Độc đáo những bản giao ước của bản làng xứ Lạng

Chủ Nhật, 31/12/2017, 10:07
Mỗi ngôi làng đều có hương ước, luật lệ riêng nhằm phục vụ lao động sản xuất, cuộc sống bình yên. Tuy nhiên, "luật ăn trộm" thì quả thực xưa nay hiếm đối với một ngôi làng xa xôi nơi biên giới xứ Lạng. Khi bị phát hiện, kẻ trộm sẽ phải nộp phạt rượu thịt để cả làng mở hội.

Điều đặc biệt, kẻ trộm cũng được tham gia bữa tiệc đó để nghe những vị cao niên răn dạy, nhắc nhở tránh tái phạm. Chỉ cần chống lại hoặc có phạm lỗi lần thứ hai họ sẽ bị cô lập, tách biệt mọi sinh hoạt của làng.

1.Bao đời nay, núi rừng Đông Bắc ẩn chứa nhiều điều kỳ thú, thôi thúc mọi người khám phá. Dù không phải lần đầu tiên đến đây nhưng cảm giác ngỡ ngàng, thú vị và háo hức vẫn còn nguyên vẹn trong chúng tôi. Con đường vào xã Bính Xã (huyện Đình Lập, Lạng Sơn) được người ta ví khó khăn như đường lên trời vậy.

Những con dốc dựng đứng vắt qua từng con núi, lấp ló dưới những đám mây trắng bồng bềnh. Con đường trải đầy những hòn đá tảng lô nhô, một bên là vách núi bên kia là vực thẳm như những cái bẫy mà tạo hóa vô tình đặt ra. Để đến được bản làng có "bộ luật ăn trộm" độc đáo bậc nhất này, chúng tôi phải gồng mình đi khoảng hai tiếng đồng hồ dù quãng đường chỉ hơn 10 cây số.

Bản làng xứ Lạng được bao bọc bởi những dãy núi ngút ngát xanh.

Bính Xã nằm giáp ranh với khu vực biên giới, bao bọc bởi những ngọn núi xanh ngút ngát. Những ngôi nhà trình lợp ngói âm dương, nằm cheo leo bên sườn núi như một chứng tích của nền văn hóa đậm chất của đồng bào Tày.

Đến đầu bản Mọi, chúng tôi loay hoay tìm cách gửi xe bởi đi bộ là cách duy nhất để vào bản. Thấy vậy, anh Hoàng A Sìn cười nói: "Các anh từ nơi khác đến đây phải không? Sợ bị ăn cắp xe là đúng rồi, cứ để xe ở vệ đường ấy, ở đây không có ai ăn trộm đâu mà lo. Các anh không thấy là xe máy của người đi rừng, đi nương họ để đầy đường đó à? Chưa ai bị mất bao giờ cả".

Nhìn ánh mắt chân thật, cách nói chuyện của anh Sìn khiến chúng tôi không thể không tin. Bản Mọi là một trong những bản khó khăn nhất của xã Bính Xã, bà con quanh năm gắn bó với ruộng nương, sống bám trụ với rừng.

Ở đây chỉ có lưa thưa vài ba ngôi nhà của bà con dân tộc Tày. Thế nhưng nó lại nổi tiếng bởi sự liên kết sinh hoạt cộng đồng, nổi tiếng bởi những luật lệ độc đáo trong hương ước của làng. Đặc biệt nhất phải kể đến "luật ăn trộm".

2.Quy ước của làng về việc xử phạt nếu bắt được kẻ trộm đã được tổ tiên của người Tày nơi đây nghĩ ra từ nhiều đời nay. Ngày đó, để tránh xảy ra những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, các vị cao niên đã ngồi họp với nhau, thống nhất những quy ước về sinh hoạt cộng đồng.

Nói về điều này, ông Nông Văn Lầy (65 tuổi) chia sẻ: "Đây thực ra là những quy định để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, như: Cấy đổi công giữa các hộ trong làng, giúp đỡ nhau trong chuyện dựng nhà, ma chay, cưới hỏi. Nhưng độc đáo nhất phải kể đến "luật ăn trộm" của bà con chúng tôi. Luật này được các cụ bàn bạc, thống nhất và trở thành hương ước của làng. Chính vì thế bao thế hệ phải có trách  nhiệm thực hiện theo hương ước đó".

Trong đó quy định: Nếu phát hiện ai ăn trộm sẽ phải trả lại đồ đã ăn cắp cho người bị mất, đồng thời làng bắt người có hành vi ăn trộm phải bỏ tiền ra mua 10kg thịt, 10 lít rượu và 10kg gạo nếp để làng liên hoan.

Ông Lầy tự hào kể về những giao ước độc đáo của bản mình. 

Sự việc này sẽ được thông báo lên đến toàn bộ nhân dân trong làng và xã được biết. Chính vì thế, từ cụ già đầu bạc cho đến trẻ em đều ý thức rằng, ăn trộm là một điều tối kỵ. Đó là điều nhục nhã nhất không chỉ với người đó mà còn cả với gia đình và dòng họ.

Ông Lầy cho biết thêm: "Thực ra "luật ăn trộm" chính là đánh vào danh dự của mỗi người. Hình phạt về kinh tế cũng chỉ là một phần, cái chính là đánh vào đạo đức. Hình phạt theo giao ước này có điều đặc biệt, khi một người ăn trộm sẽ được thông báo cho cả làng, cả xã biết.

Trong buổi liên hoan của cả làng khi bắt được tên trộm thì sẽ không có sự phân biệt đối xử, nếu tên trộm thành khẩn nhận lỗi, tự nguyện làm theo hương ước thì sẽ được tha thứ. Kẻ trộm vẫn được tham gia bữa liên hoan cùng cả làng. Lúc này các cụ già làng sẽ nhắc lại quy ước, khuyên bảo họ không tái phạm nữa" - ông Lầy cười nói về tục lệ địa phương mình.

Đối với những kẻ không biết ăn năn hối cải thì làng sẽ có hình phạt hà khắc hơn rất nhiều. Nếu kẻ ăn trộm bị bắt, bị phạt mà không thực hiện, hoặc tái phạm lần thứ 2 sẽ bị đuổi ra khỏi "phường hội" (những người làng lập ra các "phường hội" để sinh hoạt cộng đồng, tiện bề giúp đỡ lẫn nhau trong lao động).

Anh Hoàng A Sang cho hay: "Nếu bị đuổi ra khỏi "phường hội" thì đó quả thực là một điều vô cùng xấu hổ. Không chỉ bị mọi người cười chê, khinh miệt mà lại rất khó khăn trong lao động sản xuất. Ở bản của tôi trước đây cũng đã từng có người bị như vậy rồi. Ngày đó anh ta chỉ ăn cắp con gà thôi, vậy mà bị phát hiện rồi phạt.

Chứng nào tật ấy, anh ta lại tái phạm. Đúng theo quy định anh ấy không còn được tham gia bất cứ "phường hội" nào nữa. Nghĩ cũng tội nghiệp, hằng ngày đi làm hay đi chơi cũng chỉ lủi thủi một mình. Không những vậy còn phải chịu bao lời chê trách, coi khinh của hàng xóm láng giếng. Cuối cùng không chịu được cảnh cô lập, anh ấy đã phải bỏ làng, bỏ bản mà đi.

Chỉ cần nghĩ đến những tấm gương đó thôi đã khiến cho mọi người ở đây không dám ăn trộm, ăn cắp nữa. Chúng tôi rất chú trọng việc nuôi dạy con cái của mình. Điều đầu tiên là phải thuộc hương ước của làng, sau đó chúng tôi sẽ kể cho chúng nghe những câu chuyện nhiều người mắc phải để chúng biết sợ mà tránh".

Nếu tên trộm là người dân ở nơi khác sẽ được dân làng giao nộp cho địa phương đó xử lý. Được biết, một số thôn khác của xã Bính Xã, huyện Đình Lập, Lạng Sơn cũng có "luật ăn trộm" như: Nà Lừa, Pò Mát, Bản Xả... Về cơ bản, những luật lệ này cũng gần giống nhau, giữa chúng chỉ khác nhau về mức độ phạt nặng hay nhẹ, có làng đông dân thì phạt khoảng 20kg thịt lợn, 20 lít rượu, 20kg gạo nếp.

Tuy có khắc nghiệt, nhưng hương ước vẫn tuân thủ theo những quy định của luật pháp. Nếu tên trộm có hành vi nặng, gây thiệt hại lớn thì ngoài việc phạt theo lệ làng vẫn phải trình báo lên chính quyền địa phương để có phương hướng xử lý. Tức là ngoài việc phạt theo lệ làng, kẻ trộm vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Theo các vị cao niên trong làng, trước đây khi chưa có quy ước này, nạn trộm cắp vặt rất nhiều. Sau khi có "luật ăn trộm", nạn này gần như không còn. Cụ Hoàng A Vàng (85 tuổi) cho hay: "Việc phạt rượu thịt là một phần, quan trọng là mọi người thấy xấu hổ, thấy ngại với mọi người.

Ông Vi Mạnh Sự, cán bộ xã Bính Xã cho rằng, có những giao ước đó người dân được sống bình yên hơn.

Bây giờ gần như không còn nạn ăn cắp vặt nữa, bà con trong bản vô cùng phấn khởi, an tâm làm ăn kinh tế, xây dựng gia đình, thôn bản. Nó thực sự là một nét đẹp văn hóa riêng, độc đáo của thôn bản chúng tôi. Con cháu khôn lớn, trưởng thành, ngoan ngoãn, những người như chúng tôi còn gì hạnh phúc hơn. Đi đâu, gặp ai chúng tôi đều khoe về sự bình yên, hạnh phúc của dân làng mình".

Ông Lộc Văn Linh, cán bộ UBND xã Bính Xá cho biết: Ở các làng bản chúng tôi có những bản giao ước độc đáo, đặc biệt là họ thực hiện rất nghiêm túc. Vì thế trong vùng chưa xảy ra bất cứ vụ việc nào thực sự nghiêm trọng. Bên cạnh việc thực hiện những giao ước, người dân luôn chấp hành tốt theo luật pháp của Nhà nước. Đây là một nét đẹp trong phong tục, tập quán của các bản làng vùng biên giới này. Nó thể hiện sự kết dính cộng đồng, tổ chức làng xã.

Giao ước này không chỉ góp phần hạn chế nhiều tệ nạn xã hội, mà còn góp phần mang lại lòng tin, sự an tâm cho người dân trong cuộc sống. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn phải thường xuyên tổ chức các chuyến đi xuống từng thôn bản để tuyên truyền, vận động bà con sống theo đường lối của Đảng và Nhà nước, tiến tới xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí. Để có cuộc sống bình yên như ngày nay là một nỗ lực to lớn, rất đáng ghi nhận của người dân vùng biên viễn nơi đây.

Phong Anh
.
.
.