Đoàn tàu bệnh viện ở Ấn Độ

Thứ Ba, 12/06/2018, 14:00
Có thể cái tên Lifeline Express không được mọi người trên thế giới biết đến, nhưng nó lại là cái tên vô cùng quen thuộc của tầng lớp dân nghèo Ấn Độ.


Lifeline Express (với ý nghĩa Tàu bảo vệ sự sống) chính là một đoàn tàu hỏa bệnh viện. Con tàu này chạy khắp Ấn Độ để khám chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho người dân, nhất là người dân ở những vùng hẻo lánh, đem đến niềm hy vọng cho cuộc sống của bao người.

Phao cứu sinh bệnh nhân nghèo

Lifeline Express được cải tiến từ một đoàn tàu 3 toa cũ kỹ, sau đó sơn sửa trang trí để có màu sắc bắt mắt, dễ nhận biết nhất. Mỗi tháng, đoàn tàu này chạy 63.000 km theo mạng lưới đường sắt quốc gia và dừng lại ở một thành phố đã được lựa chọn tốt nhất cho việc chăm sóc sức khỏe người dân. Tập thể y, bác sĩ trên tàu dao động từ 20 - 30 người. Mỗi năm, con tàu có những chuyên gia giỏi nhất nước trong các lĩnh vực đi cùng.

Ngoài việc chữa bệnh, các y, bác sĩ còn hợp tác với chính quyền địa phương để tuyên truyền, giáo dục về các vấn đề sức khỏe cho người dân. Công việc hàng ngày của một bác sĩ là đi đến một ngôi làng để thăm khám bệnh, chữa các bệnh nhẹ và ghi phiếu hẹn điều trị hoặc phẫu thuật cho những ca nặng hơn. Tại mỗi địa phương đến, con tàu sẽ dừng lại khoảng 5 tuần.

Các bệnh nhân được mổ mắt trên tàu.

Đoàn tàu kỳ diệu này do Quỹ  Impact India của Ấn Độ thành lập, với sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Ấn Độ. Các doanh nghiệp, trong đó có Công ty Hóa chất Tata và Tập đoàn Than quốc doanh, cũng góp tiền của vào đây. Các địa phương mà tàu đi qua cũng hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động.

 Bà Zelma Lazarus, người có ý tưởng thành lập đoàn tàu hỏa bệnh viện từ khi còn trẻ, cho biết: Vào những năm 1980, rất nhiều trẻ em Ấn Độ đang chết dần, chết mòn vì bệnh tật phần vì không được điều trị kịp thời, phần vì không có bệnh viện để điều trị. Do đó bà Lazarus nghĩ cần phải đưa bệnh viện đến với người dân nghèo.

Với lòng nhiệt huyết và quyết tâm, bà Zelma Lazarus đã trình bày ý tưởng trên với Bộ Giao thông Ấn Độ. Được sự đồng ý và giao cho 3 toa tàu, năm 1991, Lifeline Express đã ra đời và thực sự là một niềm hy vọng đối với người nghèo. Nó được nhiều người biết đến và mong chờ ở nhiều nơi chỉ sau 3 tháng.

Các bệnh nhân đến với Lifeline Express bệnh nặng cũng có, nhẹ cũng có; bệnh nhân cần phẫu thuật đơn giản cũng có mà phức tạp cũng có; người già cũng có mà trẻ em cũng có... nhưng đa phần là các bệnh về da liễu, động kinh, tiêu hóa, răng miệng, hô hấp, tai mũi họng hay đục thủy tinh thể là những bệnh phổ biến tại những vùng đất nghèo của Ấn Độ. Riêng đục thủy tinh thể, có khoảng 12 triệu người dân nước này mắc phải. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đục thủy tinh thể chiếm đến 80% nguyên nhân gây mù lòa... Chi phí tốn kém, đường sá xa xôi, khiến tỷ lệ mù ngày càng tăng. Lifeline Express xuất hiện như một điều kỳ diệu bởi mọi người đều được điều trị miễn phí.

130.000 ca phẫu thuật

Ban đầu, tàu Lifeline chỉ có 3 khoa, 3 phòng mổ, phòng ngủ cho cán bộ, nhân viên, máy phát điện, phòng họp, phòng hồi sức và phòng học sức chứa 50 người... Nhưng giờ đây tàu đã lên tới 7 khoa và có cả Trung tâm Ung bướu. Bác sĩ Mehak Sikka cho biết: “Số ca bệnh ung thư tại Ấn Độ đang tăng nhanh. Hầu như khi bệnh trở nặng người dân mới phát hiện. Vậy nên, chúng tôi muốn giúp họ từ những giai đoạn đầu”.

Bà Zelma Lazaru.

Ông Anil Darse, Phó Giám đốc dự án con tàu Lifeline, cho biết: “Từ khi đi vào hoạt động đã chữa bệnh cho hơn 1 triệu bệnh nhân trên khắp Ấn Độ, thực hiện được 130.000 ca phẫu thuật, cứu sống bao người nghèo”.

Lifeline Express đang góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe cho cư dân nông thôn Ấn Độ. Khoảng 60% dân số Ấn Độ sống ở các vùng quê, nhưng chỉ có 20% trên tổng số bác sĩ của cả nước làm việc tại những vùng này.

Tuy nhiên, George Mathew, giám đốc Viện Khoa học xã hội ở New Delhi, cho rằng các nỗ lực của bệnh viện di động nói trên chưa thấm vào đâu so với nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ở nông thôn. Randhir Vishwen, Tổng Giám đốc Lifeline Express, cũng chia sẻ: “Chúng tôi đã chữa trị cho nhiều người, nhưng vẫn có cảm giác như chưa làm được gì cả”.

Được biết Chính phủ Ấn Độ chỉ dành ra 1% GDP cho lĩnh vực y tế công. Do đó, dịch vụ y tế trong các khu vực không đồng đều và có sự phân chia khá rõ. Những người nghèo khó có điều kiện tiếp cận y tế, nếu bị bệnh hiểm nghèo họ càng không có khả năng chi trả. 

Tàu Lifeline được xem là “thần hộ mệnh” đối với người dân, bởi mọi dịch vụ đều hoàn toàn miễn phí, bác sĩ và nhân viên y tế ở đây rất nhiệt tình và chu đáo với bệnh nhân. Đây cũng là yếu tố góp phần tạo nên thành công của con tàu, khiến con tàu ngày càng được mong chờ và chào đón tại những nơi mà nó đến.

Đoàn tàu bệnh viện Lifeline là một thành công của Ấn Độ trong việc mang các dịch vụ y tế đến với người dân vùng sâu, vùng xa. Hy vọng những đoàn tàu kỳ diệu như thế không chỉ có ở Ấn Độ mà sẽ xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam chúng ta, để những người nghèo cũng được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

Xuân Trường
.
.
.