Để ngành chăn nuôi lợn không vỡ trận

Thứ Tư, 03/05/2017, 10:58
Hướng nào để cân đối với nhu cầu trong nước, hướng nào cho xuất khẩu vẫn là câu hỏi lớn chưa lời đáp. Công nghệ chế biến để thoát khỏi mô hình xuất khẩu thô chưa được đầu tư đúng và đủ. Đầu ra ở đâu?

Thời bao cấp, vài lạng thịt be bé một tháng với một người là một ước mơ không hề bé. Đói tới mức những đứa trẻ chẳng có giấc mơ nào cao cả hơn là được ăn thịt no thì thôi.

Chuyện kể rằng có một sinh viên đủ tiêu chuẩn sang học tập tại một trường đại học của Liên Xô. Lần đầu sang đó, anh cùng bạn mua mỗi người một con gà luộc. Không thể tưởng tượng nổi có thể xé ăn một mình một con gà. Đánh chén giấc mơ thời ấu thơ. Ăn được vài miếng, nước mắt lã chã rơi vì nghĩ gia đình mình ở nhà chưa bao giờ thực hiện được giấc mơ này.

Thời mở cửa, cơn đói đã phai nhạt nhưng chưa hết. Gần đây, các nhà hảo tâm phát động chiến dịch "Cơm có thịt cho trẻ em vùng sâu, vùng xa". Một miếng cũng quý gấp trăm lần lúc không có.

Đánh đùng một phát, bộ Nông ra công văn kêu gọi cá nhân và tổ chức giúp đỡ các nhà chăn nuôi lợn, hay nói cách khác là giải cứu lợn. Giải cứu bằng cách chén lợn.

Giờ không chết vì đói nữa. Chết vì sản xuất quá nhiều mà không bán được thôi. Với tấm lòng thấy khốn cùng không quay lưng, một số đơn vị đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn bằng cách mua và chén hộ. Nhưng việc này thật khó chu toàn. Với đàn lợn chừng 30 triệu con thì chia cho số dân, ba người phải chén hết một con lợn. Thử thách này đâu dành cho người không có năng khiếu.

Minh họa của Tả Từ.

Thực ra, hiểu đúng là cứu người chứ không phải cứu lợn. Các chú lợn chẳng thích việc này. Càng ế thì tuổi thọ lợn càng cao. Chắc chắn lần này có nhiều cụ lợn đạt mức thượng thọ. Giá rớt liên tục vào nhiều tháng mà vẫn không thể bán được. Người chăn nuôi vừa chăm sóc đàn lợn vừa khóc. Đàn lợn không thể chia sẻ nỗi buồn này với người nuôi. Đàn lợn cười hi hi.

Té ra khi lợn được giá, người ta thi nhau ồ ạt chăn nuôi diện rộng, chẳng có một kế hoạch nào ra tấm ra món. Số lượng lớn nhiều đến quá ngưỡng khiến lợn ế không ai mua. Giấc mơ làm giàu đã trở thành thảm họa.

Quy luật cung cầu khắc nghiệt của thị trường đã xuống tay trừng phạt thực sự. Vài năm gần đây chúng ta còn nhớ phong trào giải cứu dưa hấu, giải cứu gừng và nay là giải cứu lợn đã được tiến hành. Người chăn nuôi đã may mắn làm sao khi sống trong một cộng đồng nhân từ đã sẵn sàng chén cho vãn bớt sản phẩm của mình. Nhưng nếu cứ tầm nhìn thế này thì tương lai toàn dân làm từ thiện tới bao giờ?

Hướng nào để cân đối với nhu cầu trong nước, hướng nào cho xuất khẩu khi ba người không thể chén hết một con lợn vẫn là câu hỏi lớn chưa lời đáp. Công nghệ chế biến để thoát khỏi mô hình xuất khẩu thô chưa được đầu tư đúng và đủ. Đầu ra ở đâu?

Đầu ra mà là mồm người trong nước thì là ngõ cụt rồi. Chính sách bảo hộ ngành nghề trong nước không phải dễ mà chu toàn được. Tình thương cũng mang tính mức độ. Tình thương quá nhiều sẽ làm cho ngành nghề không lớn được.

Phen này sẽ có nhiều cụ lợn trăm tuổi không ai thèm chén. Các cụ lợn đủ thời gian dưỡng già để suy ngẫm và quy tiên trọn tuổi trời. Chắc có cụ lợn sẽ sẵn sàng hiến xác cho y học để giúp ích cho đời.

Còn bạn. Bạn đã sẵn sàng là nhà chén lợn từ thiện chưa?

Lê Tâm
.
.
.