Đi tàu nhanh ở Nhật Bản

Thứ Hai, 03/03/2014, 16:30

Rời khỏi Nhật Bản sau chuyến đi mười ngày đáng nhớ, tôi đã có thật nhiều kỷ niệm thú vị để chia sẻ với bạn bè. Chuyện đến chơi nhà một gia đình người Nhật, chuyện tắm hơi ở một nhà tắm công cộng (mà ai cũng được yêu cầu không mặc gì xuống nước), kỷ niệm tản bộ quanh phố phường Kyoto với một nhóm bạn quốc tế, và cả chuyện những chuyến tàu nhanh Shinkansen.

Chỉ là chuyện đi tàu thôi, nhưng mỗi chuyến đi là một lần tôi khám phá thêm nhiều điều thú vị về đất nước, văn hóa và con người Nhật Bản. Bởi lẽ, Shinkansen chính là biểu tượng cho tinh thần Nhật Bản vượt qua khó khăn và vươn lên dẫn dầu. Chẳng thế mà một tác giả người Anh có tên Christopher Hood đã dành hẳn một cuốn sách với tiêu đề “Shinkansen: từ tàu nhanh đến biểu tượng của nước Nhật hiện đại”, trong đó ông ca ngợi tàu nhanh Shinkansen, cùng với thế vận hội Tokyo Olympic là biểu trưng cho sự phục hồi của nước Nhật sau thế chiến.

Chỉ cần một lần thử đi tàu nhanh ở Nhật Bản, bạn sẽ hiểu vì sao con tàu này lại được coi là hình ảnh biểu tượng cho đất nước Nhật Bản, cùng với núi Phú Sĩ trứ danh và hoa anh đào. Một trong những hình ảnh phổ biến nước Nhật Bản thường giới thiệu ra thế giới chính là cảnh con tàu Shinkansen mũi dài lướt đi trên đường sắt với khung cảnh đằng sau là núi Phú Sỹ và phía trước là những hàng cây hoa anh đào.

Tàu nhanh ở Nhật khiến cho một kẻ ghét đi tàu như tôi cũng thành ra thích đi tàu. Đó không chỉ là chuyện đi từ nơi này qua nơi khác nữa, mà còn là một trải nghiệm. Vừa nghe nhạc qua di động, vừa ngắm cảnh làng quê yên ả lướt ngoài cửa sổ thực sự là một cái thú không thể quên. Tàu chạy rất êm và chẳng mấy chốc thì tôi đã thấy mình có mặt ở nơi cần phải đến.

Cung cách người ta vận hành hệ thống tàu Shinkansen và cả hệ thống tàu điện trong thành phố nói chung giúp ta hiểu rất nhiều về con người Nhật Bản. Chẳng hạn, tàu Shinkansen rất đúng giờ. Tôi vẫn còn giữ những chiếc vé tàu nhanh có ghi thời gian xuất phát và đến nơi một cách vô cùng chi tiết, ví dụ như một chiếc vé có đề thời điểm khởi hành là 18h3’ và thời gian đến nơi 20h58’. Vé phải ghi chi tiết đến vậy là vì tàu chỉ dừng lại trong một thời gian ngắn mà thôi (nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ một, hai phút). Đó là lý do tôi đã bị trễ tàu hơn một lần chỉ vì thói quen dềnh dàng. Lần thứ nhất, tôi bị lạc trong nhà ga trung tâm Tokyo mênh mông, lần thứ hai thì mải ngắm đồ lưu niệm bán ở một nhà ga khác. Thế nhưng, chuyện lỡ tàu cũng chẳng thành vấn đề. Chỉ hai, ba mươi phút sau, ta đã có ngay một chuyến tàu khác! Điều bạn cần làm chỉ là đổi vé.

Theo tờ Niponica của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngoại trừ một số trường hợp bất khả kháng như điều kiện thời tiết xấu, thì thời gian trung bình một chuyến tàu Shinkansan bị trễ chỉ là 36 giây. Sự chính xác gần như tuyệt đối ấy có được là nhờ một hệ thống theo dõi điện tử được điều hành bởi trung tâm quản lý tàu, cho phép các chuyên viên điều phối đưa ra hướng dẫn chính xác nhất về mỗi chuyến tàu để chắc chắn Shinkansen không bao giờ đến trễ.

 

Một chiếc tàu nhanh Shinkansen với thiết kế mũi dài đặc trưng đỗ ở nhà ga trung tâm Tokyo.

Shinkansen cũng nổi tiếng là cực kỳ an toàn. Từ khi hệ thống này được đưa vào vận hành vào tháng 10/1964, chưa từng có một tai nạn nào xảy ra với khách đi tàu. Trong trận động đất và sóng thần khủng khiếp năm 2011, mặc dù các tàu Shinkansen vận hành ở miền Đông Nhật Bản bị phá hoại nặng nề vì động đất nhưng không hề có thương vong trên tàu. Theo tờ Niponica, nhờ hoạt động của các địa chấn kế tại bờ biển Thái Bình Dương giúp phát hiện động đất nhanh chóng và đưa ra cảnh báo nguy hiểm khoảng 12 đến 15 giây trước khi động đất diễn ra, các đoàn tàu đều dừng lại hoặc giảm tốc vừa kịp.

Điều thần kỳ hơn nữa, là dù có 1.750 điểm dường sắt bị phá hoại do trận động đất năm 2011, cũng như dư chấn của nó, nhân viên đường sắt vẫn kịp thời sửa chữa toàn bộ hệ thống đường ray trong vỏn vẹn 49 ngày. Quả là tàu nhanh thế nào, người nhanh thế đó!

Phát minh vĩ đại

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, thời kỳ được coi là kỷ nguyên của máy bay và xe hơi, cả thế giới tin rằng, tàu hỏa chỉ còn là một thứ lỗi thời. Đúng vào thời điểm đó, người Nhật đã phát minh ra tàu nhanh Shinkansen khiến người ta phải ngả mũ kính phục. Hệ thống đường sắt đầu tiên có tên là Tokaido đi từ Tokyo đến Osaka được ra mắt vào năm 1964, cùng thời điểm với khai mạc thế vận hội Olympic tại Tokyo.

Vào thời điểm ấy, tàu Shinkansen được coi là một phát minh mang tính cách mạng bởi nó rút ngắn được quãng thời gian đi từ Tokyo đến Osaka chỉ còn bốn tiếng thay vì gần bảy tiếng như trước. Chỉ sau một năm, thời gian đi tàu được giảm xuống chỉ còn ba tiếng mười phút. Ngày nay, một chuyến tàu giữa Tokyo và Osaka – hai thành phố giàu mạnh nhất nước Nhật với khoảng cách gần 400km, chỉ còn mất hơn hai tiếng đến ba tiếng mà thôi (tùy vào lựa chọn đi tàu siêu tốc hay bán siêu tốc của khách hàng). Nhờ có Shinkansen, đi lại giữa các tỉnh, thành đã trở thành một chuyện đơn giản, nhẹ nhàng đối với người Nhật Bản. Trong bộ truyện thám tử Conan, anh bạn Heiji Hattori của nhân vật chính Shinichi, tuy là người Osaka nhưng suốt ngày thấy có mặt ở Tokyo để thi tài phá án với cậu bạn của mình chính là nhờ chuyến tàu tiện lợi đó!

Ngày nay, chuyến tàu Shinkansen nhanh nhất chạy ở miền Đông Bắc Nhật Bản đạt tốc độ 320 cây số một giờ. Chi nhánh phía Đông của Tập đoàn Đường sắt Nhật (JR East) hiện đang nghiên cứu để tăng tốc độ tối đa lên 360km/h vào năm 2020.

Tàu Shinkansen có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với kinh tế, xã hội và văn hóa  Nhật Bản. Theo chuyên đề “Đường sắt và giao thông Nhật Bản”, việc chuyển đổi từ hệ thống tàu tốc độ bình thường sang tàu nhanh đã giúp tiết kiệm cho nước Nhật 500 tỷ Yen mỗi năm (tương đương 103,26 nghìn tỷ đồng Việt Nam). Thêm vào đó, mạng lưới đường sắt rộng khắp cũng góp phần khuyến khích người Nhật di chuyển đến những vùng miền xa xôi một cách thường xuyên hơn.

Hệ thống tàu nhanh còn góp phần bảo vệ môi trường nhờ thiết kế thông minh và thân thiện với môi trường của tàu. Cũng theo chuyên đề “Đường sắt và giao thông Nhật Bản”, một chuyến tàu giữa Tokyo và Osaka chỉ làm phát sinh khoảng 16 phần trăm lượng khí CO2 so với một chuyến đi tương tự bằng xe hơi.

Tàu nhanh Shinkansen gây chú ý với thiết kế khá đặc trưng: đầu tàu có hình dáng giống như một chiếc mũi dài hoặc viên đạn nhô ra phía trước. Thiết kế này không chỉ để “làm dáng” khi đem lại cho con tàu một vẻ hiện đại và độc đáo, mà thực chất nó còn giúp giảm tiếng ồn và độ rung. Theo giải thích của Niponica, khi một con tàu siêu tốc đi vào đường hầm, phần không khí ở đầu tàu sẽ bị ép về phía trước, gây ra tiếng ồn lớn và làm rung. Thế nhưng, với thiết kế đầu tàu thon dài, tàu Shinkansen cho phép một lượng không khí lớn phía trước tàu thoát lên trên khi tàu đi vào đuờng hầm, làm giảm đi những tác động ấy. 

Tìm ra thế giới

Trải qua gần 60 năm hình thành và phát triển (dự án tàu siêu tốc bắt đầu được lên kế hoạch từ nửa cuối thập niên 50 thế kỷ trước), tàu nhanh Shinkansen đến nay vẫn được coi là biểu tượng kiêu hãnh của nước Nhật. Thế nhưng, hệ thống tàu siêu tốc này không còn là phương tiện độc quyền chỉ có ở xứ sở hoa anh đào nữa. Chuyển giao công nghệ đã đưa Shinkansen vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ Nhật Bản.

Đài Loan và một phần Trung Quốc đại lục đã có hệ thống tàu nhanh do Nhật Bản xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2007. Anh Quốc cũng có một hệ thống tàu nhanh do Nhật xây dựng dựa trên thiết kế của tàu Shinkansen vận hành từ năm 2009. Dự kiến, hệ thống tàu nhanh theo công nghệ Nhật Bản cũng sẽ được xây dựng ở Brazil, Hoa Kỳ và Canada, còn việc chuyển giao công nghệ tại Ấn Độ thì đang được nghiên cứu. Việt Nam trong những năm gần đây cũng đang xem xét việc áp dụng công nghệ tàu nhanh của Nhật Bản để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, do vấn đề về vốn (chi phí để xây dựng hệ thống này vô cùng lớn), tất cả vẫn còn đang nằm trong phạm vi nghiên cứu

Minh Thi
.
.
.