Độc đáo nghề làm ngói máng vùng sơn cước

Thứ Hai, 19/09/2016, 14:25
Huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) nổi tiếng bởi những làng nghề truyền thống lâu đời như dệt lụa, rèn, mộc, làm hương trầm, giấy bản, ngói máng… Trải qua biết bao thăng trầm, cho đến nay nghề làm ngói máng ở xã Tự Do vẫn tồn tại và cạnh tranh với nhiều loại ngói mới và tấm lợp phi brôximăng hiện đại.

Ở khắp các xóm làng gần xa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, sản phẩm ngói máng của người Nùng vẫn hiện hữu trên những mái nhà sàn, nhà gạch đá cấp bốn của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…

Tinh hoa nghề làm ngói máng

Từ thị trấn Quảng Uyên thuộc huyện Quảng Uyên (Cao Bằng) đi thẳng quốc lộ 3 chừng 2km rồi rẽ phải vào địa phận xã Tự Do một cây số, làng Kéo Rỏn, Lũng Rì, Lũng Cát lần lượt hiện ra với hai bên đường san sát những lán trại, bên trong từng hàng, từng hàng ngói máng thô mộc nhiều vô kể xếp đều tăm tắp đang chờ vào lò nung.

Bên trong những mái nhà sàn tọa lạc dưới những chân núi là những lò ngói mộc mạc, đơn sơ đang từ từ nhả khói. Những thợ làm ngói đang cặm cụi giẫm đất, cẩn thận cắt xén những vuông đất nhỏ, hì hụi cho đất vào khuôn tạo nên những viên ngói đều nhau.

Sản phẩm ngói máng làm ra trông đẹp mắt và bền chắc.

Khung cảnh khiến chúng tôi cảm nhận được đây thực sự là một làng nghề hết sức tấp nập. Đó cũng là một trong những điểm nhấn cho bức tranh vùng cao đầy mê hoặc.

Lán ngói máng của anh Trương Văn Ngọc, xóm Lũng Cát thuộc xã Tự Do nằm ngay bên đường đầy ăm ắp những sản phẩm vừa mới ra lò đặc sệt mùi hương ngai ngái của đất. Khi chúng tôi đến, may mắn gia đình anh cũng vừa tắt lò, nghỉ tay nên mới có dịp trò chuyện.

Anh Ngọc cho biết: "Nghề làm ngói máng có từ thời tổ tiên ông bà rồi, cũng không biết bao lâu nữa. Ngói ở đây có 2 loại, đó là ngói máng và ngói bò, trong đó ngói máng để lợp còn ngói bò để úp nóc nhà. Ngói máng ở Tự Do làm bằng thứ đất sét mịn, dẻo, được mua tận xã Độc Lập.

Một điều quan trọng, để có sản phẩm đẹp, chất lượng ngói tốt thì phải làm tỉ mỉ từ việc ủ đất đúng kỹ thuật, đủ thời gian cho đến việc nung trong lò 5 ngày 5 đêm, đun lửa đều nếu không tuân thủ đúng kỹ thuật thì ngói dễ bị "sống" hoặc cháy khi nung trong lò.

Công đoạn đầu tiên để làm ngói máng là người thợ phải đi tìm nguồn đất, xác định được khu vực có đất tốt, đào, bóc lớp đất mặt lên rồi lấy tay lăn viên đất cho nhỏ bằng đầu đũa kéo dài ra mà không bị đứt gãy mới đạt tiêu chuẩn.

Khi xác định được nguồn đất thì tiến hành đào thành hố, bóc tơi đất, lọc đất sao cho không được dính đất tạp, cát, đá rồi cho nước vào ngâm. Sau 10 ngày ngâm đất thì đưa trâu vào dẫm quần đất cho nhuyễn.

Chúng tôi phải dùng tới 3, 4 con trâu giẫm đất ít nhất là 5 ngày thì đất mới đủ nhuyễn. Theo kinh nghiệm, cứ khi nào chân con trâu giẫm mà không dính đất thì coi như đất nhuyễn hoàn toàn".

Anh Ngọc cho biết thêm, khối đất sau khi đã làm nhuyễn chuyển về đắp thành một đống đưới gầm nhà sàn phủ kín để khỏi bị khô. Trước khi tiến hành làm ngói, người thợ xắn đất ra đắp thành một khối trụ cao khoảng 1,4 mét chiều dài và chiều ngang khoảng 1 mét.

Anh Lâm Văn Bào, Trưởng xóm Lũng Rì cho biết, nghề làm ngói máng càng ngày càng khó khăn.

Khi làm, người thợ dùng một thanh tre xoa nước nén chặt bề mặt trụ đất, lấy thước đo đánh dấu chia đôi trụ đất, đánh dấu chiều bề dày đúng 1cm rồi lấy dụng cụ cắt đất đưa vào khuôn.

Khuôn làm ngói máng có hình tròn, đường kính khoảng 25cm, trên thân khuôn có 4 điểm gờ chia đều nhau và như vậy mỗi lần đưa đất vào khuôn có thể làm được 4 viên ngói, khuôn được đặt trên 1 bệ xoay.

Chỗ điểm gờ trên khuôn tạo rãnh mỏng để khi đất khô có thể bẻ rời thành từng viên ngói. Trước đây người ta làm khuôn cố định chỉ có thể làm được 1 viên ngói nhưng do người Tày ở đây sáng tạo làm khuôn tròn vừa nhanh vừa đều.

Khi vã đất vào khuôn, người thợ vừa xoay vừa nén đất sao cho đều và chặt, sau đó mới đưa thước cắt vào cắt gọt. Bốn viên ngói làm xong, người thợ nhấc ra cùng với khuôn đưa đặt vào nơi phơi khô, thường thì ở dưới gầm nhà sàn.        

Theo người dân nơi đây cho biết, trung bình mỗi hộ một năm làm được nhiều nhất 4 lò, mỗi lò được 16.000 viên, giá mỗi viên bán ra 1.200 đồng, trừ chi phí các khoản, nếu thị trường tiêu thụ ổn định thu nhập mỗi năm trên 50 triệu đồng.

Nghề làm ngói giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình, đặc biệt, người làm ngói nơi đây luôn tâm niệm đây là nghề "gia truyền" của tổ tiên, cần lưu giữ và phát triển.

Trước đây nghề làm ngói ở xã có hơn chục hộ tham gia, đến nay tăng lên trên 130 hộ. So với một số địa phương khác, sản phẩm ngói máng làm ra ở đây có màu sắc đẹp và chất lượng tốt hơn nên một thời nơi đây trở thành địa điểm tấp nập khách ra vào để đặt mua ngói.

Làng nghề thủ công trước thách thức hội nhập

Anh Lâm Văn Bào, Trưởng xóm Lũng Rì cũng là một hộ làm ngói máng thủ công truyền thống cho biết: "Ngói máng thường bán theo từng đơn đặt hàng trước, khách hàng là bà con các huyện trong tỉnh làm nhà cổ, nhà gạch cấp bốn.

Mặc dù nghề làm ngói máng đã giúp cho nhiều hộ dân thoát khỏi đói nghèo, thế nhưng 2 năm nay tình hình tiêu thụ sản phẩm có xu hướng giảm mạnh, số hộ bỏ nghề có dấu hiệu tăng lên bởi không cạnh tranh nổi với các loại ngói hiện đại, giá lại rẻ hơn trên thị trường hiện nay.

Cả gia đình tôi, từ vợ chồng đến con cái đều làm ngói, trước đây cả làng làm với quy mô lớn nên thu nhập cũng cao. Bây giờ mỗi ngày trung bình quy ra tiền chỉ làm được mấy chục nghìn đồng, đấy là không tính thời tiết nắng mưa thất thường, có khi mưa cả tháng thì chỉ biết trông đợi vào cây ngô.

Đất để làm ngói được đắp thành hình trụ sau đó người dân nhào kỹ, lọc sỏi, đá, cắt thành những miếng mỏng.

Nhưng vì nghĩa tình với cái nghề truyền thống của cha ông quá sâu nặng nên phải duy trì, tìm hướng phát triển và cạnh tranh".

Theo nhiều người dân nơi đây cho biết, những năm gần đây, nhiều người cũng ít chuộng loại ngói máng nên sản phẩm làm ra cũng ít bán được như trước, thậm chí nhiều lúc ế ẩm.

Hơn nữa, nguyên liệu để làm ra loại ngói này là đất sét, phải lặn lội ra đến tận xã Độc Lập để mua với giá khá cao. Không những khó khăn về nguyên liệu đất nung mà củi đốt cũng là thứ gây tốn kém chi phí cho bà con làm ngói.

Trung bình mỗi lò ngói phải tốn vài xe ngựa củi, người dân phải bỏ tiền ra hàng triệu đồng để mua từ chợ về. Đây là nguyên liệu không thể thay thế bởi nếu dùng than đốt sẽ không điều chỉnh được nhiệt độ trong từng giai đoạn khi nung lò.

Các công đoạn làm ngói cũng hết sức phức tạp, để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh vô cùng công phu, đòi hỏi nhiều thời gian cũng như sự tỉ mỉ và kỳ công của người thợ.

Chính vì vậy, giá cả của từng viên ngói máng không thể bán rẻ hơn so với những mái tôn hiện đại, nếu không người dân sẽ không có một đồng lợi nhuận.

Đứng trước những khó khăn nhưng người Nùng an không dễ gì khuất phục, gục ngã bởi ý chí kiên cường, sắt đá của họ đã được thừa kế từ tổ tiên, tôi luyện theo những thăng trầm của nghề làm ngói máng từ thuở lập bản cho đến nay.

Tất cả cũng để duy trì được cái nghề truyền thống vốn đã một thời "ăn nên làm ra" của làng, cũng như là giữ chút gì đó truyền thống còn lại cho con cháu đời sau.

Tinh thần đó luôn vẹn nguyên như lời của Mạc Văn Tiền, Trưởng xóm Kéo Rỏn và cũng là chủ lò ngói máng: "Tuy còn nhiều khó khăn, sản xuất bằng phương pháp thủ công, vùng nguyên liệu chưa ổn định, xuất hiện nhiều sản phẩm ngói hiện đại cạnh tranh, sức mua hai năm nay giảm so với trước đây, nhưng cùng với dòng thời gian, sản phẩm truyền thống ngói của làng nghề vẫn mãi mãi tồn tại, phát triển.

Bởi tôi biết, sản phẩm ngói máng của chúng tôi làm ra có chất lượng tốt, thời gian sử dụng lâu dài, an toàn tuyệt đối, bởi 100% là đất tự nhiên, đặc biệt nó vẫn phù hợp với gu thẩm mỹ của đa số đồng bào dân tộc vùng cao".

Bao đời nay, ngói máng của người Nùng an ở xã Tự Do được bà con dân tộc đánh giá rất cao về độ bền cũng như khả năng chống nóng, chống tốc khi có gió to.

Những ngôi nhà sàn được lợp bằng ngói máng là hình ảnh thường thấy ở vùng cao.

Những mái nhà lợp ngói máng mang dáng dấp cổ kính đặc trưng đã quen thuộc đối với người dân vùng cao. Đây chính là nét văn hóa kiến trúc độc đáo cần được bảo tồn và phát triển.

Mong mỏi của bà con nơi đây là nghề làm ngói được các cơ quan, ban ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ để mai này, nét văn hóa truyền thống độc đáo của những viên ngói máng còn hiển hiện trong những ngôi nhà sàn, hay những ngôi nhà trình tường mang bản sắc văn hóa riêng biệt.

Nông Vĩnh - Minh Phượng
.
.
.