Đừng vì biến tướng mà do dự

Thứ Tư, 29/03/2017, 10:34
Xác lập đánh dấu "chủ quyền lãnh địa" riêng trên vỉa hè là một thói quen hình thành rất lâu của dân "mặt tiền" các phố ở Thủ đô.


Nếu thấy ai đứng trên vỉa hè trước cửa nhà là chủ nhà sẽ yêu cầu "trục xuất" ngay. Câu quen thuộc là "Đi đi cho người ta bán hàng".

Người ta quen hiện tượng này đến nỗi chẳng ai buồn phản ứng. Họ chấp nhận việc phải nhường vỉa hè công cho chủ quyền tư như lẽ đời.

Kẻ chiếm vỉa hè giống như con thú trong rừng đánh dấu vùng bất khả xâm phạm. Thế là từ lâu, người thành phố văn minh vẫn sử dụng và sống chung với luật của thiên nhiên hoang dã.

Có những nhà thấy khó chịu với người đi bộ liền xoay đuôi xe máy tới sát mép, buộc người đi bộ phải lượn xuống lòng đường.

Có lần, do vỉa hè đã chật cứng, không có cách nào len vào cửa hàng mà tôi muốn hỏi mua một món. Tôi nói với cô chủ hàng bên cạnh rằng tôi muốn đứng nhờ ở bên này để hỏi sang bên kia một câu. Cô bán hàng xinh đẹp liền quắc mắt xua đuổi: "Anh đứng đây thì ai bán được hàng?". Tôi nói lại: "Anh chỉ đứng hỏi một câu, không quá một phút, sao lại nói anh cản trở em bán hàng? Anh nói vậy thôi chứ vỉa hè là của mọi người chứ không phải của riêng nhà em nhé. Em nghĩ đi!". Cô chủ hàng xinh đẹp bối rối vì thực ra cô trục xuất tôi cũng chỉ là thói quen mặc định do gia đình để lại chứ cô cũng chẳng nghĩ ngợi sâu sắc gì.

Việc lập lại trật tự vỉa hè lan tỏa các thành phố không chỉ là phục hồi quyền của người đi bộ mà còn là chống sự xâm thực, xác lập lãnh địa riêng trên đất công của vỉa hè tặc. Có không ít dư luận ì xèo về việc này, nhưng phần đông người dân muốn sự công bằng này phải có từ lâu.

Từ quận 1 đến những vùng xa như quận 9 ở TP Hồ Chí Minh, tất cả những lãnh địa riêng bị giải phóng nhanh như cơn lốc.

Minh họa của Tả Từ.

Người ta đã quen mắt với sự xâm chiếm nên khi dỡ đi phần xâm thực trái phép, những con đường trở nên quang quẻ. Ngẫm lại mới giật mình, nhiều hộ chiếm từ nhà ra mặt đường tới 8 tới 10 mét chiều sâu.

Gần đây, có một số ý kiến chủ nhà mặt tiền muốn để xe máy thì phải thuê vì vỉa hè là của công. Dư luận bắt đầu lo xa cho việc thuê mướn lòng vòng, sinh ra bảo kê và các biến tướng khác.

Có người bảo hay là tôi thuê rồi tôi xây cái tam cấp bước vào nhà cho khoái. Có người bảo, người ta thuê mặt vỉa hè nhà tôi để giữ xe thì tôi vào nhà bằng cách nào? Hay tôi phải làm cái cầu vượt từ trong nhà ra mép vỉa hè?

Chúng ta lo cái biến tướng là có cơ sở vì lâu nay, cái biến tướng không bị dọn dẹp. Đó là tư duy của thời kỳ trì trệ. Mỗi người dân và người quản lý cần tuyên chiến với thói quen biến tướng để đẩy lùi nó.

Việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh thì không ít quốc gia đã làm. Tất nhiên, chỉ áp dụng với những vỉa hè có diện tích phù hợp. Tại các thành phố lớn, nhiều vỉa hè rộng như cái sân tennis, vậy thì tách một phần ra phục vụ cà phê cũng rất duyên dáng.

Ở khu trung tâm, nếu có đoạn đường nào có thể cho phép đỗ ô-tô sát mép vỉa hè thì thành phố cũng cho thuê vị trí với giá không hề thấp, bởi nguyên tắc không khuyến khích đỗ. Mọi vị trí đỗ đều có cây thu tiền tự động.

Nếu quá thời lượng mà không trả thêm tiền thì xe sẽ bị cẩu đi và bị phạt nặng. Khi được trả tiền, người ta sẽ có trách nhiệm hơn là miễn phí. Nhưng ở xứ ta cũng có hiện tượng cậy việc trả tiền để biến tướng coi thường kỷ cương.

Các ngôi nhà ở Mỹ thường cách nhau khoảng 1,5 mét. Không ai làm gì trên phần lưu không đó. Họ biết khoảng không đó là của chung.

Ở nhiều nước, các xe ô-tô bán hàng lưu động thường thấy ở quảng trường buộc phải di chuyển từng ngày theo vị trí, lịch phân công của thành phố. Không một xe nào được chọn, đứng mãi một vị trí nên không có cách nào xác lập lãnh địa riêng để biến tướng. Chúng ta đừng sự biến tướng mà do dự.

Còn bạn. Diện tích bao quanh vùng sổ đỏ của bạn có thuộc về bạn không?

Lê Tâm
.
.
.