El Salvador: Khai khoáng - được không bù mất

Thứ Năm, 13/04/2017, 07:20
Phát triển kinh tế dựa trên khai thác những tài nguyên thiên nhiên sẵn có như khoáng sản là một cách dễ dàng nhất, nhưng cũng mang lại nhiều hệ lụy nhất. Đó là lý do tại sao đất nước Trung Mỹ El Salvador hôm 30-3 đã đi vào lịch sử nhân loại khi trở thành nước đầu tiên cấm tất cả các hoạt động khai khoáng kim loại.


Nước chiến thắng vàng

Các nhà làm luật ở El Salvador hôm 29-4 đã đồng lòng bỏ phiếu thông qua luật mới cấm tất cả hoạt động khai khoáng kim loại ở nước này, dù đó có là mỏ vàng hay bất kỳ kim loại nào khác. Theo các nhà môi trường, đây là nước đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm trên toàn quốc hoạt động khai khoáng kim loại.

Với tuyên bố môi trường đang bị tổn hại của El Salvador không thể chịu đựng thêm được những hoạt động khai khoáng kim loại nữa, các nhà làm luật ở tất cả các đảng phái chính trị đã đồng lòng bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm. Động thái này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi cả trong và ngoài nước, đặc biệc từ Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, một thế lực có sức ảnh hưởng lớn tại đất nước Trung Mỹ này.

Những người ủng hộ cho rằng luật mới là cực kỳ cần thiết để bảo vệ nguồn nước sạch đang bị hủy hoại nghiêm trọng ở El Salvador do những hoạt động khai khoáng tràn lan những năm qua.

“Hôm nay ở El Salvador, nước đã chiến thắng vàng”, Johnny Wright Sol, một đại biểu Quốc hội thuộc đảng trung hữu Arena, viết trên mạng xã hội Twitter.

Phải biết dũng cảm nói KHÔNG

Phiên bỏ phiếu của Quốc hội EL Salvador đã biến một đề xuất đã có từ một thập niên trước về khai khoáng trở thành luật, chấm dứt mọi nỗ lực của những công ty đa quốc gia hòng khai thác triệt để “vành đai vàng” chạy ngang những tỉnh phía Bắc của El Salvador.

“Đó là một giây phút tuyệt vời cho đất nước đầu tiên ước lượng những điểm lợi và hại của hoạt động khai khoáng kim loại và dứt khoát nói KHÔNG”, Andrés McKinley, một chuyên gia về nước và khai khoáng của Đại học Trung Mỹ ở San Salvador, nói.

Một người biểu tình cầm biểu ngữ "nói KHÔNG với khai khoáng, nói CÓ với sự sống.

Luật mới không áp dụng cho hoạt động khai thác các khoáng sản khác như than đá, muối và những chất phi kim loại khác.

El Salvador đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, các tổ chức theo dõi khai khoáng tin rằng những nước khác sẽ còn lâu mới dũng cảm bước theo chân nước Trung Mỹ này. Dù vậy, luật mới là một thí dụ hùng hồn cho thấy sức ảnh hưởng của cộng đồng trong việc phản đối các dự án khai khoáng lớn và chắc chắn sẽ được nhắc đến nhiều từ nay về sau trong những “cuộc chiến” của cư dân và nhà môi trường chống lại các công ty khai khoáng ở khắp nơi trên thế giới.

Khai thác vàng làm ô nhiễm nước ở El Salvador.

“Trên bình diện toàn cầu, ngày càng có nhiều nghi vấn về việc chọn khai khoáng để làm động lực phát triển kinh tế. Tôi nghĩ động thái của El Salvador chắc chắn sẽ giúp tăng thêm sức mạnh cho tiếng nói của những cộng đồng nêu ra vấn đề này”, theo Keith Slack, Giám đốc chương trình công nghiệp khai khoáng toàn cầu của Oxfam America ở Washington.

Trên thế giới, rải rác đã có một số nơi ban hành các lệnh cấm sử dụng xyanua để khai thác vàng tại các mỏ hàm lượng thấp, thường dùng ở các mỏ khai khoáng lộ thiên như ở Montana, theo Jamie Kneen, phát ngôn viên của Mining Watch Canada. Costa Rica cũng có lệnh cấm khai thác vàng lộ thiên trên toàn quốc.

Đức, Cộng hòa Séc, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ và một số tỉnh ở Argentina đã cấm dùng xyanua để khai thác vàng. Ở Philippines, chính phủ đã ra lệnh đóng cửa hoặc tạm ngưng hoạt động một nửa số mỏ.

Những rủi ro do hoạt động khai khoáng ở El Salvador là cực kỳ lớn. Đất nước nhỏ bé này có mật độ dân số cao và là nơi có môi trường bị xuống cấp thứ hai châu Mỹ, chỉ sau Haiti, theo nhận định của Liên Hiệp Quốc.

“Nạn nhân đầu tiên và nghiêm trọng nhất của hoạt động khai khoáng chính là nước. Tại EL Salvador, đó là vấn đề giữa cái sống và cái chết của đất nước. Chúng ta đang nói về việc lựa chọn giữa sống hay chết”, ông McKinley nói.

Sức mạnh của cộng đồng

Ông Wright, đại biểu Quốc hội đã có nhiều nỗ lực trong việc thuyết phục đảng phái thân thiện kinh doanh của ông ủng hộ luật cấm, nói thay đổi khí hậu đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến El Salvador. “Không chỉ là một giả thuyết hay một môn khoa học không chắc chắn như cách nay 10 năm, ngày nay người Salvador đã thấy nó hiển hiện sờ sờ trước mắt”, ông Wright nói.

Không giống hoạt động khai khóa ở những nước lân cận tại Trung Mỹ, hoạt động khai khoáng ở El Salvador đã bị giới hạn xuống quy mô nhỏ. Cuộc nội chiến trong thập niên 1980 đã ngăn chặn những nỗ lực phát triển các mỏ quy mô lớn. Các công ty đa quốc gia đã không còn bắt đầu thăm dò mãi cho đến những năm 2000.

Những người phản đối một trong các công ty đa quốc gia đó thậm chí đã tập hợp lại thành một phong trào xã hội chống lại hoạt động khai khoáng. Công ty bị phản đối, Pac Rim Cayman, đã cố xin giấy phép để mở một mỏ ở tỉnh nghèo phía Bắc Cabañas, nhưng bị từ chối năm 2005 vì không đáp ứng được tất cả yêu cầu pháp lý.

Tuy nhiên, chính phủ do đảng thân doanh nghiệp Arena lãnh đạo đã cấp một thứ giống như giấy phép không chính thức cho công ty. Điều này đã làm phong trào phản đối lên cao, và những vụ đụng độ quanh khu mỏ dự kiến đã khiến nhiều nhà đấu tranh chống khai khoáng bị giết chết. Điều đó càng khiến công chúng giận dữ và biểu tình đã nổ ra khắp nơi.

Trước sức ép của công luận, vào năm 2009, chính phủ do đảng FMLN lãnh đạo phải ban hành một lệnh cấm không chính thức đối với các hoạt động khai khoáng kim loại.

Tháng 10-2016, El Salvador đã chiến thắng trong một tranh chấp quốc tế do Pac Rim khởi kiện và sau đó là do công ty Canada - AustraliaOceanaGold (công ty mua lại Pac Rim). Một ban trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu cầu đòi bồi thường của OceanaGold. Ngược lại, OceanaGold còn bị tuyên phải trả cho El Salvador 8 triệu USD tiền án phí.

Kim Bang (tổng hợp)
.
.
.