Gia tộc "trời hành"

Thứ Năm, 26/05/2016, 08:56
20 năm ngủ ngồi, xương sống lưng bà cong gập lại. Bà sợ điều gì? Chẳng ai biết. Bà câm lặng, sống kiếp "thú hoang" cô đơn trong một khóm tre già. Thầy mo phán rằng, bà bị "trời hành", cuộc đời này phải ở bụi tre không được vào nhà. Bà sẽ đi theo cái "dớp" của cha và 7 đứa em, lần lượt bị con ma bắt đi, chết "bất đắc kỳ tử".


Lâm Thị Sâm (SN 1969) sinh ra là phụ nữ nhưng không trọn kiếp đàn bà, cuộc đời bà bị đọa đày từ miệng lưỡi ông thầy mo. Cha bà là Lâm Văn Xem (SN 1935), một thợ săn thiện nghệ của đồng bào Tà Mun (ngụ khu phố Ninh Đức, phường Ninh Thạch, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Lâm Thị Sâm thưở nhỏ là một đứa trẻ ngoan, được đi học đàng hoàng. 

Bỗng năm lên 8 tuổi, Sâm mất tích. Dân bản đã lùng sục khắp nơi, không chừa gốc cây bụi cỏ nào, vào cả rừng sâu hú gọi mải miết vẫn biệt vô âm tín đứa con gái của làng. Ngỡ đã tuyệt vọng, thì đùng một cái, 16 năm sau, một người hàng xóm nhìn thấy Lâm Thị Sâm lang thang với nhóm ăn mày ở khu vực Chợ Lớn, (quận 5, TP Hồ Chí Minh). 

Bà Sâm bên "nhà" bụi tre của mình.

Ngay lập tức, gia đình xuống thành phố đón Sâm. Quay trở về, Sâm đã là con gái 24 tuổi, vẫn khờ khạo và ngoan ngoãn như ngày nào. Dân làng Tà Mun vui mừng khôn xiết, họ giết heo, giết gà ăn mừng đứa con của bản đã trở về. Riêng người cha, vì quá sung sướng, hạnh phúc mà chẳng quan tâm đến sức khỏe. 

Chỉ một năm sau đó, ông héo hon tiều tụy rồi chết. Bà con bàng hoàng trước cái chết khó lý giải của ông Xem. Ngày đưa ông "về với đất", trời mưa tầm tã, sấm chớp đùng đoàng, cho rằng điềm chẳng lành, dân làng kháo nhau chắc linh hồn ông Xem bị con ma bắt đi rồi.

Chồng mất, một mình bà Lâm Thị Cà Tế (SN 1937) phải gồng gánh để nuôi 12 đứa con thơ dại. Chỉ vài năm trời, bà đau đớn nhìn 7 người con lần lượt ra đi một cách đầy bí ẩn khi tuổi đời vẫn còn quá trẻ. Tang chồng tang, lời đồn "ma ám" càng dấy lên trong miệng lưỡi dân bản. Bà Tế hoang mang tột độ.

Những cái chết yểu không thể lý giải của những đứa con trong gia đình càng khiến dân làng người Tà Mun tin tưởng tuyệt đối vào một thế lực thần thánh nào đó. Thầy mo được mời về, lập đàn tế giữa trời. Ông thầy cầm bó nhang nhảy múa hò hét, rồi rắc máu chó xung quanh bàn thờ, cuối cùng phán một câu chắc như đinh đóng cột: "Cả nhà này có tội với trời, bị trời hành rồi".

Người còn sống trong gia đình hoang mang tột độ, Lâm Thị Sâm vạ vật tối ngày, người như quỷ đói, dơ dáy bẩn thỉu. Thời gian sau, người ta thấy bà Sâm ôm mớ rẻ rách, bọc nilon ra bụi tre ở. Mọi người can ngăn, nhưng Sâm quyết tâm từ chối, bà giải thích rằng: "Nếu không ra đây ở thì sẽ bị trời phạt, lại phải chết như cha và các em". Cứ thế, nắng mưa, bão tố, người đàn bà mang tiếng "trời hành" ngồi co ro, khúm núm, héo hắt trong khóm tre già.

Luồn qua rừng tre rậm rạp, um tùm, chúng tôi đã tiếp cận được nơi gọi là "nhà" của người đàn bà "trời hành" dưới khóm tre già cằn cỗi, thân tre vàng cháy, lá tre mục ruỗng. Tất cả quần tụ thành một đống, tạp nham, lộn xộn. Bên cạnh có một mái che lợp lá dừa, thông thống gió lùa. Ban ngày bà ở ngoài còn những lúc mưa to thì chui vào "ổ chuột" đó trú ẩn. Một thau mì tôm khô quắt, mốc xanh, luộm thuộm đất rác, bà ôm trong bụng, vô tư bốc ăn ngấu nghiến. 

Đã 20 năm như thế, bà Sâm sống kiểu "thú rừng" không hơn. Mà lạ thay bà chưa hề bị bệnh nặng phải cần đến bệnh viện, đôi lần cảm cúm xoàng, bà uống lá gì đó rồi khỏe lại, tỉnh bơ. Trước đây ở Việt Nam, có một số trường hợp sống trong rừng, biệt lập với xã hội, nhưng họ là nam nhi, còn Lâm Thị Sâm là đàn bà, cần chế độ sinh hoạt đặc thù vậy mà những thứ tối thiểu bà đều không có. 

Và ngôi nhà chính cũng chỉ là túp lều liêu xiêu.

Thật ái ngại khi nhìn thân mình khô quắt của bà. Để chống muỗi đốt, chống côn trùng cắn và chống cả gió thổi bay cái "xác khô" của mình đi, bà nhét đầy bọc nilon vào người. Bụng bà phình ra, chân tay hóp lại, thuộc kiểu "bụng ỏng đít vòn". Người ta bảo bà điên, nhưng thật sự không phải như thế. Gặp chúng tôi, bà vẫn nghe và nói rõ ràng, súc tích. Bà vẫn nhớ rất rõ điều gì đã xảy ra trong gia tộc mình suốt 20 năm qua. 

Bà kể tỉnh bơ, vanh vách, rành rọt và chẳng bao giờ khóc. Dường như, khi nỗi đau đã tận cùng, con người ta đã chai cứng trước cảm xúc. Đêm đến là thời điểm "lên cơn" của Lâm Thị Sâm, bà hú hét như cọp, nhảy múa quanh bóng trăng như một bóng ma. 

Đôi bàn tay của bà dài ngoằng, đen đúa và cáu xỉn, bà dùng để cào cấu, bốc đất chà khắp người mình, như một bản năng để sinh tồn. Nói chuyện với ai bà cũng cười, xưng con ngọt xớt:  "Con mới lấy cây chuối chà cho sạch người đó. Con mà không chà rửa là nó dơ con khó chịu lắm". Chị Ngọc hàng xóm cho biết: "Bà Sâm không cho ai đụng vào người mình. 

Có ai tới thăm, ngửi thấy mùi hôi thối từ người bốc ra, họ lại hè dân làng kéo bà ra suối tắm. Bà không chịu đi, phải năn nỉ ngon ngọt lắm mới miễn cưỡng rời "ổ". Tắm xong, trông bà giống con quỷ lột xác, da dẻ hồng hào, má lúm đồng tiền và nụ cười rất đẹp. Ngày mới tìm về, chưa phát bệnh, đã có người tới hỏi bà làm vợ, nhưng cha bà không đồng ý vì ông muốn được ở gần con gái.

Từ lời sấm truyền của thầy mo, tất cả những người còn lại trong nhà Lâm Thị Sâm đều ngơ ngẩn, tưng tửng. Hiện bà Sâm còn các em Đẹp, Nho, Ô và Út.  Đẹp và Ô thì đi lấy chồng ở đâu xa lắm không thấy về, còn Nho thì lấy vợ cũng ở xa, tuy có vợ nhưng nói chuyện cũng ngơ ngơ. Trong nhà chỉ còn bà mẹ và thằng Út. Riêng Lâm Thị Sâm thì có bụi tre làm nhà rồi. "Trong gia tộc họ Lâm này, ông trời không chừa một ai, đến bà mẹ già "gần đất xa trời" cũng bị. Bà Tế giờ như cọng rơm khô, bị bệnh gì lạ lắm, ăn không được", chị Ngọc xót xa.

Đưa chúng tôi vào buồng kín, chị Ngọc vén bức màn lên, hình ảnh thật thảm thương. Bà Lâm Thị Cà Tế như một bộ xương khô, nằm quắp vào tường. Ngước đôi mắt nhìn mọi người, bà muốn nói một điều gì đó nhưng đành bất lực. Thân thể bà lão teo tóp, chiếc cằm nhọn hoắt, đôi mắt trũng sâu khiến người mới gặp không khỏi ám ảnh.

Bà Tế héo như cọng rơm khô vẫn mang tiếng "trời hành".

Câu chuyện chết chóc, điên dại trong gia đình Lâm Thị Sâm thoạt nghe qua, nhiều người cảm thấy rùng rợn và không thể hiểu được nguyên nhân. Qua lời của ông Hồ Hoành Sơn - Trưởng khu phố Ninh Đức (phường Ninh Thạnh) đã một phần hóa giải sự thật xung quanh lời đồn "trời hành, ma ám" này: "Người dân tộc Tà Mun mới được phát hiện gần đây, họ quần tụ bên nhau nên chuyện của nhà này, nhà khác đều hiểu rất tường tận. 

Tập quán đã ăn sâu vào nếp sống của họ, vì vậy, mỗi khi nhà có người nào đó bệnh, họ thường mời thầy cúng về trừ tà, gọi là "bắt con ma" đi. Ông Lâm Văn Xem chết là do đi rừng bị sốt rét mà gia đình không hề hay biết, đến khi phát hiện thì mời pháp sư đến xem và phán bị ma rừng bắt đi. Còn 7 người con trong gia đình ấy lần lượt chết yểu là do bị bệnh, các loại bệnh thông thường nhưng gia đình lại để lâu ngày".

Đối với trường hợp 5 người con còn lại, ông Sơn nhận xét họ đều có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, từng được địa phương đề nghị hỗ trợ đưa đi bệnh viện tâm thần khám và điều trị. Bà Sâm có lần đưa đi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu của bệnh tâm thần phân liệt, yêu cầu gia đình thu xếp cho bà vào Bệnh viện Biên Hòa điều trị dài hạn. Nhưng nghèo quá, mà bà Sâm thì không chịu, cứ sống trong lùm tre suốt, không nghe lời ai cả.

Người đàn bà suốt ngày co ro, lụm khụm trong lùm tre, như một con thú hoang dã cô đơn. Hình ảnh ấy đã ám ảnh chúng tôi trong suốt hành trình đi và viết. Không có trời hành, cũng chẳng ma ám, niềm tin mụ mị vào thế giới vô hình của một số đồng bào dân tộc thiểu số đã tự giết chết quyền sống, quyền làm người của chính đồng loại mình.

Nguyên Khôi - Ngọc Thiện
.
.
.