Gặp những người đi mở đất

Thứ Ba, 13/10/2015, 13:00
Ở Nam Tây Nguyên, người ta thường nhắc đến các tiền nhân đi mở đất vào thế kỷ thứ 19 là Phó Sứ Điền Nông kiêm Đốc học Nguyễn Thông - bác sĩ Alexandre Yersin và nhà thám hiểm Henry Maitre. Sau này bà con ở khắp nơi lên lập nghiệp, tạo nên một vùng quê giàu đẹp. Nơi đó hai anh em Kinh, Thượng vui buồn, sớm tối có nhau biết bao mùa bông bí nở.

Tuần trước trên đường từ Bù Đăng (sóc Bom Bo) rẽ qua khu dự trữ sinh quyển Cát Tiên, gặp một vị cao tuổi ở xã Gia Viễn. Trước nhà ông trồng vài cây xanh có chùm rễ ngang dọc giống như một ma trận đời người. Thấy ông ngồi uống trà một mình nhìn theo sương khói, nên ghé thăm. Đối với người già, quá khứ dù hạnh phúc hay bất hạnh cũng là một dòng chảy bất tận luôn đồng hành với tâm thức đời mình.

Được người đến hỏi về thời xa vắng, cụ vui vẻ hẳn lên tự tay pha bình trà mới, tiếp chuyện một cách nhiệt tình. Ông tên là Vũ Văn An 85 tuổi, ông kể: “Năm 1986, chúng tôi từ Gia Viễn, Ninh Bình đi kinh tế mới vào đây. Ngày ấy là rừng hoang, đói kém, bệnh tật tưởng chừng như không trụ nổi, dần dần khá hơn trở thành quê hương thứ hai của bà con xa xứ. Người Việt mình có nếp văn hóa làng xã nên đi đâu cũng mang theo hình bóng quê nhà rồi đặt tên nơi mới như xã Gia Viễn, Hà Đông, An Nhơn, Đức Phổ, Phù Mỹ… Lúc gian khổ ấy, nhiều người bệnh nặng chấp nhận về với đất một cách tự nguyện, vì thực ra không đủ tiền chạy chữa”. 

Ông Vũ Văn An.

Để chứng minh câu chuyện có thật, ông nhờ tôi chở ra nghĩa địa, chỉ từng nấm mồ những người cùng đi mở đất đã nằm lại. Ông dừng chân tại một ngôi mộ cũ mang tên Vũ Văn Tình, sinh năm 1934 tại Gia Viễn. 

Ông nói: “Tội cho ông Tình, đi kinh tế mới cùng ngày với tôi, trước khi chết, còn mấp máy môi: Quê mình bây giờ ra sao, khi nào có dịp về quê cho tôi gửi lời thăm ông Phú, bà Xoan rồi ngoẹo cổ mắt mở trừng trừng. Đau lòng lắm chú ạ! Ngày đó ông bị sốt rét ác tính. Giá như bây giờ thì đâu có chết.” Ông đưa đôi bàn tay gân guốc xoa xoa lên tấm bia của bạn mình rồi ôm mặt đứng yên một cách vô hồn. Tôi biết ông đang khóc, nước mắt người già bao giờ cũng chảy ngược.

Mới đây tôi tìm gặp ông Trịnh Dũng, một đại gia có đến vài xưởng chế biến chè mộc, nhà cao cửa rộng. Ông Dũng sinh năm 1940, một sĩ quan chế độ cũ hàm đại úy, tòng sự ở Bộ tư lệnh vùng III chiến thuật. Ông dân gốc Thanh Hóa, vào Nam năm 1955 theo Hiệp định Genève. 

Khi được hỏi về những người đi mở đất thời ấy, ông có vẻ ngậm ngùi rồi chặc lưỡi: Mới đây mà đã 60 năm rồi, mình còn sống đến bây giờ cũng là phước phần. Họ Trịnh theo lịch sử là dân đàng ngoài, còn mình lại trở thành người đàng trong. Chuyện mở đất ở nước mình cũng thế, đôi khi hai họ tộc xung khắc nhưng vào nơi mới ở gần, rốt cuộc rồi cũng hòa bình thương yêu nhau. 

Nói như ông Churchill cựu Thủ tướng Anh là không có kẻ thù mãi mãi chỉ có lợi ích dân tộc mới là vĩnh viễn. Năm 1955 dân Bắc vào xứ BLao, ngày ấy chỉ có vài trăm hộ sống co cụm để chống cọp, cọp về ngày về đêm, vồ người vồ heo, vồ chó, đến chiều chúng mò ra ngồi lù lù ven đường. Người tha hương thường nhớ về quê cũ, nên người ta thường lấy tên quê mình đặt cho nơi mới như: Tân Thanh (Thanh Hóa mới) Tân Hà (Hà Nội mới) Tân Bùi (Bùi Chu mới)… Ông cũng dẫn tôi ra nghĩa địa giới thiệu một số tiền nhân một thời đi mở đất hoang đang nằm lại dưới rặng thông già suốt ngày gió thổi vi vu.

Nhà thơ “Hai Ku” nhân chứng một thời

Vì có hẹn với một người bạn dẫn đường, nên tôi phóng xe máy từ Đà Lạt về ngã ba Lắk Lắk trong cơn mưa với gió thổi ngược chiều rát mặt. Khi tôi đến anh đang ngồi co ro trong quán cà phê với nét mặt trông chờ.

Anh tên là Nguyễn Thánh Ngã, là một trong những người đi khai hoang muộn màng ở khu kinh tế mới Lâm Hà sống bằng nghề làm thơ. Thơ của anh có hồn, mang đậm chất nhân văn. Có lẽ trời đất ở nơi này cho anh sống chỉ để làm thơ. Ở thị trấn Đình Văn của người Hà Nội, ai cũng biết anh là nhà thơ “Hai Ku”, vì anh đoạt giải nhất thơ Hai Ku do người Nhật tổ chức. Thơ Hai Ku đơn giản chỉ có 3-4 hàng ngắn ngủi ghi lại sự kiện xảy ra trước mắt rồi hình tượng quá khứ tương lai ví dụ như: Ao xưa/ Con ếch nhảy ra/ Tiếng nước xao. Hay: Ôi những giọt sương/ Trân châu từng hạt/ Hiện hình cố hương…

Nghe nói năm trước anh ra tận Hà Nội nhận giải nhưng trong túi chỉ có vài trăm ngàn nên phải nạp năng lượng bằng mấy lon bò húc ra tận Thủ đô. Tuy ông “Hai Ku” chỉ sống khiêm tốn với tiền nhuận bút nhưng được vợ con trân trọng. Họa sĩ Túy Tâm người bạn thân của anh Ngã ở Đức Trọng có lần nói với tôi: “Cô Trinh, người vợ đảm đang của Ngã, một mình may vá nuôi ba thằng con ăn học đến kỹ sư cộng thêm ông “Hai Ku” nhưng vẫn tự hào về chồng mình. Lúc đó, nhà chú ấy nghèo chỉ nuôi được một con gà mái nhưng khi vợ chồng tôi đến thăm, lúc về cô ấy xách con gà nói: “Anh chị đến chơi tụi em không có quà gì, chỉ có con gà, mong anh chị nhận cho vợ chồng em vui”. Sợ từ chối cô ấy giận, nên mình nhận con gà độc nhất của gia đình mà trong lòng tan nát”.

Ngôi nhà Kờ Ho ở Lâm Hà.

Lúc nghe họa sĩ Túy Tâm kể. Tôi hỏi: “Chắc là cô ấy quý vợ chồng ông nên mới đứt ruột biếu con gà!”. Anh nói: “Cũng là sự trả công, nhưng bạn bè cần gì phải làm thế! Số là thấy thằng Ngã chỉ lo làm thơ nên mình kêu nó ra học nghề vẽ kiếm thêm tiền phụ vợ nhưng được một tuần, nửa đêm nó trốn về ông ơi! Mình tưởng nó nhớ vợ, ai dè nó bảo: “Tui là nhà thơ chứ đâu phải họa sĩ, ngồi vẽ hình toàn thấy thơ Hai, Ba Ku không hà”. Vì thế vợ nó biếu con gà xem như tạ lỗi việc chồng đang đêm bỏ trốn”. Anh chặc lưỡi: “Thời buổi này có được người vợ hết lòng với chồng con như thế cũng là phước phần của nó”. Khi được hỏi về chồng, chị Ngã cười như mếu: “Ông xã em là nhà thơ, không làm ra nhiều tiền nhưng được cái không trai gái, nhậu nhẹt, đề đóm là mừng rồi”.

Chúng tôi khởi hành bằng xe máy từ ngã ba Liên Khương theo quốc lộ 27 về khu kinh tế mới Lâm Hà. Đoạn đường nối tiếp dài 14 cây số bên cạnh cảng hàng không Liên Khương vừa mới được nâng cấp thành sân bay quốc tế. Sân bay Liên Khương được thành lập năm 1933 qua nhiều lần tôn tạo nay được xem là cửa ngõ phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực Nam Tây Nguyên. Lúc rời xã Liên Hiệp trời dứt mưa chuyển sang nắng vàng mát rượi, tình cờ được gặp một chiếc máy bay sắp hạ cánh với tiếng động cơ gầm thét. Xung quanh rất nhiều người nhưng chẳng thấy ai để ý, có lẽ họ đã quen cảnh máy bay lên xuống hằng ngày.

Anh Nguyễn Thánh Ngã là người luôn gắn đời mình với quê mới, dọc đường anh kể tôi nghe thời “chân trần đi mở đất”. Anh nói: “Vào năm 1977, con lộ này chỉ là đường đất nhỏ từ khu kinh tế ra Liên Khương. Ngày ấy có hai anh chị thanh niên tiền trạm yêu nhau, họ đi bộ trên đường này ra Ủy ban xã NThol Hạ để đăng ký kết hôn bị FULRO bắn chết. Chuyện FULRO Lâm Hà kéo dài khá dai dẳng cho đến năm 1996, khi KTách cùng với toán FULRO cuối cùng trở về mới thực sự bình yên”. 

Vợ chồng già làng K'Rụt.

Khi qua hết khu sân bay, anh còn chỉ tay vào khu vườn hoang nói như hét: “FULRO thì không còn nhưng năm ngoái ở đây xuất hiện một cặp báo hoa mai tấn công người và gia súc đến nỗi ban đêm không ai dám ra đường, bây giờ chúng cũng biến mất luôn rồi”.

Khi đi qua buôn làng bà con gốc Tây Nguyên, bây giờ là thôn văn hóa, ông “Hai Ku” trải lòng: “Việc đi tìm đất mới giữa người miền xuôi và vùng cao không giống nhau. Người Kinh nhìn trên bản đồ phóng tuyến, rồi cho xe ủi làm đường, còn bà con gốc Tây Nguyên gắn với tâm linh. Thông thường già làng cùng trai tráng mang chà gạc đi tiền trạm, nơi nào có núi, có sông suối, bến tắm, bến nước thiêng, cây Kơ Nia thờ thần, rừng ma mới tổ chức di dân, vì họ theo tôn giáo đa thần. Nếu ông không tin, tôi dẫn ông đi gặp già làng KPrụt, về nhà ngồi viết có mà khùng luôn!”.

Người Hà Nội trên cao nguyên xanh

Anh Hà Đức Ái, cựu trưởng Công an xã Tân Hà, một trong những người Hà Nội đi mở đất ở Lâm Đồng vào năm 1977, nay trở thành đại gia kiêm nhà thơ nổi tiếng trong tỉnh. Năm 2010 kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Đông Đô anh được đăng một bài thơ mang tên “Hà Nội của tôi ơi” trong tuyển tập những bài thơ hay nhất của 10 thế kỷ. Anh quý bài thơ, xem như là đỉnh cao của cuộc đời sáng tác của mình.

Cũng đã trên ba lần, anh Ái điện thoại bảo tôi lên khu kinh tế mới người Hà Nội ở Lâm Hà để biết thế nào là nụ hôn từ biệt của người viễn xứ. Trên đường đi, tôi cứ nghĩ anh sống theo kiểu nghệ sĩ nhưng đến nơi không phải thế. Nhà anh là một hiệu buôn kim khí điện máy to đùng giữa phố xá sầm uất. 

Thấy tôi mặc bộ quần áo nhầu nhĩ lấm lem bụi đường, đi chiếc xe máy Trung Quốc, người con trai cả của anh nhìn tôi với gương mặt lạnh lùng hững hờ nói: “Bố cháu đi vắng hai ngày nữa mới về”. Tôi móc điện thoại gọi, anh Ái từ trên lầu đi xuống diện trên người bộ quần áo đắt tiền, nước hoa thơm phức. Thấy lạ tôi hỏi: “Sao hôm nay đại ca sang thế!”. “Sang gì, đang tiếp sui gia đến chơi”. 

Ông bắt tôi vô phòng tắm thay quần áo đẹp rồi xịt nước hoa, nâng cấp tôi thành người Hà Nội. Anh nói nhỏ vào tai tôi: “Thời buổi vật chất lên ngôi, con người thường bắt nhịp từ lớp vỏ. Ông đừng trách tôi, tối nay ông ngủ đây, sáng mai tôi dẫn ông đi hết huyện Lâm Hà”. Anh Ái cười to mãn nguyện cho mọi người nghe khi bước lên bậc tam cấp cuối cùng. Nghĩ đời cũng lạ.

Kéo điện về buôn ở Lâm Hà.

Đêm Lâm Hà dài và lung linh như tiếng chiêng ngân. Đêm ấy nhà thơ kể tôi nghe cuộc đời của những người đi mở đất như trút hết nỗi lòng. Chuyện bắt đầu từ năm 1976. Ngày ấy ông Chế Đặng, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng ra Hà Nội họp gặp lại bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Hà Nội. Hai ông vốn đã quen biết nhau từ những năm chiến tranh. 

Trong câu chuyện tâm tình đan xen giữa người và đất, ông bác sĩ chép miệng: “Thủ đô đất chật người đông, nhất là các huyện ngoại thành đất đai xuống cấp ảnh hưởng đến việc canh tác của người làm nông.” Ông Chế Đặng chia sẻ: “Lâm Đồng dân thưa, đất tốt, khí hậu mát mẻ. Hà Nội có thể đưa dân vào cùng làm ăn được không!”. 

Một gợi ý thật bất ngờ nhưng hấp dẫn, bác sĩ Trần Duy Hưng đã đưa ra bàn tại Ban Thường vụ Thành ủy. Chỉ mấy tháng sau, đoàn cán bộ đầu tiên do ông Trần Duy Dương, Phó Chủ tịch thành phố với trên 30 cán bộ vào Lâm Đồng mở đường cho cuộc “thiên di”. Khi vào đến Suối Cạn, đoàn đã định dừng lại nhưng ông Chế Đặng động viên mọi người tiếp tục đi. 

Là người địa phương nên Chủ tịch Đặng biết khu căn cứ đơn vị D810 đóng trong kháng chiến. Đường đi khó, đoàn phải đi theo xe ủi như bộ binh mang súng chạy theo xe tăng trong đội hình tác chiến kinh điển. Lúc đến nơi mọi người mới sững sờ khi thấy trước mặt là một thung lũng bằng phẳng xanh tươi có cả tiếng suối reo rì rầm. Đoàn quyết định dừng lại, nơi ấy là trung tâm của huyện lỵ Lâm Hà bây giờ.

Đêm đã khuya, ngoài đường vắng ngắt, gió núi từ Đắk Lắk thổi về mênh mang trong bóng tối. Anh Ái dẫn tôi lên sân thượng ở tận lầu ba, hai anh em đi vòng vòng trong sương đêm mới phát hiện nơi chúng tôi đứng là một chòm sáng, còn xung quanh là bóng tối mênh mông. Điều ấy cho thấy nơi có người ở chỉ là một dấu chấm nhỏ trên cao nguyên đầy nắng gió này.

Chỉ mới 5 giờ sáng, ông nhà thơ đã thức dậy pha trà, cà phê, đọc lại bài thơ Hà Nội của tôi ơi! Có lẽ hồn thơ đã đi vắng mấy năm rồi nay mới có dịp gọi về. Chiều hôm qua ông nói với tôi: Lúc làm thơ, mình chỉ cố gắng ghi lại nỗi nhớ quê Hà Nội nhưng không nghĩ là sẽ lọt vào tốp những bài thơ hay 10 thế kỷ. Anh biết, mình là dân Hà Nội gốc, cứ mỗi lần đứng trước hiên nhà khu kinh tế nhìn mưa rừng rơi, nhìn cây thông rùng mình rũ nước, gió thổi xoay chiều lá rừng chao đảo, lại nhớ những cây sấu già ở Hà Nội đến mức mềm lòng. Đối với mình, Hà Nội luôn nằm trong tâm thức có dịp lại òa ra hiện về. Năm 1990 về lại quê với quần áo của một người đi kinh tế, gặp vài người đi bách bộ nói giọng khu 3, khu 4, nhìn mình một cách xem thường. 

Sau chuyến về quê buồn tủi mình mới nhận ra rằng: Dù ai đó có tiền tỉ ở các tỉnh lẻ đổ về Hà Nội xây biệt thự, mua sắm xe con, mang trên người những bộ gió đắt tiền cũng khó trở thành người Hà Nội. Có thể nói rằng Hà Nội có hai mẫu người là người Hà và người Hàng, người Hà là dân giàu tỉnh lẻ hoặc người lao động về Thủ đô làm thuê, còn người Hàng là dân xuất thân từ ba mươi sáu phố phường như Hàng Trống, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Ngang… Người Hàng bao giờ cũng lịch thiệp như người Paris chính hiệu!”.

Bảy giờ sáng, anh Ái chạy chiếc xe Air Blade mới cứng, mặc bộ quần áo đẹp, trên cổ mang sợi dây chuyền bạc lồng bên trong hai nanh heo rừng, mỗi nanh dài 5cm lắc lư thấy sờ sợ. Thấy lạ tôi hỏi, được anh cho biết: “Cái xe, cái áo là dân Hà Nội, còn nanh heo rừng là hình ảnh những người đi mở đất”. “Nói như anh, dân Hà Nội đi kinh tế mới phải mang cả nanh cọp à!”, tôi hỏi vui,  anh Ái cười khặc khặc.

Khu phố ở Tân Hà.

Sáng hôm ấy, anh chở tôi đi một vòng từ Tân Hà vượt dốc 800 qua Đinh Văn, Nam Ban… Đến đâu anh cũng kể về lịch sử vùng đất vào những ngày đầu với âm sắc buồn buồn. Anh trải lòng: “Trước khi gia đình mình vào đây, tuy là vô sản thật nhưng vẫn được hưởng nền văn minh đô thị, nhưng đến lúc vào khu kinh tế là một thế giới khác hẳn, có điều gì đó rất gần với thời tiền sử! Lúc mới vào, chúng tôi thường xuyên ăn ngô, rau rừng để chống đói, đêm về đốt lửa sưởi ấm nhưng bây giờ thì khác xa rồi… 

Buổi trưa anh dẫn tôi đi thăm những người bạn cùng thời trở thành đại gia tỉnh lẻ như chủ trại nuôi hươu Lê Xuân Trường, doanh nghiệp sản xuất tơ lụa Cường Hoàn... Đến những địa danh mang tên Hà Nội như Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm... nơi nào cũng rộn tiếng cười vui. Cuối cùng ghé thăm nhà ông Liên Bang dân tộc Chill, ở xã Đạ Đờn. Ông Bang bây giờ là một nông dân giỏi có 3ha trồng cà phê mỗi năm thu được 6-7 tấn. Anh Ái cho biết, thời kỳ bà con Hà Nội vào xây dựng kinh tế mới, ông Liên Bang là trưởng ban quân pháp FULRO. 

Khi đến nhà, chúng tôi nhắc đến chuyện xưa, ông Bang xua tay: “Không nhắc tới chuyện cũ xấu lắm. Nó phong như vậy nhưng ở trong rừng đói khổ lắm, có lương bổng gì đâu, phải đào củ mài củ sắn mà ăn, quần áo về làng cướp của dân thôi. Sau này quay về, được chính quyền khoan hồng giúp đỡ, cái đầu mình mới sáng ra đó chớ…”.

* * *   

Rời khu kinh tế mới Hà Nội buổi chiều trời hong hong nắng, đứng trên đồi 800 nhìn được toàn cảnh. Lâm Hà bây giờ là một huyện giàu, vườn cây xanh mướt, nhà đẹp mọc lên như nấm. Tôi nhớ ba đứa con của nhà thơ “Hai Ku” ốm đói ngày nào đã trở thành kỹ sư. Tôi nhớ anh Ái nói với tôi trong khắc khoải về những ngày đầu gian khó. Nhưng có một điều buồn, mỗi khi người lớn nhắc lại chuyện những ngày đầu đi mở đất đều được lớp trẻ trả lời: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Tuổi trẻ nếu không biết về một thời cha ông chân trần mang gươm đi mở đất rất dễ trở thành vong bản. Như một chiếc cầu, các em hằng ngày ung dung qua lại mà không biết rằng để có con đường, cái cầu này, biết bao tiền nhân đã ngã xuống. Máu và nước mắt kể cả vong linh của họ đang chập chờn đâu đó mới có cuộc sống tươi đẹp hôm nay.

Ký sự Trần Đại
.
.
.