Đứa con làng tự trọng

Thứ Hai, 29/01/2018, 11:35
Làng tôi được gọi là làng Tự Trọng, có lẽ vì truyền thống rất giàu lòng tự trọng của người dân trong làng tôi: Ðã nói là phải làm, đã hứa là sẽ thực hiện, luôn giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình dù ở bất cứ hoàn cảnh nào và không bao giờ làm điều gì ảnh hưởng đến gia đình, gia tộc và uy tín của làng.

Cho nên nếu thanh niên trong làng lỡ trộm cắp là phải bỏ xứ ra đi biền biệt, con gái lỡ mang bầu trước khi cưới cũng bỏ xứ đi không dám về, dù tôi chưa thấy đứa con gái nào của làng “ăn cơm trước kẻng”.

Thậm chí có người rất giàu, tiền xài như lá mít, mua được nhà tận bên Mỹ, nhưng do kinh doanh mờ ám cũng không dám về làng. Ngay cả các vị quan lớn nhưng “lỡ” giàu lên vì tham nhũng cũng không dám về quê. Họa hoằn lắm nếu có người trong gia đình mất họ mới về, nhưng cũng lầm lũi chứ không dám chào hỏi ai. Và nếu có chào hỏi thì mọi người cũng coi khinh, gọi bọn họ là “những đứa con ô nhục” của làng Tự Trọng.

Tôi đã từng là một nhà báo có tiếng, nhưng quyết làm đơn nghỉ việc vì không muốn bị gò bó. Từ lúc tôi bỏ nghề báo, về quê ở ẩn, mở quán cà phê cóc đầu làng sống qua ngày, thì cũng là lúc tôi hiểu được cảm giác thế nào là một người chồng dũng cảm. Đó là mỗi ngày phải “đương đầu” với sự đay nghiến của vợ tôi, ngày nào cũng nghe vợ càm ràm, than thở, trách móc, cằn nhằn… Vợ tôi luôn miệng nói: “Chỉ có những thằng điên mới nghỉ việc giống như anh”.

Cũng một phần vì vợ tôi không phải là con gái của làng Tự Trọng nên không chia sẻ được nỗi lòng của tôi, không thấy tự hào về quyết định của tôi. Chả bù khi tôi tâm sự lý do nghỉ việc của mình cho các bậc bô lão, mọi người rất vui vẻ và tự hào về tôi. Nên dù giờ đây chỉ là thằng bán cà phê cóc đầu làng mọi người vẫn dành cho tôi một sự trọng vọng, kính nể. Thậm chí, một số người còn lấy tôi làm tấm gương để dạy cho con cháu về truyền thống tự trọng của làng.

Cùng lớp với tôi, có thằng Nhân con bác Nghĩa, ngày xưa học cùng lớp, nó đang làm quan to ở một thành phố lớn. Nó cũng là niềm tự hào của làng Tự Trọng, vì tuy làm quan to nhưng nó không giàu, trong công tác nó quyết liệt để hoàn thành nhiệm vụ, nó dám tuyên bố với dân “nếu làm không được việc sẽ cởi áo về quê”.

Hôm nay cũng như mọi khi, tôi lui khui nấu nước pha trà, chuẩn bị cà phê cho khách. Nhưng buổi sáng hôm nay chẳng thấy ai đến quán. Cả làng tôi từ già tới trẻ đều nghỉ việc ra đầu làng để chờ đón một ai đó. Đây là điều chưa từng có đối với làng của tôi. Tôi cũng đành đóng cửa theo mọi người ra đầu làng xem thử ai về thăm làng, chắc là thủ tướng hay chủ tịch nước chứ chẳng chơi.

Từ xa xa, tôi thấy hình dáng của một người quen quen, ngồi trên xe ôm đang chạy vô làng. Trời ơi, hóa ra là thằng Nghĩa. Tại sao trước đây nó cũng về quê trên chiếc xe hơi công vụ bóng loáng có tài xế riêng mà không ai ra đón. Nay nó về quê trên chiếc xe ôm thì cả làng ra đón?

Hóa ra là cả tuần nay trên tivi và báo đài thông tin thằng Nghĩa đã làm đơn xin nghỉ việc vì đã không hoàn thành nhiệm vụ được như đã hứa với dân. Tin này nhiều người biết nhưng tôi không được biết do vợ tôi vẫn còn ấm ức việc tôi nghỉ làm nhà báo, nên đã đập hết máy tính và smart phone, để không cho tôi lên mạng xã hội nữa chém gió nữa. Đúng là đàn bà!

Thằng Nghĩa vừa bước vào đầu cổng làng, cụ Tứ cao tuổi nhất đã tới ôm chầm lấy thằng Nghĩa nói rằng: “Làng Tự Trọng rất tự hào về con, con là một quan chức hiếm hoi dám từ chức khi không thực hiện được lời hứa với dân”. Rồi ông Tứ quay sang nói với mọi người: “Hôm nay làng ta sẽ làm thịt 3 con trâu để ăn mừng”.

Trong lòng tôi lại trào dâng lên một niềm vui khác: tôi đã có bạn “đồng cảnh”, trong làng chuẩn bị có thêm một người chồng cũng dũng cảm giống như tôi. Tôi cười ha hả, về mở cửa quán cà phê và tự thưởng cho mình một cốc cà phê đá.

Nghĩa Nam
.
.
.