Độc đáo lễ cấm bản của người Lự

Thứ Năm, 29/11/2018, 15:00
"Về thăm Bản Hon mà chưa được dự lễ "Cấm bản" hay gọi là lễ "Căm Mường" thì kể cũng tiếc" - ông Tao Văn Si đã nói như vậy để thay câu chào chúng tôi khi vừa gặp mặt. Hỏi thêm thì được biết: Đây được coi là một tục rất đáng nhớ của người Lự.


Từ thành phố Lai Châu về xã Bản Hon chỉ độ mười lăm ki lô mét. Bắt đầu từ ngã ba San Thàng, xe tách khỏi con đường 4D để rẽ vào con đường dẫn về xã. Một con đường chạy xuyên qua những vạt đồi, xuyên qua những thung núi và những ruộng lúa đã được trải nhựa phẳng lì. Nó cho phép mọi người đến được với Bản Hon một cách thuận lợi. 

Phong cảnh hai bên đường nhìn cũng thấy khá "mê mẩn", tôi hết nhắc mọi người là lúc xe quay ra nhớ ghi hình những thửa ruộng lúa chín, lúc thì lại bảo cô bạn đồng hành nhớ ghi chép cẩn thận. Một vùng xa trông xanh thẫm màu cây lá.

Những con đường đổ bê tông chạy trong bản tầm này khá tĩnh lặng và sạch sẽ như vừa mới quét. Người dân hầu như đều đã đi làm. Điều làm chúng tôi vô cùng thích mắt là dưới gầm sàn cũng rất sạch và thoáng đãng là một màu vàng đỏ như kín hết gầm nhà sàn của ngô chín. 

Người dân xã Bản Hon có thói quen treo ngô ở đó. Tiện cho bảo quản và cũng tiện cho sử dụng. Tôi hỏi ông Tao Văn Si: "Không lo bị mất trộm à?". Ông Si lắc đầu hồn nhiên: "Không ai lấy đâu. Chỉ có chuột nó leo lên cắn thôi".

Dân tộc Lự là một trong số những dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn của tỉnh Lai Châu. Người Lự còn có cách gọi là người Duồn hay người Nhuồn, cũng còn gọi là người Lữ. Bà con lập nghiệp chủ yếu ở huyện Phong Thổ và huyện Sìn Hồ. 

Khi huyện Phong Thổ được tách ra để thành lập huyện Phong Thổ mới, huyện Tam Đường và thành phố Lai Châu thì người Lự là cư dân của cả ba địa phương đó. Nói cách khác là người Lự sinh sống ở đây đã lâu đời. Đặc biệt, người Lự có truyền thống làm ruộng nước. 

Hiện xã Bản Hon có 205ha trồng lúa. Bên cạnh còn có các cây công nghiệp khác như: lạc, chè, thảo quả và cây ăn quả độ hơn 250ha. Và hơn 300ha trồng ngô. Thảo nào ngô ở Bản Hon nhìn đâu cũng thấy. Phải công nhận rằng người dân xã Bản Hon có thu nhập khá. Đời sống kinh tế và văn hóa xã hội cũng nhờ đó mà tăng lên.

Bà con người Lự có tập quán ăn cơm nếp và dệt cửi. Tài nghệ dệt may của người Lự khá cao. Mỗi gia đình thường có vài ba khung cửi. Ông Tao Văn Si cho hay: "Phụ nữ Lự rất coi trọng khâu trang phục khi ngồi dệt cửi. Chị em một khi chưa mặc đủ trang phục của người Lự thì chưa ngồi vào khung cửi. Nhất là chiếc khăn trùm đầu. Họ sẽ thiếu tự tin nếu chưa trùm khăn".

Một góc Bản Hon.

Khoát tay chỉ sang bên kia suối, ông Tạo Văn Si hồ hởi nói: "Kia dòng Nậm Hon, nó chảy ngang rìa bản ở bên có một khu rừng nhỏ, trong rừng có một cây sanh cổ thụ xum xê cành lá, chỗ đó bà con làm lễ cấm bản". Tôi sốt sắng hỏi luôn: "Lễ cấm bản có nghĩa là gì hả anh Si?". Ông Tao Văn Si cười, người đàn ông Lự này luôn tỏ ra chậm rãi trước mọi câu chuyện. Thực ra nó cũng là bản tính của người Lự. 

Ông Si cho biết, người Lự khá thong dong chứ không nóng vội. Đấy chuyện dệt cửi của chị em đây. Cứ phải đàng hoàng, cứ phải chỉn chu, cứ phải đúng phong tục. "Làm nhanh, làm khác đều là không được", ông Tao Văn Si lại cười, cười xong thì mới kể.

Theo phong tục có từ lâu đời, người Bản Hon mỗi năm có 2 lần làm lễ Cấm bản. Lễ thứ nhất được chọn vào dịp mùng 3 tháng 3 âm lịch và lễ thứ hai được làm vào ngày mùng 6 tháng 6 ta. Điểm chung của 2 lễ này là vào dịp đó bản sẽ được "cấm". Người trong bản không ai đi đâu khỏi bản. 

Người nơi khác đến dịp đó sẽ không được vào bản. Ai nhỡ đã bước chân vào bản trước rồi thì phải đợi xong lễ mới được ra. Vào ngày làm lễ, các gia đình đồng tiến hành làm cỗ cúng thần linh. Những mâm cỗ đều bắt buộc phải chế biến và nấu nướng ngay trong rừng và cúng xong sẽ được ăn ngay trong rừng. Tất cả mọi người trong bản đều ăn chung ở đó.

Lễ Cấm bản tiến hành vào dịp mùng 3 tháng 3 hàng năm. Đây là lễ dâng tế vật tế thần sông, thần núi, thần khe, thần rừng nhằm phù hộ cho bà con dân bản ăn nên làm ra, điều dữ qua đi, điều lành sẽ tới và nguyện cầu một năm mưa thuận gió hòa mùa vụ bội thu.

Còn lễ Cấm bản tiến hành vào ngày mùng 6 tháng 6 ta lại mang dáng dấp như lễ cúng "thập vạn chúng sinh" của người Kinh. Vào dịp đó người Bản Hon cũng kéo nhau vào rừng làm cỗ cúng. 

Cũng cấm "nội bất xuất ngoại bất nhập", cốt là để mọi người "toàn tâm toàn ý" cho việc cúng lễ. Có vậy việc cúng mới chu toàn và đạt được mục đích. Chỉ khác là bà con làm cơm cúng cho những người chết rừng, chết suối, chết không ai chôn cất hoặc không có người cũng giỗ. Gọi là cúng "ma cơ nhỡ". Đó là nét sinh hoạt tâm linh rất nhân văn của người dân tộc Lự. 

Điều đáng nói thêm là tuy làm lễ có cúng có thờ nhưng bà con lại loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan và thay vào đó là đề cao vai trò sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính cộng đồng làm tăng thêm tính gắn kết mọi người dân trong bản.

Chuẩn bị cho lễ cấm bản.

Ông Tao Văn Si ngừng lời. Câu chuyện về lễ cấm bản cũng đã nói xong. Người đàn ông Lự cúi đầu vuốt vuốt vạt áo. Chiếc áo của đàn ông Lự khá đơn giản chứ không cầu kỳ như áo của chị em. Tuy nhiên mầu đen của áo cũng phần nào nói lên chiếc áo rất phù hợp với công việc lên nương lên rẫy. Tôi dụi mắt, nắng cuối thu hanh hao nên có cảm tưởng giờ này trong bản như càng thấy vắng. 

Dường như người Lự Bản Hon khá năng động trong lao động sản xuất. Họ không mải chơi như lâu nay chúng tôi ngộ nhận. Hơn 800ha đất cho canh tác đối với 547 hộ và 2.637 nhân khẩu quả là tất bật. Ấy vậy mà người Bản Hon còn hàng ngày chung tay bảo vệ gần 300ha rừng. Trong đó khó khăn và nặng nhọc nhất là làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. 

Anh Thuận -  Chủ tịch xã cho biết: "Xã đã nhiều năm không để xảy ra cháy rừng". Nghe anh Thuận nói xong trong lòng tôi bỗng bật lên ví von: "Được người được cả nết, đúng là bản Văn hóa có khác".

Tạm biệt Bản Hon. Tạm biệt những cô gái Lự thoăn thoắt tay ngồi dệt cửi. Tạm biệt những nụ cười đen bóng rất thân thiện. Tạm biệt lễ cấm bản mà chúng tôi chưa được dự "kể cũng đáng tiếc" như lời ông Tao Văn Si đã nói. Chúng tôi ra về và tin rằng sẽ có nhiều người tìm đến đây. Sẽ có nhiều người nói về Xã Bản Hon - đến với điểm du lịch văn hóa mới nổi của vùng Tây Bắc rực rỡ xòe hoa. 

Nguyễn Trọng Văn
.
.
.