Không có gì mà ầm ĩ cả

Điều đó tùy thuộc hành động của bạn

Thứ Ba, 22/11/2016, 21:34
Bạn có nghĩ việc bảo vệ môi trường sống là việc của người khác không? Môi trường sống của bạn, của tôi và của tất cả mọi người, vì vậy đừng bao giờ nghĩ việc bảo vệ nó là trách nhiệm của riêng ai!

Có những hình ảnh quen thuộc, dễ gặp ở Thủ đô, khi ta thấy những quán cà phê ven hồ thu hút nhiều khách tới mang theo lồng chim. Mỗi người mang đến một tiếng hót riêng. Họ ngồi nhâm nhi cà phê nghe tiếng chim quen thuộc của mình ca vang cùng đồng loại. 

Thú vui nuôi chim kiểu này tạo ra một nhóm người chung sở thích và nghề chơi đã đạt tầm chuyên nghiệp. Nghe tiếng chim cũng phải chuyên nghiệp chứ không phải chỉ để cho vui.

Ở một số nước phát triển. Thú vui nghe chim hót lại theo hướng mở rộng chứ chẳng phải vì tiếng chim quen. Ở những nước này, đàn chim trời như ngỗng, vịt trời không hề sợ hãi trốn chạy con người, chúng dường như ngờ nghệch, thậm chí cho phép người qua đường chạm vào mà không bay.

Trên dãy phố, trước mỗi ngôi nhà đều có một cây bóng mát. Trên cây có rất nhiều chim sà xuống ríu rít vui tai. Nhìn kỹ mới thấy đàn chim không phải vô tình mà sà xuống đây. Trên mỗi cây đều treo một giá thức ăn cho chim.

Họ thiết kế rất thông minh. Thức ăn được chứa trong những cái hộp hơi giống gói mì ăn liền của ta. Mỗi lần chim mổ, hộp rung lắc làm trôi các hạt thức ăn xuống một cái khay. Mỗi cái hộp thức ăn cho chim thiết kế kiểu khác nhau, nhưng đều rất khéo léo khiến chim có thể ăn dần cho đến hạt cuối cùng.

Chủ nhân những ngôi nhà ở đó dường như không quan tâm nghe loại chim cụ thể nào hót mà chỉ cần âm thanh của sự an bình. Họ đi mua thức ăn cho chim như một niềm vui tự nguyện.

Minh họa của Lê Tâm.

Hà Nội đã từng là một nơi đất lành cho cò về làm tổ. Hồ Tây đã từng là nơi dừng chân của những đàn sâm cầm khổng lồ. Nhưng thế giới tự nhiên đang vắng bóng dần đi, khi nhiều thập kỷ hoành hành của đám thợ săn bằng súng hơi.

Họ chiếu đèn pin bắn từng con chim đang ngủ đêm. Các hoạt động này bị chính quyền cấm cũng chưa ngăn chặn nổi sự phá hoại môi trường. Bởi không bắn thì các hoạt động bẫy chim cung cấp cho nhà hàng vẫn diễn ra ở mức khó kiểm soát. Nói rộng ra thì việc phá rừng đã trở nên báo động đỏ. Xung đột với thiên nhiên cũng đồng thời tạo ra xung đột với con người, tạo ra những hậu quả thực sự đau lòng.

Sau hơn 2 thế kỷ cách mạng công nghiệp, loài người trở nên kiêu ngạo, dám nhào nặn trái đất theo cách của mình, can thiệp thô bạo vào sự vận hành của thế giới tự nhiên và dẫn đến một thế giới nhiều hiểm họa. Ngày nay, các nước đã nhận ra lỗi lầm này và ngày càng bắt tay nhau để sửa chữa. Việt Nam cũng tỉnh ngộ và đang hướng phát triển bền vững, đảm bảo môi trường.

Chúng ta không phát triển bằng mọi giá mà hướng theo sự cân đối giữa con người và môi trường sống. Các dự án gây hại cho môi trường đã bị xử lý. Các dự án tương lai có ảnh hưởng tới môi trường được dừng lại cân nhắc.

Tất nhiên, mọi cố gắng của nhà quản lý là chưa đủ nếu ý thức môi trường mỗi cá nhân chưa rõ ràng. Chừng nào các nhà hàng Chim to dần vẫn tồn tại thì người ta còn đi đánh bẫy chim. Chừng nào tiêu chuẩn rau quả còn thả nổi thì chúng ta còn tiếp nhận vào đường tiêu hóa nhiều hóa chất từ rau quả. Chừng nào chúng ta còn hạ kính ô-tô, ném ra đường các loại chai lọ, túi nilon thì chúng ta còn là đồng phạm với sự hủy diệt nơi ta sống.

Chuyện lớn bắt đầu từ việc nhỏ. Gần đây, mỗi xe rác của Công ty môi trường đô thị đều có loa phát bài hát với câu "Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc về bạn mà thôi". Thông điệp ngắn mà ý nghĩ dài.

Còn bạn. Bạn có nghĩ việc bảo vệ môi trường sống là việc của người khác không?

Lê Tâm
.
.
.