Độc đáo trò chơi dân gian nặn pháo đất ở đền Trần Thái Bình

Thứ Năm, 27/02/2014, 09:00

Trò chơi dân gian nặn pháo đất từ lâu trở thành một phần không thể thiếu trong Lễ hội đền Trần Thái Bình. Với sự góp vui của hàng chục pháo thủ đến từ xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, họ đã mang lại cho du khách thập phương về trẩy hội những tiếng cười phấn khích…

Đến hẹn lại lên, đền Trần Thái Bình tọa lạc tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà lại được chính thức khai hội, nhằm tưởng nhớ tới các vị vua, tướng tài của nhà Trần có công dựng và giữ nước trong triều đại phong kiến Việt Nam đã làm nên những trang lịch sử hào hùng 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông.

Những ngày này, hàng ngàn du khách trong cả nước cùng nhau hành hương nô nức kéo về khu di tích để trẩy hội, tưởng niệm vái vọng và thưởng ngoạn những công trình kiến trúc nghệ thuật xây dựng. Ngoài phần tế lễ ra, du khách đến với lễ hội còn có dịp mãn nhãn với những trò chơi giân gian đặc sắc, thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc như: Thổi cơm cần, lễ thi cỗ cá, thả diều, gói bánh chưng, nặn  giã bánh dầy… Trong đó cuộc thi pháo đất được đông đảo khán giả thập phương trông đợi nhất.

Sử sách ghi lại rằng, trò chơi pháo đất được bắt nguồn theo tích xưa: Vào năm 1288, trong lúc quân ta đang đánh chiến ác liệt với giặc ở Bạch Đằng thì con voi của Trần Hưng Đạo bất ngờ bị sa vào vũng lầy ở bãi sông Hóa thuộc làng A Sào nay thuộc xã An Thái (Quỳnh Phụ).  Dân quanh vùng thấy vậy liền hô hoán gọi nhau vác cuốc xẻng ra đào đất, vác đất hỗ trợ cùng với quân lính ném đất xuống bãi lầy để đắp đường cho voi lên bờ. Cũng theo các cụ cao niên trong làng cho biết, trò chơi pháo đất huyện Hưng Hà còn gắn liền với tích chuyện quai đê chống lũ lụt ngày xưa. Để tưởng nhớ vết tích của voi thần và vị tướng tài đức, người dân Thái Bình vào những ngày đầu xuân thường xuyên cùng nhau diễn lại màn tung đất cứu voi xưa. Thời gian nông nhàn, họ cùng nhau ra ruộng lấy đất sét mang về nhà nhào nặn, rồi trổ tài bằng màn "nặn pháo đất" như vậy.

Hàng năm, đền mở hội, các pháo thủ đến từ xã Chi Lăng lại có dịp được trổ tài. Họ đều là những thanh niên trai tráng hay các lão nông làm ăn kinh tế giỏi đang sinh sống và làm việc tại mảnh đất quê hương Hưng Hà.

Theo ghi nhận của phóng viên thì tại cuộc thi pháo đất được chia làm 5 đội. Mỗi đội gồm 4 người trong trang phục quần vàng, áo đỏ theo kiểu cách đồng phục của quân lính ngày xưa. Nguyên liệu làm pháo được nhào nặn từ đất sét siêu mịn, nguyên chất. Hình dáng của một quả pháo đất giống như một chiếc thuyền, bởi theo quan niệm của người dân nơi đây pháo đất có đặc thù như vậy chính là biểu tượng mang lại may mắn cho một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió, vạn sự như ý. Để cho "sản phẩm" tạo ra có hình dáng giống như một chiếc thuyền, các thợ nặn cần phải sử dụng đến tấm tôn làm khuôn mẫu.

Đôi bàn tay gân guốc, gầy gò đang nhào nặn "tác phẩm" của mình, cụ Nguyễn Mạnh Quân (70 tuổi) là thành viên cao tuổi nhất trong hội và cũng là người dày dạn kinh nghiệm, vừa làm cụ vừa hào hứng chia sẻ: "Năm nào tôi cũng tham gia, góp vui với hội thi pháo tại đền Trần. Ngày trước còn khỏe mạnh, phong độ vẫn luôn được giao trọng trách quan trọng là gieo pháo. Giờ thì tuổi cao sức yếu, chỉ trổ tài cùng anh em trong đội với những đường nặn dẻo dai vành pháo cơ bản này thôi".

Mới thoạt xem qua thì ai cũng nghĩ nặn pháo đất thật sự đơn giản, chỉ cần sức lực, không cần đòi hỏi cách thức quá nhiều, thế nhưng để có được tiếng nổ đanh và vang lại là cả một công đoạn dài, nó đòi hỏi sự công phu khéo léo, dẻo dai đúng quy trình và kỹ thuật.

Người được giao trọng trách gieo pháo phải là người có sức khỏe, dày dạn kinh nghiệm.

Ông Đinh Văn Tuấn, môt vị trưởng nhóm của đội Quang Trung chia sẻ: "Để pháo đất có được những tiếng nổ vang và đanh thì người nặn phải làm theo đúng, đủ quy trình. Trong đó quan trọng nhất là bước dùng búa nén pháo cho chặt và nặn giềng pháo không được quá mỏng và cũng không quá dầy (giềng pháo hay còn gọi vành đai của pháo - PV). Mình gò nặn sao cho thật mịn, hạn chế lồi lõm. Trọng trách khi gieo pháo phải chọn người có kỹ thuật, khỏe mạnh tương sức với quả pháo nặng 30 - 40kg, có như vậy người chơi mới mang lại được những tiếng nổ vui tai cho khán giả đứng hô hò xem, cổ vũ".

Có dịp trò chuyện với phóng viên, anh Vũ Văn Thức, một du khách quê xa ở tỉnh Hưng Yên về trẩy hội, phấn khởi nói: "Ngày bé, chúng tôi cũng chơi trò này suốt, nhưng không nặn pháo to như thế này, trước mỗi người chơi cầm một nắm đất sét nhỏ trên tay. Nếu ai nặn pháo mà có tiếng nổ đanh, rách lớn thì cả hội phải đền đất cho người đó. Trò chơi pháo đất này quả thật thú vị, độc đáo khiến ai xem cũng phấn khích được sống lại về tuổi thơ".

Năm nay, lễ hội bắt đầu khai mạc vào tối 12/2  kéo dài đến ngày 17/2 (tức 13 - 18 tháng Giêng âm lịch). Vào những ngày này có hàng ngàn du khách thập phương trong cả nước đổ về khu di tích lịch sử quốc qia đền Trần và các lăng mộ vua Trần để thắp hương tưởng niệm, cầu phúc, cầu lộc, cầu bình an.  Đền Trần Thái Bình vừa mới được Bộ VHTT & DL chính thức công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Đây cũng là năm thứ 5 huyện Hưng Hà đứng ra tổ chức sự kiện trọng đại này nhằm tưởng nhớ các vị vua Trần dựng nghiệp, nêu cao truyền thống yêu nước của cha ông ta

Thanh Tuyển
.
.
.