Giấc mơ xa

Thứ Ba, 17/04/2018, 17:16
Ông nội tôi có 2 người con, là bố tôi và chú Ba. Khi ba tôi được 20 tuổi thì ông mất, để lại trọng trách gồng gánh gia đình lên vai bố và chú tôi.


Với truyền thống nhiều đời làm nông, ông nội đã để lại rất nhiều đất đai cho con cháu. Tuy nhiên, dù nhiều đất và lao động siêng năng, nhưng cuộc sống gia đình bà tôi vẫn cứ thiếu trước hụt sau.

Thêm vào đó, vì gia đình bà tôi sống ở một làng ven biển miền Trung nên năm nào cũng bị bão lụt, năm nào cũng mất mùa. Của cải dành dụm cả năm chỉ trong chớp mắt là mất trắng.

Sau khi lập gia đình, nhắm thấy cuộc sống ở làng quê ven biển không khá nổi, nên chú tôi quyết định bỏ quê lên cao nguyên lập nghiệp. Cha tôi cũng định ra đi, nhưng nghĩ đến phần mộ ông bà tổ tiên không ai hương khói lại không đành lòng, nên ở lại quê nhà, tiếp tục bám đất, bám biển.

Ảnh minh họa

Cha tôi phải bám biển vì nếu chỉ làm nông sẽ không đủ sống. Tôi vẫn còn nhớ khi các gia đình tắt đèn đi ngủ, cũng là lúc cha tôi cùng một số chú trong làng bắt đầu chong đèn, lênh đênh trên biển mưu sinh bằng nghề xiết tôm, xiết cá đến gần sáng mới trở về nhà.

Nhưng cuộc sống gia đình tôi cũng không khá hơn được bao nhiêu, cuộc sống vẫn cứ vất vả quanh năm. Trong khi đó chú tôi làm ăn ngày càng khá giả. Trước đây cao nguyên đất rộng người thưa, đất đai lại rất màu mỡ, làm chơi mà ăn thiệt.

Trong vòng hơn 20 năm, chú từ một người trắng tay trở thành giàu có. Chú làm được bao nhiêu tiền là cứ dồn mua thêm đất. So với miền Trung thì nông dân cao nguyên giàu có hơn nhiều, vì cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Tiền của chú cứ đẻ ra tiền.

Ngẫm ông bà xưa nói đúng: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Câu này đúng với gia đình tôi.

Khi Nhà nước làm các dự án du lịch biển, đất đai ven biển tăng vùn vụt. Ngày trước, 1 mét đất chiều ngang vườn nhà tôi không được mấy đồng, nhưng nay đã lên đến 500 triệu. Mà đất đai ông nội để lại cho cha tôi thì bạt ngàn, thế là nhà tôi vô tình lượm được bí kiếp làm giàu.

Lá rụng về cội, chú tôi cũng quyết định tuổi già sẽ về quê sống, vì khát khao của người con miền biển luôn là được ăn hải sản tươi sống, ngày ngày đi tắm biển.

Dự tính của chú làm cho cha tôi rất vui,  vì khi còn trẻ do vất vả mưu sinh mà anh em xa cách, tuổi già lại được gần gũi thì còn gì bằng.

Trong lúc cả nhà uống trà đàm đạo, tôi hỏi chú Ba:

- Chú định khi nào thì về đây ở luôn?

Chú nhìn tôi:

- Chú đã đổi ý rồi, không về quê nữa.

Cha tôi ngạc nhiên hết sức, thất vọng ra mặt:

- Có chuyện gì mà đổi ý rồi chú Ba?

Chú trầm ngâm một lát rồi nói với cha tôi:

- Trước đây em định về quê sống, để được ngày ngày đi tắm biển. Nhưng có quá nhiều resort, khách sạn, nhà hàng, dự án bịt đường ra biển. Có muốn đi bộ ra tắm biển cũng không được.

Tôi chen vào:

- Chú nay đã là đại gia rồi, đâu thiếu gì tiền, mình cứ mua vé vào resort mà tha hồ tắm biển.

Chú Ba lắc đầu:

- Biển phải là của chung, của người dân bản địa, của ngư dân chứ không phải của một resort nào hết. Trả tiền như vậy ức lắm không chịu được.

Lòng tôi chợt trào dâng lên một nỗi buồn khó tả. Không chỉ là chuyện cảnh quan, chuyện tắm biển, hay dạo chơi, mà biển còn là kế sinh nhai của nhiều gia đình đã sống ở đây qua nhiều đời.

Trả lại biển cho cộng đồng, đó là điều cần phải làm và phải làm được. Biển không phải của riêng ai hay nhóm người nào. Nhưng để làm được chắc cần phải có một lộ trình rất dài.Chỉ sợ rằng ngày đó có tới, chú Ba tôi chắc không còn sống để tận hưởng cảnh ngày ngày đi tắm biển.

Ước mơ anh em sum họp lúc về già của cha tôi chắc mãi là giấc mơ xa.

Nghĩa Nam
.
.
.