Đổ xô lên rừng săn "thần dược"

Thứ Năm, 13/03/2014, 10:15

Cơn sốt chè rừng đang khiến cho cuộc sống người dân ở khu vực đồi núi xung quanh Dốc Kiềng (địa phận huyện Đông Giang, Quảng Nam) trở nên xáo trộn. Thêm vào đó cánh thương lái "ngửi" thấy món lợi rất lớn từ loại cây này nên đổ xô lên đây tranh nhau thu mua. Nếu loại I thì có giá đến 200.000 đồng/kg. Không chỉ thu mua chè rừng đã qua "chế biến" (loại đã được phơi khô - PV), người dân, thương lái còn đặt mua luôn cả những cây chè dây còn tươi với mức giá "chát" không kém từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.

Một đồn mười, mười đồn trăm, công dụng quý của cây chè dây mọc nhiều ở xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam được thổi lên tận mây xanh. Ngửi thấy món lợi rất lớn từ loại cây này, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thương lái các tỉnh phía Bắc cứ đổ xô lên khu vực vùng núi giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng để tìm mua "thần dược". Thế nên cây chè dây từ chỉ là một loại thảo mộc, loại chè lá sắc nước uống thông thường của bà con dân tộc Cơ tu, nay người dân đua nhau lên rừng tận diệt để "kiếm thêm thu nhập". Giá của cây chè dây cũng nhanh chóng được "đội" lên một cách chóng mặt... Tuy nhiên hiện cây thảo dược đang dần bị tận diệt, còn người hái và người mua thì lại dở khóc dở cười...!

"Thần dược" của đồng bào Cơ tu lên cơn sốt

Những ngày đầu tháng 3, men theo quốc lộ 14G đi theo hướng lên thị trấn Prao, huyện Đông Giang, Quảng Nam, chúng tôi bắt gặp ngày càng nhiều người dân tay dao, lưng trĩu nặng từng gùi lớn í ới đua nhau lên rừng. Chỉ tay khoe nguyên một sân phơi ngập cây chè dây khô, hai mẹ con anh Mai Văn Tươi (32 tuổi, trú xã Ba, huyện Đông Giang) cho biết: "Hồi trước, dân ở đây đi làm cỏ trên rẫy, tiện thì chặt luôn cây chè rừng về uống thôi. Nhưng mà mấy tháng gần đây, người Kinh ở Đà Nẵng và nhất là các tỉnh phía Bắc đổ xô lên đây tìm mua nhiều lắm... nên mình bỏ luôn đi rẫy để chặt chè rừng về bán.

Bà Hồ Thị Thu (61 tuổi), một chủ quán nước nằm ven quốc lộ 14G, đường lên thị trấn Prao (huyện Đông Giang, Quảng Nam) lại tỏ ra am tường: Từ trước Tết tới giờ cả gia đình tui lên rừng, hái bán chè cũng thu về hơn 2-3 triệu đồng rồi... Thú thật, bà con đua nhau lên rừng săn chè mà không biết công dụng thực sự của loại cây này ra sao. Nhưng nghe người ta đồn rằng đây là "thần dược" của đồng bào Cơ Tu, trị được bách bệnh nên kẻ mua, người bán cứ tấp nập"...

Ngay tại Tp Đà Nẵng, qua tìm hiểu của PV, một người bệnh có tiền sử tiểu đường nặng là cụ Nguyễn Thị Kim Thoa (72 tuổi), trú Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Tp Đà Nẵng cũng chia sẻ. "Có bệnh phải vái tứ phương thôi.  Nghe một người bạn làm ở Trạm kiểm lâm huyện Đông Giang mách cho bài thuốc quý của người Cơ Tu là dùng cây chè dây, đem phơi khô về chưng uống sẽ có tác dụng chữa bệnh tiểu đường rất tốt... nên bằng mọi giá tôi phải nhờ người quen tìm mua hộ.

Không riêng gì bà Thoa, hiện có rất nhiều người dân ở Tp Đà Nẵng cũng không quản ngại đường xá xa xôi, địa hình hiểm trở để tìm lên khu vực này mua loại "thần dược" đem về dùng". Thậm chí một số gia đình có người thân bị bệnh còn thuê cả xe lên tận các xã vùng sâu của huyện Đông Giang lùng mua chè dây. Có người còn mua một lúc cả hàng chục kg chè khô để về cất nấu nước uống dần và tin tưởng cây chè này như là một phương thuốc mới trị căn bệnh chưa có thuốc chữa như tiểu đường!...

Biết chúng tôi đang tìm hiểu về loại "thần dược" đang lên cơn sốt trong thời gian qua, Thiếu tá A Lăng Xuân (Đội CSGT Công an huyện Đông Giang, Quảng Nam) đang làm nhiệm vụ đoạn Dốc Kiềng (xã Ba, huyện Đông Giang) chia sẻ: "Mình là người Cơ Tu chính hiệu nên mình biết rõ về loại cây này. Cây chè dây được đồng bào mình gọi là cây chè rừng. Khác với loại "chè ta", chè rừng là loại thân dây, lá thon nhỏ, có hình răng cưa, chúng mọc chủ yếu ở khu vực triền núi, nhiều nhất là ở các khu đồi mới được phát quang trồng rừng mới...

Cây chè dây bị người dân khai thác, chặt, phơi khô la liệt dọc tuyến đường lên các xã Ba và xã Tư (huyện Đông Giang, Quảng Nam).

Thông thường, đồng bào Cơ Tu chặt chè về đem phơi khô chừng 3, 4 nắng sau đó cho vào bao ủ kín. Mỗi lần nấu cho một nhúm bằng nắm tay vào nồi chưng lên. Lúc đầu uống vào cổ sẽ có vị đắng nhẹ, nhưng hậu lại có tính ngọt. Theo kinh nghiệm dân gian của đồng bào thì chè rừng có rất nhiều công dụng nhưng chủ yếu là chữa viêm loét dạ dày và hạ huyết áp".

Cũng theo Thiếu tá A Lăng Xuân, anh em làm trong ngành, rồi cánh kiểm lâm, cán bộ huyện, xã được người dân ở đây quý mến nên họ hay đem chè rừng biếu. Khi uống nước sắc từ chè dây thấy ngủ ngon, ăn được, người sảng khoái nên truyền tai nhau. Có lẽ vì vậy mà người dân dưới xuôi biết được loại cây đặc biệt này nên tìm lên đây mua về uống.

Riêng A Lăng Prưu (42 tuổi, trú xã Tư, huyện Đông Giang), tự xưng thổ địa của chè dây thì chia sẻ: Trước giờ chè dây là loại nước chè uống truyền thống hàng ngày của bà con Cơ Tu. Nhưng có dạo, đồng bào gặp một số người ở mấy tỉnh phía Bắc lên đây ngụ cư và làm vàng cũng chặt chè rừng này sắc nước uống nên lấy làm lạ. Sau này những người đi rừng hay lăn lộn với rừng thiêng nước độc như cánh đào đãi vàng cho biết, ở các tỉnh phía Bắc, cây chè dây cũng được am tường, và từ lâu đã được xem là một loại cây thuốc nam chữa bệnh "ở rừng" như đau bụng, dạ dày... Tuy nhiên, không hiểu sao dạo gần đây lại rộ tin đồn chè dây là "thần dược", trị bách bệnh nên dẫn đến tận diệt như vậy...!

Người dân khốn đốn vì ham lợi từ "tin đồn"

Ngao ngán trước cảnh bà con vì hám lợi, bỏ bê cả lao động sản xuất mà đua nhau lên rừng "săn" thuốc quý, anh  A Lăng Prưu cũng lý giải: "Các xã ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), xã Ba (huyện Đông Giang, Quảng Nam) vốn đã ít cây chè rừng sinh sống lại bị người dân lùng sục tìm kiếm từ trước Tết đến giờ nên bây giờ cạn kiệt rồi, tìm đỏ mắt cả ngày cũng chẳng ra đâu. Giờ đây họ đổ dồn hết về các triền núi của xã Tư để "săn" chè rừng".

Riêng người dân ở hai xã Ba và xã Tư của huyện Đông Giang cho biết thêm: Không chỉ người dưới xuôi lên hỏi mua chè rừng, mà còn xuất hiện một số người Việt dắt mối cả thương lái Trung Quốc đến đặt vấn đề thu mua cây chè dây thảo mộc với giá 150.000 đồng/kg và không hạn chế số lượng. Nghe vậy, các hộ gia đình thuộc các xã vùng cao của huyện Đông Giang, rồi ngay cả người dân dưới chân Dốc Kiềng cũng không quản ngại đường sá xa xôi lên rừng săn tìm thần dược.

Bỗng chốc chè dây được đồn thổi thành "thần dược".

Việc khai thác vô tội vạ, chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến cho cây chè dây gần như biến mất khỏi các cánh rừng quanh quốc lộ 14G, người dân buộc phải đi vào các cánh rừng nằm sâu trong núi mới tìm được cây chè dây. Số lượng chè rừng cả tươi lẫn khô tích trữ trong các hộ gia đình cũng ngày một "dày" lên trông thấy. Chè rừng được chặt nhỏ đem phơi la liệt trong sân các hộ dân sống ven theo quốc lộ 14G, đoạn đi qua địa phận xã Ba, xã Tư của huyện Đông Giang. Tuy nhiên, cánh thương lái Việt sau đợt "oanh tạc" không thương tiếc trước tết, nay lại đột nhiên mất tích một cách bí ẩn... Đã không ít hộ dân ở xã Tư (Đông Giang, Quảng Nam) bỏ công bỏ việc lên rừng "săn" chè rừng về bán, có người còn tích trữ chè trước Tết không chịu bán để đợi ra Tết giá lên mới bán. Nay chè rừng chất đống trong nhà mà không ai tới hỏi mua, nhiều hộ dân lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười.

Bà Nguyễn Thị Chạy (59 tuổi, trú xã Ba) tâm sự: "Nhà có hai mẹ con, ăn Tết xong thay nhau vào rừng chặt chè rừng về phơi khô, tưởng ra Tết bán kiếm ít đồng. Ai ngờ giờ không có ai mua, đành đem chồng chất lên cao...". Không riêng gia đình bà Chạy mà rất nhiều hộ dân tại xã Ba và xã Tư cũng đang mòn mỏi chờ ngày thương lái tới gõ cửa, "rước" đống thần dược đi giùm.

Ông Phan Thanh Bình (Chủ tịch UBND xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam) cũng cho biết: "Cây chè dây mọc khắp nơi trên núi nhưng nhiều nhất vẫn tập trung ở khu vực xã Tư. So với nhiều công việc đi làm thuê khác, lên rừng săn tìm chè dây thảo mộc thu nhập nhanh và cao hơn nhiều. Chính vì vậy, từ khoảng 5h hằng ngày, nhiều gia đình đã lục đục đem cả cơm canh theo lên núi để săn chè. Thêm vào đó, một số hộ gia đình trước kia chỉ chuyên làm đầu mối thu mua, đem về nhập cho các đại lý dưới thành phô, nay thấy công việc nhẹ nhàng hái ra tiền, cũng hám lợi huy động gia đình mang theo dao, rựa, bao bì lên núi "nhập hội" với người dân địa phương.

Cơn sốt chè rừng đang khiến cho cuộc sống người dân ở khu vực đồi núi xung quanh Dốc Kiềng (địa phận huyện Đông Giang, Quảng Nam) trở nên xáo trộn. Thêm vào đó cánh thương lái "ngửi" thấy món lợi rất lớn từ loại cây này nên đổ xô lên đây tranh nhau thu mua. Nếu loại I thì có giá đến 200.000 đồng/kg. Không chỉ thu mua chè rừng đã qua "chế biến" (loại đã được phơi khô - PV), người dân, thương lái còn đặt mua luôn cả những cây chè dây còn tươi với mức giá "chát" không kém từ 50.000 - 70.000 đồng/kg.

Hiện loại cây chè dây chỉ là một loài thảo mộc mọc tự nhiên, hoang dã trên các triền núi, vẫn chưa hề được nghiên cứu, hay trồng tập trung và bảo tồn. Nhưng vì món lợi nhất thời nên người dân đua nhau lên rừng chặt cây chè dây về bán đã vô tình tận diệt loài thảo mộc quý này là điều khó tránh khỏi.

Chè dây có tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis (Hook.et arn.) Planch, thuộc họ nho (Vintaceae). Đây là một loại cây leo, mọc hoang ở trong rừng. Dân gian thường hái toàn thân cả lá vào lúc cây chưa có hoa quả, đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao qua rồi hãm với nước sôi như pha trà uống thay nước hàng ngày. Theo y học cổ truyền, chè dây vị ngọt tính mát, có công dụng thanh thử nhiệt, tiêu viêm, giải độc, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như vị thống, mụn nhọt, nhũ ung, tê thấp…

Kết quả phân tích thành phần của chè dây cho thấy, đó là một loại dược liệu giàu chất Flavonoid và tanin; Chứa 2 loại đường Glucase và Rhamnese. Kết quả nghiên cứu chè dây chữa viêm loét dạ dày của Viện Dược liệu (Bộ Y tế) với các kết luận như sau: Chè dây có tác dụng diệt vi trùng, vi khuẩn, giảm độ axit tại dạ dày, giúp cho bệnh loét dạ dày dễ liền sẹo. Chè dây hoàn toàn không phải là loại thảo dược chữa bách bệnh như lời đồn thổi.

Hoài Thu
.
.
.