Em xin lỗi, bởi vì em đã "sex"

Thứ Sáu, 31/08/2012, 15:36
Em đang khóc. Em đang hoang mang rối trí. Chưa bao giờ, từ khi ý thức được về thiên tính nữ của mình, em lại nghi ngờ chính con người mình đến thế. Em đã quen với ý nghĩ là em đẹp, theo như những gì đám đàn ông thường nhận xét.

Em cũng được răn dạy rằng em hấp dẫn, đúng như cách thức các trang báo mạng thường tranh nhau post hình em lên đó để câu view. Nhưng cuộc sống đã đảo chiều, dư luận quay ngoắt 205°, một ngày đẹp giời bỗng dưng em bị ném vào chính giữa mặt mình cái tính từ: "phản cảm".

Chuyện đâu có gì ầm ĩ. Đơn giản là, em đóng kịch. Vở kịch nói về những cô gái làm nghề buôn phấn bán hương trong xã hội cũ. Công việc đó, dù có "tao nhã" gọi tránh đi bằng động từ gì, thì bản chất vẫn chỉ là "làm đĩ" như cách ông nhà văn Vũ Trọng Phụng từng huỵch toẹt bấy lâu. Đạo diễn của em xử lý cảnh em (à quên, nhân vật của em) bán buôn, dẫu ước lệ theo đúng trình thức sân khấu, thì tất nhiên vẫn phải gợi, phải có bóng dáng tả thực.

Ngôn ngữ sân khấu hiện đại là thế, không thể mãi bảo thủ chỉ một cái roi phất phất là ra chiều ta đây đang cưỡi ngựa, tán gái như các cụ xưa trong tuồng cổ. Vở em diễn đông khách, nhiều tiếng vỗ tay, lắm lời chúc tụng. Mọi chuyện yên bình cho tới thời khắc, một vài anh chị phóng viên đi xem về tá hỏa lên rằng bọn em đang "sex" trên sân khấu, bọn em công khai "phòng the", bọn em mặc váy ngủ bức bách "thuần phong mỹ tục". Rồi họ nỉ non có các ông bố bà mẹ đã che vội mắt con mình khi em diễn đến cảnh đó. (Em cũng lạ cho các bà mẹ ông bố kia, hết chỗ đi rồi sao lại đưa đứa con bé bỏng của họ đến xem cái kịch biết thừa là dành riêng cho người lớn).

Minh họa: Lê Tâm.

Đôi khi các anh chị phóng viên chê khen, bọn em bụng cứ bảo dạ để ngoài tai không chấp, nhưng khốn nỗi, các bác ở Bộ, cái Bộ chuyên quản lý chúng em cũng trợn mắt trẹo mồm mắng chúng em là quá đà, thiếu đứng đắn, răn chúng em phải xét lại mình, phải tuyệt đối tôn trọng "bản sắc dân tộc" và cấp tốc ra văn bản "chỉ đạo" chúng em.

Mà các bác ấy, dạo này những là hay hỏa tốc văn bản như chữa cháy lắm.

Em tuyệt vọng. Em ngứa ngáy. Sáng tạo là bổn phận của nghệ sỹ. Chúng em hình tượng hóa cuộc sống theo mỹ cảm độc lập, và những tín điều đã được rao giảng rất kỹ ở trường sân khấu. Ngu gì chúng em giẫm đạp lên những ba rem cấm kỵ để biến mình thành bia miệng cho thiên hạ xét soi.

Hức, làm nghệ thuật lúc nào cũng sợ… sai, sợ đi chệch khỏi cái barie định sẵn thì làm… quách phóng viên viết về nghệ thuật hay nhà quản lý nghệ thuật cho xong. Em chợt ghen với lão Danny Boyle. Lão cậy được OSCAR, đạo diễn lễ khai mạc Olympic, dám cả gan cho gã đẹp trai chuyên thủ vai điệp viên 007 hộ tống Nữ hoàng Anh lên trực thăng bay vòng quanh London, rồi nhảy dù xuống sân vận động. (Tất nhiên, màn nhảy dù chỉ là đóng thế). Lão Danny Boyle và cả nước Anh thừa biết, Nữ hoàng là biểu tượng tôn kính bậc nhất ở Vương quốc này.

Nữ hoàng, kể cũng lạ thật, quá chiều đám nghệ sỹ, tự nguyện thành "đạo cụ" để chúng tung hứng, bày trò PR cho hình ảnh đất nước mình. Em biết, mọi sự so sánh đều là ngớ ngẩn. Dẫu vậy, em vẫn chạnh lòng: Làm nghệ thuật ở nước Anh phê thật. Rồi em nổi cơn tỵ hiềm đố kỵ, em ước Danny Boyle là người Việt Nam, làm nghệ thuật ở Việt Nam, em mong lão gặp phải các anh chị phóng viên như em vừa gặp, chạm trán với các nhà quản lý như em đã chạm, xem lão còn nhởn nhơ cảm với hứng, sáng với tạo được đến đâu.

Không thể bắt Danny Boyle thành nghệ sỹ Việt Nam, em đành "tự sướng" với "thâm ý" vừa vụt đến: Để bọn em được thảnh thơi làm nghề, thỏa thuê sáng tạo, vui và say với đam mê của mình, trước khi thay đổi được tư duy của các bác ở Bộ, để các bác ấy thôi quản lý văn nghệ sỹ chúng em chỉ bằng các văn bản, các mệnh lệnh thuần giấy tờ, em thề sẽ… cấm cửa phóng viên, mà chúng em thường nói xấu sau lưng là… "hồng vệ binh", cái bọn lúc nào cũng xưng xưng "thuần phong mỹ tục", "bản sắc dân tộc", nhưng em đố họ hiểu ngọn ngằn rành rẽ những cụm mỹ từ đó, kể cả giải thích cho đúng, nghĩa của "phản cảm" là gì

Ngô Hương Sen
.
.
.