Đi “chợ trời” vòng quanh thế giới

Thứ Sáu, 22/11/2013, 18:00

Ở khắp nơi trên thế giới, thú chơi đồ cũ bắt nguồn từ một nhu cầu rất thực tế là tìm và mua lại các món đồ đã qua sử dụng để tiết kiệm tiền, mà trong phần lớn trường hợp thì chủ nhân mới của món đồ chỉ phải trả một số phí nhỏ, thậm chí rất nhỏ, cho một hay những vật dụng vẫn còn gần như đầy đủ giá trị sử dụng. Hoặc đôi khi may mắn hơn là món đồ đó mới nguyên chỉ bởi vì chủ cũ... bỏ quên, hay không thích, hoặc nhiều khi mua vì thỏa ý thích mua sắm, rồi về nhà bỏ đó từ nhiều tháng tới hàng năm.

Tại các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật và gần đây là Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore hay Thái Lan..., nhu cầu bán và mua đồ cũ đã có từ nhiều chục năm trước, giờ đã lớn mạnh đủ để hình thành những thị trường của người bán, người mua, những sàn giao dịch và đặc biệt là các khu “chợ trời” gọi là "flea market", chuyên về đồ cũ, đồ đã qua sử dụng, hoặc đồ bỏ quên chưa dùng.

"Chợ trời” - flea market - nguyên là thuật ngữ hài hước để chỉ một cái chợ lề đường hoặc chợ ở ngoài trời, chủ yếu để mua bán các mặt hàng đã qua sử dụng và có thể có bọ chét bám trên những mặt hàng này vì có thể chúng đã từng nằm phủ bụi ở kho hoặc góc nhà, góc tủ. Flea market đầu tiên xuất hiện ở Paris được gọi là "Marche aux Puces" mà dịch ra là "chợ cùng những con bọ chét". Cụm từ "flea market" xuất hiện lần đầu tiên trong tiếng Anh vào năm 1922 có cùng xuất xứ và ý nghĩa như trong tiếng Pháp.

“Chợ trời” nổi tiếng nhất và cũng lâu đời nhất ở thủ đô Paris tọa lạc tại Porte de Clignancourt, tên chính thức là Les Puces de Saint - Ouen. Chợ lớn và nổi tiếng đến mức có tên trên bản đồ du lịch Paris và ở hầu hết sách hướng dẫn du lịch trên khắp thế giới với tên tiếng Anh là "The Markets at the Puces" kèm theo sơ đồ chi tiết đường đến bằng đủ các ngả và phương tiện từ taxi, xe bus, tàu điện ngầm và tàu điện nổi, thậm chí là cách đi ngắn nhất bằng xe đạp, hoặc đi bộ nữa..

Từ đó đến nay, flea market đã có ngót nghét gần một trăm năm lịch sử, và trong vòng vài chục năm sau đó, đặc biệt là sau Đại chiến thế giới lần thứ hai 1945, hàng loạt “chợ trời” đã được mở ồ ạt tại hầu hết các thành phố lớn nhỏ ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản, thoạt tiên để phục vụ trực tiếp cho nhu cầu mua hàng giá rẻ của đại bộ phận dân chúng sau chiến tranh và cũng tạo nguồn mưu sinh cho một phần khá lớn những người thất nghiệp và cựu chiến binh đang trực tiếp gánh chịu hậu quả của cuộc chiến. Hàng hóa bày bán ở chợ chính là các vật dụng thông thường trong gia đình, túng quá mang bán lấy chút tiền chợ, hàng tồn kho và trang thiết bị quân đội, cả đồ hỏng do chiến tranh nhưng còn cơ phục hồi được.

Khoảng từ những năm 1950, flea market phát triển mạnh ở Mỹ tới mức gần như thành phố và thị trấn nào cũng có ít nhất một “chợ trời”, họp cuối tuần hoặc cuối tháng. Cho tới nay, tổng số “chợ trời” trên toàn nước Mỹ có thể lên tới hàng vạn, trải khắp các bang và lãnh thổ của đất nước mênh mông này, từ đó hình thành nhiều biến thể và các mô hình với đôi chút khác biệt nhau, từ những chợ quy mô lớn có tổ chức chuyên nghiệp thường mở mỗi cuối tuần tại sân vận động hoặc bãi thể thao lớn ngoại ô thành phố, cho tới hội chợ tư nhân nhỏ hơn ở trang trại hoặc khu đất rộng rãi nào đó, đến phương thức bán hàng sỉ trực tiếp tại nhà gọi là "garage sale" (bán hàng tại garage), trong đó chủ nhà mở garage (cũng thường là kho đồ dùng đồ cũ) của mình để bán trực tiếp cho người có nhu cầu mua sử dụng.

"Garage sale" ngày càng trở nên một phương thức bán hàng và giao dịch hiệu quả và thú vị, bởi không thông qua trung gian và không mất tiền thuê địa điểm, cũng không cần thuê nhân viên, trực tiếp chủ nhà đứng bán và giới thiệu từng mặt hàng chi tiết cho người mua, giá cả rất vừa phải và đôi khi, giữa người mua và người bán hình thành liên hệ bạn bè hoặc bạn hàng tin cậy của nhau nữa.

Có lẽ những khu “chợ trời” thú vị nhất và luôn sẵn nhiều món đồ có thể mua được nhất chính là ở Nhật Bản, đặc biệt quanh vùng thủ đô Tokyo - trung tâm của nhiều ngành công nghiệp nặng và nhẹ, các cơ sở công nghiệp giải trí, ngành sản xuất đồ chơi, nghề thủ công mỹ nghệ và vô vàn chủng loại đồ dùng làm bằng tay (hand made) hay đồ tự chế (Do It Yourself - DIY). Người Nhật luôn sáng tạo và đi đầu thế giới về sản xuất hàng tiêu dùng và đồ điện tử, mà đó cũng là nguồn cung và hàng hóa chính của các “chợ trời” mở gần như khắp các vùng ven Tokyo.

Có tới hơn chục “chợ trời” đủ loại mở mỗi cuối tuần và cuối tháng, bày bán từ hàng tiêu dùng phổ thông cho tới những món đồ đặc chủng Nhật Bản. Dân mê đồ "made in Japan" ở ta đặc biệt săn lùng các món có ghi dòng chữ nhỏ xíu thường nằm ở góc khuất nhất của một mặt hàng là "Chỉ tiêu thụ trong thị trường Nhật Bản", bởi sự độc đáo, khác lạ và chất lượng rất cao của từng món đồ, cho dù đã qua sử dụng và thậm chí đã bị thải hồi bởi người dùng ở Nhật, nhưng giá trị tiêu dùng và tính thẩm mỹ vẫn gần như nguyên vẹn. Thực tế là một lượng lớn đồ cũ “made in Japan" ấy đã và đang hằng ngày nhập về cảng Hải Phòng, trung tâm nhập khẩu và trung chuyển đồ cũ lớn nhất miền Bắc chủ yếu có nguồn gốc Nhật Bản.   

Tôi còn nhớ cảm giác "thỏa mãn" như thế nào khi cùng mấy người bạn mất cả ngày trời tìm kiếm và chọn được một chiếc xe vừa đạp vừa hỗ trợ điện nhỏ xíu, dáng rất gọn và đẹp, giá vừa phải, pin còn khỏe và sau khi bơm lốp căng thì anh bạn chủ mới nói: "Để tớ đạp luôn về Hà Nội nhá". Cậu bạn đứng bên vội can trong khi tay đang nhấc một quạt máy cũng nhỏ gọn chạy điện 100V êm ru, gió ra thoang thoảng mà không xoáy vào người, giá rẻ, còn tôi phải hét to để át tiếng nhạc (cũng đang thử) phát ra từ máy CD kiêm cassette, radio và chạy cả đĩa MD (Mini Disc) có đôi loa siêu trầm (tôi đang kiểm tra loa trầm của máy) và một cây đàn piano điện "mỏng dính" có thể xách tay gồm đầy đủ chức năng và bàn phím to như đàn piano cơ thông thường. Tất cả đều "made in Japan" và còn gần như nguyên vẹn từ hình thức đến chức năng sử dụng. Cả nhóm cuối hôm đó khệ nệ bưng bê lên xe chuyển về đến Hà Nội trời tối mờ, sau khi chia nhau ra đi taxi đến nhà mới biết, về rồi ai cũng bật đèn ngồi... ngắm từng món đồ vừa mua của mình, cũng khá khuya!

Ở miền Nam, đồ cũ nhập qua đường Campuchia về tập trung chủ yếu ở TP HCM. Có hai địa điểm chính từng gom nhiều đồ cũ là chợ Nhật Tảo ở quận 10 và chợ Dân Sinh ngay trung tâm quận 1, ngay gần đó ven đường Lê Công Kiều cũng có nhiều tiệm bán đồ cũ xen với đồ cổ và một phần phân tán sang khu Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình.

Ngày trước, chợ Dân Sinh chuyên bán đồ có nguồn gốc quân sự như quần áo lính cũ, trang thiết bị và máy móc bỏ đi, kể cả động cơ và vỏ đạn các loại. Sau năm 1975, gần như đủ thứ đồ dùng quân đội Mỹ bỏ lại đều gom về đây và đó cũng là thời oanh liệt nhất của chợ Dân Sinh, dân gom đồ và chơi đồ (dạo ấy còn hiếm chứ chưa tập hợp thành bang nhóm như hiện nay) từ khắp nơi, đặc biệt là miền Bắc, đã từng tìm thấy ở đây một lượng hàng thải và thừa lớn đến mức nhiều bác cựu chiến binh giờ nhớ lại còn thốt lên: "Như những kho vàng vô tận vậy".

Chợ Dân Sinh một thời nhận lắp ráp, bán linh kiện và sửa chữa xe gắn máy các loại, trong đó có hàng ngàn Honda 67 huyền thoại, các loại máy móc từ công cụ cho tới đồ điện tử gốc Nhật và Mỹ đều tìm thấy ở đây, những bộ dàn băng cối AKAI từng gây xúc động dân chơi âm thanh, hàng vạn bóng đèn điện tử loại dây tóc sản xuất tại Mỹ dành cho các thiết bị quân sự bị tháo ra và bán lố, ngày đó rất ít người ý thức được giá trị của những bộ bóng đèn gốc ấy, mãi đến gần đây khi phong trào lắp đồ tự chế Do It Yourself (DIY) lên cao, dân chơi âm thanh và máy móc các loại mới nhận ra và lục tìm bằng được thì đó đã là hàng hiếm và giá lên tận... trên trời mất rồi.

Chợ Nhật Tảo ở quận 10 nối tiếp sau đó và tồn tại đến hiện nay, chuyên về động cơ máy móc đặc biệt là đồ điện tử, loa đài và thiết bị nghe nhìn đã qua sử dụng, tái chế, hoặc thậm chí là lắp ráp mới từ vật liệu cũ thu gom lại. Gần như bất cứ thứ gì liên quan đến đồ công nghiệp và điện tử đều có thể tìm thấy hoặc "chế tạo" tại đây. Chợ Nhật Tảo cũng là mô hình lớn của một khu chợ khác nhỏ hơn nhưng rất nổi tiếng ở Hà Nội, chợ Trời nằm ở cuối phố Huế, quận Hai Bà Trưng.

Nói đến chợ Trời, người Hà Nội ai cũng biết, hình thành từ cuối thời bao cấp, khoảng những năm 1980 trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn và thiếu thốn của cả nước, ban đầu chợ Trời rất đúng với nghĩa nguyên thủy của chữ "flea market", tức là họp tạm lề đường buôn đồ cũ, giúp người bán thêm chút thu nhập và giúp người mua tiết kiệm chút tiền nhỏ hiếm hoi giữa thời buổi khó khăn. Về sau này, có giai thoại rằng, ai bị mất biển số xe máy thì cứ xuống... chợ Trời mà hỏi, đọc đúng số biển của mình ra và chờ từ vài phút đến vài ngày, chắc chắn sẽ... mua lại được chính cái biển số ấy!

Ở Hà Nội gần đây có thêm một "chợ trời” - flea market nữa khá thú vị và bắt đầu thu hút đông người bán, người mua và chủng loại hàng hóa, đó là khu chợ tự phát trong bán đảo hồ Hoàng Cầu, quận Đống Đa. Ngồi ở đây một chiều, tôi bắt đầu quen những người bán và gặp nhiều người mua, trong đó có khá đông dân "đồ cũ" (chuyên mua, bán và sưu tầm/chơi đồ cũ), mọi người chia thành từng nhóm như hội gom đồ Liên Xô cũ, đồ thời bao cấp, đồ đồng, đồ gỗ, nhóm chơi đồng hồ chạy dây cót và phần còn lại là người dùng tìm mua đồ cũ, còn chạy được với giá thật rẻ.

Cộng đồng người nước ngoài sống lâu dài ở Hà Nội cũng bắt đầu mở những phiên “chợ trời” ban đầu phục vụ nhu cầu bản thân, sau lan dần ra giới trẻ và gần đây là dân sưu tầm, nhưng chủ yếu bày bán quần áo cũ, đồ thủ công và bánh kẹo tự chế. Những chợ này chưa họp thành phiên và mở không định kỳ nên chưa hút khách đến đông như các flea market phương Tây, nhưng dù sao mọi sự cần khởi đầu đã...

Vũ Nhật
.
.
.