm khám, và thêm cho 3 đứa con cơ hội được học hành...

Sự ra đi của chị Nhân và lá thư tuyệt mệnh chị để lại, đăng lên báo đã khiến không chỉ chính quyền địa phương mà người dân cả nước nhói lòng, chuếnh choáng. Giữa lúc nhiều cô gái nuột nà vóc hình, trẻ trung tuổi tác chọn kế lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc làm cách thoát nghèo, thì chị Nhân lại dành cho mình cái kết cục tang thương nhất. Tiếc là, cái - kết - cục đầy bi thảm ấy, đâu phải điểm cuối của những phút giây nông nổi, mà dường như đã được tiên liệu từ trước đó rất lâu.

Chẳng hạn từ thời khắc lá đơn xin xác nhận hộ nghèo của chị bị các cán bộ thừa hành từ chối phê duyệt sau cả loạt phép tính đong đếm thuần số học, hoặc vào giai đoạn kỳ hạn đóng tiền học phí cho con sầm sập đến gần. Mà, ước mơ bao tròn vận số chị chỉ là, cho con cái được học hành tới nơi tới chốn, cốt có cái chữ, cái nghề để khỏi cam phận nghèo.

Chị Nhân qua đời, báo chí đánh tiếng, lãnh đạo địa phương ở tất cả các cấp nhanh chóng vào cuộc, các đoàn thể cũng khởi động cỗ máy vồn rì rì chậm chạp theo thói quen, nhiều lời hứa được đưa ra, những động thái hữu ích và cụ thể lập tức được tiến hành. Yên tâm là sau này con cái chị Nhân sẽ vững dạ mà tới trường, gia đình chị sẽ được sung vào danh sách hộ nghèo hay cận nghèo tùy… công thức, thôi cũng gọi là an ủi xong xuôi một kiếp đàn bà bất hạnh, đến chết cũng chỉ một lòng nghĩ đến chồng con.

Nhưng ai dám chắc rằng, xung quanh chúng ta, ngay bên cạnh ta sẽ không còn những chị Nhân khác, những người đang điêu đứng vì bệnh tật, vì nỗi thống khổ mưu sinh, những người sống  trong thường trực nỗi hãi hùng viện phí và học phí.

Các đoàn thể, hội này hội khác ở khu dân cư, vốn nhanh nhẹn trong việc thu các khoản tiền ủng hộ đủ loại, mau mắn tham gia hòa giải cho các cặp vợ chồng đâm đơn ly hôn, lại dễ bị động và quýnh quáng trước những nỗi đau hiện hữu rất gần. Mạng sống một con người, đôi khi tính chi li ra chỉ ngang bằng với một bữa nhậu, một cái túi xách tay, chứ mơ chi được giá như nhà lầu, xe sang hay biệt thự.

Tuy nhiên, mạng sống con người cũng luôn là vô giá, không bao giờ đáng được quy đổi ra tiền chữa bệnh hay đóng học cho con. Và nếu những người thừa hành công vụ, vẫn tiếp tục máy móc rập khuôn trong các bảng biểu mẫu mã, chăm chăm nhìn vào những con số thống kê thay vì một số phận ngay trước mắt mình, thì tránh sao được lại có những chị Nhân khác, đau đáu cho chồng con, sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để đổi lấy cái sổ hộ nghèo…

Cô nương Hoa Sen
.
.
.