Để con trẻ không phải chịu nỗi đau

Thứ Ba, 23/05/2017, 16:05
Những vụ xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua luôn làm chúng ta đau lòng và căm giận. Nạn nhân còn quá nhỏ, không chỉ là các bé gái mà còn cả các bé trai, các bé không thể tự bảo vệ mình và không chỉ bị xâm hại một lần.


Những con số thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội càng khiến chúng ta buồn hơn. Trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Người trong cuộc vẫn là đau khổ nhất. Cách đây không lâu, tôi có dịp gặp cha mẹ một bé gái bị lạm dụng tình dục. Thủ phạm không ai khác chính là người hàng xóm mà cô bé thường sang chơi mỗi chiều đi học về. Kẻ bệnh hoạn bày ra các trò chơi người lớn mà cô bé không hề hay biết. Rồi sự việc bị phát hiện.

Đối tượng phạm tội đã phải trả giá trước pháp luật, nhưng bi kịch của gia đình nạn nhân thì chưa kết thúc. Không chỉ chuyển nhà, chuyển trường đến một nơi rất xa, như để xóa đi những kỷ niệm đau buồn cho cô bé, bố mẹ cô hằâng ngày còn phải nhìn thấy đứa con ủ rũ, mất hết sự hồn nhiên như những đứa bạn cùng lứa. Đó thật sự là một vết thương không biết bao giờ sẽ kín miệng.

Tình trạng này cũng khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới và họ gọi đó là loại tội phạm "bẩn thỉu" nhất. Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia Phòng chống Bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi.

Minh họa của Tả Từ.

Vấn nạn này có xu hướng gia tăng đối với trẻ em nam, đặc biệt là những em nhỏ từ các miền quê tràn về thành phố kiếm sống. Trong suy nghĩ non nớt của mình, các em không cắt nghĩa được những "hành vi kỳ quặc" đó.

Còn đối tượng lạm dụng thỏa mãn sự bệnh hoạn của mình bằng tiền bạc hay những sự lệ thuộc khác. Tuổi của các nạn nhân cũng bị "trẻ hóa" theo thời gian. Nếu những năm trước, trẻ bị xâm hại thường là 13-16 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13, cá biệt có những vụ nạn nhân dưới 5 tuổi. 

Phải chung tay để làm giảm và hạn chế thấp nhất những câu chuyện đáng buồn này. Đó là nguyện vọng của tất cả chúng ta, đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ có con trong độ tuổi chưa thành niên. 

Tất nhiên, nâng cao dân trí, tuyên truyền pháp luật, giáo dục giới tính và trang bị những kỹ năng cơ bản cho trẻ luôn là những giải pháp có tính bền vững. Song, không chỉ có vậy, trong trách nhiệm chung, chúng ta cũng cần nói đến những trách nhiệm cụ thể để việc phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này có hiệu quả.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ký chỉ thị số 18 CT-TTg về việc tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Chỉ thị nêu rõ, thời gian vừa qua, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Những bức xúc này cần phải chuyển hóa thành những hành động thiết thực, mang ý nghĩa thực tiễn với những trách nhiệm cụ thể cho những cơ quan hữu quan.

Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò rất lớn trong việc phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em đang tồn đọng, chưa xử lý kịp thời; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em…

Và cuối cùng, đó là trách nhiệm của cơ quan xét xử. Xử nhanh, xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, buộc kẻ phạm tội phải nhận những hình phạt thích đáng, đó là việc làm cần thiết và có ý nghĩa rất lớn trong công tác đấu tranh và phòng ngừa với loại tội phạm này.

Tuấn Nguyễn
.
.
.