Giữ bình yên ở "đất nước hạnh phúc nhất thế giới"

Thứ Hai, 25/07/2016, 16:00
Bhutan là một quốc gia nằm kín trong lục địa tại Nam Á giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Toàn bộ nước này đều là đồi núi, ngoại trừ một dải đồng bằng cận nhiệt đới nhỏ ở vũng viễn nam bị phân cắt bởi các thung lũng được gọi là Duars. Với dân số gần 800.000 người cùng chính sách phát triển, nỗ lực của chính phủ và người dân, Bhutan được đánh giá là một trong những đất nước yên bình nhất thế giới. Đóng góp trong thành công này có vai trò lớn của lực lượng cảnh sát Bhutan.


Cảnh sát Bhutan (BRP)  được thành lập ngày 1- 9 - 1965 với quân số ban đầu chỉ là 555 người và trực thuộc Bộ Quốc phòng, hoạt động và tổ chức hoàn toàn theo mô hình quân đội.

Sau này, theo Luật Cảnh sát năm 1980, PRP hoạt động độc lập và cơ cấu trực thuộc Bộ Nội vụ. Tới năm 2009, Luật Cảnh sát mới quy định Cảnh sát Bhutan chịu trách nhiệm bao gồm cả công tác quản lý hệ thống trại giam toàn quốc. Cảnh sát Bhutan không quản lý công tác xuất nhập cảnh và đảm bảo an ninh biên giới mà nhiệm vụ này sẽ do Cục Xuất nhập cảnh và an ninh biên giới đảm nhiệm.

Tổng hành dinh tại thủ đô Thimphu là nơi làm việc của Bộ Chỉ huy và các Cục nghiệp vụ (Cục Phòng chống tội phạm, Cục Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát đặc nhiệm, Cục Quản trị và tài chính, Cục Cảnh sát quản lý trại giam).

Cảnh sát giao thông Bhutan.

Tại các địa phương có cảnh sát vùng rồi đến đồn cảnh sát và cuối cùng là các chốt cảnh sát. Các đơn vị cảnh sát địa phương còn có chức năng đảm bảo trật tự an toàn giao thông và quản lý hành chính về an ninh trật tự. Các sỹ quan cảnh sát đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, được đào tạo bài bản và hoạt động rất chính quy, theo mô hình tổ chức và các chính sách cảnh sát hiện đại mà các nước tiên tiến đang áp dụng phù hợp với tình hình thực tiễn của Bhutan.

Nghề cảnh sát được xã hội coi trọng cả về mặt hình thức và chế độ đãi ngộ. Các sỹ quan cảnh sát coi nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm bản thân đối với đất nước và nhân dân. BRP được trang bị khá hiện đại từ thiết bị liên lạc, phương tiện, vũ khí… và sự hợp tác tích cực với cảnh sát các nước trong khu vực cũng như quốc tế.

Bộ luật Hình sự mới nhất của Bhutan được thông qua áp dụng vào năm 2009 không quy định án tử hình. Hành vi phạm tội được chia làm 4 loại và có các mức hình phạt khác nhau: Tội phạm rất nghiêm trọng có hình phạt tù từ 1 - 3 năm, tội phạm nghiêm trọng có hình phạt tù từ 1 tháng - 1 năm, tội phạm ít nghiêm trọng thì áp dụng hình phạt tiền, riêng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chia làm 04 cấp độ (cấp độ 1: Phạt tù từ 15 năm đến chung thân, cấp độ 2: Phạt tù từ 9 - 15 năm, cấp độ 3: Phạt tù từ 5 - 9 năm, cấp độ 4: Phạt tù từ 3 - 5 năm).

Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới nơi nền Phật giáo Kim cương thừa vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Quốc giáo của đất nước này là Truyền thừa Phật giáo Đại thừa - Kim cương thừa Drukpa. Đại đa số người dân đều sống theo triết lý từ bi hỷ xả của đạo Phật và có ý thức chấp hành pháp luật tốt.

Bhutan là quốc gia có tỷ lệ phạm tội rất thấp. Các vụ phạm tội chủ yếu là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc ở mức nghiêm trọng. Tội phạm liên quan đến bạo lực rất ít khi xảy ra. Tỷ lệ tội phạm giết người chỉ ở mức 2,78 vụ/100.000 dân/năm.

Cảnh sát Bhutan thực hiện tốt công tác trấn áp, xử lý nhưng chú trọng hơn công tác phòng ngừa tội phạm thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, kết hợp tốt phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội thông qua các biện pháp đa dạng, phong phú và sáng tạo.

BRP hướng tới việc nâng cao hiểu biết về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật, đoàn kết và chủ động phòng chống tội phạm cho người dân. Ở đây, cảnh sát luôn nhận được sự cộng tác và giúp đỡ nhiệt tình của người dân, các cơ quan, tổ chức trong khi thực thi công vụ.

Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Các thông tin do nhân dân cung cấp đều rất chất lượng, giúp cảnh sát làm tốt công tác phòng ngừa từ đầu, không để các vụ việc phức tạp nảy sinh. Đồng thời, cảnh sát các cấp cũng luôn sâu sát nắm tình hình, cùng gắn bó, chia sẻ với nhân dân để tạo sự gần gũi, mối quan hệ mật thiết và sẵn sàng giúp đỡ, ủng hộ các yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Cảnh sát Bhutan duy trì một số đường dây nóng hoạt động trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin liên quan đến an ninh trật tự từ người dân (Báo tin về trật tự an toàn giao thông gọi 111, báo cháy gọi 110, báo tin về tội phạm gọi 113).

Ngoài ra, Cảnh sát Bhutan còn có một website rất chuyên nghiệp, cung cấp các thông tin và sự hỗ trợ cần thiết của cảnh sát cho người dân và các cơ quan, tổ chức có điều kiện thuận lợi nhất trong việc cung cấp thông tin, nhận sự trợ giúp, minh bạch hóa các thủ tục hành chính…

Tất cả các tin báo của người dân đều được tiếp nhận và trả lời rõ ràng. Nếu yêu cầu đó không thuộc phạm vi xử lý của cảnh sát, người dân sẽ được hướng dẫn chuyển đến các cơ quan chức năng phù hợp.

Mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh của Bhutan hiện nay chính là tội phạm khủng bố với nguy cơ từ các nhóm khủng bố quốc tế đến từ Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và các nước Hồi giáo tại khu vực Trung Đông đang tìm cách gây dựng cơ sở và hoạt động chống phá ở quốc gia này.

Tiếp theo là tình trạng buôn bán phụ nữ. Phụ nữ Bhutan thường bị các nhóm buôn người dụ dỗ, lừa đảo để bán ra nước ngoài làm gái mại dâm hoặc làm việc trong các công xưởng lớn. Trong thời gian qua, cảnh sát Bhutan đã tập trung nhiều biện pháp để giải quyết hai tồn tại lớn này.

Nhiều chiến dịch lớn có sự phối hợp tham gia của cả quân đội đã được tiến hành, triệt phá nhiều cơ sở của bọn khủng bố đặt trên đất Bhutan, tiêu diệt nhiều đối tượng khủng bố người nước ngoài, triệt phá nhiều đường dây buôn bán phụ nữ ra nước ngoài…

Chính phủ và lãnh đạo lực lượng cảnh sát Bhutan coi công tác phòng chống tội phạm là một trong những ưu tiên hàng đầu để giữ ổn định và phát triển đất nước. Các kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng cảnh sát cũng như các biện pháp cải tiến công tác phòng chống tội phạm nhằm kéo giảm tình trạng phạm tội đang có xu hướng gia tăng trong vài năm gần đây đang được cảnh sát Bhutan tiến hành một cách quyết liệt và triệt để.

Mục tiêu là quyết tâm giữ gìn sự bình yên vốn có của đất nước được coi là "xứ sở yên bình" của khu vực Nam Á trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp về an ninh trật tự.

Nguyễn Đoàn
.
.
.