Ghi ở vùng đất cao nguyên đá

Chủ Nhật, 16/12/2018, 16:48
Tôi ngược cao nguyên đá một chiều đông, vùng đất xa xôi nơi biên cương Tổ quốc, thuộc 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Hành trình hơn 150km từ TP Hà Giang trên con đường Hạnh Phúc (quốc lộ 4C), chúng tôi qua những cổng trời và biết bao khúc cua hiểm trở.


Nhọc nhằn là thế song lại rất hứng khởi khi được chứng kiến những bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ và quan trọng hơn là được mắt thấy tai nghe sự kiên cường, những câu chuyện đầy xúc động về sự vươn lên của đồng bào các dân tộc miền cực Bắc.

Với tôi, cao nguyên đá có rất nhiều kỷ niệm bởi hơn 10 năm trước tôi đã từng có thời gian ngắn làm việc, gắn bó tại tỉnh Hà Giang. Những chuyến công tác lên vùng cao tuy vất vả song luôn đong đầy hạnh phúc và tạo cơ hội cho một người trẻ như tôi có được những trải nghiệm đáng quý, đáng nhớ với bao điều mới lạ.

Người Mông tận dụng từng hốc đất để canh tác trên núi đá.

Chuyển công tác về xuôi nhưng nỗi khắc khoải, khát khao được thăm lại cao nguyên đá vẫn luôn thường trực trong suy nghĩ của tôi. Chính cảnh vật, thiên nhiên, con người nơi đây đã thôi thúc tôi trở lại. Hà Giang mùa nào cũng có sức quyến rũ riêng và nhất là tình người ở đó thật ấm áp, chân tình.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn song đồng bào các dân tộc vốn rất chất phác và mến khách, phong tục tập quán ở đây cũng phong phú, sinh động, đậm đà bản sắc. Có lẽ đó là lý do chính khiến tôi vấn vương và luôn mong chờ có dịp được trở lại Hà Giang.

Cao nguyên đá vẫn thật đáng yêu và mùa nào cũng vậy, đáng yêu từ các vườn tam giác mạch bung nở trắng hồng, các thửa ruộng bậc thang ôm vòng quanh mỗi quả núi, các ngôi nhà sàn gỗ óng lên màu thời gian, cho đến các thiếu nữ dân tộc Dao, Lô Lô, Mông… mắt ướt mượt sóng sánh, má cứ hồng lên dưới nắng mới.

Những em bé vùng cao mũm mĩm căng tròn; những bà, những chị leng keng vòng bạc và cả mùi hương thảo quả ngan ngát khắp không gian. Chúng tôi bị cuốn hút bởi những chợ phiên rực rỡ sắc màu, các chàng trai người Mông đang gọi người yêu qua tiếng sáo, tiếng khèn nghe sao mà tha thiết, sâu lắng đến thế.

Cũng chẳng thể quên cái cảm giác được ngây ngất trong thứ men rượu ngô mềm môi để quên đi cái giá lạnh miền sơn cước, chảo thắng cố dậy mùi bốc khói thơm nghi ngút, tiếng vó ngựa biên cương lộng gió ngàn và bản làng xa kia ẩn khuất sau lớp sương mờ.

Lên cao nguyên đá ta cũng tự hào hơn khi được chinh phục các bậc đá trên núi Rồng, được đặt chân đến cột cờ Lũng Cú thiêng liêng của Tổ quốc, được chinh phục “Đệ nhất hùng quan” (đỉnh Mã Pì Lèng), ngắm dòng Nho Quế xanh biếc và như một dải lụa mềm mại vắt ngay đưới chân mình…

Đồng bào vùng cao nguyên đá có câu “Sống trên đá chết vùi trong đá”. Với 3/4 diện tích là núi đá, việc canh tác sản xuất gặp của bà con vô cùng khó khăn, trắc trở. Thật không thể tin nổi nếu không được trực tiếp chứng kiến cảnh tượng người dân phải cày trên những nương đá, hay gùi đất đổ vào từng hốc đá tai mèo (đồng bào gọi là thổ canh hốc đá) để trông ngô, gieo hạt dền hay hạt tam giác mạch.

Đồng bào vật lộn, kiên cường và mạnh mẽ trước thiên nhiên khắc nghiệt để mưu sinh, vậy mà đá cũng chẳng phụ công người. Lưng chừng núi kia người dân vẫn chăm lo sản xuất. Những bãi ngô xanh mượt vẫn nở hoa, cho bắp, những ruộng bậc thang có hình hài như chiếc váy của thiếu nữ người Mông vẫn đều đặn cho mùa vàng.

Hạt tam giác mạch bật lên từ hốc đá, kết hoa rực rỡ, mang lại sự sống và vẻ đẹp hút hồn cho miền đất khó. Vào mùa khô đến, nước ăn đối với đồng bào là một điều… xa xỉ, chưa nói đến việc sử dụng cho việc giặt giũ, tắm rửa.

Một chậu nước họ phải tận dụng để sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Để giúp đồng bào khắc phục phần nào sự khó khăn về nước sinh hoạt, những năm qua Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng những chiếc bể treo tích nước trên cao nguyên này.

Cuối tháng 11, khắp cao nguyên đá tràn ngập sắc màu của hoa tam giác mạch, hoa dền trải dài mênh mông đã phần nào xua đi cái mầu xám xịt, u ám rất đặc trưng ở cõi đá. Du khách được vui lễ hội ngàn hoa muôn sắc màu rực rỡ. Với đồng bào nơi đây, tam giác mạch là lương thực cứu đói cho những ngày giáp hạt. Hạt mạch để xay bột làm bánh, nấu rượu, cây non dùng làm rau xanh để ăn.

Cảnh đẹp, tình người ấm áp nhưng ở cao nguyên đá còn đọng lại trong tôi cả những điều trăn trở. Trên suốt cung đường thi thoảng chúng tôi gặp hình ảnh những em bé vùng cao với đôi mắt trong veo, quần áo mỏng manh trong giá lạnh đứng ven đường chờ đợi những quà tặng của du khách ban phát mà lòng thấy đượm buồn.

Có em phải phụ giúp bố mẹ gùi những bó cỏ to hơn cả người mang về cho trâu bò ăn, phải gùi những bó hoa tam giác mạch chờ bán cho du khách…

Từ khi cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất toàn cầu (năm 2010), khách du lịch trong và ngoài nước đã đến đây nhiều hơn. Đồng bào dân tộc vùng cao cũng có cơ hội được mở rộng giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế với thế giới bên ngoài.

Cơ sở vật chất hạ tầng, điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư nhiều nhằm nối gần hơn giữa vùng trung tâm với các bản làng. Du lịch đã mở ra những hướng đi mới cho phát triển kinh tế, xã hội vùng cao nguyên đá, đồng bào đã bớt phụ thuộc vào thiên nhiên trong hoạt động sản xuất. Cái đói, cái nghèo cũng đã dần rời xa đối với đồng bào vùng cao.

Phạm Thị Ngoan
.
.
.