Dịch COVID-19 và cuộc di dân khổng lồ trước giờ phong tỏa

Thứ Tư, 22/04/2020, 13:06
4,5 tỷ người sống trong cảnh bị phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt tại 110 nước, một tình huống chưa từng xảy ra. Nhưng trước đó thế giới đã chứng kiến một cuộc di tản khổng lồ diễn ra trên khắp các châu lục, ngay trước thời điểm các nước tiến hành phong tỏa biên giới và áp dụng một chế độ cách ly cứng rắn chưa từng thấy.


Tất cả đều vội vã trở về

Các biên giới lần lượt bị khóa chặt, những chiếc máy bay nằm chết dí tại các sân bay. Từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 4, gần 4,5 tỷ người, một nửa nhân loại, đã bị đặt trong tình trạng phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt tại 110 nước, mọi hoạt động trong xã hội dường như đều đã đóng băng. 

Trước “giờ G” đó thế giới đã chứng kiến một cuộc di tản với quy mô chưa từng có, khi mà hàng triệu người khởi hành cùng lúc để trở về tổ quốc, hoặc tự xoay xở bằng những giải pháp cá nhân, hoặc cậy nhờ vào những chiến dịch giải cứu công dân của chính phủ.

Bên trong biên giới của các quốc gia, hàng triệu công dân ở New York, Paris, Milan, Madrid hay Istanbul đã tháo chạy khỏi những đô thị đông đúc với hy vọng thoát khỏi sự truy đuổi của virus Corona và sự bức bối của tình trạng bị cách ly. 

Khi đại dịch bùng phát những người lao động thời vụ hoặc lao động xuyên biên giới nhanh chóng bị trục xuất hoặc buộc phải quay về, còn những người nhập cư bất hợp pháp thì bị săn đuổi ráo riết và bị lùa ra khỏi biên giới.

Ngày 28/3 tại Ấn Độ, những người lao động nghèo khó đang chen chúc để vào cửa một nhà ga ở New Delhi để tìm đường về quê.

Tại Ấn Độ, ngay từ khi lệnh phong tỏa được ban hành, hàng triệu người lao động nghèo khó, vì bị cắt đứt nguồn thu nhập hàng ngày, đã phải đi bộ trên những hành trình hàng trăm cây số để tìm về quê nhà. 

Ngoại trừ phần châu Phi phía Nam Sahara, đại dịch COVID-19 đã khởi phát một cuộc di cư không lồ trên toàn thế giới với quy mô nằm ngoài mọi dự đoán.

“Đây là một khuynh hướng mang tính toàn cầu chưa từng xảy ra. Tính chất của các luồng di dân này cũng khác hoàn toàn với những đợt di dân trước đây: Hiện tượng di dân của các vùng nông thôn được thay thế bằng di dân của các thành phố lớn, di dân của các nước chậm phát triển được thay thế bằng di dân của các nước công nghiệp hàng đầu.  

Tunisia và Mauritius thì trục xuất những người Italia, hàng loạt nước “không hoan nghênh sự có mặt” của những công dân châu Âu. Thế giới chưa từng chứng kiến những hiện tượng như thế này”, Francois Gemenne, chuyên gia về di dân, giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị (Science Po) ở Paris và  Đại học Liège ở Bỉ nhận xét.

Nỗi lo sợ phải sống trong tình trạng bị cô lập, nhu cầu muốn gần gũi với gia đình, thu nhập đột ngột bị giảm sút hoặc không có nữa là những nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy các kiều dân quay trở về đất nước mình, chủ yếu bằng các giải pháp cá nhân. 

Từ 15/3 đến 7/4 đã có 143.000 người Ukraina rời Ba Lan về nước, “một cuộc di dân thực sự với quy mô chưa từng có” theo nhận xét của một lính biên phòng Ba Lan. 

Vẫn còn rất nhiều người trong số 1,2 triệu người Ukraine đang có mặt ở Ba Lan muốn quay về nhưng điều đó đã trở thành bất khả sau ngày 26/3 khi Tổng thống Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh đóng cửa biên giới.

Tại Trung Quốc, trong vòng một tuần lễ trước ngày Trung Quốc phong tỏa đường hàng không ( 29/3), mỗi ngày có tới 25.000 công dân Trung Quốc từ nước ngoài quay về tổ quốc, trong số 1,6 triệu sinh viên đi du học thì đã có hơn 200.000 người hồi hương, tất cả đều tự túc tiền vé máy bay và các chi phí khác.

Các chiến dịch hồi hương công dân do các chính phủ tổ chức đã được nhanh chóng triển khai rộng rãi khắp các châu lục. Trong vòng ba tuần lễ, 200.000 người Đức, 60.000 người Italia, 9.303 người Algeria, 12.000 người Brazil, 7.965 người Tunisia, 8.432 người Mexico, 15.000 người Thổ Nhĩ Kỳ, 14.950 người Argentina, 2.400 người Na Uy... đã được chính phủ nước mình tổ chức những chuyến bay đặc biệt để hồi hương . 

Ngày 17/4, Ủy ban châu Âu đã cho biết ước tính khoảng nửa triệu công dân châu Âu đã được hồi hương với sự hỗ trợ của các chính phủ, trong khi 98.900 người khác vẫn còn bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Được di tản khỏi Moskva bằng những chuyến tầu đặc biệt, những người Ukraina này đã trở về Kiev sau khi đã trải qua trạm kiểm tra y tế.

Người nhập cư bị đuổi về nước

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, những người lao động nhập cư là mối bận tâm hàng đầu của các chuyên gia y tế và chính quyền. 

Ở Iran, một trong những ổ dịch đầu tiên ở Trung Đông, khi dịch vừa bùng phát, hoàn cảnh của hàng triệu người lao động nhập cư từ Afghanistan nhanh chóng trở thành bi đát: Hơn 140.000 người lao động Afghanistan, phần lớn có tay nghề thấp, đã bị bắt buộc phải hồi hương. Điều này càng chất thêm gánh nặng cho Afghanistan, một đất nước bị tàn phá bởi 20 năm chiến tranh và nạn tham nhũng.

Tại Saudi Arabia, nơi nhân công nước ngoài chiếm tới một phần ba dân số (80% trong lĩnh vực tư nhân), chính quyền đã trục xuất hàng chục ngàn công nhân Ethiopia về nước, chỉ riêng mười ngày đầu tháng 4 đã có 2.968 người bị áp tải ra sân bay để gửi trả về Addis Ababa. 

Với 30.000 người Ethiopia đang trên đường tìm đến Saudi Arabia, giờ đây khi biên giới đã bị đóng lại, họ đã bị mắt kẹt lại ở Yemen và phải đối diện với một tương lai đầy bất trắc.

Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3, Mexico đã áp tải 8.528 người Guatemala đến biên giới để trục xuất, trong cùng thời gian đó đã có tới 15.101 người Jamaica cũng bị gửi trả về nước. 

Tại Mỹ, để tránh cho các nhân viên công lực khỏi bị nhiễm coronavirus, từ ngày 20/3, trên biên giới với Mexico chính quyền liên bang đã áp dụng biện pháp “trục xuất nhanh”, những người nhập cư lậu trong vòng 2 giờ. Theo báo chí Mexico, chỉ trong hai tuần lễ đầu mùa dịch, đã có hơn 7.000 người Mexico và các nước Trung Mỹ đã bị trục xuất khỏi Mỹ. 

Còn ở Thái Lan, cho đến ngày 25/3, hơn 60.000 lao động nhập cư đến từ Lào, Campuchia và Myanmar đã rời khỏi Thái Lan sau khi các cơ sở sản xuất và kinh doanh đóng cửa.

Các công dân Pháp đang chờ được đưa ra sân bay Lima (Peru) để hồi hương trên chuyến bay do Sứ quán Pháp tổ chức.

Chạy trốn khỏi các thành phố lớn

Một hiện tượng quen thuộc từ thời Trung Cổ. Những người giàu có hoặc ít nhất là có điều kiện sẽ chạy trốn khỏi các đô thị lớn, những địa điểm đã hoặc đang bị đe dọa bởi một đại dịch. 

Theo Isabelle Seguy, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số (Ined) thì “Hiện tượng “tìm nơi cư trú thứ hai”- những người nhanh chóng rời đi thật xa và chậm trễ khi quay về đã được biết tới kể từ thời kỳ của bệnh dịch hạch Marseille năm 1720”. Ngay từ thời đó người ta đã lập ra những chốt kiểm tra do các binh lính giám sát, cần phải có giấy phép mới có thể đi qua.

Ba trăm năm sau, lịch sử lại lặp lại. Một hình ảnh chắc chắn sẽ còn lưu lại rất lâu trong ký ức của những người dân Italia: Hình ảnh những chuyến tàu khởi hành tại nhà ga Milan vào tối ngày 7/3. 

Dự thảo về lệnh phong tỏa Lombardie (miền Bắc Italia) vừa được lan truyền trên mạng trước đấy vài giờ đã kích hoạt một cuộc di tản ồ ạt của hơn 100.000 người lao động, họ tìm cách tháo chạy về các tỉnh phía Nam, quê hương bản quán của họ.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, từ trước ngày 3/4, ngày mà sắc lệnh phong tỏa hơn 30 thành phố lớn nhất trên cả nước có hiệu lực, đã có hơn 3 triệu công dân rời bỏ các thành phố lớn để tìm về quê quán hay đến trú ẩn tại những ngôi nhà nghỉ mát của mình. 

Tại Pháp, sắc lệnh phong tỏa các thành phố lớn ban hành ngày 17/3 cũng đã tạo ra một cuộc di dân khổng lồ, từ ngày 13 đến ngày 30/3, đã có hơn 1,2 triệu cư dân Ile-de-France, tức là gần 17% dân số Paris đã rời khỏi khu vực cư trú, trong khi đó tại những khu vực khác “có vẻ an toàn hơn”, chẳng hạn như trên đảo Ré, dân số đã tăng hơn 30%.

Tại New York, ngay từ đầu tháng 3, nhiều người dân cũng đã vội vã rời khỏi thành phố, họ chạy trốn đến những khu nhà nghỉ mát ở Hamptons, ở cuối Long Island hoặc chạy lên phía Bắc tới thung lũng Hudson hoặc xa hơn, trên bờ biển Maine. 

Chưa có một số liệu chính thức nào được công bố nhưng các chỉ số dường như cho thấy các khu dân cư của Manhattan ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hơn là những khu khác. Lượng rác thu gom trong mùa dịch tại đây đã ghi nhận giảm 5% trong khi ở những khu phố nghèo (Queens, Đảo Staten) lại tăng lên 10%.  

Ở Tây Ban Nha cũng vậy. Sự ra đi ồ ạt của hàng chục ngàn cư dân Madrid vào ngày 13/3, một ngày trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực đã gây ra những sự huyên náo trên báo chí. 

Các tuyến giao thông huyết mạch bị tắc nghẽn, các làng mạc và các thị trấn dựng các rào chắn để ngăn chặn sự xâm nhập của những người đã chạy trốn khỏi thủ đô. 

Tại khu nghỉ mát bên bờ biển Calafell (25.000 dân), phía Nam Barcelona, các khối bê tông dựng thành những bức tường chắn và những trạm kiểm soát của cảnh sát đã mọc lên để ngăn cản dòng người di tản từ vùng dịch tràn đến.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.