Đoàn xiếc tuyên truyền chống nạn buôn người ở Nepal

Thứ Năm, 22/03/2018, 19:44
Một đoàn xiếc có tên là Circus Kathmandu ở Nepal đang thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi tất cả các diễn viên từng là nạn nhân của tội phạm buôn người. Phần lớn các tiết mục biểu diễn của đoàn có nội dung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nạn buôn người.


Những diễn viên từng là nạn nhân của tội phạm buôn người

Saraswati, 28 tuổi, hiện là diễn viên chính của đoàn xiếc Circus Kathmandu cho biết, cô bị một người hàng xóm lừa bán vào gánh xiếc ở miền bắc Ấn Độ. 

"Nhà tôi có bốn chị em gái và hai anh em trai. Gia đình tôi sống ở một vùng xa xôi của Nepal và không có điều kiện đi học", Saraswati, khi mới lên 9 vào thời thời điểm đó kể lại. 

"Những cô gái trong làng lấy chồng từ khi chưa dậy thì. Chính vì vậy, khi người hàng xóm nói có thể giúp kiếm tiền, đi học, tôi vô cùng hạnh phúc, thậm chí không về nhà để nói với bố mẹ", Saraswati kể tiếp.

Người đàn ông đưa Saraswati cùng con gái của anh ta qua biên giới và bán cả hai cho một đoàn xiếc gần biên giới Nepal - Ấn Độ (Saraswati không nhớ chính xác vị trí), rồi bỏ đi. 

Trong khi con gái của người đàn ông rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý do bị cha bỏ rơi, Saraswati nghĩ rằng, cô phải cố gắng làm việc trong môi trường mới, ngay cả khi buồn chán vì nhớ nhà.

Trong vài ngày đầu tiên, mọi thứ đều mới lạ, vui vẻ, khiến Saraswati thích thú. "Tất cả những gì tôi thấy là diễn viên trang điểm xinh đẹp trong bộ váy sặc sỡ. Tuy nhiên, khi phải tập những động tác đầu tiên vô cùng khó khăn và gây đau đớn cơ thể, tôi đã khóc và đòi về nhà. Cuộc sống trong rạp xiếc rất mệt mỏi. Tôi phải tập luyện từ sáng sớm đến tối mịt để cho chân, tay mềm dẻo. Những đứa trẻ như chúng tôi thường xuyện bị ông chủ đánh đập vào hông và mông", Saraswati nói.

Năm 14 tuổi, Saraswati trở thành ngôi sao của đoàn xiếc. Cô kết hôn với con trai của chủ đoàn xiếc và sinh đôi hai đứa trẻ sau 12 tháng kết hôn. 17 tuổi cô sinh con trai thứ ba và trở thành góa phụ năm 20 tuổi.

Phần lớn những đứa trẻ trong đoàn xiếc đều là nạn nhân của nạn buôn người như Saraswati. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, cha mẹ bán con vào đoàn xiếc để kiếm tiền cho gia đình ở Nepal. Mỗi năm hai lần, những gia đình này sẽ đến đoàn xiếc để lấy khoản tiền mà con họ kiếm được. 

Không ai đến thăm Saraswati vì gia đình không biết cô ở đâu. Cuối cùng, Saraswati được một tổ chức phi chính phủ ở Nepal giải cứu. Sau 14 năm, Saraswati mới được gặp những người thân trong gia đình. Cô đã khởi kiện người hàng xóm đã bán cô sang Ấn Độ. Hiện người đàn ông này đang thụ án 10 năm tù.

Ước tính, 54 phụ nữ và trẻ em gái Nepal bị bán sang Ấn Độ mỗi ngày.

Câu chuyện của nữ diễn viên Sheetal của đoàn xiếc Circus Kathmandu cũng tương tự như vậy. Cô cũng bị bán vào một đoàn xiếc ở Ấn Độ khi còn quá nhỏ. Đến nay, khi đã được giải cứu và trở về Nepal nhưng Sheetal không còn những ký ức về gia đình, người thân của mình. 

"Thông tin trong hộ chiếu ghi rằng, tôi 25 tuổi và là người Nepal nhưng tôi không biết chính xác ngày sinh nhật cũng như nơi mình sinh ra. Tôi có thể là người Ấn Độ. Tôi không chắc chắn bất cứ điều gì", Sheetal buồn bã nói.

54 phụ nữ và trẻ em gái bị bán từ Nepal đến Ấn Độ mỗi ngày

Khi trở về quê hương, Saraswati, Sheetal và những đứa trẻ từng bị bán vào đoàn xiếc ở Ấn Độ được khuyến khích tiếp tục biểu diễn nghệ thuật. Một mặt, những diễn viên xiếc có thể thể hiện tài năng của mình. 

Mặt khác, các tiết mục biểu diễn được sử dụng như một công cụ giáo dục nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nạn buôn người ở Nepal.

"Điều đặc biệt là đoàn xiếc này được thành lập và điều hành bởi những nạn nhân của nạn buôn người. Bắt cóc, buôn bán và tiêu diệt những kẻ xấu là chủ đề chính của đoàn xiếc Circus Kathmandu. 

Các màn trình diễn của Circus Kathmandu kể lại câu chuyện của chính các diễn viên cũng như truyền tải thông điệp phòng ngừa nạn bắt cóc, buôn bán người cho cả trẻ em và cha mẹ", một lãnh đạo của đoàn xiếc chia sẻ với báo giới.

Trận động đất năm 2015 báo hiệu sự gia tăng đáng báo động nạn buôn bán người ở Nepal. Biên giới giữa Ấn Độ và Nepal dài hơn 1.400km nhưng chỉ có 14 điểm kiểm soát. 

Điều đó có nghĩa là, phụ nữ và trẻ em có thể nhanh chóng "biến mất" qua biên giới mà các cơ quan chức năng không thể phát hiện. Ước tính, khoảng 54 phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán từ Nepal đến Ấn Độ mỗi ngày.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.