Gần 1.800 gia đình nhập cư chia tay nhau tại vùng biên giới Mỹ - Mexico

Thứ Năm, 14/06/2018, 16:27
Từ tháng 10 năm 2016 đến nay, gần 1.800 gia đình nhập cư đã bị ly tán ở khu vực biên giới Mỹ-Mexico.


Theo tiết lộ của một quan chức chính phủ thì đây là con số chưa thống kê cụ thể kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện các chính sách thực thi biên giới chặt chẽ hơn. 

Nhưng đây là những tiết lộ đầu tiên của chính quyền về việc có bao nhiêu gia đình bị ảnh hưởng bởi các chính sách của Nhà Trắng. Trước đây, những con số này được cung cấp duy nhất bởi các viên chức liên bang về việc phân chia gia đình và thường được công bố vào hai tuần đầu của tháng 5 hàng năm. 

Vị quan chức này cũng cho biết thêm rằng, ông không thể cung cấp số liệu thống kê cập nhật, nhưng chắc chắn số lượng các vụ tách biệt này đã tăng mạnh trong vài tháng gần đây, chủ yếu là do các chính sách hành chính mới. 

Cụ thể, hồi tháng năm, trong chuyến thị sát vùng biên giới Mỹ-Mexico Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã tuyên bố chính sách "không khoan nhượng", trong đó tất cả những người bị bắt giữ khi vào Mỹ bất hợp pháp sẽ bị tính phí hình sự và việc này thường dẫn đến chuyện trẻ em bị tách khỏi cha mẹ. 

Theo đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã cử 18 thẩm phán (tăng 50%) và 35 công tố viên tới khu vực biên giới giáp Mexico, hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật tại đây ngăn chặn dòng người nhập cư trái phép.

Ông Jeff Sessions khẳng định tất cả những đối tượng vượt biên trái phép, buôn trẻ em đều sẽ bị xét xử theo luật định và trẻ em sẽ được xếp vào nhóm riêng biệt. 

Theo lập luận của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, mục đích của các biện pháp này là bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người dân Mỹ như được sống trong môi trường an toàn, an ninh biên giới được đảm bảo và các lực lượng chức năng nắm vững nhân khẩu... 

Trong khi đó, một nhân viên thuộc lực lượng hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) cũng xuất hiện trước Quốc hội trong một cuộc điều trần và cho hay, từ ngày 6 đến ngày 19 tháng 5 năm 2018, 658 trẻ em đã bị tách ra khỏi 638 cha mẹ vì các cuộc truy tố tăng cường. Nghĩa tổng số gia đình bị ly tán có thể lên tới hơn 2.400 gia đình.

Những người nhập cư gốc Trung Mỹ ở khu vực biên giới sau khi vượt đường từ Rio Grande, Mexico để tới bang Texas của Mỹ.

Trong số các trường hợp gia đình bị ly tán hoặc phân tách nói trên, trẻ em thường bị buộc rời khỏi cha mẹ mình vì lý do y tế hoặc an ninh. 

Một số trường hợp cha mẹ cần phải nhập viện hoặc nhà chức trách khám phá hồ sơ phạm tội của cha mẹ tại Mỹ hoặc ở quê hương bản quán. 

Gần 240 trường hợp khác, trẻ em bị loại bỏ, nhà chức trách nghi ngờ người lớn là cha mẹ của trẻ vị thành niên để có cơ hội bước chân vào nước Mỹ. 

Những con số thống kê này cao hơn rất nhiều so với con số được đưa ra vào thời kỳ cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, người tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump. 

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin khác cho hay, phần lớn các sự tách biệt liên quan đến người gốc Trung Mỹ, những người thường hay đưa cả gia đình băng qua biên giới phía Tây Nam. 

Một số đã bị bắt giữ khi cố gắng vượt qua biên giới bất hợp pháp, trong khi những người khác vượt qua bất hợp pháp và sau đó trình bày với nhà chức trách rằng họ muốn xin tị nạn vì sợ trở về nhà.

Lo ngại những hậu quả từ chính sách quá cứng rắn này, Văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Nhà Trắng ngừng chia cắt các gia đình ở vùng biên giới. 

Ủy ban Dân tộc dân chủ (DNC) đã phản bác tuyên bố của Bộ trưởng Jeff Sessions, đồng thời chỉ trích chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump là đi ngược lại các giá trị của nước Mỹ, gây tâm lý lo sợ cho cộng đồng người di cư, chia cắt gia đình người nhập cư, bắt giữ người vô cớ... 

DNC cho rằng Chính phủ Mỹ đã lãng phí tiền nộp thuế để xây bức tường biên giới ngăn chặn người nhập cư. Tổ chức Liên đoàn tự do dân sự Mỹ (ACLU) thì kiện chính phủ trong trường hợp cụ thể là một người tị nạn Congo tự giao nộp mình cho lính biên phòng ở California  và đã bị chia tách khỏi cô con gái duy nhất mới 7 tuổi trong nhiều tháng. 

Chính phủ Mỹ đã đáp trả bằng tuyên bố rằng theo các giấy tờ pháp lý, hai người này không thể chứng minh được là bố con. Nhưng ACLU cho rằng câu trả lời nhanh nhất là xét nghiệm ADN chứ không phải mớ giấy tờ giả và hỗn độn đó. 

Lee Gelernt, luật sư ACLU đại diện cho các bậc cha mẹ di cư trong các tình huống tương tự, cho biết chính quyền Trump đang sử dụng các cáo buộc về gian lận và an ninh để biện minh cho một chính sách không nhằm bảo vệ trẻ em mà ngăn cản các biên giới trong tương lai. 

Một lý do khác mà các nhà hoạt động xã hội lo lắng là năm 2017, hàng nghìn trẻ em nhập cư đến Mỹ mà không có bố mẹ đi cùng, trong đó riêng quý IV, khoảng 1.500 trường hợp mất tích khiến giới chức không thể tìm ra tung tích. 

Vì thế chính sách siết chặt nhập cư mới của chính quyền Mỹ đang bị chỉ trích là quá khắt khe và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ nhỏ phải ly tán gia đình. 

Linh Oanh (theo The Guardian)
.
.
.