Không có gì mà ầm ĩ cả

Đong người bằng mâm

Thứ Tư, 16/11/2016, 16:32
Thói quen tiếp khách phải có chiêu đãi rượu chè đã kéo dài quá lâu đến nỗi người ta thấy bình thường. Hãy nhớ, công việc của mỗi cán bộ là chuyên môn và sự tận tụy với dân với địa bàn chứ không thể là sự tận tâm với khách nhậu.

Có đoạn đối thoại vui thế này:

 - Báo cáo thủ trưởng, đoàn kiểm tra đã về tới tỉnh, chuẩn bị ghé huyện ta.

- Đoàn có bao nhiêu người tất cả?

- 2 mâm.

Kiểu đong người bằng mâm này đã trở thành thói quen. Bởi văn hóa tiếp khách phải có chiêu đãi rượu chè là đương nhiên.

Bữa rượu này bao giờ cũng đủ mặt cán bộ địa phương. Thành phần nào cũng có. Cán bộ chủ chốt, đại diện các đoàn thể, toàn cán bộ giàu sức bật nên nhân viên tiếp khách quan trọng là phải có hình thức dễ coi và… uống tốt.

Thói quen mời rượu kiểu xa luân chiến cứ liên miên bất tận khiến khách say mèm, tai không còn tinh, mắt không còn nét. Có bác rượu vào lời ra. Có bác chả nói gì chỉ gật gù tốt tốt. Phải say mới vui.

Cứ uống xong với ai lại thò tay ra bắt. Trò này lạ. Mấy anh Tây mũi lõ đi miền ngược cũng trố mắt ra. Mấy anh bảo ở Tây thì uống rượu là thưởng thức chứ bắt tay chỉ dành cho làm ăn kinh tế…

Không bắt tay là không vui. Thế là bắt tay. Lý do bắt làm sao chả ai biết. Nhưng cứ phải uống hết, uống cạn với tinh thần "có rượu thì uống mà không có rượu thì gọi thêm".

Minh họa của Lê Tâm.

Có cán bộ xã cho rằng: "Việc điều động một số cán bộ, tham gia hoạt động lớn của thị xã là có, đến để phục vụ công tác đón khách, tiếp khách. Cơ quan chọn những người biết ăn nói, ngoại hình được để giao lưu, tiếp khách".

Mọi việc đều có văn bản vì nhiệm vụ chứ không có gì thiếu trong sáng cả.  Đâu đó có ông chồng nào to tiếng với vợ chuyện vợ phải thay mặt địa phương đi tiếp khách thì cũng là chuyện riêng nhé. Thật là không biết hy sinh vì nhiệm vụ chung.  

Mọi người thấy quen hay thấy lạ nhỉ. Đi nhậu với khách lại được coi là nhiệm vụ sao? Cho dù không có gì thiếu trong sáng thì kiểu biến việc thành nhậu có phải là nghiêm túc không? Việc đè nhau uống cạn không thể làm cho địa phương đi lên và chắc chắn làm cho sức khỏe đi xuống.

Hãy xem, người lái xe mà bị Cảnh sát giao thông phát hiện có cồn trong hơi thở là bị phạt nặng và bị tước quyền điều khiển phương tiện trên đường.

Chất cồn sẽ khiến người ta mất kiểm soát bản thân và gây nguy hại xã hội. Rượu nói chứ đâu phải người. Vậy cán bộ uống rượu với nhau thì làm sao mà mạch lạc công việc được.

Rượu làm nhòe tất cả. Chất men làm mù lòa lý trí không thể nào lại được phép tồn tại trong môi trường quản lý.Các cụ có câu "Người chết đuối trong chén rượu đông hơn người chết đuối dưới sông". Hại đủ đường sao vẫn không bỏ thói quen tệ hại này.

Thói quen bê tha kiểu này đã kéo dài quá lâu để mỗi người đều cảm thấy bình thường. Chẳng có cảm giác gì, hay là vô cảm thì cũng vậy. Hãy tỉnh táo để thấy chúng ta đang sống trong trạng thái không bình thường.Công việc của mỗi cán bộ là chuyên môn và sự tận tụy với dân với địa bàn chứ không thể là sự tận tâm với khách nhậu.

Còn bạn. Đừng tự hào khoe với tôi là tửu lượng đang lên nhé!

Lê Tâm
.
.
.