Đêm mùa đông không lạnh

Thứ Ba, 03/01/2017, 16:05
Phố lên đèn, giấu mảnh đời mỏng manh dưới mái hiên những ngôi nhà cao tầng, giấu cả ước mơ nhỏ bé của những đứa trẻ không có tuổi thơ. Đêm nay, cũng như bao đêm khác, thành phố không ngủ.


Món quà đêm thứ 7

22 giờ, nhóm thiện nguyện 2 tập trung tại cầu Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) để chuẩn bị cho một đêm "không ngủ". Phố xá mùa Noel đông đến nghẹt thở, tất cả các ngả đường, hẻm hóc đều kín bưng người và phương tiện.

Các thành viên trong nhóm người ở quận ngoại thành phải xuất phát trước ít nhất hai tiếng thì mới đến điểm tập kết đúng giờ. Phố về đêm, ánh đèn lung linh đủ màu sắc, những quán cà phê, trung tâm thương mại trang hoàng lộng lẫy không khí Tết và màu sắc Noel. Đêm nay, cũng như bao đêm khác, thành phố không ngủ.

Tại điểm tập kết hàng chuẩn bị lên đường.

Chị Đinh Hoa, một thành viên trong nhóm cho biết: "Nhóm ra đời được gần một năm nay, hoạt động trong diễn đàn chung có tên "Thiện nguyện 2 Sài Gòn". Lúc đầu chỉ vài bạn trẻ tham gia, tự tổ chức quyên góp, tự chuẩn bị phần quà. Sau này nhiều người biết, họ tự nguyện gia nhập. Bây giờ thành viên của nhóm đã đủ các thành phần, đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề khác nhau".

Đặc biệt, trong đêm phát quà này, còn có bạn Đinh Việt Thăng, vừa tốt nghiệp Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Thăng là tình nguyện viên năng nổ trong hoạt động từ thiện, nhiều năm công tác tại văn phòng đoàn Thanh niên Hội Sinh viên Hà Nội. Thăng vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, đã gác lại tất cả để tham gia chuyến đi phát quà.

Ngoài ra còn có chị Hạnh, một Phật tử đến từ Đà Lạt, Đinh Quế Chi, làm nghề kinh doanh tự do, Trang bán quần áo, Đinh Việt tài xế, Sang đầu bếp… Họ không hẹn mà gặp, đều có chung lý tưởng và lẽ sống, đều hành động bằng trái tim và tình yêu thương đồng loại. 

Đêm nay nhóm sẽ phát gần 200 suất quà. Mỗi suất gồm một ổ bánh mì và một bịch sữa. Nhóm đi thành đội hình hai người trên một xe máy, chạy qua các địa điểm thường tập trung đông đúc, tìm kiếm trên vỉa hè, hiên nhà, gầm cầu, tìm những con người đang lây lất với cái rét giữa trời đêm, co ro trong manh áo mỏng và đói khát sau một ngày lầm lũi kiếm ăn.

Chuyến đi này, mỗi thành viên trong nhóm đều được quán triệt phải di chuyển thật chậm, quan sát, để ý thật kỹ. Bởi mấy ngày nay do ảnh hưởng của áp thấp gần bờ, TP Hồ Chí Minh trở gió rất mạnh, các cụ ông, cụ bà sẽ thu mình trong góc tường để tránh gió rét. Họ vốn đã thân gầy guộc, hồn mong manh lại ẩn mình nữa thì khó nhận ra lắm.

Chị Đinh Hoa nói vui rằng, chúng ta là những "con cú đêm", mắt láo liếc, săm soi mọi ngóc ngách để tìm kiếm. Nếu mọi người không biết việc làm này, thì sẽ nghĩ chúng ta là những kẻ ăn trộm hoặc ăn cướp, một tệ nạn đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân thành phố.

Lần đầu tiên đi phát quà, đã có nhiều kỷ niệm với các bạn trong nhóm. Trung chia sẻ: "Ngày đầu phát quà, có bà cụ đang nép mình vào bờ tường nhai ổ bánh mì, theo quán tính, tôi lao tới, giúi vào lòng cụ bịch bánh.

Người vô gia cư đã quá quen thuộc với nhóm thiện nguyện những đêm cuối tuần.

Cụ giật mình, phản xạ bằng cách xua tay đẩy ra rồi hét lớn: "Cướp! Cướp". Tôi giơ hai tay lên, tỏ ý không phải người xấu, không hại bà. Khi hiểu ra, bà ôm chặt món quà, cười rất tươi, chắp hai tay, cảm ơn bằng cả ánh mắt".

Khi đã quen với món quà đêm thứ 7 của nhóm “Thiện nguyện 2 Sài Gòn”, các ông bà thường không ngủ, cứ ngồi sát mép đường chờ đợi, chờ đến bao giờ nhận được quà mới thôi.

Trung cho biết, ở tuyến đường Hai Bà Trưng nối quận 3 sang quận Phú Nhuận, nhiều người thân thuộc đến mức thấy các bạn là gọi: "Con trai, con trai", rồi nắm tay thật chặt. Có đêm họ thức không phải vì để nhận quà, mà chỉ muốn gặp "con cái" cho thỏa nỗi mong chờ. Thương nhất và cũng ám ảnh chưa nguôi là hai vợ chồng Ông Tín, bà Mười.

Hai ông bà dắt nhau bước qua hơn 80 năm cuộc đời trong cảnh "màn trời chiếu đất", tha hương cầu thực từ miền Tây lên TP Hồ Chí Minh. Khi sức tàn lực kiệt, ông bà không thể làm bất cứ công việc gì, dù là nhẹ nhàng nhất, đành ra chân cầu Kiệu ngồi ăn xin. Ngày xin ăn, tối rải bao ni lông nằm dưới mái hiên một ngôi nhà cao tầng.

Những ngày nắng cháy da hay những đêm mưa rào ẩm ướt, ông bà nép mình vào nhau, che chở cho nhau, chập chờn trong giấc ngủ khó nhọc của tuổi già. Ông Tín xem các bạn trẻ trong nhóm như con, nhưng mặc cảm thân phận thấp hèn, ông cứ giấu kín trong lòng.

Cho đến một ngày, cách nay khoảng ba tháng, ông cảm thấy không còn chống cự nổi trên thế gian nữa, mới thì thầm vào tai vợ trăn trối: "Tôi muốn làm ba của đám nhỏ".

Đêm thứ 7 sau đó, chỉ còn mình bà Mười còm cõi giữa mái hiên lạnh căm. Bà quệt dòng nước mắt nghẹn ngào nhắn lại lời ông. Mấy cô sinh viên tình nguyện đã ôm bà khóc nức nở. Rồi bà cũng mạnh dạn thủ thỉ: "Hay gọi tôi bằng má luôn nhé". Vậy là, bà Mười lần đầu tiên được gọi mẹ, lần đầu tiên có những đứa con.

Một nhà hảo tâm muốn tài trợ bà Mười vào trung tâm chăm sóc bảo trợ người già, nhưng bà Mười không chịu. Bà bảo, đời bà băng qua bao nhiêu năm khó nhọc, đã thành thói quen và lẽ tự nhiên rồi.

Đinh Việt Thăng, chàng trai vừa đáp máy bay từ Hà Nội vào đã hào hứng tham gia.

Bà chấp nhận và hài lòng, vì đó chính là số phận của bà ở kiếp này. Hơn nữa, bà muốn ở ngoài đường, để ông về còn tìm thấy, chứ ngủ trong chăn ấm nệm êm ông lại chẳng biết đâu mà tìm. Lý lẽ này, chỉ bà mới hiểu thôi.

Hôm nay đi theo nhóm, tôi muốn được gặp bà Mười, nhưng đến nơi chẳng thấy bà đâu nữa. Mái hiên quen thuộc ngày nào, nay trống vắng đến thảng thốt. Hỏi người bên cạnh, họ lắc đầu xua tay. Hỏi thêm mấy người nữa, họ bảo bà đã không ở đó ba đêm rồi. Những đứa con của má Mười bần thần, có cái gì đó như là nỗi đau đang sát muối vào tim.

Không cần ai biết, chẳng cần ai khen

0 giờ, thành phố vẫn nhộn nhịp người xe, chúng tôi vòng qua cầu Ông Lãnh (quận 1 nối quận 4) để "tìm người". Dưới ánh sáng vàng vọt của đèn đường, những nhóm người ngồi bấu vào nhau, mỏi mòn chờ đợi một điều gì đó đã quen thuộc.

Vài đứa trẻ mệt mỏi ngủ thiếp đi, nhưng với giác quan nhạy bén nhiều năm sống về đêm, chúng bừng dậy, nhoẻn miệng cười và tự nhiên với tay đón chiếc bánh mì ấm nóng. Dưới vòm nhà chờ xe bus, vài cụ ông, cụ bà nhọc nhằn cho giấc ngủ đêm, họ đã không còn sức lực để phản xạ có điều kiện như mấy em bé.

Chị Hạnh nhẹ nhàng bước tới, đặt món quà thật nhẹ vào tay, để không khuấy động giấc ngủ. Như có giác quan đặc biệt, cụ khẽ cựa mình, vòng tay ôm thật chặt bịch bánh.

Khi những ổ bánh mì cuối cùng được cho đi, thì đồng hồ đã điểm sang ngày mới. Nhóm thiện nguyện chia tay trở về nhà, để sáng hôm sau bắt đầu ngày làm việc.

Đinh Việt Thăng, sau một đêm trải nghiệm đã chia sẻ: "Đây là đêm thiện nguyện tuyệt vời nhất của em. Em sẽ nhớ mãi ánh mắt, nụ cười và bàn tay lạnh giá trơ gầy của những người vô gia cư. Chưa bao giờ mùa đông lại ấm lòng đến vậy".

“Thiện nguyện 2 Sài Gòn” hoạt động theo tinh thần tự giác, trách nhiệm, ai cũng có nghĩa vụ kêu gọi vận động những đóng góp từ xã hội, với mong muốn, tối thứ 7 nào cũng có thật nhiều ổ bánh mì, có thật nhiều hộp sữa. Nếu hôm nào quà ít, mỗi người trong nhóm sẽ tự động bỏ tiền túi để mua thêm quà.

Có những người bất ngờ vì lần đầu tiên được nhận quà.

Cứ thế, trong sâu thẳm suy nghĩ của những chàng trai, cô gái, là việc cho đi bằng cách riêng của họ. Họ không giàu có, không dư giả, thậm chí có người đi làm mấy tháng vẫn chưa được nhận một đồng lương. Sau mỗi đêm hoàn thành kế hoạch, họ lặng lẽ chia tay, ai về nhà nấy. Họ làm việc không cần ai biết, chẳng cần ai khen, đến cái tên cũng chẳng cần để lại cho đời.

Lại một đêm nữa qua đi. Đêm TP Hồ Chí Minh giá lạnh, song trong lòng những người  thiện nguyện họ vẫn cảm thấy ấm hơn khi được sẻ chia những tình cảm vơi đầy.

Ngọc Thiện
.
.
.