Gái nhớ chồng xưa

Thứ Sáu, 03/04/2020, 16:25
Thói thường, những gì đối với ta đã trở thành cũ, đều gắn với kỉ niệm. Một món đồ cũ đã nhiều năm, mái trường cũ, thầy cô, bạn bè cũ, con đường, ngôi nhà cũ, người yêu cũ…, tất thảy những cái cũ trong đời đều gắn với cả một quãng đời đã qua, góp phần làm nên cuộc đời ta đang có, làm nên ta của bây giờ. Những gì đã cũ đều vô giá, nhắc nhở về hành trình một chiều của cuộc đời con người.

Cuộc đời, xét cho cùng là một hành trình dài để trưởng thành, một chuỗi liên hoàn những bài học lớn nhỏ. Và những người/ những điều đã cũ, tức là đã dừng tương tác, đã ra khỏi cuộc đời ta, lại chính là tác nhân lớn cho những bài học ấy.

Có bài học dễ học khi kỉ niệm đẹp, tương tác đẹp, có bài học khó, và cả cực khó đến độ ta bất lực, khi kỉ niệm đau đớn gây tổn thương, khi con người thông qua tổn thương, buộc phải đối diện với sự thành thật, khả năng buông bỏ của chính mình. Những bài học khó, thường là bởi tổn thương quá sâu, tham lam hay kỳ vọng quá nặng, và thường gắn với chuyện tình cảm. Nên trong vô vàn thứ cũ trên đời, người cũ vẫn là một nỗi niềm nhưng nhức.

Tình yêu muôn thuở là khao khát của con người trong kiếp nhân sinh. Ám ảnh về nỗi cô đơn trong hành trình làm người khiến tình yêu trở thành điều con người luôn truy cầu dù cho cuộc đời hữu hạn đến thế nào, dù con người ta đến cuộc đời này một mình, ra đi cũng cô đơn.

Nhà văn An Hạ anhavn85@gmail.com.

Thế nhưng, tình yêu lại mong manh.

Có đủ yếu tố làm nên tình yêu, trong đó chủ yếu gồm: sự hấp dẫn dục tình giữa đôi bên; sự có giá của đối phương (địa vị xã hội, sự giàu có, vẻ đẹp bên ngoài…); việc được yêu thương, chăm sóc; sự hấp dẫn của tính cách, phù hợp về sở thích; có chung quan điểm chính trị, tôn giáo, mục đích sống; sự đúng thời điểm. Tựu trung lại mà viết nên được một chữ duyên giữa đôi người xa lạ. 

Mối quan hệ nào có trên ba yếu tố kể trên là đã có thể hình thành. Thành được đã khó, giữ được lửa yêu thương còn khó hơn. Ít hơn ba yếu tố thì quan hệ khó bền, đủ sáu yếu tố chưa chắc đã có thể mãi mãi hạnh phúc. Người ta chia tay nhau vì đủ mọi lý do, từ việc nền tảng đến với nhau chưa đủ để xây lên một mối quan hệ dài lâu, khi trò đùa của hormone đi qua, tình yêu tan biến như chưa hề tồn tại, từ việc tham lam bội phản làm tổn thương nhau đến khó cứu giải, việc người ta trưởng thành theo những hướng khác nhau, chẳng còn vừa khít được với nhau nữa, việc mâu thuẫn tính cách, quan điểm lối sống.... Dù là lý do gì, chủ động hay bị động, thì dứt khỏi một người đã gắn bó đủ lâu, đều gây đau.

Từ người dưng đến người yêu là hành trình háo hức hạnh phúc, từ người yêu thành người cũ là hành trình buồn bã, mà nhẹ thì lưu lại tiếng thở dài tiếc nuối, nặng thì nhiều năm trôi qua vẫn còn đau buốt tâm can. Thật hiếm cặp đôi chia tay mà vẫn gìn giữ được sự tôn trọng, tình cảm yêu mến dành cho nhau, điều ấy, đòi hỏi cả sự trưởng thành từ đôi bên, và cả sự may mắn. Vì hiếm, nên chia tay và người cũ thường để lại đủ loại bi kịch. Bi kịch loại nào, còn liên quan đến bản chất mối quan hệ, loại tổn thương đã có.


Ảnh minh họa.

Có loại bi kịch về tiếc nuối, vì không tìm được đối tác phù hợp hơn, đáng giá hơn, nên lòng vẫn hướng về người cũ chuyện cũ, sống trong quá khứ mà không thể vẹn toàn với thực tại, dù sống cô đơn hay đã thành đôi với kẻ khác. Nhẹ thì trở thành vết thương khó lành, nặng thì cố chấp đeo bám người cũ, bằng mọi giá, phải đòi lại được tình cảm đã là của mình, cho tới khi tàn phá nhau đủ để buông. 

Có loại bi kịch của yếu đuối, sợ cô đơn, không chịu nổi cô đơn, lại quàng về với người cũ lúc yếu lòng, để tự mắc vào những hoàn cảnh khó gỡ, vì chia tay vì lý do gì, sẽ lại chia tay vì lý do ấy. Có loại bi kịch kiểu tham lam, ích kỷ, bỏ thì thương vương thì tội, chưa xong mối này lại dở mối khác, quan hệ chồng chéo tay ba tay tư lằng nhằng dây dưa, hành nhau như phim truyền hình dài tập. 

Có loại hài hước hơn, chỉ vì những phút bản năng, kỉ niệm đẹp, cảm xúc đẹp sống dậy giữa lúc đời sống ngổn ngang, người cũ lại trở thành nơi để ngả tạm, mà không nhận ra mình lại cào vào vết thương cũ và tự rạch thêm vết thương mới cho thực tại. 

Có loại bi kịch về hy vọng, trao đi quá nhiều, đầu tư vào mối quan hệ quá nhiều, để lại như câu ca dao cũ: "Em tưởng nước giếng sâu/ Em nối sợi gầu dài/ Ai ngờ nước giếng cạn/ Em tiếc hoài sợi dây", nỗi thất vọng làm đứt gãy mối quan hệ, đứt gãy cả niềm tin vào tương lai, hay một mối quan hệ khác, khi ấy, người cũ như bóng ma ám ảnh những năm tháng phía trước. 

Có loại bi kịch về tổn thương, khi những kẻ yêu nhau không tìm được cách để thương nhau, hay khi tình yêu biến thành thù hận, thà huỷ hoại nhau, nguyền rủa nhau chứ kiên quyết không tự nhìn ra phần lỗi lầm của mình trong mối quan hệ, khi bị bỏ rơi, bị chà đạp lên cái tôi. 

Nhiều kẻ sau tổn thương trở nên điên cuồng tàn nhẫn, chỉ muốn tính cách trả thù, chỉ muốn giữ thái độ thù hận, dù cuộc chia tay đã kéo dài cả chục năm, kẻ lại trở nên tự ti đau đớn, khó mở lòng, tự nhốt mình vào nỗi đau câm lặng, kẻ lại muốn quên tiệt đi tất cả, không muốn dính dáng không muốn nhớ nhung gì chuyện đã từng, khi ấy, người cũ là căn nguyên của chứng trầm cảm đủ loại, mà đôi khi chính kẻ mang tâm bệnh không nhận ra.

Vì thế mà, dù nhân sinh như mộng, nhưng bi kịch nhân sinh cũng thật đa dạng. Người ta vẫn tìm cách dò la về người cũ, ngã vào vòng tay người cũ, oán giận nhau, quay cuồng trong vòng tham sân si.

Một mối quan hệ đi đến hồi kết, người yêu trở thành người cũ, là lúc con người ta cần nghiêm túc, nghiêm khắc với bản thân để nhìn lại và biết ơn về bài học đã có. Mọi nhân duyên trong cuộc đời đều có ý nghĩa riêng, vấn đề là chỉ nằm ở chỗ, ta có chịu nhìn ra ý nghĩa riêng ấy, hay có chịu học bài học nằm ẩn sâu bên dưới hay không. 

Bài học thường chỉ được hoàn thành, khi ta không còn chấp niệm, hay nói một cách đơn giản là, ta không áp đặt mong muốn của ta lên trên sự việc, câu chuyện hay con người đã qua, nhìn kỉ niệm đúng như là kỉ niệm, đẹp hay xấu, tích cực hay tiêu cực, đúng như nó đã là, và tiếp nhận bài học. 

Đáng tiếc, việc học thường khó, người cũ càng sâu nặng, thương tổn càng sâu, thời gian để học càng dài, chữ "ngộ" chỉ dành cho kẻ biết buông, nếu không, cuộc đời đâu phải là cuộc đời.

Nhà văn An Hạ
.
.
.