Giữ lấy cái Đình

Thứ Bảy, 26/04/2014, 16:56
Ra xuân, làng quê vào hội. Tiếng trống ngoài đình như thúc giục bước chân người đổ cả về đình. Cửa đình mở rộng, đèn nến sáng trưng, hương thơm ngào ngạt trong lất phất mưa phùn. Các cụ mũ cao áo dài tế lễ, chiếc kiệu sơn son thếp vàng với hai chú ngựa bạch lộng lẫy trang nghiêm, khói hương nghi ngút. Khi ấy, ông tôi cũng bận áo the khăn xếp, nghiêm trang chắp tay trước bàn thờ uy nghi trầm mặc, còn tôi thì rón rén, nem nép đứng vào góc chờ ông. Tôi cảm nhận thấy không khí linh thiêng bao trùm cả chính điện và chốn hậu cung qua ánh mắt thành kính của ông nội.

Đi trong màn mưa bụi xứ Bắc những ngày này, không hiểu sao tôi cứ lẩn thẩn nghĩ mãi về cái đình làng. Và tin, có làng là có đình. Đọc trong sách, thì thấy ghi đình làng Việt Nam ra đời từ rất sớm. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, năm Nhâm Dần (1242), nhà Trần muốn cho thi hành chính sách cận dân và thân dân, nhà Vua và các quan lại triều đình thấy cần phải có nơi tiếp xúc với dân chúng. Trần Thủ Độ là người đứng ra thi hành công việc đó. Ông tổ chức mỗi làng thành một đơn vị hành chính nhỏ để tiện việc kiểm soát dân. Mỗi làng có quan của triều đình bổ nhiệm về cai trị, bởi vậy phải xây dựng công đường cho rộng rãi để các quan làm việc. Mỗi làng cho xây một ngôi đình. Đình phải lập ở bên các quan lộ và chia ra làm hai loại đình như sau: đoản đình (5 dặm đường mới có một cái) và trường đình (10 dặm đường mới có một cái). Tất cả xây theo hình vuông, nóc có bốn mái uốn cong, còn tường thì xây bằng gạch, có dân sở tại cắt cử đến phục dịch. Những khi có quan lại của triều đình về công tác tại địa phương hay khách vãng lai đều có thể lưu trú tại đình, có người đứng ra tiếp đón và trông nom chuyện ăn ngủ…

Ký ức tôi như đang được trở về làng của một tuổi thơ đã xa, khi mới đây thôi chạy xe qua mấy ngôi làng xứ Bắc. Mưa bụi giăng giăng. Lộc non nhú xanh những cành bàng. Hoa bưởi thơm ngào ngạt. Và kia, đình làng Mông Phụ đang có hồi trống thúc. Thấp thoáng, các cụ mũ cao áo dài. Đám trẻ con áo đỏ áo xanh vẫn thập thò đứng ngó. Lại nhớ mấy tuần trước thôi, còn hối hả về Hoài Đức (Hà Nội) khi hay tin đình Cựu Quán đã bị tháo gỡ để bán gỗ sưa. Báo giới vào cuộc, dư luận cũng ồn ĩ lên. Song, dù tới đây có xử lý theo cách nào thì cũng chẳng thể trả lại sự nguyên vẹn cho ngôi đình ấy. Còn có biết bao nhiêu ngôi đình khác đã lặng lẽ biến mất cùng với thời gian. Chợt thấy đắng lòng. Xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì dường như người ta càng lùi xa cái không gian sống của làng quê một thuở. Câu chuyện tháo dỡ mái đình để bán gỗ sưa ở đình Cựu Quán một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo để gìn giữ di sản làng Việt.

Đình làng Trà Cổ.

Đình là nơi thờ Thành Hoàng hoặc một danh nhân hay người có công với làng. Quy mô, kiến trúc của mỗi ngôi đình có thể khác nhau, nhưng các đình làng đều có sân đình rất lớn. Bởi, sân đình là nơi diễn ra các hoạt động cộng đồng của làng xã, là nơi tế lễ hội họp mỗi năm, là nơi phơi phóng các sản vật mùa màng... Với những người sinh ra và lớn lên ở làng, sân đình gắn với nhiều ký ức tuổi thơ để mãi sau này, khi đã đi xa khỏi làng, những hình ảnh ấy, những kí ức ấy chẳng thể phai mờ trong tâm trí.

Khắp nước mình, biết bao nhiêu ngôi đình nổi tiếng, như đình làng Đình Bảng (Bắc Ninh), Kim Long (Huế), thậm chí còn có cả ngôi đình được nhạc sĩ Nguyễn Cường "tức cảnh sinh tình" mà viết nên ca khúc "Mái đình làng biển" như đình làng Trà Cổ (Quảng Ninh). Xứ Đoài quê tôi nổi danh với câu nói: "Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài". Dân gian xứ Đoài cũng có câu: "Đẹp đình So, to đình Cấn". Tôi đã đến thăm những ngôi đình này, cả những ngôi đình khác nổi tiếng như đình Chu Quyến, đình Mông Phụ, đình làng Tây Đằng... Mỗi đình mỗi vẻ, đem lại niềm tự hào cho người dân cả làng, cả vùng đó. Tuy vậy, đình làng tôi vẫn là ngôi đình đằm sâu trong tâm trí tôi nhất. Bởi suốt tuổi thơ tôi đã gắn với sân đình này.

Những đêm trăng thanh gió mát, người làng tôi hay rủ nhau mang chiếu ra trải ở sân đình ngồi hóng gió. Bà tôi bảo, ngày trước, đình làng là nơi bàn chuyện “triều chính” của một hương thôn, làng xã. Thời ấy, đàn bà con gái như bà tôi chẳng bao giờ được bén mảng đến. Nhưng bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám, đình làng là nơi họp bàn những việc quan trọng của làng, cả làng được tham gia. Từ đó, đình làng trở thành không gian sinh hoạt chung của cả làng, đình trở nên gần gũi với đời sống của tất cả người dân trong làng. Đình cũng là nơi hội họp của hợp tác xã, của tổ sản xuất, là nơi tập trung nông sản thóc lúa ngô khoai rồi sau đó chia công chia điểm cho mỗi hộ gia đình. Trong chiến tranh chống Mỹ, sân đình là nơi nam phụ lão ấu tập trận, là nơi dân làng tiễn những tân binh lên đường vào Nam chiến đấu...

Vào ngày mùa, dân làng tôi hay mang thóc lúa đến sân đình phơi phóng. Cửa đình là chốn linh thiêng nên ai đến phơi cũng đều rất tự giác, không tranh giành chỗ phơi, không nói lời tục tĩu, phơi xong quét dọn sạch sẽ ngăn nắp và bảo vệ tài sản của đình. Lũ trẻ chúng tôi hay tranh thủ lúc được người lớn sai dọn thóc để đùa nghịch. Có khi bà, chị dọn hết thóc rồi mà tôi vẫn chưa phụ giúp được gì vì còn mải chơi. Sân đình được lát bằng gạch bát đỏ au luôn được quét dọn sạch sẽ. Hai bên sân có trồng hai cây ngọc lan to tướng. Chẳng biết hai cây này có từ bao giờ nhưng cứ độ hè sang là lại đơm hoa  thơm ngát. Hoa ngọc lan nở khẽ khàng lắm, chỉ khi thấy hương ngào ngạt, nhìn lên nụ hoa e ấp trong vòm lá như những ngón tay trắng ngà thì người ta mới biết cây đã ra hoa. Tôi hay lên sân đình hái trộm hoa về xắn vào trong tay áo để giữ mùi thơm nhưng bị bà ngăn cấm nên chẳng dám hái nữa sợ bị tội. Phía sau đình có một cái bể lớn chứa đầy nước mưa mát lạnh được hứng từ mái đình bởi những đoạn máng làm từ thân cây cau chẻ đôi. Lũ trẻ cũng như những người dân quanh xóm đến phơi thóc ở sân đình có thể đi theo lối nhỏ ven đình ra uống nước ở cái bể nước mưa ấy. Nơi đây luôn có sẵn một cái gáo dừa cán dài đã lên nước đen bóng để sẵn chờ đợi.

Hết mùa gặt hái, những gia đình có nghề phụ đem quạt giấy quạt lụa, đũa tre, hàng mây tre đan xuất khẩu đến phơi. Những lúc nông nhàn, sân đình rộng rãi phẳng phiu, trở thành "lãnh địa" riêng của đám trẻ chúng tôi. Mỗi nhóm chia nhau một khoảnh, bày đủ các trò. Nào thì chơi ô ăn quan, bắn bi, nhảy dây, đánh đáo, nhảy trồng nụ trồng hoa...

Thích nhất là những đêm rằm tháng tám, cả làng tụ họp về đây phá cỗ trông trăng. Người lớn thì ngồi quanh những chiếc chiếu, chờ trăng lên, to nhỏ tâm tình chuyện cấy hái mùa màng, chuyện làng, chuyện nhà. Còn bọn trẻ thì quên phắt niềm háo hức quả bưởi, quả hồng, bánh đa, bánh nướng, bánh dẻo, cũng chẳng biết trăng vượt lên đỉnh trời tự bao giờ, chỉ mải mê với cái trống ếch, với chiếc mặt nạ, với mũ công chúa, với những đầu lân, đầu rồng rộn rã tưng bừng. Vừa khoe đồ chơi chúng tôi vừa hát "Thùng thà thùng thình trống rộn ràng ngoài đình. Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh". Thi thoảng có tiếng kêu ré lên vì đứa nào đó bị bạn nghịch ác, mang súng phun nước bắn tắt chiếc đèn lồng. Cuộc vui cứ thế cho đến tận đêm khuya, khi trăng sáng vằng vặc khắp sân đình, khi sương thu xuống làm lành lạnh làn da, khi bọn trẻ có đứa ngủ gục trong lòng người lớn. 

Lễ rước ở đình làng.

Tan lễ, bao giờ cả làng cũng được thụ lộc. Nhưng vui hơn cả là thể nào cũng đến màn văn nghệ do chính những người làng biểu diễn. Tiếng hát có thể sai nhạc, tiếng loa có thể rè rè, thỉnh thoảng ré lên chói tai nhưng ai nấy đều hoan hô nhiệt tình. Lũ trẻ chúng tôi chạy chỗ nọ, ngó chỗ kia, í ới gọi nhau. Có đứa phát hiện ra anh chị nào tách ra khỏi hàng ghế khán giả, rủ nhau ra tâm sự ngoài gốc cây, bờ ruộng là cả lũ bấm nhau bám theo, trêu ghẹo đến nỗi anh chị ấy phát cáu lên mới thôi.

Bây giờ người làng đã có nhiều không gian vui chơi, giải trí khác, song, mỗi chiều cuối tuần, về qua sân đình, nhìn thấy lũ trẻ con chơi đùa ở đó, tôi lại nhớ tuổi thơ mình da diết. Còn may là đình làng mình vẫn còn đó. Song vẫn lo ngại một ngày nào đó không xa, nhỡ đâu… Khi đó mới thấm thía cái chân lý, lúc mà cây đa, giếng nước đã từ từ rời bỏ những ngôi làng Việt, thì đình chùa là “vật thiêng” cần phải được gìn giữ bằng những thiết chế văn hóa, cao hơn là luật pháp. Nhưng có lẽ quan trọng trước nhất, đó là sự quản lý có trách nhiệm của cộng đồng dân cư sống quanh ngôi đình đó. Tiếc thay, điều này đang ngày một bị xao nhãng khiến chúng ta vẫn phải chứng kiến sự xuống cấp, thậm chí huỷ hoại đình chùa bởi sự quản lý tắc trách và sự thiếu hiểu biết.

Nói chuyện về cái đình làng cũng chính là để nói chuyện về việc giữ gìn không gian sống của làng Việt. Đừng để làng biến mất. Cũng đừng làm làng quê méo mó biến dạng, phố không ra phố mà làng cũng chẳng còn làng. Hãy để mỗi cái cây ở làng Việt như những biểu tượng sống trường tồn nhiều thế hệ. Hãy để mỗi con người sống ở làng đều chất chứa những câu chuyện thấm đẫm hồn cốt làng quê.

Vâng, xin hãy giữ lấy cái đình. Bởi cái đình như cái nóc của làng vậy!

Nguyễn Thanh
.
.
.