Giang hồ mạng

Thứ Năm, 13/08/2020, 15:07
Khi những nhân vật như Khá ''Bảnh'', Đường Nhuệ được cơ quan chức năng xử lý, các bậc phụ huynh mới ngớ người ra trước một dạng đời sống mới trên mạng xã hội gọi là “giang hồ mạng”.

Anh hùng tứ chiếng mạng thường xăm trổ đầy người, đeo vuốt hổ hoặc dây xích vàng có tính thị uy. Luôn dạy đời hoặc cảnh báo thằng cha căng chú kiết nào đó sẽ bị đàn em tới hỏi tội. Nếu còn danh dự thì “nổ” (tiết lộ) địa chỉ đê. Những lời hăm dọa câu được rất nhiều view nhưng các dân mạng cứ hóng dài cổ mà loanh quanh chỉ thấy dọa qua chửi lại. Thành ra người ta bảo, “giang hồ mạng” kiểu gì cũng đi tìm nhưng tìm kiểu gì cũng không bao giờ thấy.

Mới đây Phú Lê cũng bị bắt khi cho đàn em truy đánh Đào “Chile” thì có thể ngắm bức tranh khá chi tiết. “Giang hồ mạng” có đi tìm và nếu không thấy đối thủ thì hành hung người nhà đối thủ.

Minh họa Tả Từ.

Nếu chỉ là chuyện chửi nhau, hành hung thì hơi hẹp, cần phải nhìn giang hồ mạng ở cách nhìn khác. Đó là tác hại của tính lan tỏa trong thời đại 4.0. Kênh youtube mang tên Huấn Hoa Hồng và các kênh ăn theo cũng nhận hàng triệu view. Đời sống ngoài luồng trước đây âm thầm trong gầm cầu, bến xe, bãi chợ thì bây giờ len lỏi qua internet vào buồng các gia đình học thức, ảnh hướng tới thanh thiếu niên, thậm chí nhi đồng.

Người viết bài này nghe một bé học sinh lớp 1 hào hứng đọc một câu dạy đời “Ra xã hội làm ăn bươn chải. Liều thì ăn nhiều, không liều thì ăn ít”.

“…Những cái loại ngủ quá giờ trưa ý, tao đố thằng nào giàu được. Những cái loại óc bã đậu, óc chó, óc lợn ngủ quá giờ trưa, đêm thì thức xong thì đi ăn bám…”

Hỏi cháu nghe câu này ở đâu? Cháu bảo của Huấn Hoa Hồng trên Youtube. Nhân vật này tên thật là Bùi Xuân Huấn, sinh năm 1985, làm nghề tự do thường xuyên lên mạng nói đạo lý, quay trực tiếp, làm phim phát trên youtube. Những câu phát ngôn gây sốc của anh này còn được dân mạng Remix lại để phát như một ca sĩ nhạc RAP. Trong này có cả những từ tục tĩu.

Hỏi một cậu bé học lớp 7 về nhân vật trên. Cậu bé bảo: “Bác không biết những câu nói “chất như nước cất” của “thầy” Huấn à?”. Sao lại gọi là thầy? Cậu học sinh lớp 7 cười láu lỉnh rồi bảo: “Bây giờ trẻ con cứ gọi Huấn Hoa Hồng là thầy Huấn”.

Nói gì thì nói, không ít giới trẻ đã coi những nhân vật xăm trổ dạng này là thần tượng. Thích theo trào lưu và sẽ làm theo khi có điều kiện. Như thế thì quá nguy hiểm.

Ở màu sắc ít tiêu cực hơn, có anh “giang hồ mạng” nhiều năm chuyên bịp bợm cờ bạc kiếm ăn cũng lên mạng chia sẻ chuyện đời mình và khuyên bạn trẻ chớ có bập vào cờ bạc. Anh này luôn khẳng định, cờ bạc chỉ có thua, không bao giờ thắng. Nếu đã bập vào rồi thì quyết tâm bỏ. Những ai chưa bập vào thì chớ có mon men. 

Anh ta khuyên những đứa trẻ đua đòi rằng hãy tránh xa kiếp giang hồ. “Đầu gấu đầu mèo không hay ho gì đâu. Tưởng xăm trổ đại bàng mà oai à? Trong khi người ta đi làm về ăn uống ngủ ngon cùng vợ con thì mình lang thang đầu đường xó chợ, gầm cầu, bến xe, nhục như con chó…”.

Mỗi tài khoản youtube, Facebook hiện nay có đầy đủ phương tiện như một tờ báo, một đài truyền hình. Kênh của Huấn Hoa Hồng có 1.200.000 người theo dõi và 135.000 người đăng ký. Đấy là chưa kể người xem ké nhân lên thì sức ảnh hưởng len lỏi từ đô thị tới vùng sâu vùng xa, tác hại không thể đo đếm xuể.

Không nên nhìn “giang hồ mạng” trong vài vụ chửi, đánh nhau. Cần tiếp cận với góc nhìn văn hóa tư tưởng để vô hiệu hóa nó ngay từ điểm khởi đầu. Bây giờ là lúc cần vận dụng Luật An ninh mạng cho trúng để tháo gỡ vấn đề.

Lê Tâm
.
.
.