Điểm tựa vững chắc cho người một thời lầm lỗi

Thứ Hai, 31/12/2018, 10:01
Hoàn lương, tìm một nẻo về để trở thành người lương thiện không chỉ là khát vọng của những mảnh đời lầm lỗi, mà còn là mong mỏi của cả cộng đồng… Bởi không chỉ góp phần mang lại bình yên cho xã hội, mà việc mỗi người lầm lỗi hoàn lương, trở về với đường ngay nẻo sáng còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Song hành trên con đường hoàn lương nhiều chông chênh, trắc trở luôn phải có sự tin yêu, lòng vị tha của gia đình và cộng đồng…


Mảnh sân vài chục mét vuông dường như đã trở nên bé nhỏ khi mà nghề chạm khắc, đóng mới ban thờ của anh Nguyễn Duy Dinh, SN 1978, ở xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) ngày càng phát triển. Có những thời kỳ cao điểm, trong nhà hàng hóa chất đống lên nhau, không còn chỗ đi lại, anh Dinh phải mượn tạm khoảng không của ngõ đi chung để sản xuất. Sản phẩm của anh Dinh không chỉ phục vụ cho người trong xã mà còn bán sang cả xã bên, rồi đưa đi ra các huyện khác…

Nhìn cơ nghiệp của anh Dinh hôm nay, dù chưa phải là "tay to" trong nghề mộc, nhưng có lúc công nhân trong nhà đến gần chục người làm không hết việc. Nhiều người thật sự thán phục ý chí, sự nỗ lực vươn lên của một con người đã từng có quá khứ lầm lỗi...

Nguyễn Duy Dinh với cơ sở sản xuất đồ gỗ.

Nhớ lại những tháng năm tuổi trẻ nông nổi, Nguyễn Duy Dinh cho biết, lúc đó cũng chỉ đua đòi với đám bạn trong làng, muốn khẳng định mình chẳng… kém ai. Rồi cứ theo vết trượt, Dinh lao theo những cuộc chơi. Để có tiền tiêu sài, khi gia đình không còn đủ cung phụng thì Dinh cùng đám bạn bày trò trấn lột người qua đường.

Sự việc bị bại lộ, Dinh đã phải trả giá bằng những tháng ngày mất tự do trong trại cải tạo. Thế nhưng cú vấp ngã đầu đời vẫn chưa làm cho Dinh tỉnh ngộ. Khi mãn hạn tù lần thứ nhất, Dinh lại tìm đến đám bạn ngày trước tiếp tục tụ bạ, ăn chơi. Để rồi cánh cửa nhà tù lần nữa mở ra "đón" Dinh trở lại.

Nhìn cảnh người vợ trẻ còm cõi mang theo 2 đứa con thơ đến trại thăm nuôi chồng mỗi tháng đã khiến Dinh động lòng. Tình yêu của một người chồng, người cha trong Dinh được đánh thức. Từ một con người bất cần, vô kỷ luật, Dinh trở nên chăm chỉ lao động cải tạo.

Sẵn có năng khiếu hội họa, Dinh cùng anh em khác đắp vẽ, điêu khắc, trang trí nhiều công trình, không chỉ tạo cảnh quan trong trại mà còn bán ra ngoài thị trường giúp cải thiện đời sống phạm nhân.

Ngày về của Dinh được rút ngắn bởi kết quả cải tạo, lao động tốt. Trong vòng tay của gia đình, người thân, Dinh cảm thấy ấm lòng. Sự quan tâm của các đoàn thể cùng chính quyền địa phương ngay từ ngày đầu trở về khiến Dinh cũng bớt đi phần nào mặc cảm.

Đôi bàn tay khéo léo được rèn giũa trong những tháng ngày lao động cải tạo cùng với những đồng vốn ít ỏi của người thân quan tâm giúp đỡ, Dinh bắt đầu cuộc sống mới.

Từ việc đóng mới sửa chữa bàn ghế, tủ kệ cho hàng xóm, đến giờ đây Dinh đã có những đơn hàng vượt ra ngoài phạm vi xã, huyện của mình đến các vùng, miền khác. Không chỉ nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, giúp gia đình ổn định kinh tế, Dinh còn tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động của địa phương…

Ngược từ huyện Kiến Thụy về quận Dương Kinh (Hải Phòng), nằm bên mảnh vườn xanh mướt ở khu Tiểu Trà, phường Hưng Đạo là trang trại của anh Đồng Tú B., SN 1970. Ít ai biết rằng người đàn ông thường hay lùa đàn bò ra đồng vào sáng sớm kia lại có một thời tuổi trẻ "bất hảo" đến thế. Từ năm 13 tuổi, B. bỏ nhà phiêu bạt khắp nơi. Hết đi trộm cắp, lại ngược lên miền núi đãi vàng. Đến năm 1991, B. bị bắt đi tù vì tội bắt cóc người để tống tiền. Ra trại năm 1993, B. ngược ra khu vực Móng Cái làm ăn, lại dính vào ma túy.

Mặc dù sống trong đau khổ, tủi nhục nhưng vợ B. không bỏ rơi mà động viên anh vượt qua quá khứ lầm lỗi. Cách đây hơn 5 năm, vợ chồng anh B. đã mạnh dạn xin địa phương khai khẩn vùng đất hoang để canh tác.

Hàng ngày không quản nắng mưa, vợ chồng anh cày xới, dọn cỏ, đắp bờ để trồng dưa vàng, chuối tây, cấy lúa. Sau hơn một năm sau nhờ chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, trên diện tích gần 4ha, màu xanh của cỏ dại dần nhường chỗ cho cánh đồng lúa xanh mướt mắt, những cây chuối bắt đầu trổ buồng…

Nhớ lại hơn 10 năm về trước, Nguyễn Thế Hùng, SN 1974, ở Lán Bè, quận Lê Chân (Hải Phòng) vẫn chưa hết sợ với những lần phê pha triền miên trong làn khói trắng của ma túy. Để có tiền chích hút, Hùng và đám bạn nghiện thường xuyên đi trộm cắp.  Đến năm 2006, trở về sau khi trả án cho một "phi vụ" trộm cắp, Hùng chưa thực sự yên tâm làm lại cuộc đời và rất mặc cảm về quá khứ của mình…

Hùng cho biết, đúng lúc bế tắc nhất thì sự xuất hiện của đại diện chính quyền và các đoàn thể đã làm thay đổi cuộc đời mình. Mọi người thường xuyên đến động viên thăm hỏi, giúp đỡ Hùng bỏ qua mặc cảm với quá khứ tội lỗi.

Đặc biệt là tình yêu thương con hết lòng của người mẹ, Hùng đã đoạn tuyệt với ma túy.  Lúc đầu Hùng đạp xích lô, rồi chuyển sang lái xe ô tô chở vật liệu xây dựng. Khi có chút vốn, Hùng chuyển sang làm xây dựng, nhận thầu các công trình vừa và nhỏ.

Đến nay Nguyễn Thế Hùng là chủ một doanh nghiệp xây dựng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục người lao động, trong đó có nhiều người có hoàn cảnh một thời lầm lỗi. Cùng với đó doanh nghiệp của Nguyễn Thế Hùng luôn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự như phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội…

Nhắc đến dòng họ Bùi Quang ở thôn Cao Tiến, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng), nhiều người địa phương biết đến không chỉ là dòng họ lớn mà còn là dòng họ luôn ý thức giáo dục con cháu tuân thủ pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng thôn, xóm trật tự, bình yên. Cách đây không lâu, cháu Bùi Quang T. do chơi với các bàn bè xấu nên thường xuyên la cà, bỏ học, gây gổ đánh nhau với nhóm thanh niên làng khác.

Nhiều địa phương ở Hải Phòng tích cực triển khai mô hình cảm hóa giáo dục người có quá khứ lầm lỗi.

Phát hiện kịp thời những thói hư, tật xấu này của T. các cụ cao tuổi trong họ đến gia đình phân tích, giảng giải điều hay lẽ phải, đồng thời nhắc nhở bố mẹ cháu nghiêm khắc trong việc giáo dục nếp sống, theo dõi chặt chẽ các mối quan hệ của cháu với bạn bè để chấn chỉnh những hành vi sai trái. Qua đó, T. đã hiểu tình thương, trách nhiệm, sự quan quan tâm của gia đình, dòng họ nên sửa chữa, không tụ tập, la cà với nhóm bạn bè xấu như trước.

Trước đó anh Bùi Quang Q. cũng chỉ vì giao du với bạn bè xấu dẫn đến sa ngã, hư hỏng, gia đình và các cụ cao tuổi trong họ đã bàn bạc thống nhất đề nghị ông Bùi Quang Khoa, trưởng họ giúp anh Q. làm việc trong xưởng mộc của mình, đồng thời quan tâm theo dõi không để người trong họ tiếp tục bị bạn bè xấu lôi kéo. Sau khi có việc làm ổn định và được người thân trong dòng họ giúp đỡ, anh Q. tự tin hơn, chú tâm vào công việc và có cuộc sống ngày càng ổn định.

Trưởng họ Bùi Quang Khoa cho biết, các bậc bề trên trong dòng họ Bùi Quang đều nhất trí, khi con cháu có biểu hiện sa ngã, trách nhiệm giúp đỡ không để các cháu lấn sâu hơn vào con đường lầm lỗi. Thông qua quy ước, các thành viên trong họ chấp hành nghiêm các quy định về an ninh,  trật tự, không vi phạm pháp luật.

Vào dịp giỗ tổ, khi con cháu có mặt đông đủ, bên cạnh nghi lễ cúng, giỗ tổ tiên, Hội đồng gia tộc kết hợp nhắc nhở, giáo dục con cháu về truyền thống dòng họ, biểu dương con cháu gương mẫu tuân thủ pháp luật, sống nghiêm túc, tích cực xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình hạnh phúc, ổn định kinh tế để mọi người cùng noi gương, học tập…

Với con số trên 41 nghìn trường hợp đang trong diện quản lý hiện nay, Công an thành phố Hải Phòng đã tăng cường công tác quản lý hành chính về TTXH, chủ động nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những trường hợp tái phạm tội. Đồng thời tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phát động phong trào Toàn dân tham gia cảm hóa, giáo dục người có quá khứ lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.

Trong đó, Công an là lực lượng nòng cốt, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các doanh nghiệp, giới thiệu việc làm, dạy nghề và cho vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho hàng nghìn người, vận động giúp đỡ hàng trăm người hoàn lương có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Trung tá Phạm Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an TP Hải Phòng) cho biết đơn vị kết hợp với Hội phụ nữ phường Anh Dũng (quận Dương Kinh) xây dựng mô hình "Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng".

Qua triển khai mô hình này đã có nhiều người trên địa bàn dứt bỏ hẳn hành vi vi phạm pháp luật, nhiều trường hợp khi được đặc xá về địa phương đã có biểu hiện tiến bộ, có việc làm, cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình được cải thiện...

Cùng với đó, đến nay còn nhiều mô hình khác hoạt động hiệu quả, như "CLB quản lý người cai nghiện" của Công an phường Dư Hàng Kênh và phường Cát Dài (quận Lê Chân). Hay là mô hình "Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù" của Công an phường Tràng Minh (quận Kiến An). Điều đáng nói, hoạt động của những mô hình này đã trở thành phong trào lan tỏa khá mạnh mẽ.

Nhiều tổ chức đoàn thể, quần chúng và cá nhân được sự hỗ trợ, hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của lực lượng công an đã tự nguyện thành lập nhiều mô hình hay, có cách làm tốt như: "CLB làm vườn phòng chống ma tuý" của Hội nông dân; mô hình "Cảm hóa đối tượng có quá khứ phạm tội" của Hội Cựu chiến binh. Và các mô hình khác "Vòng tay nhân ái chăm sóc người nghiện", "Tổ phụ nữ giúp chồng, con cai nghiện ma túy tại gia đình"... của các cấp Hội phụ nữ thành phố.

Trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, thành phố Hải Phòng còn xây dựng được nhiều mô hình và gương cá nhân điển hình tiên tiến. Trường Cao đẳng nghề Bắc Nam ở quận Kiến An, không chỉ dạy nghề cho những người từng vi phạm pháp luật, mà còn tạo điều kiện cho họ có việc làm, đảm bảo cuộc sống. Hay như công ty TNHH Vật liệu và xây dựng Quyết Tiến ở xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, mạnh dạn tiếp nhận người từng có trọng án vào làm việc…

Đại tá Nguyễn Văn Thư, Trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (Công an TP Hải Phòng) cho biết, xác định công tác quản lý, giáo dục đối tượng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và lâu dài.

Theo đó đơn vị luôn bám sát, tham mưu cho chính quyền địa phương, hướng dẫn lực lượng cảnh sát khu vực, Công an ở cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, phát động và tổ chức xây dựng những mô hình mới, phù hợp, để góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm trên địa bàn…

V. Huy
.
.
.