Không có gì mà ầm ĩ cả

Giám định xe hay người?

Thứ Ba, 30/04/2019, 20:44
Tin tức về xe "điên" ngày càng dày đặc. Tháng trước tháng này, tuần kia tuần khác, xe "điên" có tần suất ngày càng dày và ngày càng tàn khốc.

Cho tới vụ ngày 22-4, xe "điên" đã cướp đi mạng sống của chị lao công Lê Thu Hà thì cộng đồng sốc thực sự. Tài xế tông chết nữ lao công có nồng độ cồn cao gấp 3 lần mức phạt cao nhất.

Chị Hà là lao động chính của một gia đình khó khăn. Hình ảnh cậu con trai học lớp 9 khóc lặng người khi mất mẹ khiến xã hội bàng hoàng. Nhiều người, tổ chức đã quyên góp để hỗ trợ gia đình người xấu số. Tuy nhiên sự an ủi không làm cho xã hội nhẹ lòng. Sự bất an chưa dừng lại khi xe "điên" vẫn tiếp tục xuất hiện bất cứ lúc nào.

Chúng ta còn nhớ vụ xe "điên" ở Ô Chợ Dừa cố tình đánh lái vào người đi xe máy đang cự cãi với mình và kéo lê người này đi hàng trăm mét. Ngày 11-4, một xe ôtô đã tông chết 4 người cùng 6 người bị thương trong một đám tang. Đo thử nồng độ cồn của tài xế thấy có 0,315 mg/lít khí thở.

Xe điên hay người điên? Cách đây không lâu, có người vợ đã yêu cầu giám định chồng mình xem có bị điên hay không? Biểu hiện của người chồng có vẻ lập dị nhưng những lời nói của ông chồng này không hề điên như đồn đại. Tiền tỷ tiền lẻ ông không nhầm một xu. 

Trong khi đó, những chiếc xe "điên" khi bị bắt lại ở trong trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh. Máy của nó trơn tru, phanh đầy đủ. Vậy tại sao nó bị vu cho là điên? Chất lượng của nó hoàn toàn bình thường nên mới ngoan ngoãn làm theo sự điều khiển của kẻ sau tay lái. 

Kẻ cầm lái mới điên chứ không phải xe. Ở một số nước láng giềng, người vào quán uống rượu bao giờ cũng đi taxi về. Người đã cầm lái thì không đụng một giọt rượu.

Minh họa Tả Từ.

Chứng "điên" nói trên đâu phải khó chữa tới mức nan y. Chất cồn là nguyên nhân dễ thấy nhất của bệnh "điên" này. Chúng ta đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn cho tài xế trên đường. Nhưng khá đông người đã phản ứng gay gắt.  

Chúng ta đã ngăn ngừa từ xa bằng cách kiểm tra nồng độ cồn của tài xế ngay từ quán nhậu. Lẽ ra thấy việc này phải lấy làm mừng thì nhiều người đã dè bỉu chế giễu lực lượng chức năng trên mạng xã hội. 

Khi xảy ra chuyện chết người thì lại than thở lực lượng chức năng không có mặt kịp thời. Không có lực lượng chức năng nào chiều được đám đông cảm tính chỉ muốn sống vượt ra ngoài quy định luật pháp.

Ngoài xe "điên" ra thì cũng có không ít đám cưới "điên". Các bạn đi đường dài chắc không lạ gì đám cưới xứ ta rất thích bắc rạp chiếm đường. Ở các tỉnh lộ rộng thì rạp cưới chiếm 1/3 đường. 

Với các tỉnh lộ hẹp hoặc huyện lộ thì đám cưới chiếm 1/2 đường. Chân rạp đúng tim đường luôn. Một số khách lo xa đến mừng cưới, bắt tay hai họ thật nhanh rồi chuồn lẹ. Trên mạng xuất hiện một video clip dựng cảnh xe 4 chỗ tông xuyên rạp cưới. Người nhà chạy như vịt. Tuy là một clip dựng nhưng nó cho thấy sự lo lắng là có thật.

Thực tế thì chuyện dựng rạp gây hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng cho nhà đám và người đi đường đã từng xảy ra chứ không phải chỉ trong tưởng tượng. Vậy có nên gọi là cưới "điên" không? Có nên giám định tâm thần với cô dâu, chú rể và tứ thân phụ mẫu không?

Bệnh "điên" này thực ra hoàn toàn có thể chữa được. Liệu pháp điều trị là sự mạnh tay của cơ quan chức năng cùng với xóa bỏ hoàn toàn văn hóa nể nang. Chúng ta sợ hãi những kẻ "điên" nhưng cũng nên chung tay điều trị giúp họ thoát khỏi căn bệnh này.

Còn bạn. Bạn đã sẵn sàng từ chối rượu khi cầm lái chưa?

Lê Tâm
.
.
.