“Gã khùng” đi “nhặt thời gian”

Thứ Sáu, 21/03/2014, 14:00

Từ một nông dân nghèo, không tên không tuổi, “gã” bỗng dưng trở thành người nổi tiếng bằng một “bảo tàng” các hiện vật cổ có lối kiến trúc không giống ai. Hàng ngàn bát đĩa cổ, hàng chục, hàng trăm ki-lô-gam tiền cổ đáng giá cả tỷ đồng, chỉ cần “gã” gật đầu, là có đủ tiền để “sánh vai” với bất kì đại gia nào đó trên quê của lão. Nhưng “gã” không gật, “gã” chấp nhận nghèo và mang tiếng “khùng” để giữ lại những giá trị truyền thống cho dân, cho làng và cho cháu con của “gã”.

Người đàn ông… trời đày!

Đặt chân lên miền quê “gã”, Kiệu Sơn (Chấn Hưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), đưa cái tên Trường “khùng” (Nguyễn Văn Trường) ra hỏi, trẻ già lớn bé tíu tít bắt chuyện và chỉ đường. Không như hình dung, hóa ra bấy lâu nay gã đã thành người nổi tiếng ở cái đất này. Phạm vi nổi tiếng của “gã” đã lan ra cả làng, cả xã, cả huyện và giờ thì hình như đã là cả nước rồi.

Gặp “gã”, “gã” vừa khoan khoái rít xong điếu thuốc lào, thứ “chất độc” mà “gã” không bỏ được rồi khoan thai ra sắp xếp lại, kiểm tra lại bao đồ cổ mà gã đã cất công bỏ thời gian, bỏ cả cái Tết để đi kiếm tìm. Gã bảo, vừa lội lên thượng huyện, ý của gã là huyện Sông Lô để kiếm tìm đồ cổ. Thấy người dân mách nước, kết quá, Tết chưa hết, “gã” quẩy quả lên đường. Số tiền đi làm thuê, gom nhặt được trong vòng 4 tháng, gần chục triệu đấy, đã bị “gã” nhanh chóng “vứt” vào cái thú sưu tầm và mua đồ cổ của mình, hết veo và đi tong.

Sinh năm 1961, nay, tính cả tuổi mụ “gã” sang 54 nhưng trông “gã” cũ kĩ và kì quái đến khó hình dung. Hình như cái thú mê đồ cổ, theo kiểu trời hành hay nghiệp chướng mà vợ “gã” vẫn nói đã “ám vào”, làm “gã” già đi đến bất thường. Người quê, tròm trèm 20 tuổi, bị bố mẹ và các cụ cao niên “kích động”, “gã” lấy vợ để chiều lòng các cụ. Sau “gã” đi lính, đi liền một mạch đến năm 1989 mới về quê. Về, lại đồng ruộng, đất Trung Du, chịu khó lắm nhưng “gã” vẫn nghèo.

Nghèo, “gã” đã chọn thêm cái nghề phu hồ và xây mướn kiếm sống. Những ngày kiếm cơm công nhật này, “gã” đến làm thuê cho một nhà giầu, tay ấy mê đồ cổ. Ban đầu “gã” cũng cho đây là thứ phù phiếm, chỉ chuyên tâm với cái nghề làm thuê của mình. Nhưng vì thấy “gã” hay hay, tay chủ nhà cứ rỗi là lại gọi vào nói chuyện. Quanh đi quẩn lại, tự dưng “gã” bị tay chủ nhà truyền cho cái bệnh mê đồ cổ.

Ban đầu, không có tiền, những lúc rỗi rãi, “gã” lại loanh quanh trong cái làng mình. Ngang dọc, tìm kiếm những bát, những chén, những sành, những liễn… để đem đến cái tay buôn đồ cổ kia nhờ tư vấn. Từ những thứ vứt đi ấy, dưới sự chỉ bảo, từ men, thớ, hoa văn… nhũng thứ hiện vật tưởng chừng như câm lặng ấy đã bắt đầu lên tiếng. Đời nào, niên đại nào, cổ hay kim… “gã” bắt đầu có sự say đắm.

Ông Trường đang say sưa kể về thời phát tích và giá trị văn hóa, nghệ thuật của chiếc đĩa cổ.

Rồi “gã” say thật sự. Từ những sự nhặt nhạnh ban đầu, tiến tới, làm được đồng nào là “gã” lại giấu vợ để mua đồ cổ. Một năm 6 tháng làm thuê, 6 tháng đi săn đồ đã thành “thứ bệnh mặc định” trong con người gã. Để có những thứ đồ độc, những miền quê có sự chạy loạn của quan quân triều đình xưa như Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình… “gã” đã xách túi đến.

“Gã” nhớ lần đầu “đáp tiền” vào cái thứ này. Đợt ấy, lên Yên Bái săn được món đồ cổ, kết quá nhưng gã không đủ tiền. Quyết để món đồ cổ ấy không thoát khỏi tay mình, “gã” đã đôn đáo phi về quê. Hai ngày vắt tay lên trán, “gã” không sao nghĩ ra cách có 10 triệu để lên “tậu hàng”. Mê quá, “gã” đành tìm đến một người bạn thân nói dối vay tiền về đong thóc nuôi con. Có tiền, “gã” “dong” luôn lên Yên Bái. Đồ cổ đem về, chưa kịp mừng thì ông bạn đến nhà. Biết chuyện, ông ấy chán, muốn “gã” bỏ thú vui này nên quay ra đòi tiền. “Gã” được một phen tý mất bạn và sự cau có cả tuần của gia đình.

“Gã” say đồ cổ hơn vợ con. Đến lúc không chịu được, sau nhiều lần tuyên chiến nhằm thức tỉnh cơn mê của “gã” không được, vợ “gã” đã bế con “dông” về bên ngoại. Biết vợ bực, “gã” vẫn qua, nhưng bảo bỏ thú kia thì “gã” chịu. Đến nước này, vợ “gã” đành ôm con về và coi cái thú mê đồ cổ của “gã” như một nghiệp chướng trời đày.

Không dừng ở đấy, do mê đồ cổ quá, tiền không có, để thỏa với cái thú của mình, không nề hà, “gã” đã vác ngay cái “sổ đỏ” gia đình đem đi thế chấp để lấy tiền chơi đồ cổ. Vợ “gã” đến nước này đành bất lực, ngậm ngùi lam lũ nuôi con và nín nhịn cho “gã” bằng lòng trước một thú chơi.

Bảo tàng có một không hai

Chơi và mua bán đồ cổ thường kén kẻ và chỉ dành cho người có tiền. Nhưng có lẽ “gã” đã đi ngược lại quy luật này. Và còn lạ hơn nữa, các thứ đồ cổ “gã” mua được (khoảng 9.000 đĩa, bát, lu, sành và hàng chục ki-lô-gam tiền xu cổ) gã đều… không bán. Nhiều cái trong đó, cánh buôn đồ cổ đến trả cả chục cả trăm triệu, vợ “gã” khóc đỏ mắt chờ cái gật đầu của “gã” để thay đổi gia cảnh và số phận nhưng “gã” lại lắc đầu. Nhiều tay kết đồ cổ, không mua được, ngúng nguẩy bỏ đi cùng những câu “điên”, câu “khùng” vứt lại.

Khi số đồ cổ được “gã” “khuân” về để đầy nhà, không còn chỗ chứa và không biết bảo quản ra sao nữa thì cũng là lúc may mắn đến với “gã”. Lúc này, con cái “gã” lớn, có người làm nên vợ “gã” tích cóp được tiền và xây căn nhà cấp 4. Ngồi ngắm căn nhà, cám ơn vợ con và “gã” tự dưng bật ra một ý tưởng mới: Sẽ biến ngôi nhà thành “viện bảo tàng”. Ngoài ý tưởng này, “gã” còn thấy thú vị vì sẽ bảo quản được những thứ đồ cổ mà cả đời “gã” chịu tiếng xấu để có được kia sẽ không bị mất trộm và bị bán trộm.

Từ khi có ý tưởng này, gã lại đi làm thuê. Được đồng nào, thay cho việc “đáp” vào đồ cổ thì gã mua xi măng. Khi xi măng có đủ, đêm đến, một mình “gã” xoay trần cùng ánh đèn để trát áo và gắn những chiếc bát, đĩa cổ vào đó. 9.000 bát đĩa cổ, được định giá đến cả vài tỷ này của “gã” đã mãi mãi cùng thời gian với ý tưởng này.

Ngôi nhà có 1 không hai của “vua đồ cổ” Nguyễn Văn Trường.

Trong cách kiến trúc, gắn các đĩa bát cổ vào tường của “gã”, để theo ý tưởng, “gã” đã không nhờ ai. Và cũng không ngờ, với “gã khùng” này, hội họa và kiến trúc cũng được toát lên. Không kệch cỡm, không phô trương, rất hài hòa, đường nét và có trật tự về thời gian. Vào nhà gã, những bát đĩa cổ từ thời Đinh, Lý, Trần, Nguyễn, Mạc… được sắp xếp theo từng không gian, có điều khác lạ nhẽ ra nó phải nằm trên giá, trong tủ kính thì giờ đây lại được gắn chặt… vào tường. Để sở hữu “viện bảo tàng” có một không hai này, công việc đã ngốn của gã hết… 15 năm.

Bà Hồ Thị Nga, vợ ông Trường bảo, “thế rồi mọi thứ đều ổn. Ông ấy đã được đi hết với cái thú của mình và con tôi cũng đã lớn. Nợ nần không còn, mấy đứa con giờ làm được tiền lại cho ông ấy với sự động viên sưu tầm đồ cổ của bố. Ông Trường luôn dạy các con, ngoài tiền thì giá trị của đồ cổ còn là văn hóa và nghệ thuật. Mà nghệ thuật và văn hóa thì vô giá, cần biết kính trọng. Vậy nên việc bố chấp nhận nghèo khó để giữ lại những đồ cổ trong nhà cũng không nằm ngoài ý định ấy”.

Biết ông Trường mê cổ vật và đang sở hữu cả một kho cổ vật vô giá nên nhiều tay buôn cổ vật trong vùng và nhiều nơi vẫn tìm đến. Vẫn biết ông không bán, đã gắn chặt cổ vật vào tường nhưng họ vẫn gạ. Nhiều chiếc đĩa, chiếc bát được gắn trên tường nhà ông vẫn được định giá, nếu ông gật đầu họ sẽ tìm cách để cậy và đưa nó đi. Nhưng chưa lúc nào ông chấp nhận những ý kiến ấy cùng mệnh giá được thỏa thuận.

Gìn giữ cổ vật như vậy nhưng lúc nào ông Trường cũng sợ mất nó. Ngày nào ông cũng bỏ công lau chùi từng cái và luôn mồm nhắc các con giữ gìn. Ông căn dặn các con kể cả sau này ông chết cũng không được bán vì “linh hồn các cổ vật” ông đã dày công sưu tầm mua bán được cũng là linh hồn của ông.

Hiện nay, ngoài cái tên “khùng”, “vua cổ vật” và “tỷ phú thời gian” mà thiên hạ đặt cho thì ngôi nhà ông Trường còn là nơi tìm đến của không ít người dân và khách du lịch. Hơn cả thế nữa, ông rất vui vì ngôi nhà mình đã trở thành nơi nghiên cứu và tìm hiểu của các sinh viên, các em học sinh. Biết ông, biết giá trị cổ vật của ông nên các thầy cô giáo đã tổ chức học sinh đến đây tìm hiểu lịch sử dân tộc các thời kì qua các chất liệu gốm cổ. Và những lúc ấy, ông lại trở thành “giáo sư không chuyên” để phân tích và chia sẻ với các em!

Đơn Thương
.
.
.