Đứa trẻ bụi đời và tuổi thơ đã mất

Thứ Tư, 14/02/2018, 09:54
Trước khi sa vào con đường bụi đời, G cũng có một tuổi thơ đẹp, một gia đình “ăn nên làm ra” vào loại có vai vế trong số những ông chủ than thổ phỉ ở vùng đất mỏ.


Rất nhiều người ở Quảng Ninh trở nên giàu có bởi những mỏ “vàng đen” khai thác từ hơn 100 năm nay. Một lãnh đạo tỉnh này từng phát biểu, ước tính, Quảng Ninh mất khoảng hơn 10 triệu tấn than lậu qua đường biển mỗi năm, trong một công bố cách đây vài năm.

Bố G mở lò, điều hành làm than thổ phỉ. Mẹ làm “đầu bếp” cho khoảng ba bốn chục thợ khai thác than thuê. Có thể coi như một công ty nhỏ gia đình. Hàng ngày, xe của bố vào ra khai trường khai thác, chở quặng từ vùng núi và lòng hồ Yên Lập, sang bán ở Hải Phòng. 

Vì vậy, cuộc sống tuổi ấu thơ của G và cô em gái có thể gọi là sung túc, trong một căn hộ kiểu biệt thự rộng vài trăm mét vuông ở Hạ Long. Và theo G, bố mẹ cũng là người quan tâm đến việc học của con cái, chứ không chỉ mải mê làm ăn. Nhưng chắc chắn làm ăn như thế, việc quản lý, giám sát con cái là có vấn đề.

Từ lớp 1 đến lớp 5, G là học sinh giỏi hẳn hoi, nhưng sang năm lớp 6, cậu bắt đầu sao nhãng việc học, thích giao du chơi bời với chúng bạn. Gia đình có “của ăn của để” nên nhiều bạn xấu rủ rê kích động, máu “anh chị” hình thành dần trong G. Trò chơi điện tử, chuyện nhạy cảm, tiêu cực xã hội tác động từng ngày trong tâm hồn cậu bé hiếu động, chưa đủ bản lĩnh từ chối những thú xấu, mà thú xấu cũng hấp dẫn lắm cơ.

Ảnh minh họa

Một ngày đen đủi nọ, bắt đầu từ ngọn roi của thầy, ôi cái ngọn roi định mệnh, cái cớ để Bùi Đức G không còn đủ kiềm chế, đã phản kháng bất cần. Ấy là việc G dám đánh lại thầy giáo mình! 

Tóm tắt thế này: Hôm đó, cô bạn tên Uyên, ngồi ở bàn trên, quay xuống lấy cuốn sách của G, G với theo để giằng lại cuốn sách thì thầy L phát hiện. Thầy lặng lẽ xuống chỗ G ngồi, dùng thước quất túi bụi vào cậu. Cảm thấy bị oan ức, xúc phạm và xấu hổ, G bật dậy giằng cây thước trong tay thầy, vụt thầy hai cái. Lập tức G bị trường đuổi học. 

Tôi hỏi, sao lúc ấy cháu lại có thể hành xử như vậy với thầy mình, cháu có nghĩ đến hậu quả của hành vi như vậy không? G lặng đi một lúc, rồi bảo, lúc ấy cháu nóng quá, chẳng còn nghĩ được gì nữa. Cháu chỉ giằng lại cuốn sách của cháu thôi, thầy chẳng hỏi đầu đuôi mà đánh đòn cháu.

Tất nhiên, cái sự “chẳng còn nghĩ được gì” không chỉ là ức chế phi kiểm soát nhất thời, mà nó là tích hợp của những năm sao nhãng học hành, cuốn theo những thói hư tật xấu, lây nhiễm các hành động bạo lực… mà cậu bé ngậm ngùi thú nhận. Bị đuổi học, bố mẹ la mắng thậm tệ, đánh đòn, G trở nên cô đơn, bế tắc… Chỉ sau 3 ngày rời trường học, G bỏ nhà dông xuống Cái Lân phụ bán quán cà phê cho một người “anh xã hội” tên Mười.

Mười sinh năm 1985. Trước khi mở quán cà phê ở Cái Lân, Mười có biệt danh “Mười liều”, đã từng đi tù về tội cướp xe máy. Bây giờ, Mười kiêm luôn dịch vụ đòi nợ thuê, mở xới bạc trên đồi. Dùng mác “liều” của mình để nắn gân, dọa bẻ giò thiên hạ. Quán cà phê của Mười thực ra chỉ là địa điểm trá hình, núp sau đó là những hoạt động phi pháp khác…

G là một trong 10 “anh em xã hội” tại quán của Mười “liều”. Hàng ngày có 5 người trông quán cà phê, 5 người lên canh sới bạc. Sới bạc hoạt động từ 21h đến 23h30 hàng đêm. Bình quân mỗi đêm có 50-60 con bạc đến đây để sát phạt. Cùng với nó là những thú chơi thù tạc thả giàn, ăn uống, hút sách, gái mại dâm, cầm đồ…

Hoạt động được 3 tháng, quán cà phê Mười "liều" bị cơ quan chức năng phát hiện có hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, do vợ của Mười là Thảo đứng ra nhận tội, nên Mười “thoát hiểm”.

Tôi hỏi G, sao những lúc sa cơ ấy cháu không về nhà, không nghĩ đến bố mẹ và người thân mong chờ hàng ngày? Họ có đi tìm cháu không? G bảo nó giấu nơi ở, nơi làm; nhưng thỉnh thoảng nhớ nhà nó cũng có ghé qua. Những lần ấy, mẹ động viên G về nhà, đi làm than với bố. Mẹ hứa sẽ dành cho nó một tương lai mới, chỉ cần nó chịu về nhà. “Nhưng cháu cứ thấy chán… Có lẽ vì chơi quen rồi”. Nếu có làm than thổ phỉ, ý nó là sẽ làm với người “anh xã hội” chứ không thích đi làm với bố.

Rồi nó tiếp tục theo Mười “liều” sang phường Hải Khánh làm than thổ phỉ. Do khu vực Hải Khánh là vùng đất lạ, không phải lãnh địa quen thuộc như Cái Lân nên nhóm Mười luôn gặp rắc rối, đánh nhau tranh giành lãnh địa. Các cuộc đánh nhau giữa nhóm của Mười “liều” và các tay anh chị ở Hải Khánh gây hoang mang cho người dân nơi đây. Mười bị truy nã về tội đánh người.

Mười trốn sang Hải Phòng và kéo cả G theo. Vừa trốn tránh luật pháp vừa ở nhờ nhà một “anh xã hội” khác một thời gian rồi cả hai quay về Quảng Ninh. Cũng trong khoảng thời gian này, Mười "liều" thua lô đề nhiều lắm. Có nhiều ngày Mười thua bốn, năm chục triệu. Hết tiền ăn chơi, việc làm ăn của cả nhóm lại gặp khó khăn,vì vậy cả bọn bàn nhau đi cướp. Chúng đã cướp xe máy và bị bắt, bị xử tù 11 đứa, may mắn trong lần ấy không có G. Như vậy, hai vợ chồng người Mười “liều” kẻ bị đưa đi cải tạo, kẻ vào tù…

Lúc ấy, G mới chịu về nhà. Bố mẹ G cũng nhân dịp này mà để mắt tới cậu con trai duy nhất nhiều hơn, hướng cho cậu một công việc phù hợp.

Tất nhiên, dù đã về nhà, nhưng G chưa thể đoạn tuyệt ngay những tật hư. Vào một đêm, sau khi “bốc lửa” trên sàn nhảy Hạ Long với đám bạn ra về, G nhìn thấy Bách và một người bạn nữa ở phường Hà Khẩu. G đến chào hỏi, nói chuyện qua quýt rồi bảo “tao mượn xe ra đây cái”. Hầu như những người bạn không nghi ngờ gì. G phóng xe ra Bãi Cháy “sang tên” luôn với giá 14,5 triệu. Có tiền, G “dông” thẳng đến nhà nghỉ Vạn Hoa, “a lô” lũ bạn choai choai đến cùng “chơi đá”. Người bạn bị G lừa lấy xe đã báo Công an…

Bây giờ, trong Trường Giáo dưỡng số 2, G ở đội 20,  hàng ngày ghi sổ về tình hình các bạn mới vào trường, hướng dẫn sinh hoạt và quan hệ, tổ chức tập thể dục, thể thao. Đội thường có từ 20 đến 70 bạn, tùy từng thời điểm. Từ ngày vào đây, G đã có tiến bộ, được các thầy tín nhiệm, giao việc. Các thầy bảo “thằng này làm được việc”, G kể thế, vì thế nên cậu được giao trông nom, cai quản đội. Thế nghĩa là cậu đã có một phần trách nhiệm với cái tập thể nho nhỏ, đội 20 của cậu rồi.

Tôi hỏi G:

- Ý kiến của bố mẹ cháu thế nào, họ có căn dặn gì khi cháu vào trường?

- Bố cháu bảo, chơi bời thế đủ lắm rồi, gia đình khổ lắm rồi. Con phải vào trường để tu dưỡng thành người, cứ ngựa theo đường cũ cuộc đời con rồi sẽ thế nào!

- Vậy cháu đã lường được nó thế nào chưa, nếu cứ đi theo con đường của những người “anh xã hội”?

- Dạ… cháu cũng tự thấy… chán chơi bời lêu lổng nên mới nghe bố vào trường. Giờ mới thấy tức…

- Cháu tức?

- Vâng, cháu tức nhất là đã bỏ lỡ học hành. Vào đây học tập cháu lại càng trách mình, sao lúc ở nhà, mình không dừng được những việc làm xấu!

Tôi an ủi cậu bé:

- Nếu lúc ấy cháu nghĩ được thế, và có những người tốt chia sẻ, giúp đỡ thì câu chuyện sẽ không như hôm nay. Dù sao mọi việc đã xảy ra rồi, vấn đề bây giờ là cháu biết cách và quyết tâm vượt qua nó, chuẩn bị tốt cho đời sống sau ngày ra trường.

Gương mặt G có vẻ vui hơn, lấp lánh hơn, cởi mở hơn:

- Cháu có ý định sau khi ra trường thì đi học lái xe, về lái xe tải cho gia đình. Sau đó sẽ tìm một công việc khác đàng hoàng hơn, không thể mãi đi theo nghề khai thác than thổ phỉ của bố cháu.

Không thể biết trước cuộc phía trước của G sẽ như thế nào, có đúng với những dự định của cậu không? Nhưng cái mừng lớn nhất là G đã thấm, rất thấm là khác những lầm lạc, bốc đồng… tuổi trẻ!

Trần Quang Quý
.
.
.