Dự án tái chế giày dép cho trẻ em nghèo ở Ấn Độ

Thứ Bảy, 13/07/2019, 22:16
Hai vận động viên thể thao ở thành phố Mumbai, Ấn Độ đang triển khai dự án có ý nghĩa xã hội sâu sắc là tái chế giày, dép cũ và cung cấp cho trẻ em nghèo trên khắp đất nước. Hai vận động viên trẻ mong muốn, giày dép mới sẽ tạo động lực, khuyến khích trẻ em chăm chỉ đến trường và vào năm 2023, tất cả người dân Ấn Độ đều có ít nhất một đôi giày để đi.


Dự án mang tính xã hội sâu sắc

Ấn Độ là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới và không có gì lạ khi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đi chân đất tới trường hoặc chơi thể thao. Chấn thương dẫn đến nhiễm trùng, “bệnh chân voi”... diễn ra khá phổ biến. Hơn 250 triệu người Ấn Độ sống dưới mức nghèo khổ và giày dép thường là một thứ xa xỉ. Hàng chục triệu trẻ em không có giày để đi.

Là vận động viên, Shriyans Bhandari và Ramesh Dhami chạy hàng trăm km mỗi năm. Họ cũng sử dụng ba đến bốn đôi giày thể thao. Bộ đôi này thường đặt câu hỏi là làm sao có thể tái chế giày dép cũ thành giày dép mới để vừa tiết kiệm chi phí cho xã hội, vừa có thể chung tay bảo vệ môi trường.

Dự án tái chế giày dép “Green Sole” mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Từ ý tưởng đó, hai vận động viên trẻ đã cùng nhau xây dựng, triển khai dự án tái chế giày cũ thành giày mới có tên là “Green Sole”. Những sản phẩm của “Green Sole” được cung cấp cho trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa nghèo khó. Hiện nay, “Green Sole” đã hợp tác với các trường học để phân phối giày dép tái chế tại nhiều tiểu bang như Odisha, Assam, Telangana và Uttar Pradesh. Ước tính, hơn 150.000 đôi dép xỏ ngón và dép lê đã được đưa đến cho các trẻ em nghèo.

“Chúng tôi cũng đã bắt đầu bán lẻ giày dép tái chế thông qua các cửa hàng và cổng thông tin trực tuyến. Bên cạnh việc sản xuất giày dép tái chế và phân phối, chúng tôi rất tự hào vì đã thành lập được một trung tâm đào tạo kỹ năng ở Jharkhand. Tại đây, chúng tôi hướng dẫn, đào tạo phụ nữ tái chế giày dép”, Shriyans Bhandari nói.

Bộ đôi này đang làm việc với các công ty lớn như Adidas, Sketchers và H&M để thu thập giày cũ, giảm chi phí tái chế thành giày, dép mới cho trẻ em. Ramesh Dhami nói rằng, chi phí để tái chế một chiếc giày, dép vào khoảng 200 rupee (2,3 bảng Anh). Tham vọng của “Green Sole” là đảm bảo tất cả người dân trong nước đều có một đôi giày vào năm 2023.

“Hy vọng là giày dép mà chúng tôi cung cấp sẽ khuyến khích trẻ em đi học. Vì quá thích giày, dép mới, một số trẻ em không dám dùng mà cất chúng vào tủ. Chúng tôi xúc động khi nghe câu chuyện của Radha, 14 tuổi, một cô bé sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Hàng ngày, em đi bộ quãng đường dài 4km để tới trường. Nhiều lần em phải nghỉ học vì không thể đi chân trần đến trường dưới cái nóng mùa hè bỏng rát. Giày mới đã giúp em đi học thường xuyên hơn. Hy vọng sẽ có nhiều câu chuyện tích cực như trường hợp của Radha”, Ramesh Dhami nói.

"Làn sóng tái chế" ở Ấn Độ

Ước tính, mỗi năm trên toàn thế giới hơn 350 triệu đôi giày bị loại bỏ, trong khi đó, 1,5 tỷ người bị nhiễm các bệnh có thể ngăn ngừa bằng cách mang giày dép phù hợp. Sản xuất một đôi giày bao gồm tổng cộng 65 bộ phận riêng biệt, 360 công đoạn, tạo ra 30 lbs khí thải, tương đương với việc đốt một bóng đèn 100 watt trong một tuần. Chính vì vậy, việc tái chế giày dép cũ như dự án “Green Sole”  còn mang ý nghĩa tích cực bảo vệ môi trường.

“Với người Ấn Độ, tái chế không phải là khái niệm mới. Trước đây, các thế hệ người Ấn Độ đã chuyển đổi những chiếc sari và ga trải giường cũ thành mền và váy. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, các nguyên lý tái chế đã bị lãng quên”, Shriyans Bhandari nói.

Hiện nay, nhiều công ty và doanh nghiệp ở Ấn Độ đang nỗ lực tái chế nguyên liệu cũ thành các sản phẩm và vật phẩm mới. Công ty “Goonj” sản xuất quần áo từ các sản phẩm tái chế để cung cấp cho người nghèo. “HelpUsGreen” tái chế hoa cũ từ đền thờ thành các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.

Vishal Kanet và Naman Gupta cùng nhau thành lập công ty “Code” vào năm 2016. Đây là công ty xử lý chất thải thuốc lá đầu tiên của Ấn Độ, tái chế đầu mẩu thuốc lá thành chất liệu nhồi vào đệm và đồ chơi trẻ em. Nandan Bhat và Amita Deshpande thành lập công ty “Aarohana Ecosocial” vào năm 2015, chuyên tái chế chất thải nhựa thành vải, sau đó sử dụng làm túi xách, phụ kiện thời trang, sản phẩm trang trí nhà cửa.

T. Phạm (Tổng hợp)
.
.
.