Gia tăng nạn tảo hôn ở vùng rẻo cao Quảng Trị

Thứ Ba, 18/04/2017, 15:52
Khi nhận thức, sự hiểu biết ấy còn chưa được đầy đủ thì đến bao giờ, trên những bản làng heo hút, xa xôi tại huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, nạn tảo hôn mới được dừng lại.


Trên con đường núi khúc khuỷu dẫn về nhà, ở bản Ba Ngày, xã Ba Nang (huyện rẻo cao Đakrông, Quảng Trị), Hồ A Rớ, một học sinh lớp 9, trường THCS Đakrông vừa đi vừa buồn bã hát bài "Sao em nỡ vội lấy chồng" của nhạc sĩ Trần Tiến. Dường như em hát với một nỗi buồn riêng đang vật vã trong tim, nên không để ý những gì xung quanh, cũng không biết mình đang bị tụt lại phía sau so với đám bạn đang đi thật nhanh về nhà giữa buổi trưa trời nắng như đổ lửa.

Tôi có ý nấn lại đợi Rớ để chuyện trò, nhưng đám bạn của em bảo, hãy để cho Rớ được riêng tư. Ngoài nỗi buồn của Rớ còn có nỗi buồn, sự trở trăn của cả lớp và thầy cô giáo khi thỉnh thoảng vài tháng, một năm lại có những bạn nữ bỏ ngang con chữ để đi  lấy chồng?…

Sáng sớm hôm sau, vào thứ bảy, em Hồ Văn Cừa, bản Ba Ngày đúng hẹn, dẫn tôi lên xã biên giới A Vao cách đó hơn 50 cây số đường rừng, bằng xe máy vượt đèo dốc, để tìm hiểu câu chuyện người yêu Rớ đi lấy chồng.

Đến nơi, Cừa đứng từ xa, chỉ vào một ngôi nhà xây cấp bốn, sơn màu xanh nước biển, nổi bật giữa một xóm nhà sàn bên con đường quốc phòng dẫn lên vùng núi rừng Pa Lin, bảo đó là nhà chồng của bạn Hồ Thị T., từng là người yêu của Rớ.

Tôi vào nhà, thấy 4, 5 thanh niên đang tụ tập uống rượu. Hỏi vợ chồng em T., thanh niên có khuôn mặt bặm trợn, nói giọng Kinh lơ lớ, trả lời tôi: "Miềng (mình) đây. Có việc chi (gì) khôông (không)?". Tôi liền giới thiệu mình là nhà báo, muốn gặp vợ chồng T. để hỏi chuyện những khó khăn, thuận lợi của cuộc sống mới lập gia đình ở vùng cao. Thanh niên này tỏ vẻ tức giận, bảo: "T. đi làm rẫy rồi, miềng không có chuyện gì để nói với nhà báo. Mấy hôm trước cũng có người ở xã đến hỏi, nhưng chuyện lấy vợ là chuyện của miềng".

"Vợ chồng trẻ con" Hồ Thị Len, Hồ Văn Thon đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Trở lại huyện lỵ Đakrông, tôi tìm gặp cô giáo Lê Thị Hoa, giáo viên Chủ nhiệm lớp 9A3, trường THCS Đakrông để tìm hiểu thêm về trường hợp của T. Cô Hoa giọng trầm buồn: "Ở đây trường hợp như T. không phải hiếm, thỉnh thoảng đang học lại có em bỏ ngang đi lấy chồng. Cách đây 2 tuần có em H., một học sinh của lớp học khá đều các môn cũng vậy. Tôi đã đến nhà vận động phụ huynh cho con trở lại trường ba lần rồi nhưng vẫn chưa thành công. Chiều nay sau giờ dạy, tôi sẽ đến nhà em ấy lần nữa, hi vọng sẽ đổi thay được điều gì…

Ở tuổi ăn, tuổi học, nhưng nhiều em ở các xã vùng sâu, vùng xa này đã bỏ ngang học hành giữa chừng để đi lấy chồng, buồn lắm! Bởi việc lấy chồng sớm trong độ tuổi chưa phát triển hoàn thiện, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản và chưa ý thức được trách nhiệm về cuộc sống sau hôn nhân, những năm qua, đã để lại rất nhiều hệ lụy, hoàn cảnh thương tâm".

Tôi tiếp tục rong ruổi nhiều ngày, vào các bản làng trên các huyện rẻo cao Đakông, Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị, để tìm hiểu kỹ hơn về thực trạng đáng buồn này, với một mong muốn được góp phần tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho chính quyền, ngành chức năng sở tại.

Khi tôi đến thôn Ta Lu, xã Đakrông, huyện Đakrông, được người dân nơi đây mách bảo, có trường hợp "vợ chồng trẻ con" Hồ Văn Thon và Hồ Thị Len, hoàn cảnh rất khó khăn. Ngôi nhà sàn làm bằng tre nứa lá của "vợ chồng trẻ con" này nằm cheo leo bên bờ suối, diện tích chỉ chừng 20 m².

Người chồng thân mình nhỏ thó, gầy nhom, nước da đen sạm, đang ru con bằng những câu hát chắp nối, đứt đoạn, trên chiếc võng dù nhàu cũ mắc ngang một góc nhà. Người chồng cho biết, vợ cậu ta đã đi làm rẫy từ sáng sớm. Tôi hỏi, sao vợ em không ở nhà giữ con? Cậu này liền đáp: "Phụ nữ thì đi làm, còn đàn ông ở nhà". Thì ra, ở bản rẻo cao, heo hút này, đến nay vẫn còn giữ tập tục trên.

Tôi ngậm ngùi hỏi tiếp: "Vợ em làm ở đâu, có xa không?". "Trên núi ấy", cậu ta chỉ tay hướng trước mặt nhà mình. Theo hướng tay chỉ, tôi thấy trên một quả đồi cao, xa xa phía trước, thấp thoáng những phụ nữ đang gập lưng xuống mặt đất. Tôi lại hỏi đường lên núi, nhưng cậu này bảo, tôi không quen đường, đi sẽ mất nửa ngày chưa chắc tới nơi. Tôi đành ở lại Ta Lu tới chiều muộn.

Người mẹ trẻ trở về nhà, trông mệt lử sau một ngày làm nương vất vả. Thấy khách, em liền vào nhanh trong nhà, thẹn thùng ôm con ra đứng thập thò sau liếp cửa. Đoạn, người chồng gọi, em mới đến bên chồng ngồi đối diện với khách, nhưng lại rụt rè, không dám trò chuyện.

Mãi đến khi người chồng trải lòng mình về câu chuyện tình yêu, về những khó khăn, vất vả đang phải đối diện, thì em mới nói xen vào, giọng đầy tâm sự: "Cháu quen anh Thon trong một lần theo bạn bè cùng lớp đi chơi, lúc đó cháu đang học lớp 6, anh Thon học lớp 9. Tình cảm của tuổi học trò bồng bột cứ ngỡ thoáng qua, ai ngờ đã kéo hai đứa cháu ngày càng lại gần nhau hơn.

Đến cách đây một năm thì cháu và anh Thon đều bỏ học, hai đứa dắt nhau về nhà anh ấy ở hẳn. Ba mẹ cháu thấy thế, lúc đầu có khuyên can, nhưng về sau cũng đã chấp nhận cho hai đứa lấy nhau. Rồi năm ngoái, ba mẹ chồng chia cho chúng cháu một mảnh đất nhỏ để dựng nhà, chỗ đang ở bây giờ đây, cùng với 3 khoảnh ruộng rẫy để canh tác, sinh sống. Lấy chồng hơn 1 năm, thì cháu sinh con, lúc này mới thấm thía hết nỗi khổ cực của cuộc sống vợ chồng khi tuổi đời còn quá nhỏ để hiểu biết và chuẩn bị gì đó cho cuộc sống, tương lai".

"Sinh con, nhưng cháu chỉ nghỉ ngơi được ít hôm, rồi lại phải gập lưng trên 3 sào ruộng rẫy để trỉa lúa, trỉa ngô và trồng sắn, ớt. Mùa vừa rồi, bọn cháu thu hoạch được chục bao lúa và 5 tạ sắn mì. Chừng ấy nếu giỏi xoay xở cũng chỉ đủ cái ăn trong nửa năm…", em trải lòng, cho biết thêm.

"Cực khổ, nhưng Thon đã có lần bỏ vợ con đi thâu đêm suốt sáng, lúc trở về người sặc mùi rượu" - nước mắt Len bỗng rỉ ra hai bên gò má xanh xao, bợt bạt, giọng em nghèn nghẹn, kể tiếp: "Nhưng chưa hết đâu chú, có một lần khác, cháu thấy danh bạ điện thoại Thon có lưu chữ "vợ yêu", liền kiểm tra xem, thì đó không phải là số máy của mình. Cháu bấm gọi số máy này thì nghe giọng một đứa con gái bắt máy. Cháu gặng hỏi thì đau đớn nhận được câu trả lời của Thon: "Mình không yêu Len nữa, Len về nhà với ba mẹ Len đi". Thế là chúng cháu cãi nhau rất dữ, sau lần ấy cháu bồng con về nhà ba mẹ mình".

Nghe vợ trải lòng với nhà báo, nhưng trông Thon không giận vợ, em cúi gằm mặt một lúc, nước mắt bỗng trào ra, giọng nói không còn được lưu loát vì những tiếng nấc nghẹn: "Sau lần chia tay ấy, bởi nhiều phong tục ràng buộc, cùng với sự khuyên nhủ của gia đình hai bên, nên bọn cháu đã trở lại với nhau. Bây giờ nghĩ lại thấy mình có lỗi và thương vợ rất nhiều". Thon cũng cho biết, em dự định ít hôm nữa đem con sang bên nhà ngoại gửi để cùng vợ đi làm nương rẫy, và đi làm thuê kiếm tiền trang trãi cuộc sống.

Các cán bộ Phòng Trẻ em thuộc Sở LĐ, TB&XH tỉnh Quảng Trị tuyên truyền phổ biến pháp luật, vận động người dân tham gia chống nạn tảo hôn.

Cách đây gần 2 năm, ở bản Ba Ngào, xã Đakrông, còn có "vợ chồng trẻ con" khác là Hồ Thị Hao (16 tuổi) và Hồ Văn Buân (24 tuổi), lấy nhau khi Hao chưa đến tuổi trưởng thành. Cuộc sống của "vợ chồng trẻ con" này không khó khăn, vất vả như Thon và Len, nhưng hàng ngày Hao cũng phải tay bế con, tay làm việc nhà.

Hỏi chuyện ba mẹ đồng ý cho con gái lấy chồng khi đang đi học, ông Hồ Văn Dực, ba của Hao, ở cùng bản, cũng chỉ nói lên tâm sự của mình: "Vợ chồng mình cũng đã khuyên can con không nên lấy chồng sớm sẽ rất vất vả, nhưng nó không nghe. Cái bụng nó đã ưng trai, thì mình không cản được đâu! Giờ nhìn con tuổi nhỏ lam lũ rất thương, nhưng cũng không giúp gì cho nó được nhiều; vài tuần khi có tiền thì ghé qua đó thăm con một lần, dấm dúi cho con vài chục nghìn để nó mua sữa bồi dưỡng sức khỏe thôi".

Còn bà Hồ Thị Lan, mẹ chồng của em Hao bộc bạch: "Khi con cưới vợ, nhìn vợ nó còn nhỏ cũng ngại lắm, sợ không đủ sức khỏe  để sinh con, rồi làm lụng nương rẫy nữa. Nhưng con ưng cái bụng nên mình chịu! Bây giờ phụ được gì cho con thì mình cũng gắng làm".

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng tỉnh Quảng Trị, tại 2 huyện rẻo cao Hướng Hóa và Đakrông, tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2010 - 2015 có khoảng trên 900 trường hợp, trong đó Đakrông trên 260 trường hợp, Hướng Hóa trên 640 trường hợp. Tình trạng tảo hôn qua các năm tăng dần, đáng lo ngại. Chúng tôi trao đổi sự việc với ông Bùi Văn Thảng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị.

Ông Thảng, nhìn nhận: "Nguyên nhân của nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại, thậm chí báo động ở các địa phương nói trên, là do trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu đời sống kinh tế khó khăn, gia đình không có không gian riêng tư”.

Chúng tôi đem câu chuyện buồn kể trên trao đổi với thầy giáo Võ Đình Trung, Tổng phụ trách đội của trường THCS Đakrông. Thầy Trung cho biết, hơn một học kì qua, các tiết học Giáo dục công dân, Kỹ năng sống, Văn học, Sinh học…, luôn được các thầy cô giáo lồng ghép vào kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và nhận thức về hệ lụy của tảo hôn.

Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức đội nòng cốt đã qua các lớp tập huấn về sức khỏe sinh sản, quyền trẻ em, luật hôn nhân - gia đình phối hợp với chính quyền xã, thôn để đến từng nhà học sinh nắm tình hình, vận động, tuyên truyền. Cùng với nhà trường, chính quyền xã, cùng với đội ngũ cộng tác viên xuống tận từng thôn, bản để tuyên truyền cho phụ huynh biết về tảo hôn, sức khỏe sinh sản và quyền trẻ em.

Tuy nhiên, theo thầy giáo Trương Khắc Thanh, Hiệu trưởng trường THCS Đakrông thì: "Trách nhiệm của nhà trường là tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh, học sinh. Nhưng để ngăn chặn tình trạng hôn nhân trẻ em, cần có sự vào cuộc chung tay của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã, xuống từng thôn, bản mới đem lại kết quả khả quan hơn".

Tôi rời những bản làng heo hút 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, trên đường về xuôi vẫn không thôi ám ảnh, văng vẳng bên tai mình những câu hát Rớ đã dứt ruột hát lên trên đoạn đường về bản: "Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn…"

Đành rằng như đám bạn của Rớ bảo, nỗi buồn ấy của em rồi cũng sẽ sớm qua đi; cũng chỉ như tiếng kêu lạc đàn của con nai, con mang trong rừng thẳm, sớm tìm về được với các thành viên của mình, sống tốt tươi theo qui luật của tiến bộ. Nhưng đó là nỗi buồn của Rớ, của một em học sinh đã có khá đầy đủ nhận thức, sự hiểu biết cuộc sống, được các thầy cô giáo đã hàng ngày hết lòng truyền dạy, dựng xây, hun đúc nên trong em. Còn đối với những em khác, khi nhận thức, sự hiểu biết ấy còn chưa được đầy đủ thì đến bao giờ, trên những bản làng heo hút, xa xôi này, nạn tảo hôn mới được dừng lại?

Phan Thanh Bình
.
.
.