Dùng big data điều tra tội phạm

Thứ Hai, 12/12/2016, 11:54
Dữ liệu lớn (big data) là một thuật ngữ chỉ việc xử lý một tập hợp dữ liệu cực kỳ lớn và phức tạp. Ngày nay, cùng với việc vạn vật được kết nối internet, các nhà chức trách cho rằng có thể dùng big data để truy tìm tội phạm, thậm chí có thể dự đoán được tội phạm trước khi chúng diễn ra.


Những tổ chức đầu tiên ứng dụng hệ thống big data để phòng chống tội phạm là các cơ quan tình báo. CIA và FBI dùng chúng để kết nối các hành vi đơn lẻ như học lái máy bay hay nhận tiền từ nước ngoài để xác định đối tượng tình nghi khủng bố.

Trong một bài phát biểu mới đây, Jack Ma - CEO của Alibaba - đã kêu gọi Chính phủ Trung Quốc sử dụng big data để giảm bớt tình trạng phạm tội ở nước này. Bài phát biểu này được Jack Ma trình bày trên truyền hình, và sau đó đã được công bố trên tài khoản WeChat của Ủy ban Đảng Cộng sản Trung Quốc về các vấn đề chính trị và pháp chế.

Trong bài phát biểu, Jack Ma kêu gọi Trung Quốc hình thành một hệ thống tương tự như hệ thống trong bộ phim viễn tưởng "Minority Report" của đạo diễn Steven Spielberg (Bộ phim kể về năm 2054 tại Washington, thiết bị máy móc hiện đại tối tân tới mức chúng có thể dự đoán được những tội ác sẽ xảy ra trong tương lai và nhờ đó, đội đặc nhiệm của bộ phận dự đoán có nhiệm vụ ra tay bắt những tên tội phạm tiềm tàng).

Jack Ma cho rằng công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể hiện thực hóa điều đó, ví dụ như việc kết hợp các thông tin riêng rẽ về việc ai đó mua một chiếc nồi áp suất, một bộ hẹn giờ, thuốc súng hoặc ổ bi thép... phân tích tương quan có thể sẽ giúp đưa ra thông tin cảnh báo về một vụ đánh bom sắp diễn ra. Từ đó, cơ quan an ninh có thể đưa ra những phương án phòng bị kịp thời.

Trong thực tế, big data đã được các nhà chức trách Mỹ sử dụng để phá án vụ Gary Pusey gần đây. Trong đó, Trung tâm Phân tích và Phát hiện (ADC, thuộc Đơn vị Chống lạm dụng thị trường của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ - SEC) đã phân tích hàng tỷ dòng dữ liệu giao dịch trong 15 năm nhằm xác định các cá nhân có những giao dịch lặp lại và vào đúng thời điểm trước các vụ sáp nhập công ty.

Phân tích big data đã giúp ADC phát hiện các giao dịch đáng ngờ của Pusey được thực hiện từ năm 2014-2015, ngay trước 10 thỏa thuận sáp nhập, bao gồm Entropic Communications và CVS Health. Trong tất cả các giao dịch đó, mục tiêu thâu tóm hoặc nhà thâu tóm đều do Barclays đại diện. Bạn của Pusey là Steven McClatchey đang làm giám đốc ở Barclays trong thời gian đó.

SEC đã chuyển vụ án cho công tố viên liên bang ở Manhattan và FBI để điều tra tiếp. Tin cho biết, Pusey (47 tuổi) thừa nhận đã phối hợp với bạn thân của mình là McClatchey (58 tuổi) để khai thác các thông tin nội gián. FBI đã bắt Pusey hồi tháng 5 và McClatchey hồi tháng 7. Cả hai có thể đối mặt với nhiều năm tù giam.

SEC cũng đã khai thác big data trong cuộc điều tra lớn với các nhà môi giới đã kiếm lợi hơn 100 triệu USD nhờ thông tin mật mua lại của các hacker Ukraine. Ngoài ra, còn các vụ khác như vụ các cựu nhân viên của Hãng luật Wilson Sonsini Goodrich & Rosati và vụ của Ngân hàng Goldman Sachs.

Tuy nhiên, ông Darryl Carton, Giám đốc Nghiên cứu của Gartner, cảnh báo big data cũng có thể được những tên tội phạm sử dụng để phục vụ cho các hành vi phi pháp của chúng. Đáng chú ý, ông dự báo đến năm 2018, 50% tội phạm kinh tế sẽ sử dụng phương thức phân tích dữ liệu lớn để thực hiện hành vi phạm tội.

Gartner dự đoán đến năm 2020, trên toàn thế giới sẽ có tới 25 tỷ thiết bị được kết nối internet. Đây là nguồn dữ liệu vô cùng khổng lồ, có thể được khai thác để phục vụ cho cuộc sống của con người. 

"Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể ngăn chặn tuyệt đối được sự thâm nhập thông tin trái phép vào các hệ thống kết nối mạng để khai thác các dữ liệu lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp cần ý thức đúng mức về nguy cơ rủi ro, tăng khả năng xác định mối đe dọa cũng như khả năng chống chọi với sự tấn công để duy trì hệ thống hoạt động thông suốt", ông Darryl Carton cảnh báo.

Anh Khoa
.
.
.