Giới hạn nào cho ngôn ngữ mạng

Chủ Nhật, 17/05/2015, 09:00
Tiếng Việt không phải là một phạm trù bất biến. Tuy nhiên, giản lược tối đa đến mức mất cả hình chữ, hay lạ hóa, mã hóa được xem là xu hướng ngôn ngữ thời thượng. Để chạy theo ngôn ngữ "không phải dạng vừa đâu" này, nhiều người lắm lúc cười ra nước mắt... 

Thay vì viết rõ ràng "chồng" và "vợ", hoặc viết tắt hẳn ra là "c" và "v" thì các bạn trẻ bây giờ viết là "ck" và "vk". Hỏi trăm bạn vì sao lại thêm một chữ "k" có vẻ vô nghĩa và khó hiểu như thế thì phần đa cũng chỉ biết lắc đầu chẳng hiểu vì sao mình sử dụng từ đó. Lan, thuộc thế hệ 0x nói rằng: "Mình cũng hơm bít wy lại là ck và vk, chỉ bít là các bựn xquanh dùng thấy hay hay nên mình và ox mình cũng dùng. Dễ thương mờ" (Dịch: Mình cũng không biết tại sao lại là ck và vk, chỉ biết là các bạn xung quanh dùng thấy hay hay, lạ lạ nên mình và ông xã mình cũng dùng. Dễ thương mà).

Lạ hóa, viết tắt tiếng Việt theo cách riêng, kết hợp Đông - Tây và càng được mã hóa, càng khó hiểu thì càng được xem là "mốt". Đó là ngôn ngữ thời thượng thời @. Các em sử dụng ngôn ngữ ấy trong sinh hoạt giao tiếp của mình, chủ yếu qua nhắn tin điện thoại di động hoặc nói chuyện trực tuyến (hay còn gọi là "chat"). Và người lớn nào vô tình nhìn thấy lớp vỏ ngôn ngữ đầy rẫy những kí tự lạ mắt ấy, chẳng khác nào vấp phải một ma trận "khó xơi". Nhất là khi các em dùng bảng mã Morse (1 dạng biệt mã ngôn ngữ về chấm và gạch theo Alphabe), bảng mã Cesar (dời các ký tự đi 6 thứ tự trong bảng chữ cái), hoặc giải thuật MD5 biểu diễn bằng một số hệ thập lục phân 32 ký tự thì "chúng tôi cũng chỉ còn nước treo cổ mình lên" như một phụ huynh chia sẻ.

Khi hỏi Lan vì sao các em lại thích mấy cái chuỗi kí tự khó hiểu ấy? Lan cười, đại ý bảo nhìn thì có vẻ khó hiểu và đánh đố, nhưng thực ra cũng chẳng có gì khó khăn nếu tìm hiểu. Tất cả chúng đều có quy luật. Nếu không hiểu thì có thể hỏi bạn bè. Dễ như bỡn. "Và cũng không hẳn vì muốn riêng tư và bí mật với cha mẹ, thầy cô như nhiều người vẫn nói, mà vì nó "hay hay, lạ lạ và khác người". "Chúng em chán kiểu ngôn ngữ một là một, hai là hai truyền thống rồi. Phải có một tí đánh đố, tò mò, phải có một tí kích thích mới thú vị. Chúng em cũng không thích kiểu ngôn ngữ mà người lớn áp đặt cho mình. Chúng em có ngôn ngữ của mình", Lan chia sẻ.

Một trong hai cách viết của giới trẻ bây giờ.

Có nhiều ý kiến cho rằng, giới trẻ lạm dụng thứ ngôn ngữ được mã hoá là một sự bại hoại đối với tiếng Việt. Người ta lên án, cấm đoán và kêu gọi trả lại vẻ đẹp trong sáng cho ngôn ngữ dân tộc. Lẽ dĩ nhiên, không có gì là sai khi người ta lo lắng trước thực trạng tiếng Việt bị "Tây ba-lô hóa" và biến dạng, méo mó.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, việc một ngôn ngữ đời sống khác tồn tại song song cùng ngôn ngữ chính thống được hợp thức hóa và được chuẩn hóa trong chương trình giáo dục là câu chuyện hết sức bình thường (cũng giống như ngày xưa, ngoài dòng văn học viết, chúng ta còn có dòng văn học dân gian vậy). Và giới trẻ hoàn toàn có quyền lựa chọn ngôn ngữ cho mình. Có điều, các em lựa chọn như thế nào thì lại phụ thuộc vào quá trình thụ hưởng và tiếp tiến văn hóa của chính bản thân các em. Và khi ngôn ngữ thời thượng ấy không còn là câu chuyện của hai cá nhân hay một nhóm người đơn lẻ, khi nó lấn át và "làm phẳng" vốn từ vựng tiếng Việt vốn có thì chắc chắn nó là một vấn đề đáng báo động. 

Cùng với nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, thì giờ đây, chúng ta đang "nhập khẩu" cả văn hóa, trong đó có ngôn ngữ. Việc giữ gìn bản sắc ngôn ngữ dân tộc trước cơn bão @ và tạp kỹ, ở thời đại mà cái gì cũng "phẳng" lại đặt ra một lần nữa. Làm sao giữ được tiếng Việt tròn vạnh, lên bổng xuống trầm như giọng mẹ giọng cha? Làm sao giữ được hồn dân tộc qua hồn chữ? Làm sao có một tiếng Việt khỏe mạnh? Tất cả phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi cá nhân và mỗi cá nhân ấy "sum họp" trong một ngôn ngữ chung, tiếng nói chung, để rồi tạo dựng và xác lập hình hài của một nền văn hóa.

Tiến sĩ Phạm Văn Tình - Viện Ngôn ngữ học: Chỉ là một món ăn, lạm dụng quá sẽ hỏng

Thời đại của công nghệ mạng đã hình thành một lớp ngôn ngữ mới trong giới trẻ. Hiện tượng này tương đối phổ biến, từ những giao tiếp thông thường cách dùng ký tự, cách nói, cách viết. Có nhiều ý kiến cho rằng, phải triệt tiêu những ngôn ngữ này vì nó ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng theo tôi, việc dùng ngôn ngữ mạng đang là một xu hướng có thật, vấn đề là chúng ta chấp nhận nó đến đâu.

Thực ra, nó là ngôn ngữ của một cộng đồng mạng quy ước với nhau, cũng giống như hiện tượng tiếng lóng được dùng trong cuộc sống, nó đang tồn tại và sẽ tồn tại, là dòng ngôn ngữ ký sinh có hệ thống ký hiệu riêng như viết tắt, viết bỏ chữ. Với tôi, đó là hiện tượng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nó chỉ phù hợp với một số bối cảnh giao tiếp nào đó trong cộng đồng mạng hoặc giữa hai người với nhau, chứ không thể đưa thứ ngôn ngữ đó vào những văn bản hành chính trang trọng.

Nhiều ý kiến lo ngại trước cơn bão @ trong ngôn ngữ.  

Hiện nay, đang có một trào lưu quá đà của giới trẻ khi họ dùng ngôn ngữ này ở khắp mọi nơi, như là một cách thể hiện mình, mà quên đi những sự phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt. Sự sa đà này dẫn đến hiện tượng nô lệ cho những ham thích của mình là không thể.

Vậy giới hạn nào cho việc dùng ngôn ngữ mạng, khi chúng ta không thể cản được nó. Giới trẻ chỉ nên coi nó là gia vị trong một món ăn mà thôi, chứ nó không thể là món chính, coi trọng nó quá, lạm dụng nó quá sẽ làm hỏng món ăn.

Tôi nghĩ, nó chỉ là một phần trong giao tiếp của giới trẻ, là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ. Nó không làm nghèo tiếng Việt đi, mà ở một góc nào đó, nó còn làm phong phú thêm cho tiếng Việt. Nó có những giá trị tích cực của nó. Nhưng các bạn trẻ hãy luôn nhớ rằng, chúng ta lớn lên bằng những điều căn bản trong cuộc sống, và ngôn ngữ cũng vậy, chúng ta lớn lên từ tiếng mẹ đẻ thuần khiết, từ ngôn ngữ đời sống phong phú được hình thành từ ngàn đời nay. Không thể vì những trào lưu xô bồ, a dua mà chúng ta quên đi thứ tiếng Việt trong sáng, giàu có của mình. Bởi như thế cũng là cách chúng ta quên gốc rễ, căn cốt của mình.

Thạc sĩ Mai Anh Tuấn - giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Đang có một trào lưu "teen hóa" trong ngôn ngữ

Không phải bây giờ mà chừng chục năm lại đây, sự thay đổi trong ngôn ngữ của giới trẻ đã đặt những người có nhiều thời gian tiếp xúc với họ, nhất là thầy cô giáo, vào tình thế phải có câu trả lời hoặc thái độ lựa chọn rằng, chấp nhận hay cương quyết phản đối sự thay đổi đó. Rõ ràng, tiếng Việt hôm nay phải đương đầu và đau đầu, bởi những thế hệ có sở thích và ý muốn tạo tiếng nói rất riêng, mà vì/nhờ nó, họ khẳng định cá tính, phẩm chất của mình.

Tôi không chủ trương những ngăn cấm, cảnh báo có tính chất cơ học, mà rất muốn, trong những thương thảo ngôn ngữ - văn hóa, sẽ coi việc ngôn ngữ không ngừng sản sinh là tự nó và vì vậy, nên cập nhật, bổ sung những thành tố khả dụng, đem lại sự lành mạnh, khỏe khoắn cho đời sống văn hóa và con người. Trước khi có thể nói lớp ngôn ngữ đó có khả năng làm giàu, đẹp tiếng Việt hay không thì thiết nghĩ, ta cũng nên thừa nhận rằng, những tiêu chí làm nên giàu - đẹp của tiếng Việt không thể đứng yên một chỗ.

Mỗi thế hệ đều có cơ hội làm nên một vùng chữ, vùng tiếng trong lớp lớp ngôn từ của dân tộc, nơi quá khứ và hiện tại gối tiếp lên nhau. Giữ gìn quốc âm trong sáng không chỉ đồng nghĩa việc duy trì "cơ chế một cửa" là chỉ tiếp nhận cái đã ổn định, mặc định, mà còn phải "giao lưu, học hỏi" với cái đang hình thành, cái thời thượng. Và sự giàu đẹp trong tiếng Việt vừa đến từ nỗ lực của tất thảy mọi người, vừa đôi khi đến từ cái "sơ ý" của thời đại, của từng thế hệ.

Tuy nhiên, có một trào lưu dùng ngôn ngữ teen, ngôn ngữ mạng trong mức độ cực đại của nó, xa lạ và mới đến mức đã có hẳn công cụ phiên âm dịch nghĩa "tiếng Việt sang tiếng Việt". Chính bản thân tôi đã yêu cầu sinh viên phải nhắn tin, viết mail "đúng ngữ pháp, chính tả" nhưng rất nhiều khi văn bản có được lại đầy rẫy những kí tự, con số, dấu, tiếng lóng, tiếng nước ngoài… khiến mình trở thành "kẻ xa lạ" trong chính tiếng Việt!

Thực tế đang có sự "teen hóa ngôn ngữ" trong nhiều giới, nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau? Vậy thì vấn đề ở chỗ là không nên/thể bài trừ mà nên tìm cách ứng tác, chọn lọc, tái sử dụng một cách phù hợp. Với tư cách là giáo viên, cá nhân tôi không chấp nhận lối viết sai chính tả, phi thẩm mĩ, nhưng vẫn cởi mở chào đón những cách diễn đạt đem lại cái mới, sáng tạo cái riêng trong lối viết. Muốn vậy, vẫn phải thu nạp, xử lí  nhiều lớp ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả ngôn ngữ teen.

Điều tôi cảm thấy thú vị sau mỗi lần trải nghiệm như thế là nhận ra nơi trú ngụ cuối cùng của đời người có thể chỉ là ngôn ngữ mà thôi.

Nhóm PV
.
.
.