Độc đáo tục mặc áo tang màu đỏ của người Mường

Thứ Sáu, 10/01/2014, 08:00

Chúng tôi có dịp về miền Tây của huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) công tác, trong một lần vào bản Bất Mê, xã Thành Công khi tham dự một đám tang theo nghi lễ cổ. Điều độc đáo trong đám tang của gia đình này các cô con dâu phải mặc áo tang màu đỏ đứng tế "quạt ma". Khi đưa tiễn người quá cố vào rừng chôn cất, suốt cả một quãng đường dài, những người con trong gia đình phải nằm rạp xuống đất để cho người khiêng quan tài bước qua.

Sự tích về tục con dâu mặc tang phục màu đỏ

Chúng tôi có dịp chứng kiến đám tang theo nghi lễ cổ xưa của gia đình ông Khiết, có cụ bà Bùi Thị Đẹp (90 tuổi) mất trong tháng 8/2013. Cụ là người gốc ở Mường Vang (Hòa Bình) di cư vào tỉnh Thanh Hóa. Những người con dâu trong nhà ông Khiết phải mặc bộ đồ màu đỏ "quạt ma" rất đẹp, gồm: váy đen, cạp mới, áo ngắn, áo chùng đỏ, yếm đỏ, hai tay đeo vòng hạt cườm, tay phải cầm quạt cọ múa, tay trái cầm que gậy, đầu đội mũ được trang trí tua hạt cườm.

Để tìm hiểu rõ về phong tục kỳ lạ này, chúng tôi tìm gặp cụ bà Hồi (76 tuổi). Cụ Hồi là con dâu trong dòng họ Bùi, nay tuổi đã cao nhưng cụ vẫn còn nhớ rõ về sự tích bí ẩn này. Cụ cho biết, trong họ Bùi gốc Mường Vang, sở dĩ các cô con dâu phải mặc áo tang màu đỏ là nó còn gắn liền với một sự tích từ ngàn năm nay. Họ Bùi là thuộc dòng họ nhà Cuội. Sở dĩ họ nhà Cuội là vì gia đình chỉ có hai mẹ con côi cút. Lúc người mẹ già yếu qua đời, vì nhà nghèo không có tiền lo tang lễ nên người con trai đã nghĩ ra cách giả vờ cho nhà hàng xóm hại chết mẹ mình.

Theo câu chuyện của cụ Hồi, một hôm sáng sớm tinh mơ, anh Cuội vác xác mẹ mình cùng bó rơm qua hàng xóm dựng đứng bên ngoài cánh cửa rồi giả vờ cùng mẹ đi xin lửa về nhóm bếp. Sau đó, anh Cuội chạy về nhà lớn tiếng gọi sang nhà hàng xóm đánh động. Hàng xóm nghe thấy tiếng kêu mới đẩy cánh cửa, bất ngờ người mẹ ngã từ trên gác rơi xuống đất. Biết hàng xóm đã "dính bẫy", anh Cuội chạy sang nằm ăn vạ rồi anh báo cho nhà lang biết chuyện.

Khi nhà lang xuống đến mới thấy sự việc và cho rằng nhà hàng xóm đã hại chết mẹ anh Cuội. Quan lang, người giữ chức sắc cao nhất trong Mường bắt nhà hàng xóm kia phải lo việc tang lễ cho mẹ anh Cuội. Sự việc rành rành không thể chối cãi được, nhà hàng xóm bèn phải cử người nhà "đồ cơm đội gạo", mổ lợn, trâu để tiến hành tang lễ.

Khi đã chuẩn bị hết các đồ để tiến hành lễ "quạt ma" nhưng anh Cuội không có vợ vì nhà nghèo, nguyên tắc tang lễ là phải có con dâu đứng "quạt ma". Lúc này, không còn cách nào khác nên anh Cuội phải mượn 9 cô gái phụ giúp việc trong nhà lang làm người quạt ma hộ. Chín cô gái xinh đẹp mượn khuyên tai, vòng cổ đeo lên mình, nhưng vì là người giúp việc nên những bộ đồ của chín cô gái vẫn mặc y nguyên là đồ người giúp việc.

Sở dĩ, quan niệm từ xưa của người Mường cổ khi trong gia đình có cha mẹ chết phải có người con dâu "quạt ma", tức là dùng quạt bằng lá cọ đứng hoặc ngồi phe phẩy vào quan tài. Với nghi lễ này, người Mường cho rằng, phải quạt mát như vậy để cho hồn người nằm trong quan tài được mát mẻ, y như khi còn sống được con dâu ngồi quạt mát cho mẹ. Khi ngồi quạt, các cô con dâu phải ngồi vào cối đá, thứ tự được xếp từ trái qua phải là con dâu cả đứng đầu rồi lần lượt đến con dâu thứ. Họ phải ngồi vào cố đá vì nhà anh Cuội nghèo không có ghế nên các cô gái đã lấy luôn chiếc cối giã chè của mình ngồi vào cho khỏi mỏi. Ngày nay, theo nghi lễ cổ, nhiều gia đình trong họ vẫn phải lấy cối để cho các cô con dâu ngồi vào. Cho nên người Mường kiêng kỵ nhất là trẻ con hoặc ai đó vô tình ngồi vào cối giã.

Mô hình đám tang cổ người Mường ở Bảo tàng Dân tộc học.

Cụ Hồi nói: "Sau khi chuẩn bị đưa tiễn người chết ra rừng sẽ có một bữa cơm cho các cô con dâu. Nguyên tắc là khi ăn cơm mỗi người con dâu sẽ phải ngồi một mình một mâm. Vì là họ nhà con "côi" nên phải ngồi như vậy, ý nghĩa là để đền ơn những cô gái mà anh Cuội đã mượn về "quạt ma" cho mẹ mình".  

Bộ tang lễ kỳ lạ dành riêng cho các cô con dâu này chỉ được mặc đến khi khiêng quan tài ra ngõ là phải cởi đồ ra ngay. Sau đó phải nhanh chóng chạy đi trước quan tài rửa tay bằng nước lã. Rửa tay xong, các cô con dâu lại mặc đồ màu trắng như bình thường. Theo cụ Hồi, phải chạy đi rửa tay và cởi đồ đó ra rồi thay đồ trắng vào vì những đồ đó là đồ của chín cô gái giúp việc. Chín cô gái đã hoàn thành việc quạt ma cho anh Cuội nên cởi đồ trả lại. Còn khi các cô con dâu đã mặc đồ trắng, đội mũ lụa vào chịu tang mẹ là lúc đó những người con này đã trở thành con dâu trong nhà rồi.

Cụ Hồi cho biết thêm, sau khi nhà hàng xóm lo tang lễ xong xuôi, vì thông minh nên anh Cuội bắt chín cô gái đã “quạt ma” cho mẹ mình rồi nên phải làm dâu cho anh. Về sau dòng họ Bùi người Mường mới có sự tích là họ nhà Cuội.

Tục "nằm đường" của người Mường

Theo tập tục ma chay của người Mường, khi trong nhà có người chết, con trai trưởng cầm dao, nín thở chặt 3 nhát vào khung cửa sổ gian thờ, sau đó gia đình nổi chiêng phát tang. Từ khi nổi chiêng phát tang, những người con trong họ phải chống gậy trước quan tài người chết. Khi dân làng tiến hành khiêng quan tài đưa người chết ra khỏi nhà, con cái trong nhà phải chạy nhanh đi trước, nằm rạp xuống đường để cho người khiêng quan tài bước qua.

Cụ Bùi Công Cán (87 tuổi), một cao niên trong làng cho hay, tục nằm đường của người Mường thì dòng họ nào cũng phải làm, vì khi cha hoặc mẹ qua đời, con cái phải nằm xuống để tỏ lòng thành kính báo hiếu với cha mẹ. Lúc còn sống, cha mẹ chưa được con cái chăm sóc đến nơi đến chốn, lúc chết, các con phải nằm giữa đường để cha mẹ bước qua. Tục nằm đường đã có từ lâu đời, nếu dòng họ hoặc gia đình nào không tiến hành tổ chức theo nghi lễ truyền thống sẽ được coi là bất hiếu.

Trước đây, khi đưa tiễn người chết vào rừng, trai tráng trong bản phải dùng cây luồng làm đòn khiêng quan tài, vì vậy việc nằm đường sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, quá trình nằm đường cũng mệt hơn vì phải nằm suốt quãng đường từ nhà đến nơi chôn cất. Ngày nay, do đã bỏ qua nhiều thủ tục rườm rà nên tục này chỉ nằm một đoạn đường ngắn từ lúc di chuyển quan tài trong nhà ra đến cổng mà thôi. 

Nguyên tắc nằm đường là con trưởng xếp ở đầu hàng rồi đến lần lượt các con thứ. Khi nằm đường phải nằm rạp xuống hoặc quỳ ngang đường cho đến khi khiêng quan tài đi qua hết mới được đứng dậy, cứ nằm liên tục như vậy đến khi nào đưa quan tài lên xe tang mới thôi.

Nguy cơ mai một

Ý thức được ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng trong phong tục ma chay độc đáo có từ ngàn năm nay. Người Mường ở Thanh Hoá vẫn còn giữ được bản sắc riêng trong đời sống tâm linh. Mặc dù một số phong tục cũ không còn phù hợp nên đã bị xoá bỏ. Tuy nhiên, nét độc đáo trong tục lệ ma chay truyền thống vẫn còn là một lời giải mang màu sắc bí ẩn, không thể khám phá được hết.

Nhiều người con chống gậy tre ngồi lễ, sau đó sẽ phải nằm đường cho người khiêng quan tài đi qua.

Theo ông Cán, ngoài những tục lệ trên, đám tang ma của người Mường cổ còn có những tục lệ hết sức độc đáo như: Quan tài được làm bằng cây gỗ khoét rỗng thành hình chiếc thuyền. Người chết sẽ được chôn cùng đồ tùy táng như: Bát, đĩa chôn giữa mộ, vò đựng nước chôn ở đầu mộ. Nhà lang xưa kia còn chôn theo cả sanh và vật dụng để ninh xôi được làm bằng đồng.

Nếu người chết là lang cun (người giữ chức cao trong đạo mường) còn được chôn theo một chiếc trống đồng. Sau khi lấp đất được hơn một nửa huyệt, người thân sẽ rải một lớp than tro dày khoảng 5cm trước khi lấp đầy áo quan. Khi đã thực hiện xong tất cả các nghi lễ, người ta đắp đất thành mộ. Chôn hòn mồ bằng đá quanh mộ. Chỉ cần nhìn vào những viên đá được chôn ở mộ cũng có thể biết được thân phận của người chết. Giả sử, mộ lang cun được chôn 9 hòn đá to, lang đạo 7 hòn đá to, thường dân chôn 5 hòn đá nhỏ. Cuối cùng là việc dựng nhà mồ bên trên ngôi mộ để chứa đồ đạc mọi người gom góp. Sau ba ngày mai táng, những người thân trong gia đình ra mộ làm lễ mời hồn về để thờ cúng trong nhà.

Anh Bùi Văn Thân, Trưởng ban Văn hóa xã Thành Công cho biết: "Đám tang của người Mường Vang cổ đậm nét sinh hoạt văn hóa nghệ thuật dân gian của người Mường. Ngày xưa ở trong xã, một lễ tang có thể kéo dài từ 7 đến 12 ngày. Nhưng hiện nay, đám tang đã được đơn giản hóa. Thời gian làm đám chỉ còn 3 ngày, thậm chí có thể thực hiện nhanh hơn. Quá trình làm tang lễ cũng bớt rườm rà hơn. Tuy nhiên, những nghi thức cổ còn giữ nguyên bản sắc của văn hóa Mường. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vương Anh trong cuốn “đẻ đất, đẻ nước” đã từng nói: "Đám hiếu ở Mường Vang - điểm hội tụ của văn hóa dân gian mang tính nhân văn sâu sắc"

Minh Phượng
.
.
.