Giành nhau mật ong Manuka

Thứ Ba, 18/04/2017, 10:23
Một “cuộc chiến” đang diễn ra giữa Úc với New Zealand, để giành độc quyền thương hiệu mật ong Manuka, một loại “siêu thức ăn” nổi tiếng nhờ các tính năng kháng khuẩn.


Chủ các tổ ong New Zealand nói họ phải có độc quyền thương hiệu mật ong Manuka, nhưng các nhà sản xuất Úc cho biết cây Manuka là một cái tên của thổ dân Úc và mật ong từ cây này ngon hơn mật ong New Zealand.

Mật ong Manuka rất nổi tiếng, và người dân Trung Quốc rất ưng loại mật ong này. Người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc không tin tưởng chất lượng mật ong “Made in China” nên họ sẵn sàng mua mật ong sạch của nước ngoài với giá cao hơn.

Theo Hãng tin Bloomberg, Comvita (New Zealand) là một trong những công ty sản xuất mật ong Manuka hàng đầu thế giới, có cơ cở nuôi ong ở đảo Long Island. Công ty Comvita đạt doanh số 231 triệu đôla New Zealand, trong đó một nửa nguồn thu này là từ người tiêu dùng Trung Quốc.  

Kết quả là việc hái ra tiền dẫn đến sự giành giật quyền sở hữu cái tên Manuka. Mật ong Manuka là do ong thụ phấn trên một loại cây bụi có tên khoa học là Leptospermum scoparium (dân gian gọi là cây trà, Damask đỏ hoặc Manuka). 

Loại cây này mọc nhiều ở Úc và New Zealand. Và trong khi mật ong ở New Zealand thu hút sự chú ý, người nuôi ong mật ở Úc cho biết mật ong của họ chính từ cây Manuka đã được luật pháp công nhận.

Capilano Honey là công ty mật ong Manuka nổi tiếng của Úc, tự giới thiệu trên trang web của họ rằng có bán 3 loại mật ong Manuka có độ mạnh thấp, trung bình và cao. Đó là mật ong Manuka 100% nguyên chất lấy từ cây Leptospermum.

Tuyên bố này khiến người phát ngôn John Rawcliffe của Hiệp hội Quản lý mật ong Manuka duy nhất (UMF) khó chịu. Ông nói chỉ có mật ong do ong New Zealand thụ phấn mới đáng được gọi là mật ong Manuka.  Nhóm các nhà nuôi ong, sản xuất và xuất khẩu của ông Rawcliffe chiếm 80% doanh số bán loại mật ong này ở New Zealand.

Ông Rawcliffe nói: “Người tiêu dùng kỳ vọng nếu là mật ong Manuka thì phải là từ New Zealand. Manuka là tên của bộ tộc thiểu số Maori. Chúng tôi quyết tâm bảo vệ nó”. Ông Rawcliffe nói rằng Manuka xứng đáng được bảo vệ như rượu sâm-banh hoặc các sản phẩm uy tín khác gắn bó với một khu vực hoặc một quốc gia: “Tôi có thể hái vài quả bắp làm rượu whisky nhưng tôi không thể gọi nó là whisky Scotland”.

Năm 2016, UMF đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu Manuka lên Chính phủ New Zealand. Họ cho biết động thái này là “nền tảng để bảo vệ một sản phẩm hạng nhất được quốc tế công nhận của riêng New Zealand”.

Ngày 9-8-2016, UMF đã tổ chức Hội thảo “Đây là Manuka”, với sự có mặt của nhiều nhà khoa học New Zealand, Úc, Nhật Bản và Trung Quốc đến bàn luận về sự đồng nhất hóa học của mật ong Manuka thật.

Trevor Weatherhead, Tổng giám đốc của Hội đồng Công nghệ mật ong Úc, cho rằng New Zealand không thể độc quyền về Manuka: “Chúng tôi cũng có đúng loại cây họ có”. Ông nói thêm mật ong Manuka do Úc sản xuất đồng chất lượng với mật ong Manuka của New Zealand.

Về chuyện khẳng định cái tên Manuka là tên trong ngôn ngữ của bộ tộc Maori ở New Zealand, theo ông Weatherhead cái tên này cũng có trong di sản của Úc: “Chúng tôi có chứng cứ chữ Manuka đã được sử dụng rất nhiều năm ở bang Tasmania. Người New Zealand chỉ nghĩ đến chuyện tiếp thị mà thôi”.

Theo Bloomberg, New Zealand có một lợi thế lớn. Ông Weatherhead cho biết cây Manuka không phổ biến ở Úc như ở New Zealand, điều đó làm hạn chế khả năng sản xuất mật ong chất lượng cao của ngành nuôi ong ở Úc: “Họ có nhiều vùng trồng cây Manuka. Ở đây thì có sự chọn lọc nơi lấy ong”.

Phúc Hy (theo Bloomberg)
.
.
.