"Địa ngục trần gian" trong những trại giam giữ người di cư ở Libya

Thứ Tư, 21/08/2019, 14:32
Những trung tâm giam giữ người di cư và người tị nạn ở Libya vẫn tiếp tục hoạt động cho dù rất nhiều tổ chức nhân quyền kêu gọi đóng cửa. Với nhiều người tị nạn, đây được coi như "địa ngục trần gian" bởi sự nhếch nhác, bẩn thỉu, luôn rơi vào tình trạng quá tải với vô số vụ tấn công bạo lực, hãm hiếp và nhiều nỗi kinh hoàng khác.


Thường xuyên bị bỏ đói, bệnh tật và lao động cưỡng bức

Những người bị giam giữ, chủ yếu là người di cư từ khu vực cận Sahara châu Phi bị bắt ở Libya trên đường đến châu Âu. Nhiều người di cư đã phản ánh về tình trạng bị bỏ đói, bệnh tật và lao động cưỡng bức. 

Mặc dù đã nhiều lần cam kết đóng cửa các trung tâm giam giữ người di cư và người tị nạn ở Libya nhưng thực tế những trung tâm này vẫn hoạt động. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là một "thất bại tập thể" của các quan chức Libya, Liên hợp quốc (UN) và Liên minh châu Âu (EU).

Vào ngày 2/7 vừa qua, một trung tâm giam giữ người di cư và người tị nạn tại một căn cứ quân sự ở Tajoura, ngoại ô Tripoli đã bị tấn công khiến 53 người thiệt mạng và hơn 87 người khác bị thương. Vào ngày xảy ra vụ tấn công, những người bị giam giữ sợ hãi cố gắng chạy trốn nhưng lính canh đã chặn cửa sổ và bắn vào những người tìm cách trốn thoát.

Sau thảm kịch Tajoura, các quan chức Libya hứa sẽ đóng cửa các trung tâm giam giữ người di cư và người tị nạn. UN và EU đồng quan điểm rằng, đã đến lúc đóng cửa những trung tâm này mãi mãi. Nhà chức trách đã chuyển 600 người di cư và người tị nạn ở Tajoura đến một trung tâm khác giành cho người di cư ở Tripoli.

"Đây là những kho để dự trữ hàng hóa không phải nơi ở của con người", ông Vincent Cochetel đặc phái viên của UNHCR nói. Ước tính, hiện có hơn 600.000 người tị nạn và người di cư hiện ở Libya, khoảng 5.000 bị giam giữ. Những người bị giam giữ không phải là tội phạm và không có cáo buộc chính thức nào được đưa ra để chống lại họ nhưng họ bị bắt vì đến hoặc rời Libya mà không có giấy tờ pháp lý.

Khoảng 3.800 người trong số này bị giam giữ tại khu vực gần chiến tuyến trong cuộc nội chiến ở Libya. Những người bị giam giữ cho biết, họ có thể nghe thấy rõ tiếng súng. 

"Một thảm kịch tương tự như Tajoura có thể xảy ra một lần nữa vào bất cứ lúc nào", ông Cochetel nói Ghassan Salame, Đặc phái viên của UN tại Libya cho biết, đã báo cáo Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 29/7, kêu gọi các quan chức Tripoli phải ra quyết định giải phóng những người bị giam giữ tại các trung tâm này.

Cảnh hoang tàn trong một trung tâm giam giữ người di cư và người tị nạn ở vùng ngoại ô Tajoura, Tripoli.

Nhiều khó khăn trong việc đóng cửa các trung tâm giam giữ người di cư và người tị nạn

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Libya, Fathi Bashagha đã công bố kế hoạch đóng cửa các trung tâm giam giữ ở Tajoura, Misrata và Khoms. Nhiều người cho rằng, đó là "hành động phản ứng trước sức ép của dư luận quốc tế". 

Ông Cochetel nói rằng, kế hoạch là vậy nhưng trong thực tế, việc thực thi không hề đơn giản. Một số trung tâm giam giữ do các dân quân địa phương điều hành. Một số lãnh đạo có "cổ phần" trong việc xây dựng, duy trì các trung tâm giam giữ và kiếm được khá nhiều tiền từ hoạt động lao động cưỡng bức

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã phát hiện các đường dây buôn lậu, tội phạm bắt cóc đòi tiền chuộc, lao động cưỡng bức… bên trong các trung tâm giam giữ người di cư và người tị nạn. Maja Kocijancic, người phát ngôn của EU nói rằng, những người di cư bị giam giữ là điều hoàn toàn không thể chấp nhận. Trong thời gian tới, EU sẽ tiếp tục tài trợ cho kế hoạch bảo vệ bờ biển ngăn người di cư đến châu Âu.

"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là cứu mạng sống trên biển và chấm dứt chế độ kinh doanh độc ác và vô nhân đạo của những kẻ buôn lậu. Chúng tôi sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với lực lượng bảo vệ bờ biển Libya, tăng cường công tác  đào tạo để nâng cao năng lực cho đội ngũ này, làm cho vùng lãnh hải của Libya an toàn hơn", người phát ngôn của EU nói.

Tuy nhiên, Judith Sunderland, Giám đốc HRW khu vực Châu Âu và Trung Á cho rằng, EU cần hành động mạnh mẽ hơn và và chịu trách nhiệm về các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ trên biển. Đảm bảo rằng, không có người di cư nào được giải cứu bị đưa trở lại Libya.

"Chính quyền Libya cần giải phóng tất cả những người di cư bị giam giữ một cách tùy tiện. UN và EU phải có kế hoạch đưa người di cư và người tị nạn rời Libya, bao gồm cả việc cho định cư nhiều hơn tại các thành phố châu Âu. Chúng tôi hy vọng rằng, bài học từ thảm kịch ở Tajoura sẽ trở thành động lực để những cam kết được thực hiện", ông Judith Sunderland nói.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.