Đổi bằng lái xe lấy mì gói

Thứ Ba, 03/01/2017, 09:47
Nhằm giảm nguy cơ tài xế cao tuổi gây tai nạn giao thông, Cảnh sát tỉnh Aichi (miền Trung Nhật Bản) lập chương trình đổi bằng lái xe lấy mì gói.


Cụ thể là các tài xế từ 75 tuổi trở lên nếu chịu nộp lại bằng lái xe cho cảnh sát,  thì họ sẽ được cấp một giấy chứng nhận, từ đó họ có quyền hưởng chế độ giảm giá 15% khi ăn mì ramen tại 179 điểm thuộc chuỗi nhà hàng Sugakiya thuộc tỉnh Aichi. Một bữa ăn sau khi được giảm giá gồm mì ramen (mì ăn liền) cơm và rau xà lát chỉ còn 500 Yen (4,46 USD). 

Lú lẫn không được lái xe

Đấy  là 1 trong những biện pháp khuyến khích người già từ bỏ việc lái xe tại Nhật Bản. Trước khi có cách đổi bằng lái xe lấy mì này, 12.000 tài xế trong tỉnh đã hưởng những lợi ích của chiến dịch. 

Một chiến dịch tương tự ở Tokyo cũng từng cấp bằng “tốt nghiệp” cho tài xế về hưu, thừa nhận thành tích lái xe sau hàng chục năm của họ. Những người này được hưởng sự giảm giá vé xe buýt, cước phí taxi. Trên toàn nước Nhật, đã có khoảng 270.000 người nộp lại bằng lái xe hồi năm 2015, nhưng vẫn chỉ là một tỉ lệ nhỏ trong tổng số tài xế cao tuổi.

Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 3-2017 trên toàn nước Nhật, tài xế trên 74 tuổi sẽ bị cảnh sát bắt dừng xe vì vi phạm luật giao thông, hoặc thể hiện các dấu hiệu mất trí nhớ hoặc phán đoán sai khi tham gia các cuộc kiểm tra nhận thức định kỳ sẽ được gởi đến bác sĩ. Tài xế cao tuổi nào có các triệu chứng lú lẫn - một điều kiện tác động đến 4,6 triệu người - sẽ bị “treo” hoặc bị thu hồi bằng lái xe. 

Nhưng các điều kiện này khiến có sự lo ngại: người già ở vùng nông thôn -không có nhiều hệ thống vận chuyển công cộng-sẽ có thể cảm thấy họ bị cô lập, nếu như họ không còn được lái xe.

Biện pháp đổi bằng lái xe lấy mì gói được đưa ra trong bối cảnh các vụ tai nạn giao thông liên quan đến các tài xế lớn tuổi ngày càng tăng ở Nhật. Chiến dịch đổi bằng lái xe lấy mì gói này gây ra nhiều phản ứng khác nhau. Vài người Nhật nói họ bị tước quyền lái xe, và sự tự do của người cao tuổi phải được tôn trọng. 

Nhưng những người khác công khai ủng hộ, như nhà sư Taa Shinen 97 tuổi, đã công khai bàn giao giấy phép lái xe cho cảnh sát. Nhà sư nói ông ý thức được sự nguy hiểm chực chờ lái xe cao tuổi và hy vọng việc ông làm sẽ khuyến khích người khác làm theo. 

Ông nói “Thật ngốc nếu cố giữ bằng lái xe chỉ để thỏa mãn cái tôi. Tôi hy vọng các thí chủ sẽ đem nộp giấy phép lái xe của mình và tận hưởng phần đời còn lại thuận theo tự nhiên... Ngay cả khi tôi ý thức được việc lái xe an toàn thì vẫn không loại trừ khả năng gây tai nạn”.

Thời gian gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng kêu gọi tích cực hành động nhằm giảm thiểu tình trạng người già lái xe. Theo Cảnh sát Nhật Bản, tổng số vụ tai nạn giao thông đã giảm trong những năm gần đây, nhưng số vụ tai nạn liên quan đến tài xế trên 74 tuổi vẫn tăng từ 7,4% lên 12,8% so với 10 năm trước. Trong năm ngoái, khoảng 270.000 người lớn tuổi ở Nhật Bản đã mang nộp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số người già đang sở hữu bằng lái ở Nhật.

Vào lúc hơn 1/4 trong 127 triệu dân Nhật đang trong độ tuổi 65 trở lên (sẽ là 40% từ năm 2060), ước tính khoảng 17 triệu người từ 65 tuổi trở lên đang giữ bằng lái xe, gồm khoảng 4,8 triệu người ở độ tuổi từ 75 trở lên, so với 2,4 triệu người ở tuổi 75 trở lên giữ bằng lái xe hồi năm 2005. 

Nhiều vụ tai nạn liên quan việc người già lái xe đạp lộn chân ga thay vì đạp chân thắng, và do lái xe đường dài trên những tuyến đường cao tốc sau khi thực hiện nhiều cuộc chuyển tuyến đường và trạm thu phí.

Những sai lầm này đã gây hậu quả nghiêm trọng. Mới đây, một người phụ nữ 83 tuổi mất kiểm soát khi đang lái xe, khiến 2 người đi bộ thiệt mạng. Cuối tháng 10, một người đàn ông 87 tuổi lái xe tải đâm vào một nhóm học sinh đang trên đường tới trường, khiến một em 6 tuổi tử vong.

Kim Hương (theo Guardian)
.
.
.