Giữ bình yên cho biên giới Lộc Ninh

Thứ Tư, 26/08/2020, 07:40
Huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, có đường biên giới dài trên 100km tiếp giáp với 3 tỉnh của Campuchia; lại có cửa khẩu quốc tế Hoa Lư nối liền tuyến vận tải hành khách từ TP HCM đi qua tỉnh Chăm Pa Sắc của Lào và điểm cuối là Thái Lan.


Ngoài ra còn có nhiều đường mòn lối mở nên người dân ở biên giới hai nước qua lại để đổi hàng hóa… Để đảm bảo an ninh trật tự cho địa bàn này, những năm qua, Công an huyện Lộc Ninh xây dựng nhiều mô hình tự quản phòng chống tội phạm ở tất cả các thôn, bản, đảm bảo an ninh trật tự trên toàn tuyến biên giới.

1- Cơn mưa rừng sầm sập trút xuống biến đoạn đường Quốc lộ 13 (ngang thị trấn Lộc Ninh) thành con kênh thoát nước. Dù mưa lũ nhưng các tổ công tác phối hợp giữa Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế, Cảnh sát giao thông vẫn lên đường tuần tra. 

Thấy tôi định nhảy lên phía sau xe của một trinh sát hình sự, Thượng tá Nguyễn Văn Khiêm - Phó trưởng Công an huyện, kéo tôi lại rồi bảo: "Mưa lớn, đường rừng trơn trượt, lại thường sạt lở nguy hiểm lắm. Đi tuần phải mỗi người một xe cho nhẹ để có thể vượt qua được những đoạn nhiều bùn đất …".

Huyện Lộc Ninh có 119.000 dân với 31 dân tộc, trong đó có hai dân tộc bản địa là S'Tiêng, Khơ me và 29 dân tộc khác từ các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung chuyển vào cùng sinh sống, canh tác trên diện tích 86.297 ha. Dân cư ít nhưng địa bàn rộng, lại là huyện biên giới nên những năm qua, Ban chỉ huy Công an huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn cho các đội nghiệp vụ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát.

Trong câu chuyện với tôi, Thượng tá Khiêm bảo rằng là vùng biên nên nhiều khi các đối tượng trộm cắp được tài sản là mang luôn sang bên kia biên giới bán, vì thế việc điều tra mất nhiều công sức. Cuối tháng 4-2020, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự phát hiện một đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe máy lén lút hoạt động. 

Sau hơn một tuần thu thập chứng cứ, rạng sáng ngày 5-5-2020, trinh sát ập vào một căn nhà ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn kiểm tra hành chính. Căn nhà do Nguyễn Văn Quí, sinh năm 1999 làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, trinh sát phát hiện Quí đang cất giấu 2 mô tơ điện còn mới nhưng đối tượng không chứng minh được nguồn gốc. 

Qua đấu tranh, Quí khai nhận đã móc nối với Phạm Chí Đệ, sinh năm 1999, ngụ cùng xã, Trịnh Duy Nhân, sinh năm 2001 tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương nhiều lần đặt mua tài sản của các đối tượng trộm cắp mang sang Campuchia bán kiếm lời. Riêng hai chiếc mô tơ điện đang cất giấu trong nhà, do "đối tác" ở bên kia biên giới hối thúc quá nên cả hai đã mò đến trại heo Lộc Tấn 9 lấy trộm và đang trong quá trình đóng gói chuẩn bị mang đi giao thì bị bắt.

Ngoài các đối tượng trộm cắp, vài năm gần đây, các đối tượng buôn bán ma túy cũng tìm về địa bàn này hoạt động, lôi kéo thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số vào con đường nghiện hút để bán ma túy kiếm lời. Chỉ trong thời gian từ đầu năm 2019 đến nay, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã khám phá 53 vụ với 111 đối tượng, thu giữ 16.138,1155 gam ma túy tổng hợp dạng đá, 38,5415 gam heroin, 1.734,6 gam cần sa.

Mô hình Tổ tự quản phòng chống tội phạm được Công an huyện Lộc Ninh nhân rộng đến từng thôn, ấp đang hoạt động đạt hiệu quả cao.

Cũng như nhiều địa phương khác, vài năm gần đây, ở vùng biên giới này cũng xuất hiện tình trạng các băng nhóm chuyên cho vay kiểu "tín dụng đen" tìm về hoạt động. Vì vay "tín dụng đen" mà nhiều gia đình rơi vào tình trạng nợ chồng chất khó có khả năng chi trả, đặc biệt một số hộ gia đình người dân tộc thiểu số do nhẹ dạ cả tin, nghe dụ dỗ đã vay tiền để mua sắm vật dụng và đến khi rơi vào cảnh khánh kiệt thì gán cả nương rẫy để trả nợ rồi dắt díu nhau đi làm thuê trên chính nương rẫy của mình. 

Để cắt những chiếc vòi bạch tuộc này, sau thời gian củng cố chứng cứ, nắm bắt quy luật hoạt động, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Phước bắt quả tang Phạm Văn Tú, sinh năm 1979 tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai (tạm trú huyện Lộc Ninh) đang tiến hành hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn xã Lộc Hiệp. Tại thời điểm trên, các trinh sát thu giữ tiền và nhiều sổ sách giấy tờ ghi danh sách những người vay tiền và số tiền cả vốn lẫn lãi cần thu của mỗi con nợ trong ngày. 

Theo lời khai của Tú, tháng 4-2018, Tú cùng Nguyễn Văn Cảnh đến thuê nhà trọ rồi thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi tại các huyện Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Bình Long và đặc biệt địa bàn có nhiều người vay nhất là huyện Lộc Ninh. Số tiền cho vay dao động từ 3.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng được trả góp theo hai loại thời hạn 31 và 42 ngày, nếu trả trong thời gian 31 ngày thì lãi suất được tính là 23,23%/tháng và 42 ngày là 18,57%/tháng.

Tiếp đó, tháng 4-2019, xác định các đối tượng Phạn Tiến Hiệp, sinh năm 1991 và Phan Văn Hoàng, sinh năm 1989, cùng ngụ huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông đang hoạt động cho vay nặng lãi trên địa bàn nên các trinh sát hình sự Công an huyện Lộc Ninh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Phước tổ chức phương án triệt phá.

Tại cơ quan Công an, Hoàng khai nhận trước đây từng hoạt động "tín dụng đen" ở tỉnh Đắk Nông. Đầu tháng 9-2018 do Công an tỉnh này tập trung đánh mạnh nên Hoàng đã tìm xuống các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành và thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước hoạt động.  

Khi xuống vùng này, Hoàng mang theo hàng loạt danh thiếp và tờ rơi ghi nội dung: "Cho vay trả góp không cần thế chấp" mang đi dán, phát tận hang cùng ngõ hẻm để quảng cáo. Nếu khách gọi điện thoại liên hệ, Hoàng trực tiếp tìm đến tận nhà để nhận định khả năng chi trả để cho vay, thấp nhất là 2.000.000 đồng và cao nhất là 20.000.000 đồng. 

Người vay sẽ tùy chọn cách trả góp theo 3 phương thức 24 ngày, 31 ngày và 41 ngày với lãi suất dao động từ 20-25%/tháng. Tại thời điểm bị bắt, có hàng trăm người vay với số tiền 1.580.000.000 đồng và lãi suất trong tháng cuối cùng phát sinh từ số tiền vốn này là 204.208.000 đồng.

Một số đối tượng trộm cắp và tiêu thụ xe gian bị Công an huyện Lộc Ninh bắt giữ.

2- Thượng tá Nguyễn Văn Khiêm cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến hết tháng 6-2020, Công an huyện Lộc Ninh đã triệt phá 157 vụ án các loại và 104 vụ vi phạm khác.

Để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng chống tội phạm, Ban chỉ huy Công an huyện đã giao cho các Đội nghiệp vụ luân phiên cử cán bộ xuống tận thôn xóm tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống của từng dân tộc, hoàn cảnh kinh tế xã hội và nhất là tâm tư nguyện vọng của từng hộ dân để từ đó xây dựng phương án tuyên truyền sát với thực tế, ngắn gọn, dễ hiểu. 

Cán bộ chiến sỹ còn phải trực tiếp cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với dân để tuyên truyền pháp luật và khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhẹ nhàng chỉ bảo, hướng dẫn trong từng tình huống cụ thể xảy ra trong cuộc sống. 

Công an xã được được chỉ đạo giải quyết nhanh gọn thủ tục hành chính, hướng dẫn người dân cách viết đơn, sơ yếu lí lịch cho con em xin việc làm, nếu trường hợp nào không biết chữ thì cán bộ viết giúp, qua đó từng bước làm cho người dân hiểu được mỗi cá nhân, hộ gia đình là một thành tố quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự.

Với cách làm này Công an huyện Lộc Ninh đã xây dựng được nhiều mô hình phòng chống tội phạm do chính người dân vừa trực tiếp điều hành, vừa trực tiếp đi tuần tra bảo đảm an ninh trật tự hàng đêm như "Tiếng kẻng an ninh trật tự", "Ánh sáng an ninh trật tự", "Xóm đạo bình yên", "Xứ đạo bình yên"…, nhưng có lẽ mô hình "Tổ tự quản phòng chống tội phạm" đạt hiệu quả nhất. 

Để mô hình này hoạt động, sau khi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ năng phát hiện tội phạm hoặc những trường hợp có dấu hiệu phạm tội, cách xử lý tình huống ban đầu trước khi bàn giao cho Công an xã, huyện tiếp tục xử lý thì giao cho trưởng, phó thôn tổ chức hoạt động, mọi người dân đều có thể tham gia và được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tổ.

Kể từ khi mô hình này đi vào hoạt động, mỗi tháng cung cấp cho các đơn vị nghiệp vụ hàng trăm tin tố giác tội phạm, giúp Công an huyện kéo giảm các vụ phạm pháp hình sự, ma túy, buôn lậu. Đặc biệt trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh COVID-19, còn sát cánh cùng cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các đường mòn, lối mở, kịp thời ngăn chặn những trường hợp xuất nhập cảnh trái phép…

Đức Cương
.
.
.