Không có gì mà ầm ĩ cả

Dữ liệu của "con ếch"

Thứ Tư, 22/04/2020, 16:39
Hẳn nhiều bạn đã từng chơi những trò chơi trên mạng. Và tài khoản mạng xã hội bị kẻ khác điều khiển.Chơi thì vui nhưng chẳng lẽ ta biến thành con ếch? Làm sao biết trò chơi đó lành hay dữ.


- A lô em chào anh/ chị/ cô/ bác… có phải đang có nhu cầu… không ạ? Trung tâm bất động sản… Xin giới thiệu dự án…

- Dịch vụ cho vay nhanh… Được biết gia đình đang có nhu cầu…

Hầu như ai trong chúng ta cũng điên đầu về những cú điện thoại kiểu này. Một số người nổi đoá lên hỏi ai cho cô số điện thoại của tôi? Tất nhiên chẳng có câu trả lời nào. Vài anh hài hước thì biết nổi giận cũng vô ích nên trả lời: Anh vừa bị sa thải, tiền hết, xã hội coi khinh, gia đình ghét bỏ em ạ. Công ty em nếu tốt với anh thì cho anh xin chân gác cổng kiếm cháo qua ngày. Giao dịch tạm thất bại nhưng không thất bại với tất cả các số điện thoại. Trăm bó đuốc cũng bắt được "con ếch".

Việc "chảy máu dữ liệu" đang xảy ra với nhiều hình thức, từ trộm cắp dữ liệu đến mua bán dữ liệu trơ tráo như lên mạng xã hội rao bán. Danh sách rao bán đầy đủ tên địa chỉ, tài khoản ngân hàng có bao nhiêu tiền. Nhưng với thủ thuật ngọt ngào của thương mại điện tử thì người ta dễ dàng trao đi dữ liệu của mình.

Minh họa Tả Từ.

Thuộc nhóm đại gia hàng đầu, công ty công nghệ đa quốc gia Amazon.com phát triển nhiều mảng mà nổi bật trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử đã có những mô hình bán hàng mà người mua tưởng như lấy đồ trong nhà mình. Ở cửa hàng Amazon Go, nơi khách hàng chỉ cần đến nhặt đồ đút túi và đi, chẳng có cô thu ngân xinh đẹp nào cả, việc duy nhất là đưa chiếc điện thoại vào nơi quét code QR (mã phản ứng nhanh). Code này kết nối tài khoản Amazon của khách và tài khoản ngân hàng của mỗi cá nhân. Mỗi khi khách nhấc món hàng nào lên hay trả lại vị trí thì code sẽ biến đổi. Sự tiện lợi này là chìa khoá của Amazon tiếp cận với mọi dữ liệu cá nhân. Amazon còn biết tỏng bạn thích màu gì và có ăn chay hay không, khối dữ liệu khổng lồ đó  giúp Amazon điều chỉnh xu hướng thương mại.

Với các đơn vị thương mại thì nhìn Amazon như một con cá mập. Cá mập luôn giang tay mời hợp tác, các đơn vị hợp tác đương nhiên sẽ chia sẻ dữ liệu và một thời gian sau thì cá mập lại phát triển một thứ công nghệ giống hệt nhưng khủng khiếp hơn. Các cá con buộc phải lệ thuộc vào cá mập nếu không muốn phá sản.

Điều gì sẽ xảy ra nếu cam kết an toàn dữ liệu của các ông lớn bị đổ vỡ? Facebook từng thất thoát dữ liệu 87 triệu tài khoản thì ông chủ Mark Zuckerberg chỉ nói một lời "Đó là lỗi của tôi và tôi xin lỗi. 

Trong phiên chất vấn, người ta hỏi thẳng vào chỗ riêng tư: "Ông có thể chia sẻ cho chúng tôi biết tên khách sạn ông đã ở đêm qua không?" Tỷ phú Mark cười, liếm mép và đáp: "Không". Hỏi tiếp: "Nếu ông đã nhắn tin cho ai đó tuần này, ông có thể cho chúng tôi biết tên người đó không?". Mark đáp: "Có lẽ là không thể chia sẻ công khai". Câu trả lời cho thấy bất kỳ ai từ cần lao đến tỷ phú đều không muốn mình bị soi mói riêng tư.

Việc mất cắp trắng trợn nhất là khi bị mua bán dữ liệu, hoặc bị virus máy tính xâm nhập. Còn nhiều cách dễ mắc bẫy hơn là cách thức ngọt ngào bằng các dụ dỗ từ chơi game đến những thông tin phim ảnh, câu view yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội.

Hẳn nhiều bạn đã từng chơi những trò chơi trên mạng như 90 tuổi, chân dung bạn thế nào? 2000 năm trước, chân dung bạn ra sao. Một ngày đẹp trời, bạn bị khai thác từ những giao dịch không mong muốn. Tài khoản ngân hàng của bạn bị xâm hại. Và tài khoản mạng xã hội bị kẻ khác điều khiển với mục đích xấu… Chơi thì vui nhưng chẳng lẽ ta biến thành con ếch? Làm sao biết trò chơi đó lành hay dữ.

Còn bạn. Bạn có tin những trò vui trên mạng là vô thưởng vô phạt hay không?

Lê Tâm
.
.
.