Gặp người đàn ông sở hữu đàn tuấn mã bảnh nhất Việt Nam

Thứ Tư, 23/04/2014, 16:37

Dày công sưu tập một đàn ngựa “khủng” hàng chục con với nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác nhau, Ngô Lê Thắng được mệnh danh là “kẻ yêu ngựa nhất Hà Nội”. Anh không thích gọi là “đại gia” bởi cho rằng sở thích của mình hoàn toàn bình dị. Vốn là một giảng viên nhưng anh sẵn sàng mang chiếu xuống chuồng chăm ngựa nhiều ngày đêm, quét dọn chuồng trại, thậm chí trở thành bác sĩ thú y chăm khám cho đàn ngựa quý.

Từ 5 con ngựa đua đầu tiên

Ngô Lê Thắng sinh năm 1986 hiện đang là Phó trưởng khoa tạp kĩ Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và kỹ nghệ Việt Nam. Với dáng người đậm đà, cách ăn mặc và nói chuyện dân dã, gần gũi, ít ai biết thầy giáo này lại là một “đại gia” đang sở hữu hàng chục con ngựa thuộc vào hạng “khủng” tại Việt Nam với giá trị cả chục tỉ đồng.

Hiếm có một người nào yêu mến và quý ngựa như Ngô Lê Thắng. Sở dĩ vậy bởi anh được tiếp xúc với loài vật này từ khi còn rất nhỏ. Ông ngoại của anh là nghệ sĩ Tạ Duy Hiển, một trong những người đặt nền móng cho ngành xiếc Việt Nam. Mẹ anh và các thành viên khác trong gia đình họ ngoại của anh cũng đều là những nghệ sĩ xiếc thú. Từ khi còn là một cậu bé nhỏ xíu, anh Thắng đã được theo các gánh xiếc đi khắp nơi. Tình cảm đặc biệt dành cho ngựa và các loài vật khác khởi nguồn trong anh có lẽ từ đó.

Nhớ lại những ngày ấu thơ, Ngô Lê Thắng chia sẻ: “Tôi không thể nào quên khi mới chưa đầy 10 tuổi cùng mẹ theo đoàn xiếc đi biểu diễn. Lần đầu tiên tôi được cưỡi trên lưng một con ngựa do người Ấn Độ tặng đoàn xiếc Việt Nam. Ngày hôm đó, tôi cứ ngắm nghía mãi chú ngựa và ước gì sau này mình có thể sở hữu một con như thế”. 

Sau này khi đã lớn lên, Ngô Lê Thắng tiếp tục nối nghiệp cha mẹ bằng cách học nghề xiếc. Quãng thời gian du học tại Liên Xô (cũ) đã giúp cho anh mở mang thêm kiến thức. Đặc biệt, các ứng xử nhân văn và khoa học của người nước ngoài với súc vật hàng ngày cũng khiến cho anh cảm thấy yêu mến chúng hơn.

Về Việt Nam và lập gia đình, Ngô Lê Thắng cũng phải trải qua cuộc sống khó khăn như nhiều viên chức khác. Tuy nhiên, sau một thời gian cùng vợ chắt chiu, gia đình anh mua được một mảnh đất nhỏ gần khu nghĩa trang Mai Dịch. Anh ao ước có thể xây dựng nơi đó thành khu vườn sống động với nhiều con vật và cây cỏ để thi thoảng có thể mời bố mẹ sang chơi. Và con vật đầu tiên anh muốn mang về chính là ngựa.

Ngô Lê Thắng bên những chú ngựa "khủng" của mình.

Những chú ngựa đầu tiên được Ngô Lê Thắng mang về Hà Nội cách đây khoảng 5 năm. Hai vợ chồng anh khăn gói vào TP Hồ Chí Minh nhiều lần để mua lại 5 chú ngựa đua từ Công ty cổ phần đua ngựa Thiên Mã Mađagui trước khi chúng được bán sang Campuchia do hoạt động đua ngựa tại trường đua Phú Thọ bị ngừng lại. Anh Thắng nhớ lại: “Xem những trận đua ngựa cuối cùng ở Trường đua Phú Thọ, vợ chồng tôi cảm thấy vô cùng hứng thú và quyết tâm bằng mọi giá đem được chúng về nhà. 5 chú ngựa sau đó được đưa về Hà Nội bằng ôtô vì tàu hỏa họ không nhận vận chuyển. Vượt được chặng đường dài đã là một khó khăn, nhưng việc chăm sóc chúng sau này mới thực sự là thử thách với hai vợ chồng tôi”.

Chị Hợp – vợ anh Thắng không khỏi xúc động khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó. “Đúng là để có được như ngày hôm nay, chúng tôi không chỉ mất tiền mà còn cả máu và nước mắt. Những lần ngựa ốm, anh Thắng trải chiếu cả mấy ngày liền ở dưới chuồng chăm ngựa. Phải để ý đến từng cái hắt hơi, màu sắc của móng hoặc ánh mắt vui buồn của chúng để canh chừng sức khỏe. Cũng có lần anh mua phải con ngựa dữ mà không hay nên chủ quan bị nó cắn vào trước ngực, đến giờ vẫn để lại sẹo”.

Đến giờ, việc nuôi ngựa của anh Thắng đã đơn giản hơn rất nhiều. Bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, anh còn tìm hiểu các tài liệu từ sách vở và internet. Anh Thắng cũng may mắn có nhiều bạn bè là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam cùng có niềm đam mê và yêu mến ngựa. 

Phải nghe anh Thắng kể chuyện chăm sóc ngựa, mới hiểu được tình cảm của anh dành cho chúng lớn đến mức nào. “Với tôi, ngựa cũng như tụi học trò trên lớp vậy, hiểu tính chúng nên đứa nào cũng thương bởi chúng có đều có những nét đáng yêu. Có con rất ngoan, bảo gì nghe nấy, tính tình hiền hòa. Có con rất bướng, hay nghịch ngợm quậy phá nhưng lại cực kì thông minh”, anh chia sẻ. Và với anh, dạy ngựa cũng giống như dạy học trò vậy, phải chăm sóc, ân cần  và quan tâm thì chúng cũng sẽ có tình cảm với mình. Những con ngựa của Việt Nam bao giờ cũng hung dữ hơn ngựa châu Âu, cũng là bởi người Việt Nam từ lâu chỉ coi ngựa như một loại súc vật nuôi để lấy sức kéo và thường chỉ quát mắng, ra lệnh cho chúng. Tuy nhiên, nếu biết thuần hóa, một con ngựa cũng biết sống tình cảm và thân thiện như con người vậy.

Đến đàn ngựa Tây vô giá

Nhìn đàn ngựa nhởn nhơ ở bãi chăn thả, xung quanh quây bằng hàng rào gỗ, khách lần đầu đến thăm ngỡ như lạc vào thảo nguyên nào đó. Anh Thắng tiêm phòng cho đàn ngựa mỗi năm hai lần để tránh bệnh dịch và uống thuốc tẩy giun sán định kì. Chúng được phân loại thành ngựa đua, ngựa kéo, ngựa nhảy vượt rào… Trong đó, đám ngựa nhảy vượt rào đều có “quốc tịch” châu Âu. Đặc điểm chung của chúng là có chân cao và thân hình thon gọn, chắc chắn.

Tiếp tục câu chuyện về đàn ngựa, anh Thắng chia sẻ: “Ngựa có nhiều giống với nhiều màu sắc khác nhau: trắng, đen, hồng, nâu, vằn… Thân ngựa thon dài, đẹp nhất là chiếc bờm mềm mại cuốn lộng trong gió khi ngựa lướt nhanh với tiếng hí vang trời, thật hào hùng! Giống ngựa Shire Anh quốc to lớn nhất, cao tới 1m80. Còn loại nhỏ nhất là Falabella, Argentina cao không quá 70cm. Ngựa sống lâu nên có tuổi thọ từ 25- 30 năm. Con Sugar Puff sống đến 56 năm được ghi vào sách kỷ lục Guinness. Loại đẹp mã được ưa thích nhất là ngựa bạch”. Anh Thắng cũng tiết lộ đàn ngựa của mình chủ yếu được nhập về từ nước ngoài như Đức, Anh, Nga… Chiều cao từ chân đến lưng của các chú ngựa này khoảng 1,73m, nếu tính đến cổ là khoảng 2m.

Con ngựa quý nhất của anh Thắng thuộc dòng Thoroughbred. Đây là loại ngựa thuần chủng và có những ưu điểm ưu việt nhất trong các loại ngựa đua. Loại ngựa này cũng được dùng trong các cuộc đua nhảy qua các chướng ngại vật và dùng trong các cuộc đi săn. Thoroughbred được phối giống từ loại Arabian với loại ngựa Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng chạy nhanh nhất trong các loại ngựa, có thể đạt tốc độ 70 km/h trong đoạn đường dài 1,6 cây số. Thoroughbred có chiều cao trung bình khoảng 1,6m và nặng khoảng 500kg với đủ loại màu lông.

Chú Thoroughbred của anh Thắng có nguồn gốc từ Đức với màu lông nâu sậm, bờm mượt, chân cao ráo, đẹp lộng lẫy như một kì quan. Trong quá trình vận chuyển đường dài, chú ngựa bị một vết thương nhỏ ở đầu gối chân trước mà đến giờ anh Thắng nhắc lại vẫn xót xa. Anh nuôi con Thoroughbred ở một khu vực riêng với chế độ dinh dưỡng đặc biệt để làm nhiệm vụ phối giống. Để có được những chú ngựa thuộc hàng “khủng” như vậy, anh Thắng đã rong ruổi nhiều nơi từ trong nước tới nước ngoài tìm kiếm. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về giá cả, Lê Thắng kiên quyết từ chối trả lời. Anh tâm sự: “Ai cũng hỏi tôi về chi phí mua, vận chuyển đàn ngựa từ nước ngoài về Việt Nam. Có người còn đoán già đoán non rằng chi phí phải từ 300 triệu cho đến 1 tỷ đồng/con. Nhưng nói thật, mình không phải là người thích khoe khoang, nói về chi phí thì khó nói lắm vì nó thuộc loại muốn mua mà không được. Nếu tôi không có bạn bè ở nước ngoài giúp đỡ thì có muốn mua về cũng khó”.

Tính sơ sơ, mỗi con ngựa tiêu tốn của anh Thắng mỗi ngày trên 100 nghìn đồng tiền thức ăn. Ngoài một số con ngựa được mua ở trong nước và các nước Đông Nam Á có thói quen ăn cỏ; ngựa được mua ở châu Âu chủ yếu ăn cám làm từ lúa mạch, thóc, ngô. Để bổ sung dinh dưỡng, đàn ngựa được ăn thêm các khoáng chất. Bởi thế, một tháng, anh Thắng phải chi cả trăm triệu cho đàn ngựa.

Và những tham vọng cho tương lai

Những ngày đầu nuôi ngựa, bạn bè Lê Thắng bảo anh là kẻ điên khùng. Sau rồi nhiều người cũng đem lòng yêu mến ngựa theo anh. Một số bạn bè làm tổ chức sự kiện, nhiếp ảnh gia thường đến nhờ vả, gợi ý anh Thắng nên sử dụng chúng vào mục đích kinh doanh. Đặc biệt vào dịp giáp Tết năm con ngựa Giáp Ngọ 2014 này, nhiều bạn trẻ thích thú thực hiện bộ ảnh cùng với ngựa nên đàn ngựa của anh cũng “bận bịu” hơn mọi khi.

Ngô Lê Thắng tự nhận mình là kẻ tham lam. Bởi trước khi chơi ngựa, anh cũng đã từng đam mê đủ loài, từ gà, chó đến chim chóc... Tham vọng đem những con ngựa tốt nhất về Việt Nam để nuôi không chỉ dể thỏa mãn đam mê, anh còn muốn phát triển môn thể thao đua ngựa ở nước nhà. “Tôi có một mơ ước là ngựa của mình sẽ được đi thi đấu, ví dụ như ở Đại hội Thể thao châu Á Asiad 2019 mà Việt Nam đăng cai chẳng hạn”, anh chia sẻ.

Đua ngựa là môn thể thao được xếp vào loại quý tộc trên thế giới bởi chi phí để chơi môn này rất đắt đỏ. Những chú ngựa đua phải được lựa chọn, chăm sóc rất tỉ mỉ và chú đáo. Đó phải là những chú ngựa đực có tuổi từ 4 đến 6 năm, ngựa đua tốt là con có những tiêu chuẩn cơ bản như dáng cao, chân thẳng, thon chắc, móng chụm, ngực nở, cổ vạm vỡ, bờm dày, lông đều và mượt. Môn thể thao này trước đây đã từng được tổ chức ở nhiều địa phương Việt Nam từ lâu như Phú Yên (đua ngựa ở gò Thì Thùng), Hà Nội (sân Quần Ngựa), Trường đua Phú Thọ,…

Với Ngô Lê Thắng, hiếm có môn thể thao nào đem lại cho anh nhiều cung bậc cảm xúc như đua ngựa. “Nó có thể khiến bạn trải qua nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, từ hồi hộp, căng thẳng đến run người khi con ngựa mình nuôi chồm lên xuất phát, nhảy cỡn vui sướng khi ngựa cán đích và đau đớn không kém khi bị quất hồi mã thương thua cháy túi…”, anh Thắng hào hứng.

Tuy nhiên, anh Thắng cũng chia sẻ nỗi băn khoăn, rằng trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như nước ta hiện này, việc đầu tư môn thể thao này theo hướng chuyên nghiệp chắc chắn vẫn còn là một câu chuyện dài. Tuy nhiên, anh hi vọng mình có thể làm một điều gì đó, dù là  nhỏ bé nhưng sẽ là những viên gạch đầu tiên để xây dựng bộ môn đua ngựa tại Việt Nam.

Lớp học cưỡi ngựa tại trang trại của anh Thắng có khoảng 20 học viên, chủ yếu là các em học sinh nhỏ tuổi. Giáo viên là những người nước ngoài nhiều kinh nghiệm với phương pháp dạy tiến bộ đã khiến cho các em nhỏ vô cùng thích thú. Nhìn các học viên nhí quấn quýt bên đàn ngựa, Ngô Lê Thắng không giấu nổi niềm hạnh phúc và tin tưởng rằng, đua ngựa sẽ sớm trở thành môn thể thao chính thức và có vị trí nhất định trong đời sống của người Việt Nam

Nam Giang
.
.
.