Dòng chảy di sản: Võ hét

Thứ Ba, 05/02/2019, 22:19
Từ hàng nghìn năm trước, trên vùng lưu vực sông Mã, sông Lam (châu Ái, châu Hoan cổ), dòng võ Hét dân gian đã ra đời trong lao động và đấu tranh sinh tồn với muông thú, giặc giã của cư dân địa phương. Qua bao thế hệ, võ Hét không ngừng được sáng tạo, trở thành thứ vũ khí đặc dị của các chiến binh Đại Việt trên sa trường.


Sức sống đương đại

Trong làng võ cổ truyền Việt Nam hiện nay, Nhất Nam (hậu thân của võ Hét miền Thanh - Nghệ) là một môn phái lớn về tính quy mô và tổ chức, gắn liền với tên tuổi của vị Chưởng môn là Giáo sư, Viện sĩ Ngô Xuân Bính.

Nhìn võ sĩ Nhất Nam vận khố, mình trần, tung quyền cước như vũ bão trong tiếng hét quái dị, người xem hình dung về những tráng binh Đại Việt “tả xung hữu đột” trong những cuộc chạm trán trực diện với quân thù trên sa trường thuở trước, hay là những sân võ, sới vật chốn thôn dã mọi miền mỗi dịp tết đến xuân về.

Võ Nhất Nam ngày nay đã “sâu rễ bền gốc” ở nhiều châu lục. Ở trong nước, môn võ này cũng có một vị thế cao, khi mà nhiều Chi hội di sản văn hoá võ cổ truyền Nhất Nam đã được thành lập tại các tỉnh, thành phố.

Võ sư Đào Hoàng Long, Chủ tịch Chi hội Di sản văn hoá võ cổ truyền Nhất Nam tỉnh Yên Bái cho biết: “Môn võ này được chúng tôi ươm mầm tại miền Tây Bắc từ năm 1986. Trải qua hơn 30 năm liên tục hoạt động, đã có hàng nghìn học trò theo học. Từ năm 2008, đồng hành cùng chủ trương “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, võ Nhất Nam đã đi vào chương trình giáo dục phổ thông như một môn thể thao tự chọn để rèn luyện thể chất cho học sinh.

Cũng như điều thầy Long đã làm được tại tỉnh Yên Bái, võ Nhất Nam phát triển cực mạnh tại tỉnh Hải Dương từ mấy chục năm qua, bởi công sức truyền bá di sản của Võ sư Ngô Mạnh Hùng. Thầy Hùng đã cần mẫn gây dựng phong trào luyện võ, hy sinh rất nhiều thứ trong đời sống riêng để tạo thêm một nét văn hoá mới cho xứ Đông, biến nơi đây thành một địa chỉ lớn của di sản đó.

Từ lò võ thầy Hùng, võ Nhất Nam lại lan toả đi các địa bàn khác. Bác sĩ Trần Văn Dũng, Chủ tịch Chi hội Di sản văn hoá võ Nhất Nam tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Thanh nhưng chưa một lần được nghe đến võ Hét. Mãi tới năm 2009, khi theo học ngành y ở tỉnh Hải Dương, “duyên khởi” khi tôi được làm học trò của Võ sư Ngô Mạnh Hùng. Học rồi mới biết quê mình chính là một trong số những nơi phát tích của dòng võ này. 

Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã phát triển di sản võ Nhất Nam tại nơi nó được sinh ra. Hiện nay phong trào tập luyện rất mạnh mẽ, chúng tôi đã thành lập được tổ chức Hội Di sản văn hoá để tập hợp hoạt động của những người quý trọng vốn cổ tiền nhân để lại”.

Vào Nghệ An - đất Tổ môn phái, hỏi thăm về dòng họ Ngô Xuân ít người không biết. Sự nổi tiếng ấy gắn liền với công lao khôi phục và bảo tồn, phát triển môn võ Hét tối cổ của 3 anh em võ sư Ngô Xuân Nhuần, Ngô Xuân Bính, Ngô Xuân Vĩ. Trong đó võ sư Ngô Xuân Bính hiện là Giáo sư y học, Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên châu Âu, Viện sĩ Viện Hàn lâm Nghệ thuật Liên bang Nga, làm việc tại Ủy ban Liên bang Nga về chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Bên cạnh hoạt động khoa học và nghệ thuật (ông vốn là một hoạ sĩ tài danh đẳng cấp quốc tế), hơn 40 năm qua ông dành mọi tâm sức vào việc phát triển môn phái trong và ngoài nước. Những vị “cao đồ” người Việt, người Nga và người Bantích của ông, tiếp tục sứ mệnh đưa võ Nhất Nam đến nhiều quốc gia, châu lục khác. 

Còn tại quê nhà, võ sư Ngô Xuân Nhuần và Ngô Xuân Vĩ vẫn canh cánh trách nhiệm bảo tồn những giá trị nguyên gốc của dòng võ này. Hiện thầy Nhuần là Chủ tịch Liên chi hội Di sản Văn hoá võ thuật cổ truyền Sông Lam tỉnh Nghệ An, là chủ nhiệm các võ đường lớn, quy tụ đông đảo thanh thiếu niên tham gia tập luyện…

Tìm về vốn cổ

Ngày xuân, chúng tôi vào Nghệ An tìm về cội nguồn của một di sản tiền tổ truyền lại, được “chạm” vào lịch sử của một di sản qua lời kể của các bô lão. 

Tương truyền, dưới thời Hậu Lê, võ Hét được vị thủy sư đô đốc Lê Trung Giang tại xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tập hợp và sáng tạo thêm trên nền tảng võ dân gian vùng lưu vực sông Lam, sông Mã. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, “võ hét” có vai trò rất lớn trong việc rèn luyện binh sĩ. 

Tiên tổ của 3 anh em thầy Bính có cụ Ngô Phan (bộ tướng của tướng quân Lê Sát), người chém đầu Liễu Thăng trong trận Ải Chi Lăng. Mùa xuân Kỷ Dậu 1789, trong đoàn quân theo chân Vua Quang Trung giải phóng thành Thăng Long, có nhiều tiền bối của dòng võ này đã tận trung báo quốc dưới chân đồn Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa... Võ Hét từng cực thịnh trong nhiều thế kỷ, rồi lại “lặn” vào dân gian, tồn tại dưới dạng các gia phái sau cuộc truy sát của Vua Gia Long trả thù những người đã giúp nhà Tây Sơn.

Gần 70 tuổi nhưng vô cùng nhanh nhẹn, võ sư Ngô Xuân Nhuần tóm tắt về “hồn cốt” của võ Nhất Nam: “Đó là dòng võ mang tinh thần “nhại công”, nghĩa là phỏng theo muôn vật, rút ra cái hay, cái đẹp, cái cứng, cái dẻo, cái biến hóa để chế thành quyền”. 

Ông cho biết cách đánh của người Việt là dùng “đoản binh chế trường trận”. Binh pháp “nắm chắc thắt lưng địch mà đánh” trong kháng chiến chống Mỹ cũng đi ra từ yếu lĩnh này. Có thể nói, tinh diệu “Lấy ít địch nhiều, lấy khéo chống mạnh” của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đã chứa đựng phương châm tự vệ chiến đấu từ hàng ngàn đời nay của tổ tiên người Việt và được phản ánh rất rõ trong “võ ta".

Giải thích về sự khác biệt về kỹ thuật chiến đấu của “võ ta”với những môn phái võ ngoại lai có nguồn gốc Trung Hoa, Nhật Bản hay Hàn Quốc, võ sư Ngô Xuân Nhuần nói: 

“Người phương Bắc thể trạng to khỏe hơn dân phương Nam, nên võ của họ thiên về dùng sức mạnh, với những đòn đánh cương mãnh, có lề luật và trường đòn. Trong khi dân ta vốn bé nhỏ hơn, nên không thể khoa trương, bay nhảy... mà cách đánh hết sức thực dụng. Có thể nói võ ta độc địa, mang tính khắc sát rất cao và không có “niêm luật”, kỷ cương như họ, tức là lấy hiệu quả chiến đấu làm thước đo, chứ không quá chú trọng hình thức. “Một thế chứa trăm vạn thế, trăm vạn thế thu về một thế”. 

Yếu lĩnh của võ ta là tận dụng lợi thế của tầm vóc nhỏ dễ tránh né để thoát đòn, chứ không chủ trương đối lực, rồi tận dụng thời cơ địch sơ hở để áp sát và bung ra những seri đòn bằng kỹ thuật cận chiến gật lắc cổ tay, xoay đảo các khớp để tạo lực công phá, tiết kiệm tối đa khoảng cách và thời gian khi ra đòn. Ta đã chạm vào địch thủ là công ồ ạt như mưa dội, đá lăn vào các huyệt đạo như mắt, hạ bộ, yết hầu... để dứt điểm ngay, chứ để địch thủ thoát được ra thì rất nguy hiểm”.

Anh Nguyễn Nam, một truyền nhân của võ sư Ngô Xuân Nhuần, khi nói về “tiền đồ” của võ cổ truyền trước làn sóng “xâm lăng văn hoá” từ các bộ môn võ thuật mới trên thế giới du nhập vào Việt Nam, anh tự tin: “Nhìn chung võ cổ truyền lắt léo, kỹ thuật rất phức tạp nên tương đối khó học, đòi hỏi người học phải rất kiên trì khổ luyện. Hiện nay có nhiều loại võ “mỳ ăn liền” du nhập vào nước ta, chỉ với 4-5 đòn cơ bản. Mặc dù rất đơn giản về đòn thế, nhưng nếu tập luyện chăm chỉ, cũng cho kết quả tốt trong việc tự vệ, chiến đấu trước các tình huống trong đời sống. Tuy nhiên, người học tự họ sẽ biết mình nên theo cái gì, những người yêu vốn cổ của dân tộc vẫn theo học võ cổ truyền, dù khó học. Bởi đó không chỉ là võ, mà còn là di sản văn hoá. Ẩn tàng trong võ là đạo lý, là cốt cách, là truyền thống. Thêm nữa, việc dạy võ theo cốt cách của người phương Đông, là không chỉ rèn cho cứng tay, mạnh chân, mà là dạy làm người, là rèn đức, luyện tâm”.

Đào Trung Hiếu
.
.
.