Nhân ngày Thế giới phòng chống tự tử:

Để không từ bỏ cuộc sống

Thứ Tư, 01/06/2016, 09:15
Theo tổ chức Y tế Thế giới - World Health Organization (WHO), mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người trên thế giới tự kết liễu đời mình. Tỷ lệ tự tử cao nhất thuộc về các nước Trung - Đông Âu và châu Á, trong đó 75% các trường hợp xảy ra ở những nước nghèo và 25% tại các nước giàu. Đây là số liệu này thu thập từ 172 quốc gia trên thế giới.

1. Đến hôm nay, hơn 1 tuần đã trôi qua trong cái nắng gay gắt miền Trung, nhưng thầy trò Trường chuyên Lê Quý Đôn, TP Quy Nhơn, Bình Định vẫn còn chưa hết bàng hoàng, đau xót khi em VNTT học lớp 11 chuyên Anh tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. 

Không bàng hoàng, tiếc thương sao được khi VNTT luôn luôn là một học sinh được thầy cô giáo yêu mến, bạn bè nể phục. Không chỉ có khuôn mặt khôi ngô, em còn là người sống hòa đồng, năng nổ với các hoạt động của trường, lớp. Nhìn bảng điểm của em từng học kỳ, từng năm học đều khiến mọi người ngưỡng mộ. Ngoài ra, em còn đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi như Huy chương Vàng Olympic 30-4, giải Nhất kỳ thi tiếng Anh trên Internet lớp 11, giải Khuyến khích thi học sinh giỏi cấp quốc gia…

Nếu không có những biến cố cá nhân, hẳn em sẽ có một tương lai tươi sáng, một cách cửa rộng mở để em tự tin bước vào đời. Rõ ràng sự ra đi đột ngột của em chứa đựng một ẩn ức nào đó để rồi trong lúc bế tắc, cùng quẫn, em đã tìm đến cái chết. 

Vẫn biết chết là hết, thời gian sẽ phủ bụi mờ lên mọi chuyện và cuộc sống vẫn quay đều với những guồng quay bất tận, song một người trẻ ra đi đột ngột như thế, một người khi còn sống để lại bao ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người như thế thì khi họ không còn trên cõi đời này nữa mới thấy sự tiếc nuối, trống vắng, xót xa.

Cần sống lạc quan, chấp nhận mọi khó khăn đến với mình.

Người đau đớn nhất trong vụ việc này chính là bố mẹ em VNTT. Tôi tin là họ luôn yêu mến và tự hào ngay từ lúc em có mặt trong cuộc đời này. Càng yêu mến và tự hào hơn khi ngày qua ngày, em lớn lên trong vòng tay thương yêu của cha mẹ, thầy cô, bạn bè và em đã luôn cố gắng để xứng đáng với sự tin yêu đó. Cha mẹ em rồi sẽ sống ra sao khi không được nhìn thấy em mỗi ngày, trong bữa cơm có một chiếc ghế trống và hẳn những tiếng cười vô tư của em vẫn còn vọng lại trong những căn phòng.

Rõ ràng em đã có một cú sốc lớn về tinh thần khiến em tuyệt vọng, không thể vượt qua. Thay vì được tư vấn, định hướng, giải tỏa của người lớn, em đã tìm đến cái chết như một giải pháp cuối cùng vì nghĩ rằng, cái chết sẽ giúp em không phải lo âu, muộn phiền, bế tắc. Nhưng với người còn sống, những người thân thiết của em thì bi kịch này sẽ còn ám ảnh họ trong một thời gian dài, thậm chí đến ngày họ nhắm mắt xuôi tay bởi dường như họ cảm thấy mình cũng có một phần lỗi trong sự ra đi đường đột của em.

2. Khi tìm hiểu về những người quyết tâm tìm mọi cách để được chết, chúng tôi biết thêm về một ngày đặc biệt, đó là Ngày Thế giới phòng chống tự tử 10-9. Theo tổ chức Y tế Thế giới - World Health Organization (WHO), mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người trên thế giới tự kết liễu đời mình. Tỷ lệ tự tử cao nhất thuộc về các nước Trung - Đông Âu và châu Á, trong đó 75% các trường hợp xảy ra ở những nước nghèo và 25% tại các nước giàu. Đây là số liệu này thu thập từ 172 quốc gia trên thế giới. 

Ngày Thế giới phòng chống tự tử là cơ hội đặc biệt để các quốc gia tập trung mọi năng lực và đưa ra những biện pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng tự tử của quốc gia mình.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ tự tử cao nhất thế giới. Hầu hết những người tìm đến cái chết trong độ tuổi từ 15-39 tuổi, độ tuổi trưởng thành nhất, khỏe mạnh nhất, năng động nhất và thành đạt nhất trong cuộc đời. Cách tự tử phổ biến là lao đầu vào đoàn tàu đang chạy. Với cách tự tử này thì hầu như không có khả năng sống sót. Trước tình trạng đó, Chính phủ nước này đã thiết lập đường dây nóng và hàng loạt những hệ thống khác để hỗ trợ bất kỳ ai có ý định tự tử.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ người tự tử ngày càng tăng cao. Chỉ tính riêng năm 2012, Hàn Quốc đã có 14.160 người tìm đến cái chết chủ yếu bằng cách treo cổ hoặc uống thuốc ngủ. 

Trong số đó phải kể đến rất nhiều ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thời trang. Ai cũng nghĩ là ở trên đỉnh cao danh vọng đó, họ đâu còn thiếu thứ gì, thế nhưng rất nhiều vụ tự tử của các ngôi sao này cho thấy, họ cũng là con người, cũng có những bi kịch của riêng họ, những nỗi niềm không thể sẻ chia, những bế tắc không thể tháo gỡ và chết là sự lựa chọn cuối cùng. Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, một số nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Canada… tỷ lệ tự tử cũng tăng lên hàng năm.

Còn tại Việt Nam, theo thống kê chi tiết của một vị PGS.TS Bệnh viện Quân y 103 cho thấy, một năm số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến 36.000 - 40.000 người. Hiện có khoảng 30% dân số bị rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tới 15-25%. Trong số những vụ tự tử xảy ra thời gian qua, đáng báo động hơn cả là tình trạng tử tự của những người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thuyết phục một nạn nhân có ý định nhảy sông tự tử.

Tại 63 tỉnh, thành, có một tỉnh mà số người tự tử đáng lo ngại hơn cả, đó là An Giang. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, chỉ riêng năm 2014, tỉnh An Giang đã có 343 trường hợp tự tử trong đó có 163 là nữ. Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân tự tử, trong đó 108 trường hợp là nam giới. Người trẻ nhất không muốn sống là 14 tuổi và người già nhất tự tìm đến cái chết là 96 tuổi..

3. Vậy vì sao nhiều người tự tìm đến cái chết? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử gia tăng, từ nguyên nhân xã hội như khủng hoảng kinh tế tài chính, đến nguyên nhân trong phạm vi gia đình như bố mẹ ly dị hay nguyên do cá nhân như thất tình, thất bại trong công việc hoặc thất vọng vì một mối quan hệ nào đó. Tùy độ tuổi, giới tính hay trình độ học vấn, nguyên nhân dẫn đến tự sát cũng khác nhau.

Riêng đối với bệnh nhân tâm thần tự tử thường do hoang tưởng, vì ảo giác sai khiến, vì không nhận thức được hậu quả hành vi… Tình trạng trầm cảm không còn hứng thú với cuộc sống, mất niềm tin vào người thân cũng có thể dẫn đến tự tử. Bệnh tâm thần thường gặp nhất là trầm cảm. Trầm cảm được xem là nguyên nhân số một gây tự tử.

Thực tế cuộc sống cho thấy, người ta chết do tự tử không chỉ vì một nguyên nhân mà thường do nhiều nguyên "cộng hưởng" nhau. Nhiều người tự tử vì trầm cảm trong mội khoảng thời gian nhất định là do bị kích hoạt bởi các lối sống tiêu cực, và vì không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.

Có vô vàn nhưng nguyên nhân khiến người ta bị trầm cảm, đây là một số nguyên nhân chính đẩy một số người vào lối sống tiêu cực, từ đó dẫn đến việc họ trầm cảm và tìm đến cái chết: Sự ra đi của một người thân trong trong gia đình; Ly hôn, ly thân, hoặc một mối quan hệ bị tan vỡ; Bị một tổn thất nghiêm trọng, như mất việc, nhà ở hay tiền bạc; Mang một chứng bệnh nguy hiểm; Phát hiện một bệnh hiểm nghèo vào giai đoạn cuối; Gặp một tai nạn nghiêm trọng; Đau đớn thể xác mãn tính; Gặp một nỗi đau tinh thần mãnh liệt; Mất hết niềm tin vào cuộc sống; Trở thành nạn nhân của một vụ án; Cảm thấy bế tắc hoàn toàn trong một tình huống tiêu cực; Gặp vấn đề pháp lý nghiêm trọng như bị truy tố hình sự hoặc bị giam giữ; Không có khả năng để đương đầu với khó khăn; Lạm dụng rượu bia, ma túy hay các chất kích thích…

Nếu một ai đó thực sự muốn chết, họ sẽ tìm mọi cách để thỏa mãn nguyện vọng của mình và đôi khi, điều đó cũng mang lại một ý nghĩa cho cá nhân đó bởi họ quá nhiều bi kịch, quá nhiều nỗi đau không thể chịu đựng nổi. Cái chết sẽ giải thoát tất cả không chỉ cho họ mà cả người thân.

Tuy nhiên, với những cuộc tự tử cá nhân hay tập thể luôn ảnh hưởng nhất định đến trật tự xã hội. Ngăn chặn, phòng ngừa những vụ tự tử là quan điểm sống của một xã hội văn minh. Song, trước hết là thay đổi nhận thức và hành động của từng cá nhân. Hãy sống tích cực, lành mạnh, biết chấp nhận và đối mặt với mọi thử thách là những giải pháp hữu hiệu nhất. Và bạn nên nhớ rằng, không chỉ sống cho mình mà phải sống để trả ơn cho cả những người khác, nhất là cha mẹ, những người đã mang cho bạn hình hài con người.

Nguyễn Tuấn
.
.
.