Giai thoại ít biết về người lính bắt sống 33 tên địch trong một ngày

Thứ Năm, 02/05/2013, 10:39

Hơn 60 năm đã trôi qua, những kí ức của người lính - "thợ săn tù binh" Ngọ Văn Hiệp (sinh năm 1931) vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Bao năm tháng nằm gai nếm mật, đối mặt với tiểu liên, trung liên, lưỡi lê sáng quắc để bắt hàng chục tên giặc dường như chưa bao giờ lu mờ trong trí nhớ vốn giảm đi theo quy luật tuổi già của người cựu binh này. Nghe ông kể chuyện, chúng tôi ngỡ như đang xem những thước phim hành động nghẹt thở của Mỹ, chứ không phải câu chuyện đời lính của ông già râu tóc bạc phơ kia.

Những người lính "tai thính, mắt tinh, mũi nhạy"

Chúng tôi trò chuyện với ông trong ngôi nhà trên phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dáng người cao gầy, làn da săn, sạm nắng, ít ai nghĩ người lính già này đã ở tuổi 82 và cũng chẳng dưới 10 lần ra vào bệnh viện để thoát khỏi lưỡi lê tử thần. Bắt được hàng chục tên địch bằng tay không, nhưng trong căn phòng nhỏ của ông, tìm được một chiếc bằng khen, một tấm huân huy chương cũng khó.

Ngược lại, sáo, đàn bầu, sách nhạc thì lại không thiếu. Dường như chất nghệ sĩ của người lính trong thời bình càng thêm "đậm đặc". Ông kéo cho chúng tôi nghe khúc đàn bầu nỉ non, réo rắt trước khi kể về thành tích "săn tù binh" đầy kiêu hãnh của người lính cụ Hồ. Ở những đoạn cao trào, ông lại dùng cây đàn bầu để minh họa cho tư thế cầm súng của người lính khi đối diện với kẻ thù, ánh mắt lanh lợi và động tác vẫn còn nhanh nhẹn lắm.

Ông kể: Ngày 4/7/1949, tôi nhập ngũ vào đại đội quân báo trinh sát phòng tham mưu, đại đoàn 308 quân tiên phong. Ngày đó, lực lượng trinh sát luôn được coi trọng. Bao giờ cũng dẫn đầu đoàn quân. Người lính trinh sát phải nhanh nhẹn, "tai thính, mắt tinh, mũi nhạy", đặc biệt thật gan dạ. Chúng tôi phải chui vào tận hang ổ của địch, luồn lách qua từng hàng rào dây thép gai xem địch bố trí hỏa lực, hay rào thép gai như thế nào để đồng đội tiến công.

Tôi đã tham gia một loạt chiến dịch như Chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng (1950), chiến dịch Trần Hưng Đạo Vĩnh Phúc Yên (1950), chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Thượng Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ... Chiến dịch Hòa Bình thu đông 1951-1952, hai lần tôi bắt sống 7 tên địch, 5 tên lính ngụy có đầy đủ vũ khí đồn La Phù -Hưng Hóa, Phú Thọ và 2 tên lính Pháp không có vũ khí ở đồn Nút, cạnh đồn Đồng Bến, đường số 6 để khai thác tài liệu.

Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi đơn vị sang Lào đánh chặn địch ở Yên Ngựa - Giang Tơi -Thượng Lào, chúng tôi đánh địch suốt 1 ngày 1 đêm. Hôm sau buổi sáng tôi bắt 25 tên, buổi chiều tôi bắt 8 tên đều là lính lê dương đầy đủ vũ khí. Tính chung cả ngày hôm đó, một mình tôi bắt được tới 33 tên địch.

Ông từ từ hồi tưởng từng trận đánh: Trong "chiến dịch Hòa Bình" ở đồn La Phù, huyện Hưng Hóa, tỉnh Phú Thọ, qua thời gian theo dõi và nắm được quy luật của địch, đơn vị tôi quyết định bắt tù binh để khai thác tài liệu. Tôi được phân công cùng hai người nữa phục kích khu vực nhà dân. Đúng như ý định, 5 tên lính ngụy đầy đủ vũ khí vào đúng khu vực của tôi, tôi xông ra bắt chúng. Tuy chúng chạy nhưng cuối cùng tôi vẫn bắt được không phải tốn viên đạn nào.

Trận này do đồng chí Trần Quốc Bính - Đại đội trưởng chỉ huy. Sau trận này, chúng tôi được điều sang đường số 6 hoạt động từ đồn Pheo đến đồn Hàm Voi, đồn Nút và đồn Đồng Bến. Nắm được quy luật đồn Nút, tôi lại được phân công cùng hai người nữa là đồng chí Xuân -Tiểu đội trưởng, đồng chí Lưu Hồng Quảng -Tiểu đội phó.

Hôm đó địch đi tuần rất đông, có cả chó béc-giê. Chúng đi qua chỗ chúng tôi trú quân chỉ vài mét mà không bị phát hiện. Sau khi chúng đi tuần xong về hết đồn, chúng tôi vào vị trí phục kích. Tôi được bố trí ngay đường đồn xuống suối, đồng chí Quảng được bố trí cách tôi khá xa, đồng chí Xuân lại cách đồng chí Quảng cũng rất xa. Tôi thấy hai tên Tây khiêng một cái thúng cứ lách cách xuống suối đi qua chỗ tôi bố trí. Tôi theo ngay sau chúng đến gần suối, tôi thúc súng vào lưng và hô to: "Hô lê manh han tơ la". Chúng buông thùng xuống và giơ tay đầu hàng. Tôi thúc chúng qua suối, chúng ngoan ngoãn nghe theo chỉ dẫn của tôi. Đến một đoạn trống trải bên phải là đồn Đồng Bến, có lính lố nhố, hai tên địch bị tôi bắt nói: "Pa tay ông Đồng Bến".

Ông Ngọ Văn Hiệp.

Bây giờ mới thấy đồng chí Quảng và đồng chí Xuân đến sau tôi. Hai tên địch này đều là lính Pháp, một là lính lái xe và một là lính quân khí. Trận này do đồng chí Nguyễn Quốc Bính, Đại đội trưởng chỉ huy. Sau trận này, đồng chí Bính chuyển sang đơn vị khác. Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng ở ban 2 là Ban chỉ huy đại đội quân báo, đồng chí từng hỏi cung những tên địch mà tôi bắt được.

Một ngày bắt 33 tên địch

Có lẽ, chiến tích lẫy lừng nhất trong cuộc đời "thợ săn tù binh" Ngọ Văn Hiệp là đã bắt sống được tới 33 tên địch trong 1 ngày, một giai thoại có thực mà ít người biết tới. Ông tự hào nhưng không giấu nổi xúc động khi hồi tưởng về trận chiến đã cướp đi sinh mạng biết bao đồng đội. Còn ông, đến giờ câu hỏi vì sao ông dám một mình đối diện với hàng chục tên địch tay lăm lăm vũ khí vẫn còn chưa có câu trả lời rõ ràng. Có lẽ như ông nói, ngày ấy, sống chết với người lính cụ Hồ nhẹ nhàng lắm, tư tưởng giành độc lập cho đất nước lớn hơn nhiều lần nỗi ám ảnh mất mát hy sinh.

Ông trầm ngâm tâm sự: Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi cũng tham gia ngay từ đầu. Cấp trên lệnh cho quân báo qua sân bay lấy dù của địch về vì ta cần rất nhiều dù. Ta không đánh "tốc chiến tốc thắng" mà chuyển sang "tiến chắc đánh chắc". Đại tướng Tổng tư lệnh là đồng chí Võ Nguyên Giáp lệnh cho đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng 308 đưa quân sang Lào tự túc lương thực tìm địch mà đánh. Khi đến Yên Ngựa - Giang Tơi, chỉ có quân báo đi trước và có đồng chí Mai Hữu Thao, Tham mưu phó Đại đoàn và đồng chí Nguyễn Kim Hùng, Trưởng ban quân báo Đại đoàn đi cùng có một tiểu đội vệ binh và một tiểu đội quân tình nguyện phối hợp.

Gần sáng, đồng chí An -chính trị viên đại đội ra lệnh "các đồng chí lấy cơm ăn, hôm nay chúng ta chặn địch ở đây". Đồng chí Dật ở tiểu đội vệ binh đi đại tiện vừa lên đến mép rừng đúng khẩu trung liên của địch bố trí sẵn. Chúng bắn đồng chí Dật hy sinh. Thế là đánh nhau từ lúc đó suốt một ngày, chúng tôi chỉ còn mấy người.

Đến tối hôm đó, đồng chí Nguyễn Trọng Quỳ bắt được hai tên người Lào dẫn đường địch rút chạy giao cho tôi giữ suốt đêm hôm ấy. Đến sáng đồng chí Quỳ bảo tôi thả hai tên Lào ra, bọn địch vừa đi qua, tôi liền theo đến đoạn suối khó đi, chúng ùn lại rất đông.

"Tôi xả súng xối xả về phía địch, quân địch nằm xuống như rạ, không biết tiêu diệt được bao nhiêu tên. Chưa bắn hết băng K50, bọn địch nói "Việt Minh có trung liên cắp nách", thế là bọn giặc giơ súng hàng. Tôi bắt được 25 tên địch và bắt chúng vác ngược súng dẫn chúng quay lại đằng sau. Bấy giờ đồng chí Quỳ cũng tới, tôi báo cáo với đồng chí thì đồng chí Quỳ bảo tôi cứ dẫn chúng về phía sau" - Miệng ông nói, còn tay ông giương cây đàn bầu lên như đang cầm súng.

Ông kể tiếp: Khi về đến Yên Ngựa, Giang Tơi là nơi giao chiến ác liệt nhất, tôi giao số địch đã bắt cho đơn vị thu dọn chiến trường. Ở đó có cả đồng chí Mai Hữu Thao, Tham mưu phó và đồng chí Nguyễn Kim Hùng, Trưởng ban Quân báo đại đoàn. Hai đồng chí giao nhiệm vụ cho tôi cùng 3 người nữa là đồng chí Tưởng, đồng chí Đề và đồng chí Tụng đi về hướng Mường Sài. Trên đường đi, 3 đồng chí đi chụm gần nhau nói chuyện. Tôi nhắc các đồng chí đi thưa ra kẻo tàn binh nó bắn cho thì mất mạng. Quả nhiên là có tàn binh nằm sẵn dưới đường, chúng bắn một băng tiểu liên, đồng chí Tưởng ngồi sụp xuống không bắn lại chúng.

Đồng chí Đề bị thương vào đùi cũng ngồi xuống đó. Đồng chí Tụng sượt mang tai nhẹ. Tôi bắn hết một băng K50, tôi hô to: "Hăm tơ la hô lê manh", bọn địch nói "Ê si", rồi cứ nằm xuống và giơ tay hàng. Tôi sụp xuống kéo từng tên một, được 8 tên địch. Tôi hỏi thì chúng nói "Vanh sanh" tức là 25 tên có cả trung liên ở dưới suối. Tôi chưa biết giải quyết như thế nào thì có hai đồng chí ở đơn vị thu dọn chiến trường gần đó đến, tôi bàn giao cho hai đồng chí cả 8 tên địch có đầy đủ vũ khí và cả đồng chí Đề bị thương nặng, không đi được.

Chưa một lần được khen thưởng

Dù lập công nhiều, nhưng đến nay ông vẫn chưa từng nhận được một giấy khen thưởng nào. Ông bảo có gì đó luyến tiếc: Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị trở về chiến dịch đường 13 Bắc Giang thì tôi bị sốt phải đi quân y về sau nên không được bình công khen thưởng.

Khi nghe những câu chuyện về cuộc đời "săn tù binh" của ông Hiệp, đồng đội của ông - ông Nguyễn Trọng Quỳ (Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng xác nhận những điều ông Hiệp kể là chính xác. Trong thời gian làm nhiệm vụ, ông là cán bộ trực tiếp chỉ huy và cùng chiến đầu với ông Hiệp.

Ông cho biết: Trong nhiệm vụ, trinh sát luôn đi trước về sau và có những năm sư đoàn cơ động trên chiến trường tham gia liên tục ba chiến dịch nên không có điều kiện để tổ chức bình công báo công xét khen thưởng. Chính vì thế ông Hiệp chưa bao giờ được khen thưởng từ đơn vị.

Ông Nguyễn Thanh Tùng (Lạc Long Quân, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) là sĩ quan quân đội nghỉ hưu cấp bậc Đại tá. "Thời gian đồng chí Hiệp nói cũng như đồng chí Quỳ xác nhận, tôi đều ở Ban quân báo đại đoàn, là cơ quan tham mưu trực tiếp chỉ đạo và quản lí đại đội trinh sát và đều biết rõ các trường hợp chiến đấu đó. Sở dĩ đồng chí Hiệp cũng như nhiều đồng chí khác không được khen thưởng kịp thời, vì đơn vị vốn hoạt động phân tán nhỏ lẻ, rất ít khi được tập trung. Thời kì đó khác bây giờ, đảng viên giữ gương mẫu, không nói không kể về thành tích của mình. Sau đó thì đồng chí Hiệp lại chuyển ngành nên sự việc trôi qua" - ông Tùng chia sẻ.

Thời nào cũng vậy, khi giặc giã tung hoành trên đất nước, những người dân, người lính luôn không tiếc máu xương để đổi lấy hòa bình cho dân tộc. Những người lính như ông Hiệp, ông Quỳ, ông Tùng... cùng hàng triệu triệu người con đất Việt đã trải qua những tháng ngày như thế.

Một sự khen thưởng, dù nhỏ thôi, với những người còn đương sống, phải chăng cũng là cách để ghi nhận công lao to lớn của những người đã dành một phần xương thịt cho Tổ quốc, để họ không phải chịu thiệt thòi. Ấy chắc cũng là điều nên làm

Sơn Hùng
.
.
.